Phạt vì… làm đẹp bãi biển! (Phương Nam)

Dư luận bất bình và không hiểu vì sao thị xã La Gi lại đeo bám, xử phạt quyết liệt vụ việc này nhằm đạt mục đích gì. Trong khi cái cần nhất là phát động mọi người có ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh bờ biển, đừng xả rác thì những quyết định xử phạt kiểu này như một con sóng lớn cuốn phăng đi tất cả.

 
Câu chuyện UBND thị xã La Gi, Bình Thuận phạt người lái xe cào cát lấp vũng nước tù đọng để làm đẹp bãi biển khiến dư luận mấy hôm nay như dậy sóng. 

Đặc biệt, những người hiểu về lĩnh vực xây dựng không khỏi cười ngặt nghẽo khi đọc thấy cái lý do đồng thời là căn cứ để xử phạt: Khai thác khoáng sản (là cát biển) làm vật liệu xây dựng!

Chuyện bắt đầu từ việc chủ Khu du lịch Coco Beachcamp thấy bãi biển sát khu du lịch của mình bị xói lở, tạo vũng nước tù đọng mất vệ sinh nên thuê người lấp nó đi. Ông Nguyễn Văn Trường, người được thuê, mang xe múc tới cào cát để lấp vũng nước tù đọng này thì bị UBND thị xã La Gi lập biên bản, yêu cầu giữ nguyên hiện trường. Hai ngày sau, UBND thị xã La Gi ra quyết định xử phạt ông 35 triệu đồng về hành vi khai thác khoáng sản trái phép làm vật liệu xây dựng…, theo điểm d khoản 1 Điều 37 Nghị định 142/2013.

Từ cổ chí kim ai cũng biết cát biển mặn không thể làm vật liệu xây dựng được, thậm chí cũng không ai dùng để bồi nền vì sẽ ảnh hưởng các kết cấu khác. Thế nhưng bất chấp cái kiến thức tối thiểu này, người ta vẫn ra quyết định xử phạt mang tính áp đặt, phi logic và dễ gây (chê) cười như vậy.

Về mặt pháp luật, để phạt hành vi khai thác khoáng sản (cát biển) làm vật liệu xây dựng thì UBND thị xã La Gi phải chứng minh ông Trường có hành vi khai thác cát để làm vật liệu xây dựng. Ở đây ông Trường không khai thác gì cả, ông chỉ cào cát lại để lấp vũng nước, làm đẹp bãi biển theo yêu cầu của chủ khu du lịch. Lời trình bày này của ông phù hợp với chứng cứ khác, đó là lời trình bày của ông chủ khu du lịch và cả thực tiễn là cái vũng nước đọng trông rất mất mỹ quan còn nằm chình ình giữa bãi biển này.

Vậy thì hà cớ gì mà người ta vẫn xử phạt trái pháp luật như vậy?

Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh và UBND tỉnh Bình Thuận lên tiếng, những tưởng địa phương này sẽ thu hồi quyết định xử phạt để sửa sai, nào ngờ người ta vẫn “bảo lưu quan điểm” khi hạ mức xử phạt từ 35 triệu xuống còn 8 triệu đồng. Tréo ngoe hơn nữa, một mặt UBND thị xã La Gi vẫn xử phạt, mặt khác địa phương này lại cho chủ khu du lịch tiếp tục việc lấp cái vũng nước đọng.

Ô hay, đã cho lấp vũng nước đọng nghĩa là thừa nhận hành vi của ông Trường chỉ là cào cát lấp vũng nước chứ không hề khai thác cát để xây dựng gì cả, thế thì còn phạt cái nỗi gì nữa! Hay là đằng sau cái sự phạt này là một hàm ý cao siêu nào đó chăng?!

Ông Mai Văn Tam, nguyên Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, cho rằng cần phải khen thưởng chủ Khu du lịch Coco Beachcamp vì đã ý thức bảo vệ bền vững bãi biển. Rồi trong công văn gửi địa phương, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã gợi ý: “Nếu thật sự là hành vi múc cát để lấp lại vũng nước tù đọng gây mất mỹ quan, ô nhiễm và khắc phục một số sự cố do triều cường gây ra (như nội dung báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh) thì hướng dẫn người có liên quan thực hiện theo đúng quy định. Đồng thời cần động viên, khuyến khích để nhân rộng gương điển hình”.

Ấy thế nhưng UBND thị xã La Gi, Bình Thuận sau đó đã động viên, khuyến khích hành động đẹp (tuy có thiếu sót là chưa xin phép) này bằng cái quyết định xử phạt sai luật, phi lý và mang tính cố chấp đến không thể nào hiểu được.

Dư luận bất bình và không hiểu vì sao thị xã La Gi lại đeo bám, xử phạt quyết liệt vụ việc này nhằm đạt mục đích gì. Trong khi cái cần nhất là phát động mọi người có ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh bờ biển, đừng xả rác thì những quyết định xử phạt kiểu này như một con sóng lớn cuốn phăng đi tất cả.

PLO