Người Dân Đã Chọn Lịch Sử (FB Kiệt Anh Phùng)

Cả hai dấu hiệu trên đều khắc hoạ một tâm tính người dân trong xã hội lúc này: Họ không công nhận quyền cai trị của đảng cộng sản và, họ đã chấp nhận dùng vũ lực với cả chế độ cai trị.


Ngủ sâu sau một đêm, thức dậy nhìn những thông tin từ facebook tôi không thể không ngậm ngùi. Kinh nghiệm đọc sử của mình, tôi biết lịch sử đã chính thức sang trang từ thời điểm này. Dấu hiệu hiển nhiên nó đã có trước đó, tản mác đâu đó và thật ra hơi khuất tầm nhìn của người quan sát sử như một sự kiện. Ở đây chúng ta không cần quan tâm đến những dấu hiệu tản mác kia, vì thật ra lịch sử nào cũng chảy trên một dòng chính là dựa trên những sự kiện có sức ảnh hưởng đến ký ức mọi người dân. Việc diễn đạt sự kiện chính đó, là một phạm trù khác, để rảnh rồi bàn. Tôi chỉ xin chỉ ra vài dấu hiệu từ những sự kiện chính, để nhấn mạnh rằng, lịch sử đã sang trang.

.

Có hai dấu hiệu theo tôi là quan trọng trong những sự kiện chính gần đây, hiển nhiên không chỉ riêng tôi nhìn thấy dấu hiệu đó, rất nhiều người quan sát đã nhìn và phân tích nó. Khác chăng, tôi nhìn dấu hiệu từ sự kiện kia ở một góc nhìn khác: Sự lựa chọn thái độ của người dân.

.

Hai dấu hiệu đó là: Một, xuất hiện quốc kỳ Quốc gia Việt Nam và cũng là quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hoà sau đó, cờ vàng ba sọc, thấp thoáng một cách tản mác nơi người dân biểu tình ở Hà Tĩnh; và hai, ngày 15.04 hôm qua, người dân xã Mỹ Đức - Hà Nội đã bắt nhốt 20 cảnh sát cơ động vốn được điều đến để giải toả đất đai của bà con, có nguồn thông tin những cảnh sát cơ động có còn bị tẩm xăng.

.

Ở đây tôi không bàn về tính đúng sai của hành vi trên phương diện luật pháp hay đạo đức thế tục, tôi cũng không tán đồng hay phủ nhận hành vi của người dân là nên hay không nên, tôi chỉ nhấn mạnh là tôi nhìn dấu hiệu trên ở khía cạnh sự lựa chọn thái độ của người dân.

.

Năm ngoái, từ vụ cá chết Formosa, lần đầu tiên trong lich sử biểu tình người ta không còn nhìn thấy... cờ đỏ sao vàng nữa. Đến đầu năm nay, dưới sự dẫn dắt của nhiều linh mục miền Trung, người dân biểu tình đòi lại quyền lợi trên mảnh đất tổ tiên của mình với lá cờ công giáo; gần đây nhất, xuất hiện cờ vàng ba sọc đỏ. Sự thay đổi như vậy cần nhìn ở tác động vô thức của người dân, tất cả những người dân đã và đang biểu tình kia, đầu tiên họ từ chối lá cờ được chọn là quốc kỳ của Việt Nam dân chủ cộng hoà vốn gắn liền với đảng cộng sản. Sau, phải mất một thời gian để họ tìm thấy một biểu tượng để đứng cùng, là cờ công giáo. Và gần đây nhất, họ tìm đến một lá cờ đại diện cho một thể chế quốc gia đã chết. Tất cả đều cho thấy một thái độ chung nhất: Phủ nhận tinh thần quốc gia mà đảng cộng sản đã lựa chọn, hay nói thẳng hơn, phủ nhận quyền cai trị của đảng cộng sản, mọi thứ mà đảng cộng sản đã chọn làm biểu tượng quốc gia thì nay, bị người dân từ chối. Tóm lại, dấu hiệu thứ nhất cho thấy thái độ phủ nhận quyền cai trị của đảng cộng sản.

.

