Ông Nguyễn Thiện Nhân: 'Sẽ tiếp tục xem xét vụ PVN' (BBC)

"Ông Nguyễn Thiện Nhân là một nhà khoa học, nhưng với tư cách một chính khách thì ông chưa để lại một dấu ấn gì, kể từ khi ông ra ngoài này (Hà Nội) làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, rồi đến làm Phó Thủ tướng, bởi vì ông không phải là con người hành động," ông Trần Tiến Đức nói với BBC.

 
Tân Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân, phát biểu trong một cuộc tiếp xúc với cử tri ở tỉnh Trà Vinh, miền Nam Việt Nam, rằng trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sai phạm ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ tiếp tục được xem xét, theo truyền thông trong nước.
"Trả lời chất vấn liên quan đến 12 dự án trị giá hàng chục nghìn tỷ nhưng sản xuất kém hiệu quả hoặc không thể triển khai, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết các sai phạm này đang được xem xét, điều tra nhằm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trực tiếp gây ra thất thoát, lãng phí," trang tin điện tử Zing hôm 12/5 cho hay.

"Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Trung ương sẽ thực hiện nghiêm túc vấn đề này. Đối với những sai phạm ở Tập đoàn Dầu khí (PVN), ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho hay những người đứng đầu thời kỳ đó đều bị kỷ luật về mặt Đảng. Cơ quan chức năng tiếp tục xem xét trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân gây ra những sai phạm;" và báo Zing tường trình thêm: 

"Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết vừa qua, báo chí đưa tin 12 dự án lớn của ngành công nghiệp triển khai kém hiệu quả hoặc không triển khai được, gây lãng phí, thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng. Các cơ quan của TƯ đang giải quyết và sẽ xử lý từng trường hợp, trong đó có trách nhiệm của người trong cuộc", ông Nguyễn Thiện Nhân được dẫn lời nói.

'Mong bà con tiếp tục tin tưởng'

Cũng hôm 12/5, đưa tin về phát biểu của tân Bí thư Thành ủy TPHCM với cử tri Trà Vinh về tình trạng lãng phí, tham nhũng, báo Pháp luật TPHCM viết: 

"12 dự án lớn của ngành công thương mà thời gian vừa qua dư luận, báo chí đã phản ánh triển khai kém hiệu quả, lãng phí hàng chục ngàn tỉ đồng, hiện thanh tra, công an đang xử lý từng trường hợp, truy trách nhiệm và có hướng xử lý các dự án, nhà máy này."
"Ở đây vừa có phương án xử lý hậu quả, vừa xử lý trách nhiệm."

"Còn với sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, những lãnh đạo trong thời kỳ để xảy ra sai phạm đã bị xử lý trách nhiệm về mặt Đảng, trách nhiệm tài chính sẽ xem xét tiếp. Mong bà con tiếp tục tin tưởng về hướng xử lý của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề này."

Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, sinh năm 1953, người vừa thay thế ông Đinh La Thăng trên cương vị lãnh đạo Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh, từng được đào tạo ở một số nước phương Tây trong đó có Đức và Hoa Kỳ.

Chính khách năm nay 64 tuổi từng là Phó Thủ tướng Chính phủ, trước đó là Bộ trưởng Giáo dục, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh bên cạnh nhiều cương vị khác.

Ông hiện là thành viên thuộc đoàn đại biểu Quốc hội Trà Vinh, nơi cũng là quê của ông.

Tuy nhiên, có ký kiến cho rằng từ khi được điều chuyển ra Hà Nội và nắm các cương vị quan trọng, ông không thực sự để lại dấu ấn gì nhiều.

Hôm 11/5, tại Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ về Hội nghị TƯ5 vừa bế mạc và các câu hỏi, hệ lụy tiếp theo, nhà báo độc lập Trần Tiến Đức, nhà bình luận và quan sát chính trị nội bộ và xã hội dân sự ở Việt Nam bình luận về việc ông Nhân thay thế ông Thăng:

"Những nhân vật trẻ được thay bằng nhân vật già, ở Việt Nam chuyện đó cũng không phải là hiếm. Bởi vì người ta xét theo những tiêu chí lựa chọn cán bộ khác với thông thường."

"Ông Nguyễn Thiện Nhân là một nhà khoa học, nhưng với tư cách một chính khách thì ông chưa để lại một dấu ấn gì, kể từ khi ông ra ngoài này (Hà Nội) làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, rồi đến làm Phó Thủ tướng, bởi vì ông không phải là con người hành động," ông Trần Tiến Đức nói với BBC.