Trump ra đòn ở Syria: Từ 'Mỹ trên hết' đến 'tôi là người linh hoạt' (Ngụy An)
Cựu tổng thống Barack Obama từng dự đoán sau khi nhậm chức, tỷ phú 70
tuổi sẽ "tỉnh ngộ", trở nên thực tế hơn và tránh tiếp cận vấn đề quốc
gia dưới quan điểm ý thức hệ. Hơn 2 tháng sau khi Trump nhận nhiệm sở,
lời tiên tri của Obama dường như đã thành hiện thực.
Tổng thống Donald Trump tối 6/4 ra lệnh cho lực lượng Mỹ bắn tên lửa
Tomahawk vào một căn cứ không quân của chính phủ Syria để trả đũa vụ tấn
công hoá học diễn ra hôm 4/4 khiến hàng chục dân thường thiệt mạng.
Động thái không quá bất ngờ nhưng diễn ra một cách nhanh chóng của
tân tổng tống Mỹ khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng điều gì đã khiến ông
quyết định dứt khoát như vậy.
Thực tế phũ phàng khiến Trump 'thức tỉnh'?
Cựu tổng thống Barack Obama từng dự đoán sau khi nhậm chức, tỷ phú 70
tuổi sẽ "tỉnh ngộ", trở nên thực tế hơn và tránh tiếp cận vấn đề quốc
gia dưới quan điểm ý thức hệ. Hơn 2 tháng sau khi Trump nhận nhiệm sở,
lời tiên tri của Obama dường như đã thành hiện thực.
Đương kim Tổng thống Donald Trump vốn luôn đề cao quan điểm "nước Mỹ
trên hết" và không mặn mà với việc mở rộng can thiệp quân sự ở Trung
Đông. Là người theo chủ nghĩa biệt lập, Trump từng tuyên bố "việc của
tôi là đại diện cho nước Mỹ chứ không phải thế giới".
Tuy nhiên, thái độ của ông chuyển hướng rõ rệt sau khi chính phủ
Assad tiến hành vụ tấn công bằng vũ khí hóa học khiến hàng chục dân
thường thiệt mạng.
Phát biểu tại Vườn hồng Nhà Trắng ngày 5/4, tổng thống Mỹ bày tỏ lòng
xót thương đối với những nạn nhân trong vụ tấn công hóa học. Ông cho
biết vụ việc đã đẩy tình hình xung đột tại Syria lên một mức độ hoàn
toàn khác biệt.
"Chuyện đó thật kinh khủng, khủng khiếp", ông Trump tuyên bố cuộc tấn
công đã "vượt qua quá nhiều lằn ranh đỏ" và là điều không thể chấp nhận
được. "Thái độ của tôi với Syria và (Tổng thống) Assad đã thay đổi rất
nhiều", ông Trump nói.
Trước đó, tân tổng thống Mỹ nhiều lần thể hiện quan điểm khác người
tiền nhiệm Obama về vấn đề Syria khi chọn cách tập trung chiến đấu chống
tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và ủng hộ chính phủ Assad, bất
chấp lời kêu gọi xin được hỗ trợ từ phía quân nổi dậy.
“Chúng ta không thể vừa chống lại nhà nước Syria, trong khi họ đang
chống lại quân khủng bố IS, cứ như vậy chúng ta khó mà diệt trừ được Nhà
nước Hồi giáo", Trump nói trong một cuộc phỏng vấn khi mới thắng cử hồi
tháng 11 năm ngoái. Ông cũng cảnh báo nếu Washington chiến đấu chống
lại quân đội Syria thì sẽ dẫn đến chiến tranh với Nga.
'Tôi là người linh hoạt'
Trái với lập trường ban đầu là hạn chế can thiệp quân sự, giảm vai
trò của Mỹ tại Syria và có ý "nhường" Nga tung hoành ở khu vực này,
Trump tuyên bố "giờ đây đó là trách nhiệm của tôi".
Tổng thống Mỹ cũng "kêu gọi mọi quốc gia văn minh" tham gia cùng
Washington "vào nỗ lực chấm dứt tàn sát và đổ máu ở Syria", "xóa bỏ nạn
khủng bố dưới mọi hình thức".