Dấu hiệu thứ hai, theo tôi là không tốt, đó là hành vi sử dụng bạo lực với công cụ cai trị của chính quyền. Nên nhớ, từ xưa đến giờ, người Việt dưới chế độ cộng sản thường phản kháng bằng tiếng nói, bằng phẫn nộ, bằng tiếng khóc và cả bằng cái chết; họ chưa bao giờ dùng đến vũ lực, nếu có, là thứ vũ lực què quặt của người đàn bà cố tự vệ cho mình mà thôi. Thật ra người dân cũng không thể nào dùng vũ lực để chống lại công cụ cai trị của chính quyền, bởi đám công cụ đó được đào tạo chuyên môn và cả vũ khí; chúng luôn ở vị thế áp đảo người dân. Điều này chính là lý do ở những quốc gia toàn trị, người dân sở hữu vũ khí là một trọng tội; cho đến giờ nước Mỹ vẫn không dám chạm vào điều khoản sở hữu súng của người dân trong hiến pháp, dù lâu lâu vẫn có vụ xả súng chết người vô tội, lý do là vì hiến pháp Mỹ nhận thấy tính chất yếu thế của người dân với công cụ cai trị; khi cần, người dân có thể dùng chính vũ khí mình sở hữu để lật đổ một kẻ độc tài. Khi người dân lúc này, bắt đầu dùng vũ lực với đám công cụ nhà nước, thì đó cũng là lúc mà người dân không còn một chọn lựa nào khác: Hoặc phải dùng vũ lực để bảo vệ tài sản mình hoặc, mất trắng và tương lai đám cháu con thì mù mịt vô định. Dấu hiệu này cho thấy, thái độ người dân với chính quyền không còn ở mức độ phản kháng, mà là hành động, họ bắt đầu chủ động với vũ lực.

.

Cả hai dấu hiệu trên đều khắc hoạ một tâm tính người dân trong xã hội lúc này: Họ không công nhận quyền cai trị của đảng cộng sản và, họ đã chấp nhận dùng vũ lực với cả chế độ cai trị.

.

Kinh nghiệm đọc sử của tôi, khi tâm tính người dân xuất hiện điều đó thì chắc chắn lịch sử phải sang trang, cứ so sánh cuộc cách mạng Pháp thì chúng ta dễ thấy sự tương đồng hơn. Khi tâm tính này đang lan dần ra ở toàn bộ phận người dân, nó cần thời gian, và đó cũng là thời gian để đảng cộng sản bắt đầu lựa chọn vai trò lịch sử của mình kết thúc trong bảo toàn hay kết thúc trong ô nhục, họ sẽ lựa chọn thay đổi như ý nguyện người dân hay tiếp tục xếp ý nguyện đó như một thái độ thù địch và phải trừng trị. Tôi e rằng họ không lựa chọn cái thứ nhất, vì đã nhiều lần trong lịch sử họ có lựa chọn tốt hơn cho đất nước nhưng họ từ chối nó. Và thật ra thời điểm này, thay đổi đã là quá muộn, khi tình cảm người dân đổi chiều, thái độ người dân với vũ lực càng lúc càng mạnh; thì nơi đó tôi lại nhìn thấy một tương lai u ám, những cuộc chiến giữa chính quyền và người dân sẽ kéo dài âm ỉ nhiều năm, những con người sẽ chết hoặc bị tù tội, những gia đình tản mác khắp nơi, những đứa trẻ sẽ mất đi gia đình, một nước Việt đổ nát khắp nơi trước khi lịch sử bước sang chương mới. Cái chương mới kia sẽ kế thừa cái di sản mâu thuẫn dân tộc từ năm 1975 đã đành, mà nó kèm theo cả di sản của chế độ cộng sản đã chết gồm tài sản và gia đình của những kẻ cai trị, đó là chưa bàn đến công cụ. Nhìn cái chương mới đó, thú thật, tôi không lạc quan cho tương lai Việt Nam cho lắm.

.

Hy vọng thời khắc đó, một vĩ nhân về chính trị xuất hiện để cải sửa quốc gia theo kịp với quỹ đạo tiến bộ của nhân loại hoặc, vĩ nhân đó trở nên vĩ cuồng thì sớm muộn gì người ta cũng ướp xác và dựng tượng hắn. Nước Việt lại bắt đầu chu kỳ điên loạn mới.

.

Tôi mong là tôi sai. Nhưng lúc này, tôi không có gì để lạc quan, bởi cuộc cách mạng từ người dân lên chứ không phải từ trên xuống, bao giờ cũng tàn khốc.