Hành trình ‘tự diễn biến’ trong giới du học sinh Việt (Khánh An)
“Thật ra ai có cơ hội ở lại thì họ ở lại hết. Có ai muốn sống với
Cộng Sản đâu? Chẳng qua trước đây họ không nói ra thôi. Ví dụ như em,
qua bên này thấy về mặt chuyên môn được làm việc sâu hơn, về học hành
cũng được học thích hơn. Ngay cả một chuyện thực tế là bây giờ con cái
em, mình có con rồi, con đi học trong một môi trường trong veo như vậy,
tự nhiên về mặt cá nhân mình cũng đắn đo khi quyết định về dù đó là về
cho con đi nữa”.
Có một quá trình “tự diễn biến” trong giới du học sinh Việt Nam ở
nước ngoài, mà ngay cả bản thân họ không phải lúc nào cũng nhận thấy.
Theo nhận xét của một chuyên viên tư vấn cho sinh viên nước ngoài ở
Mỹ, khi mới bước chân ra “biển lớn,” du học sinh Việt thường khá thụ
động và khép kín vì rào cản ngôn ngữ trong giao tiếp với người bản xứ.
Tuy nhiên, ngay cả với cộng đồng người Việt Nam, du học sinh Việt cũng
không tránh khỏi những “cú sốc tư tưởng” nhất định.
Từ ‘Cộng Sản mới sang…’
Mới đến thành phố Houston, Texas, Mỹ, học được 8 tháng, Như Quỳnh
chia sẻ với VOA rằng nhiều bạn bè của cô khi mới sang thường bị cộng
đồng người Việt địa phương gọi là “Cộng Sản mới sang”.
“Bạn em nói khi đi đăng ký học lái xe thì ông thầy dạy lái xe, có tư
tưởng chống Cộng, nói ‘con này ở bên đó là Cộng Sản, dân Cộng Sản mới
qua.’ Lời nói làm cho bạn em tủi thân, vì dù răng, Cộng Sản hay không
Cộng Sản thì cũng là người Việt Nam”, Như Quỳnh kể lại.
Tự nhận “vẫn còn rất yêu quý nước Việt Nam”, Như Quỳnh nói “người
Việt ở Mỹ có tư tưởng không tốt về Việt Nam là điều bình thường”, và như
vậy là “sai lệch”.
… đến tự so sánh
Hầu hết du học sinh Việt Nam mà VOA phỏng vấn đều cho biết khi còn ở
trong nước, họ hoàn toàn không để ý đến “ý nghĩa” của ngày 30/4 như các
khẩu hiệu, tuyên truyền được lặp lại hàng năm. Họ chỉ đơn giản tập trung
vào kế hoạch “ăn chơi” là chính. Nhưng khi ra khỏi Việt Nam, những cuộc
biểu tình của cộng đồng gốc Việt vào ngày này lại mang đến “một góc
nhìn khác” về ngày được gọi là “giải phóng”.
Quỳnh Võ, một du học sinh vừa tốt nghiệp cao học tài chánh ở Pháp,
nói: “Ngày xưa thì 30/4, 1/5 là được nghỉ làm nên mừng muốn chết. Toàn
là tuyên truyền không! Theo công cuộc tuyên truyền thì mình thấy nhiều
cái cũng nhảm. Mình biết vậy nhưng biết nói gì hơn. Giờ qua đây lại thấy
một góc khác: ngày quốc hận!”
Góc nhìn khác không chỉ dừng ở các sự kiện lịch sử, mà còn trong
những sự việc hàng ngày khi người trẻ Việt Nam bỗng nhiên được đặt vào
một thế giới khác và có cơ hội so sánh.
Thanh Hương, một du học sinh mới sang thành phố Brisbane, bang
Queenland, Úc, học chương trình MBA được 2 năm, giải thích về kết luận
“Việt Nam không thực sự tự do như mình nghĩ”:
“Mặc dù mình vẫn nói mình là xã hội dân chủ, công bằng, văn minh… Hồi
đi học được học như vậy, nhưng khi sang bên này mới thấy không phải như
vậy. Khi sang đây, mình thấy ở bên đây mới thực sự là dân chủ. Cái gì
cũng có luật lệ rõ ràng, được quyền tự do thật sự, được bảo vệ rõ ràng,
từ quyền cho phụ nữ hay tất cả về y tế, giáo dục…, nhất là về quyền con
người. Bên này mọi điều đều minh bạch, rõ ràng, được xử lý nghiêm bằng
luật. Còn ở Việt Nam thì không như vậy.”
