Chiết khấu cao, doanh nghiệp xăng dầu lãi lớn (Minh Tâm-TBKTSG)
Báo cáo tài chính năm 2016 vừa được Petrolimex công bố cho thấy, năm
2016, dù doanh thu giảm (vì giá xăng dầu giảm) nhưng lợi nhuận gộp từ
kinh doanh xăng dầu vẫn tăng. Tổng lợi nhuận sau thuế của cả tập đoàn
năm 2016 lên tới 5.165 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với mức 3.438 tỉ đồng
của năm 2015.
Các
doanh nghiệp đầu mối chi chiết khấu vì nhiều lý do đã giúp các tổng đại
lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong năm 2016 kinh doanh khấm khá.
Trao đổi với TBKTSG Online, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối
cho biết, chiết khấu cho mỗi lít xăng, dầu trong năm 2016 gần như luôn
trên 1.000 đồng/lít. Tất nhiên, mức này cao hơn định mức chi phí kinh
doanh (bao gồm chiết khấu cho đại lý, hao hụt…) mà Bộ Tài chính quy định
trong cơ cấu giá cơ sở (hình thành bởi giá nhập khẩu, thuế, phí…, được
hiểu như giá trần).
Nguyên nhân để mức chiết khấu cho các tổng đại lý luôn cao như vậy
trong năm qua là các doanh nghiệp đầu mối có lời lớn và phải cạnh tranh
gay gắt.
Lợi nhuận lớn đến từ việc thuế nhập khẩu mặt hàng xăng, dầu giữa các thị trường có ưu đãi thuế và không ưu đãi thuế chênh lệch.
Chẳng hạn, nhập xăng từ Hàn Quốc có thuế 10%, thấp hơn 10 điểm phần
trăm so với các thị trường khác. Tương tự, thuế nhập khẩu dầu diesel,
nhiên liệu bay, dầu hỏa từ các nước ASEAN chỉ là 0% và từ Hàn Quốc là 5%
trong khi từ các thị trường khác là 7%.
Nhập khẩu với thuế thấp nhưng giá bán lẻ lại ở mức thuế bình quân gia
quyền (chắc chắn cao hơn thuế ưu đãi). Nói như vị lãnh đạo doanh nghiệp
đầu mối nói trên, nhập được hàng từ thị trường ưu đãi thuế càng nhiều
thì lợi nhuận càng lớn.
Trong khi đó, doanh nghiệp xăng dầu đầu mối vốn đã được quy định thu lời 300 đồng/lít xăng, dầu (nằm trong giá cơ sở).
Lãi lớn cho phép doanh nghiệp đầu mối mạnh tay chi hoa hồng để đẩy hàng
hoặc tổ chức các chương trình khuyến mãi giảm giá bán, việc vốn khá
hiếm hoi trên thị trường.
Đây cũng là cách để cạnh tranh với đầu mối khác, nhất là trong bối cảnh
số lượng doanh nghiệp mới gia nhập thị trường ngày càng nhiều. Đến thời
điểm hiện tại, cả nước có 29 đầu mối xăng dầu và chỉ riêng trong năm
2016 đã có thêm trên dưới 5 đầu mối mới. Một thời gian dài trước đó, cả
nước chỉ có 15 đầu mối.
Chiết khấu cao khiến các tổng đại lý tiếp tục có một năm làm ăn khấm
khá. Công ty cổ phần Vật tư xăng dầu (Comeco) báo lãi ròng cả năm 2016
hơn 109 tỉ đồng, vượt 10% so với năm 2015 và cũng cao hơn chỉ tiêu.
Vốn cũng vì thế đang được đổ vào thị trường xăng dầu khi nhà đầu tư tham gia ở phân khúc tổng đại lý, mở cây xăng.
Với những doanh nghiệp có hệ thống cửa hàng trực thuộc lớn, chẳng hạn
như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, đơn vị có trên dưới 2.500
cửa hàng) lợi nhuận lại càng lớn vì ngoài lợi nhuận nhờ chênh lệch thuế,
còn có lợi nhuận bán hàng nhờ chiết khấu.
Báo cáo tài chính năm 2016 vừa được Petrolimex công bố cho thấy, năm
2016, dù doanh thu giảm (vì giá xăng dầu giảm) nhưng lợi nhuận gộp từ
kinh doanh xăng dầu vẫn tăng. Tổng lợi nhuận sau thuế của cả tập đoàn
năm 2016 lên tới 5.165 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với mức 3.438 tỉ đồng
của năm 2015.
Petrolimex còn phân tích, riêng lợi nhuận trước thuế hoạt động kinh
doanh xăng dầu của toàn tập đoàn là 3.848 tỉ đồng, tương đương 61% tổng
lợi nhuận hợp nhất. Sản lượng xuất bán hợp nhất năm 2016 là 11,55 triệu
m3/tấn, tăng 10,3% so với năm 2015, trong đó sản lượng xuất bán xăng dầu
nội địa là 8,345 triệu m3/tấn, tăng 5,9% so với năm 2015 (dầu mazút đơn
vị tính là tấn).