Anh còn kêu cái gì??? (FB Chukim Nat)

 Anh chấp nhận thỏa hiệp, chấp nhận hành xử dấm dúi, lén lút. Còn họ, họ có văn bản trong tay, họ có giấy trắng mực đen. Cách thực hiện của họ có thể hung hăng và sai quy chuẩn, nhưng anh đã trót chọn lối sống cam chịu và luồn lách mất rồi. Anh đã sai ngay từ đầu khi dung túng và đồng lõa với cái sai. Bây giờ anh còn trách ai?


Đi đường Hà Nội độ này, bắt gặp khắp nơi cảnh lực lượng của chính quyền phá bỏ bậc cấp của những hộ gia đình mặt phố, hoặc cảnh những hộ dân tự thuê người phá bậc cấp để tránh việc cưỡng chế của chính quyền. Thậm chí mấy ông quan địa phương ở Thạch Thất còn chặt mất cả trăm cây xanh mà người dân trồng dù chẳng ảnh hưởng gì đến giao thông ở một nơi mà hạ tầng cơ sở không phân biệt nổi đâu là đường, đâu là vỉa hè. Các tướng từ đầu đến cuối chỉ biết đó là chủ trương, đó là phải làm, ngoài ra không nói thêm được câu nào mang tính phân tích có đầu óc. Máy móc và ngu dốt đến thế là cùng.

Kéo theo đó là những chuyện dở khóc dở cười vì cốt nền tầng một (tầng trệt, theo cách gọi ở một số nơi) xây cao hơn đường, có khi đến độ 60, 70cm. Các bà các chị mặc váy bó cảm thấy thật cực nhọc vất vả khi ra vào nhà mình, các ông các anh thì dắt xe mệt hơn do không còn bậc nhỏ. Các hộ có mặt bằng kinh doanh thì khách hàng cũng gặp khó khăn khi ra vào cửa hàng, ảnh hưởng đến doanh thu.

Vấn đề được mổ xẻ phân tích, nhiều người ủng hộ, nhiều người không ủng hộ. Người ủng hộ thì cho rằng cần giải toả để có vỉa hè cho người đi bộ, như thế là đúng và văn minh. Người không ủng hộ thì cho rằng cách làm nặng tính trấn áp bằng bạo lực, không thông qua các trình tự pháp luật như thế là không chấp nhận được.

Câu chuyện ở đây, còn có thể được nhìn theo góc độ khác.

Tại sao nền nhà phải xây cao hơn vỉa hè nhiều như thế?

Cái này ai cũng biết, đó là vì công tác xây dựng, cải tạo hạ tầng của chính quyền thường diễn ra mà không có một quy chuẩn cụ thể nào để người dân tham chiếu khi tiến hành xây dựng những công trình tư nhân. Hôm nay anh xây nhà, nhà anh cao hơn đường 30cm, khô ráo và sạch sẽ. Tháng sau người ta bất ngờ sửa chữa đào bới, rồi một buổi sáng ngủ dậy anh tá hoả phát hiện ra nền đường cao hơn nhà mình 30cm, từ nay nước mưa, nước cống tha hồ tràn vào nhà anh. Thật là một cuộc hoán đổi ngoạn mục.

Vì vậy mà người dân buộc phải xây nền nhà cao hơn mặt đường, vỉa hè. Họ không được chuẩn bị, không được bảo vệ trước những cuộc thực hiện kế hoạch của chính quyền.

Xây nhà cao như thế, tất phải xây bậc cấp. Nhưng thời buổi tấc đất tấc vàng, chẳng lẽ hi sinh mấy mét vuông cực kì trị giá chỉ để làm nơi bước lên bước xuống, thế là người ta bồi dưỡng cho cán bộ quản lý ở địa phương. Nói toẹt ra là đút lót. Dí cho nó cái phong bì để nó bỏ qua cho. Tất cả mọi người đều như vậy, ai cũng như ai.

Đó chính là vấn đề.