Thanh Hương dẫn chứng một sự kiện điển hình trong nước mà cô theo dõi
từ bờ bên kia: “Ví dụ biểu tình Formosa. Người ta chỉ biểu tình để đòi
lại quyền được bồi thường do biển bị nhiễm bẩn hoặc chỉ đòi làm minh
bạch tại sao lại gây ra ô nhiễm môi trường như vậy thôi, em thấy biểu
tình đúng như vậy mà vẫn để xảy ra bạo loạn trong biểu tình rồi chẳng
đâu vào đâu hết. Còn bên này mà một sự việc gì đó không rõ ràng là người
ta phải biểu tình, và người ta sẽ được cảnh sát hỗ trợ cho việc biểu
tình.”
Trong khi vẫn ngầm phản đối quan điểm của cộng đồng người Việt ở Mỹ,
Như Quỳnh cũng thừa nhận Mỹ tốt hơn Việt Nam. “Giả sử như ở đây có
chương trình hỗ trợ cho người già giống như bảo hiểm Medicare, Medicaid…
Mình đi học, nếu mình là resident (thường trú dân), thì cũng có những
chương trình hỗ trợ giảm học phí cho người dân ở đây. Nó theo mục đích
của người dân nhiều hơn. Nói chung là cái gì ra cái đấy, tính toán rất
kỹ nên xã hội và cuộc sống em thấy tốt hơn Việt Nam nhiều”.
Và đắn đo, không về
Cho dù xung đột tư tưởng trong giới du học sinh, những người trẻ có cơ hội được sống ở cả hai bên “chiến tuyến,” là nặng hay nhẹ, thì đa số đều không mong muốn có một “chiến tuyến” nào giữa những con người mang dòng máu Việt. Quỳnh Võ chia sẻ: “Người trẻ hoặc là nhìn với góc độ ngày chiến thắng, hoặc nhìn với góc độ ngày quốc hận, thì cuối cùng, trong lòng Việt Nam sẽ có rất nhiều nước Việt khác nhau.”
Quỳnh Võ và chồng đều là du học sinh từ Việt Nam sang Pháp. Cả hai đã
có công việc làm ổn định và một mái ấm hạnh phúc với hai con nhỏ. Cô
tâm sự về thay đổi quyết định trở về Việt Nam của gia đình mình:
“Thật ra ai có cơ hội ở lại thì họ ở lại hết. Có ai muốn sống với
Cộng Sản đâu? Chẳng qua trước đây họ không nói ra thôi. Ví dụ như em,
qua bên này thấy về mặt chuyên môn được làm việc sâu hơn, về học hành
cũng được học thích hơn. Ngay cả một chuyện thực tế là bây giờ con cái
em, mình có con rồi, con đi học trong một môi trường trong veo như vậy,
tự nhiên về mặt cá nhân mình cũng đắn đo khi quyết định về dù đó là về
cho con đi nữa”.
Giải thích về những thay đổi trong tư tưởng của du học sinh, cô
Camila McTighi, chuyên viên tư vấn cho học sinh nước ngoài của Trường
Cao Đẳng Cộng Đồng Bắc Virginia, Mỹ, đưa ra nhận xét chung: “Tôi có thể
nói đó là sự điều chỉnh khi bạn phải thích nghi với cái mới. Có vẻ như,
đối với tôi, họ đều trải qua các giai đoạn giống nhau cho tới khi họ sẵn
sàng thích nghi với văn hóa Mỹ”.
Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, gần đây liên
tục đề cập đến mối nguy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong giới Đảng
Viên, công chức chính quyền. Hồi đầu tháng 1/2017, ông Trọng yêu cầu Ủy
Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam xây dựng và thực hiện cơ chế
bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác, đấu tranh chống suy
thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nhưng có một hành trình “tự
chuyển hóa” mà không cần có một cuộc vận động nào đang diễn ra trong
giới du học sinh, trong đó có không ít người là thế hệ tiếp theo của
những người Cộng Sản.