Theo nhà phê bình Julie Pace của AP, việc ông Trump sẵn sàng
thừa nhận mình có trách nhiệm đối với một cuộc chiến ở nước ngoài đánh
dấu bước ngoặt quan trọng trong tư tưởng hẹp hòi "nước Mỹ trên hết" của
tân tổng thống.
"Những phát ngôn đó cho thấy dù là một tổng thống Mỹ phá cách, Trump
cũng đang thể hiện ông là người bảo vệ nhân quyền và sẵn sàng đấu tranh
cho công lý khi các quốc gia vi phạm nguyên tắc quốc tế", Pace nhận
định.
Giải thích về sự "đổi ý", ông Trump nói: "Tôi luôn nghĩ mình là một
người rất linh hoạt. Tôi tự hào về sự linh hoạt của bản thân".
"Tôi không cần phải giữ mãi một quan điểm, và nếu thế giới thay đổi,
tôi cũng sẽ thay đổi", ông Trump nói trong cuộc họp báo chung với Nhà
vua Abdullah II của Jordan ngày 5/4.
Chính sách Syria của Mỹ không thay đổi
Việc ông Trump ra lệnh bắn tên lửa Tomahawk vào Syria mở ra cuộc tấn
công trực tiếp đầu tiên của Nhà Trắng nhằm vào chính quyền Tổng thống
Bashar al-Assad.
Các chuyên gia nhận định cuộc không kích không chỉ cho thấy sự leo
thang của vai trò quân sự Mỹ ở Syria, mà còn ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ -
Nga vốn chuyển biến tích cực từ sau khi ông Trump lên làm tổng thống.
Phản ứng trước cuộc không kích của Washington, Tổng thống Vladimir
Putin hôm nay cho rằng nó đã "vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc
tế". Ông gọi đó là "hành vi xâm lược nhằm vào một quốc gia có chủ quyền"
dựa trên "cái cớ phi lý". Trong khi đó, Điện Kremlin lên án cuộc tấn
công của Mỹ "gây tổn hại lớn" đến quan hệ Moscow - Washington.
Mặc dù vậy, theo chuyên gia phân tích Trung Đông Rodger Shanahan từ
Viện Lowy, không nên đánh đồng cuộc không kích của Mỹ với sự thay đổi
trong chính sách Syria của Washington.
Theo ông Shanaha, để phản ứng trước vụ tấn công hóa học "vượt quá lằn
ranh đỏ" của quân đội Assad, Trump khẳng định "cần phải làm điều gì đó"
và ông đã thực hiện lời hứa. Vụ không kích trả đũa của quân đội Mỹ đã
diễn ra "nhanh chóng, trúng mục tiêu và quan trọng nhất là tương xứng".
"Trong một cuộc nội chiến phức tạp và rắc rối khi các quyết định có
thể gây những hậu quả khôn lường, chính quyền Trump đã đưa ra một lựa
chọn (trả đũa) rõ ràng với mục tiêu hoàn hảo", chuyên gia này nhận
định.
Ngay sau khi Mỹ tiến hành cuộc không kích, Ngoại trưởng Rex Tillerson
nói rằng động thái này không thể hiện "sự thay đổi trong chính sách hay
quan điểm của Washington về Syria".
"Nó cho thấy Tổng thống Trump sẵn sàng hành động khi các chính phủ và
quốc gia vượt qua ranh giới, và đi quá giới hạn theo những cách thức
tàn ác nhất", CNN dẫn lời ông Tillerson phát biểu trước các phóng viên đêm 5/4.
Obama đã không trả đũa khi chính quyền Syria lần đầu tiên sử dụng vũ
khí hóa học năm 2013, để đổi lại bằng việc ông Assad cam kết loại bỏ
toàn bộ vũ khí hóa học. "Nhưng Syria đã không thực hiện thỏa thuận, nên
Trump không có lựa chọn nào tốt hơn (là tiến hành cuộc không kích hôm
6/4)", chuyên gia Shanaha nhận định.
Theo Zing.vn