Anh cho rằng ai cũng làm thế, thì mình cũng làm thế, chẳng sao, việc gì mà phải khác với mọi người. Anh cho rằng bọn cán bộ lương nó được bao nhiêu đâu, nó sống bằng cái lậu, mình ăn miếng cơm của mình thì cũng để cho nó ăn miếng cơm của nó. Anh cho rằng anh đưa tiền cho nó rồi thì việc ấy của anh là đã xong, chấp nhận được.

Thật ấu trĩ.

Anh nghĩ rằng bọn cán bộ ấy sẽ ăn đời ở kiếp với anh hay sao? Không, họ sẽ chỉ ở vị trí ấy một thời gian thôi, rồi họ sẽ chuyển đi nơi khác, hoặc về hưu chẳng hạn. Chỉ còn anh ở đó với những người hàng xóm cũng y hệt như anh. Và kể cả khi bọn cán bộ đã nhận tiền bồi dưỡng của anh vẫn đang công tác tại địa phương anh, hôm nay có chỉ thị phải cưỡng chế giải tỏa, họ sẽ vẫn điềm nhiên chắp tay sau đít mà cưỡng chế giải tỏa phần tài sản của anh.

Vì người sai ở đây là anh. Anh sai rành rành. Quan trọng nhất, anh chẳng có gì để chứng minh mình đã làm luật với chính quyền, anh chẳng có gì để bảo vệ quyền lợi của bản thân, anh chẳng có gì ngoài sự cứng họng đến tê tái. Cứ cho là anh sẽ cãi vã được một lúc đi, thì rồi anh vẫn phải chấp hành thôi. Vì đấy là đất công cộng, rõ rành rành, có phải đất nhà anh đâu.

Anh chấp nhận thỏa hiệp, chấp nhận hành xử dấm dúi, lén lút. Còn họ, họ có văn bản trong tay, họ có giấy trắng mực đen. Cách thực hiện của họ có thể hung hăng và sai quy chuẩn, nhưng anh đã trót chọn lối sống cam chịu và luồn lách mất rồi. Anh đã sai ngay từ đầu khi dung túng và đồng lõa với cái sai. Bây giờ anh còn trách ai?

Anh đi đâu, làm gì cũng đều tặc lưỡi thỏa hiệp. Anh tham gia giao thông, anh đi bệnh viện, anh đi đến cơ quan công quyền. Lúc nào anh cũng chọn nói bằng tiền, thay vì nói bằng tiếng nói của một người có quyền lợi. Chính anh đã tự từ bỏ quyền lợi của bản thân anh đấy thôi.

Anh đổ lỗi cho cơ chế, đổ lỗi cho bộ máy, anh giải thích rằng hệ thống nó thế, hàng bao nhiêu năm nay người ta sống như thế, không thay đổi được.

Thật quá ấu trĩ.

Anh sống trong thời đại internet và smartphone làm gì nhỉ? Sao anh không lùi lại vài trăm năm mà sống đi cho rồi.

Anh không biết đoàn kết những người xung quanh anh, anh không biết lên tiếng để đòi hỏi việc bảo đảm quyền lợi cho anh, anh không biết thực hiện quyền công dân của anh, và anh cũng không ủng hộ những người đang hàng ngày hành động để hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn.

Anh nên hiểu rằng không phải cứ là luật thì nghiễm nhiên đúng. Chẳng phải quốc hội ở bất kì đâu vẫn luôn phải sửa đổi và bổ sung biết bao nhiêu bộ luật, điều luật đó hay sao. Khi luật và việc thực thi nó không hợp lý, không đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, trong đó có anh, thì trách nhiệm của một công dân như anh là phải phản đối nó, phải vi phạm nó, phải tạo sức ép để bắt buộc những người có trách nhiệm thay đổi nó.

Trên đời này, có bữa cơm nào là tự nhiên rơi xuống trước mặt anh đâu?

Còn hôm nay, anh cứ ốp lát lại mặt tiền sàn nhà anh đi. Anh cứ mua đường dốc và bậc sắt tạm bợ để sử dụng đi.

Anh luôn xứng đáng với những điều anh có!

Dân Luận