Venezuela trong bẫy nợ của Trung Quốc (Bảo Anh)
Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) chuyên
về chính trị quốc tế hôm 6-6 nhận định các khoản vay nhuốm đầy mục đích
chính trị đã khiến Venezuela rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc với cả
núi nợ chồng chất không lối thoát mà Trung Quốc góp phần tạo nên.
Venezuela được xem là một phần trong
chiến lược mở rộng ảnh hưởng và săn tìm tài nguyên của Trung Quốc (TQ)
hiện nay khi đây là một trong những quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn
nhất thế giới. Tuy nhiên, với các chính sách nội tại và sức ỳ của những
khoản nợ vay mượn từ TQ, Venezuela ngày càng lún sâu vào vũng lầy bất
ổn. Theo ABC News, gần 70 người đã thiệt mạng trong hai tháng bất
ổn chính trị vừa qua ở Venezuela do chỉ số lạm phát lên đến ba con số,
thiếu lương thực và tội phạm tràn ngập.
Lún sâu vào vũng lầy nợ đọng
Chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas
Maduro đã phải vắt cạn túi tiền của tập đoàn dầu khí quốc doanh
Petroleos de Venezuela S.A. (PDVSA), vốn được coi là “cỗ máy in tiền”
lớn nhất của quốc gia Nam Mỹ giàu tài nguyên dầu này để thanh toán các
khoản nợ trước tình hình giá dầu ngày càng sụt giảm không phanh.
Nước này thậm chí không thể tu sửa nổi
các giàn khoan dầu hay trả lương cho công nhân. Trong khi đó, cách nửa
vòng Trái đất, hình ảnh những siêu thị sáng loáng của TQ đứng vênh mình
giữa dòng người tấp nập trái ngược hẳn với từng kệ hàng trống trải bên
trong các siêu thị ở Venezuela.
Một trong những nguyên do khiến việc
thanh toán nợ của Venezuela ngày càng bất khả dĩ là do sự sụt giảm quá
sâu của giá dầu. Theo Dawn News, thu nhập từ dầu mỏ của Venezuela
vào năm 2016 chỉ khoảng 77 triệu USD, giảm 4.200% so với con số 3.317
tỉ USD vào tháng 1-2010 khiến dự trữ ngoại hối của Venezuela liên tiếp
sụt giảm.
CNN cho biết dự trữ tiền tệ của
Venezuela đã sắp cạn kiệt, chỉ còn lại 10 tỉ USD, một số tiền dùng để
bình ổn nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn và khủng hoảng. Tuy nhiên,
điều tồi tệ hơn là phần lớn số tài sản này không phải là tiền mặt mà 7
tỉ USD trong đó là vàng thỏi khiến việc thanh toán trở nên khó khăn hơn.
Vấn đề này càng trở nên cấp bách khi Venezuela phải hoàn tất trả 6 tỉ USD trong năm 2017, thời điểm khoản nợ này đáo hạn. Theo Quartz, Venezuela hiện nợ nước ngoài khoảng 139 tỉ USD.
Bẫy nợ dầu - tiền từ Trung Quốc
Từ khi cố lãnh đạo Hugo Chavez, người
tiền nhiệm của ông Maduro, cầm quyền tại Venezuela vào năm 1999, TQ đã
nhận thấy nhà lãnh đạo mới này là một đồng minh lý tưởng và bắt đầu tăng
các khoản vay cho Caracas. Tới năm 2006, số nợ của chính quyền ông
Chavez đã tăng lên con số báo động đến mức cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế
giới (WB) Paul Wolfowitz lúc bấy giờ phải thốt lên rằng “những nước
hưởng lợi từ các khoản vay có nguy cơ ngày một nợ chồng thêm nợ”.
Theo Reuters, TQ thật sự bắt đầu
cho Venezuela vay các khoản tiền khổng lồ vào năm 2007 với 50 tỉ USD.
Sau chuyến thăm tới Bắc Kinh ngày 8-1-2015, Tổng thống Maduro nói rằng
ông đã đem về cho Venezuela thêm “khoản đầu tư” khác trị giá 20 tỉ USD.
Điều đáng suy ngẫm là những bước đi của Bắc Kinh trong quá khứ đã góp
phần vào quá trình tàn phá Venezuela, đặc biệt khi Chủ tịch TQ Tập Cận
Bình mong muốn mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của TQ thông qua “ngoại giao
tài chính”.
Kể từ năm 2007 tới 2014, TQ đã cho
Venezuela vay 63 tỉ USD, chiếm tới 53% tổng số tiền Bắc Kinh cho các
nước Mỹ Latinh vay trong cùng giai đoạn. Thật không rõ đây là sự hào
phóng của Bắc Kinh hay là một bẫy nợ đầy tính chiến lược. Khi giá dầu
dao động ở mức 100 USD/thùng, Bắc Kinh đồng ý cho Caracas vay hầu hết
khoản tiền và có thể trả nợ bằng… dầu, một thỏa thuận vừa có lợi cho
Venezuela thừa dầu vừa có lợi cho TQ đang khát dầu. Tuy nhiên, đến tháng
1-2016, khi giá dầu sụt giảm còn 30 USD/thùng, ai thiệt ai lợi cũng đã
rõ. Để trả nợ, số dầu mỗi ngày Venezuela xuất qua TQ tăng gấp đôi ban
đầu. Đến giờ TQ vẫn từ chối tái đàm phán các khoản nợ này mặc dù nền
kinh tế và ngành công nghiệp dầu của Venezuela đang chênh vênh bên bờ
vực.
