Vai trò ý thức hệ trong cuộc cách mạng cộng sản ở Việt Nam (TS.Vũ Tường-BBC)
Những thành
tựu trong xây dựng nhà nước toàn trị đã gây ra những thiệt hại lớn và
lâu dài về kinh tế, khoa học, văn hóa, và giáo dục mà bây giờ Việt Nam
vẫn đang trả giá.
Cuộc cách mạng cộng sản ở Việt Nam
bắt đầu nhen nhúm từ những năm 1920 nhưng bị thực dân Pháp đàn áp nặng
nề trong thập niên 1930.
Cướp chính quyền năm 1945, Đảng Cộng sản
Việt Nam (ĐCSVN) đưa Chiến tranh Lạnh vào Việt Nam vào năm 1950, đánh
bại quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954 và biến miền Bắc thành
tiền đồn phe Xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á.
Nhưng sau khi giành
được chiến thắng năm 1975 và thiết lập chính quyền cộng sản trên toàn
quốc, ĐCSVN vấp phải những thất bại nặng nề về đối ngoại và đối nội.
Cuộc
cách mạng đã lẳng lặng kết thúc vào năm 1991 với sự qua đời trước đó
của nhiều nhà lãnh đạo trụ cột của thế hệ thứ nhất như Lê Duẩn, Trường
Chinh, Lê Đức Thọ, và Phạm Hùng, với việc từ bỏ kinh tế tập thể trong
nước, và với sự sụp đổ hoàn toàn của khối Xô viết.
Cuốn sách của
tôi khai thác tư liệu từ bộ sách Văn kiện Đảng toàn tập, từ các tài liệu
lưu trữ, cũng như các hồi ký, nhật ký, và báo chí xuất bản ở Việt nam
từ thập niên 1920 đến 2010.
Phần lớn các tư liệu sử dụng trong sách đều chưa từng được khai thác ở nước ngoài.
Đối tượng của sách là thế giới quan của các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam thể hiện qua đường lối ngoại giao của họ.
Qua
các tài liệu họ để lại hay của người đương thời viết về họ, tôi muốn
biết họ nghĩ gì về thế giới, về tương lai của loài người và của Việt
Nam, và ý thức hệ Marx-Lenin có ảnh hưởng gì đối với đường lối ngoại
giao của họ.
Luận
đề chủ yếu trong sách là khẳng định bản chất cộng sản của cách mạng
Việt Nam do ĐCSVN lãnh đạo trong suốt thời gian từ 1920 đến 1991.
Cộng sản đây là cộng sản kiểu Đệ tam Quốc tế do Lenin sáng lập và sau đó do Stalin lãnh đạo.
Về
cơ bản, thế giới quan cộng sản dựa trên giả định rằng đấu tranh giai
cấp trên bình diện thế giới giữa hai phe tư bản và cộng sản là cuộc
chiến một mất một còn.
Phe cộng sản sẽ thắng vì đó là trào lưu
tất yếu của lịch sử nhân loại. Thắng lợi của phe cộng sản sẽ mang đến
một xã hội loài người sung túc về vật chất, không còn người bóc lột
người, và cũng không còn chiến tranh.
Phải nói rằng đây là một viễn cảnh đẹp như mơ, và có
lúc hàng triệu người Việt đã tin vào nó, nhưng tiếc rằng nó hoàn toàn
không tưởng. Trong phong trào cộng sản Việt Nam, niềm tin này là có
thực, mặc dù cách thể hiện niềm tin của mỗi người khác nhau.
Trong
ĐCSVN, có lãnh tụ say mê viết sách lý luận, có người chỉ quan tâm đến
tổ chức và tuyên truyền. Nhưng không phải nhóm sau ít lý tưởng hơn nhóm
trước.
Giống như tất cả chúng ta, suy nghĩ, nhận định, và thế
giới quan của các lãnh tụ ĐCSVN không bất biến mà thay đổi với thời
gian. Cuốn sách của tôi chỉ ra những thay đổi lớn trong thế giới quan
của người sáng lập ĐCSVN, Nguyễn Ái Quốc, sau khi ông trở thành tín đồ
của Lenin.
Cùng là tín đồ của Lenin không có nghĩa là các lãnh tụ
ĐCSVN luôn luôn đồng ý với nhau. Tư liệu lịch sử cho thấy trong quá
trình lãnh đạo cách mạng họ tranh luận rất thường xuyên và đôi khi gay
gắt về những biến chuyển trên thế giới và ở Việt Nam, hay về đối sách
cần thiết của Đảng đối với những biến chuyển đó.
Nhưng niềm tin
của họ vào thế giới quan cộng sản về cơ bản không suy suyển. Nghiên cứu
của tôi cho thấy quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc với Trần Phú và Hà Huy Tập
không phải căng thẳng như quan niệm của các sử gia như Huỳnh Kim Khánh
và Sophie Quinn-Judge.
Nguyễn Ái Quốc trung thành với Quốc tế Cộng sản và với Stalin không kém các đồng chí của ông.