Tờ Foreign Policy nhận định
Venezuela rơi vào vòng xoáy nợ không thấy lối thoát hiện nay một phần
không nhỏ vì có TQ làm “mạnh thường quân” sẵn sàng mở hầu bao cho vay,
khuyến khích các chính sách kinh tế thiếu tầm nhìn của chính phủ
Caracas. Tình trạng suy sụp của Venezuela sẽ là một bài học nhãn tiền về
cái giá đắt đỏ cho những ai thiếu cẩn trọng trong việc tìm kiếm mạnh
thường quân như Bắc Kinh mà thực lực kinh tế quốc gia thì không có.
Trung Quốc có mất trắng?
Tuy nhiên, theo Foreign Policy,
nếu Venezuela sụp đổ và ông Maduro “dứt áo ra đi”, TQ cũng sẽ đối mặt
trước nguy cơ tổn hại về tài chính và ngoại giao. Giới chính trị đối lập
tại Venezuela nhận thức được TQ hiện là nước chống lưng cho chính quyền
ông Maduro. Do đó, một chính quyền mới nếu được lực lượng đối lập lập
nên có thể sẽ ra sức thay đổi các chính sách của tổng thống đương nhiệm
và thay vào đó sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ khiến TQ mất đi nguồn dầu
giá rẻ của mình hiện nay. “TQ chủ yếu lo ngại rằng nếu phe đối lập tại
Venezuela kiểm soát chính phủ, họ sẽ đối đầu với Bắc Kinh” - bà Margaret
Myers, Giám đốc tổ chức Đối thoại liên Mỹ tại Washington, nhận định.
Việc Venezuela vỡ nợ sẽ để lại hậu quả
không chỉ đối với bản thân nước này và TQ. Venezuela cùng một loạt quốc
gia Mỹ Latinh hiện cũng tham gia vào Sáng kiến vành đai và con đường
(BRI) của TQ. TQ cũng mong muốn nhân rộng loại hình hợp tác như nước này
đang thực hiện tại Venezuela ra nhiều quốc gia trải khắp các châu lục.
Trường hợp đòn bẩy kinh tế và đầu tư hạ tầng tại Venezuela thất bại sẽ
trở thành một tiền lệ xấu cho bộ hồ sơ “chào bán” hợp tác của TQ với các
nước khác.
Có thể thấy các dự án cho vay khủng
nhưng không đoái hoài đến cách sử dụng nguồn vốn và khả năng chi trả của
người mượn đang khiến chính sách “ngoại giao tài chính” của TQ thiếu
vững chắc, theo Foreign Policy. Nó sẽ dẫn tới căng thẳng và hoài
nghi lẫn nhau giữa người cho vay và kẻ đi mượn. Hơn nữa, nếu chiến lược
cho vay của TQ không được tiến hành một cách khôn khéo hơn, nước này sẽ
đối mặt với viễn cảnh không một quốc gia nào dám xin vay bất chấp món
hời nào mà Bắc Kinh đề nghị.
Foreign Policy nhận định TQ cung
cấp các khoản vay không cho thấy tầm nhìn xa trông rộng về một trật tự
toàn cầu tốt hơn như nước này tuyên bố. Thay vào đó, đây dường như là
một chiến lược để giữ các công ty đang chồng chất nợ của nước này tiếp
tục tồn tại vật vờ, đồng thời mở đường để lao động dư thừa của nước này
có chỗ làm việc.
Trung Quốc tư lợi
Foreign Policy bình luận TQ nổi tiếng cho vay mà
không cần ràng buộc hay lo ngại về các vấn đề phi tài chính. Và cũng
không nghi ngờ khi TQ chẳng quan tâm mấy tới các vấn đề như bảo vệ môi
trường và minh bạch sử dụng vốn trong hợp tác. Tuy nhiên, đối với lợi
ích của riêng mình, TQ luôn tập trung quá độ đến mức không thỏa hiệp.
Theo Financial Times, giới phân tích từng so sánh
BRI của TQ với kế hoạch Marshall của Mỹ, một kế hoạch trọng yếu nhằm tái
thiết các quốc gia Tây Âu sau Thế chiến II. Trái lại với những gì
Washington từng làm, các hợp đồng của Bắc Kinh lại tiềm ẩn mối nguy hại
và mang tính vị kỷ. Các dự án BRI thường không đề nghị các khoản vay ưu
đãi mà thay vào đó là các khoản vay khổng lồ với lãi suất “theo giá thị
trường”, có thể dễ dàng phình to chóng mặt. Các quốc gia vay tiền TQ sau
đó còn buộc phải sử dụng các công ty, sản phẩm và nhân công của TQ để
xây dựng các đường sắt và cảng biển.
PLO