Nhìn lại lịch sử 70 năm, có thể thấy ý thức hệ đóng ba vai trò chính đối với cách mạng Việt Nam.
Thứ
nhất, về mặt nhận thức, ý thức hệ trang bị cho các nhà lãnh đạo cách
mạng mục tiêu tranh đấu (không chỉ độc lập dân tộc mà còn giải phóng
giai cấp) và một phương pháp phân tích chính trị thế giới có tính hệ
thống cao.
Với
các khái niệm Marx-Lenin, họ có thể phân tích và vạch ra đối sách với
những biến cố ở cách xa Việt Nam hàng ngàn dặm, ví dụ như cuộc đảo chính
ở Iraq năm 1958 hay là cuộc tấn công của Mỹ vào Panama cuối năm 1989.
Nhưng
ý thức hệ không phải lúc nào cũng chỉ họ đi đúng đường, và thường xuyên
dắt họ đi lầm đường - điều này đã thể hiện rõ trong đường lối ngoại
giao của Việt Nam từ sau năm 1975 theo phân tích của các nhà ngoại giao
cao cấp của Việt Nam như cựu Đại sứ Nguyễn Trung hay Thứ trưởng Trần
Quang Cơ.
Vai trò thứ hai của ý thức hệ là về mặt tổ chức. Cụ thể
là, nó kết nối các nhà cách mạng Việt Nam với nhau, và kết nối cách
mạng Việt Nam với những cá nhân, tổ chức, và nhà nước trên toàn thế giới
có cùng niềm tin vào Chủ nghĩa cộng sản.
Trong thập niên 1920 và
1930, Đệ Tam Quốc tế huấn luyện cán bộ, cung cấp tài chính và nơi ẩn
náu khi bị đàn áp. Hai lần trong thập niên 1930, Quốc tế Cộng sản đã
giúp vực dậy ĐCSVN sau khi hầu hết các lãnh tụ của nó bị giết hại hay
cầm tù bởi thực dân Pháp.
Nhưng
ý thức hệ không giúp cách mạng Việt Nam thành công hay sống mãi. Nếu
Liên Xô đã thua Phát xít Đức, nếu Mao đã thua Tưởng trong nội chiến
Trung Quốc, khó biết phong trào cộng sản Việt Nam có tồn tại được không.
Sự sụp đổ của khối Xô Viết năm 1991 cũng là lúc cách mạng Việt Nam buộc phải chấm dứt, không thể tiếp tục được nữa.
Vai
trò thứ ba của ý thức hệ là công cụ xây dựng nhà nước vào giai đoạn sau
khi nắm quyền. Ý thức hệ cung cấp cho ĐCSVN một mô hình tổ chức và khái
niệm xây dựng nhà nước hiện đại theo mô hình Stalin-Mao (chuyên chính
vô sản, đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, kinh tế tập thể ưu tiên
phát triển công nghiệp nặng, hộ khẩu, trại cải tạo, v.v…). Nhà nước này
đã tỏ ra khá thọ.
Nhưng những thành tựu trong xây dựng nhà nước toàn trị
đã gây ra những thiệt hại lớn và lâu dài về kinh tế, khoa học, văn hóa,
và giáo dục mà bây giờ Việt Nam vẫn đang trả giá.
Sau mỗi đợt nhà
nước đánh địa chủ và tư sản (ví dụ, 1953-1956, 1958-1960, 1978-1980) là
một đợt đói ăn và kinh tế suy trầm. Văn hóa, khoa học, và giáo dục bị ý
thức hệ trói buộc và tụt hậu hàng thập kỷ so với nhân loại.
Khẩu
hiệu quen thuộc một thời ở Việt Nam là "Chủ nghĩa Marx- Lenin bách chiến
bách thắng muôn năm!" Thực ra, ý thức hệ cộng sản không giúp cách mạng
thành công như trong khẩu hiệu - sự thành công trong giai đoạn nào đó là
do rất nhiều yếu tố khác.
Đứng trước ngưỡng cửa thế kỷ 21, ĐCSVN
vẫn tuyên bố trung thành với Chủ nghĩa Xã hội. Cho dù ngày nay mấy chữ
này không còn thuyết phục người nghe, không phải vì thế mà chúng ta phủ
nhận vai trò của ý thức hệ trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20.
Hơn
nữa, mặc dù cuộc cách mạng cộng sản đã chấm dứt từ lâu, di sản của nó để
lại còn rất nặng nề trong đường lối ngoại giao của Việt Nam hôm nay.
Tiến
sĩ Vũ Tường đang là Giáo sư Khoa Chính trị học, Đại học Oregon, Hoa Kỳ.
Bài viết trên là một phần nghiên cứu trong cuốn sách mới của ông,
Vietnam's Communist Revolution: The Power and Limits of Ideology (Cách
mạng cộng sản ở Việt Nam: Quyền lực và hạn chế của ý thức hệ), vừa do
Đại học Cambridge xuất bản.