Ông Dzerzhinsky được dựng tượng ở VN là ai? (BBC)
Ngày nay, quan điểm khá phổ biến tại Ba Lan coi ông Dzerzhinsky là kẻ phản lại quyền lợi dân tộc Ba Lan và là 'Đồ tể Đỏ'.
Ngoài
chuyện đem quân Liên Xô đánh Ba Lan năm 1920, Dzerzhinsky được cho là
đóng vai trò chính trong các vụ tàn sát người Nga bị quy kết là 'phản
cách mạng'.
Học viện Cảnh sát Nhân dân ở Hà Nội vừa khánh thành tượng ông Felix Dzerzhinsky, lãnh đạo đầu tiên của ngành công an Liên Xô.
Theo báo Việt Nam,
buổi lễ có sự tham gia của các quan chức ngành công an Việt Nam và ông
Vadim Bublikov, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt
Nam và đại diện Trung tâm Văn hóa Nga tại Hà Nội.
Một bài trên báo Việt Nam viết:
"Ngày
20/01/2017, Học viện CSND đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành Tượng
nhà cách mạng Ph. D. Dgiec-zen-xki, người sáng lập cơ quan Công an Xã
hội Chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới với câu nói nổi tiếng: "Người cán
bộ Công an phải có cái đầu lạnh, trái tim nóng và đôi bàn tay sạch."
Cách mạng và phản cách mạng
Theo
Bách khoa Toàn thư Anh (Britannica) Felix Dzerzhinsky sinh năm 1877 tại
Kaunas (Kovno, Lithuania, khi đó thuộc Đế chế Nga) trong gia đình quý
tộc nghèo người Ba Lan.
Cũng tại đây ông gia nhập Đảng Xã hội Dân chủ năm 1895 và bị cảnh sát Nga hoàng bắt vì hoạt động lật đổ.
Ông bị đầy đi Siberia nhưng bỏ trốn và tham gia Cách mạng Nga 1905.
Trở thành lãnh tụ của Đảng Xã hội Dân chủ Ba Lan-Lithuania và thuyết phục được đảng này hợp nhất với đảng cùng tên ở Nga.
Trong
thời gian nổ ra Cách mạng Nga tháng 2/1917, ông vẫn đang bị cầm tù
nhưng sau được thả và đóng vai trò trọng yếu trong Cách mạng tháng Mười.
Ngày 20/12/1917 ông được Lenin bổ nhiệm làm Chủ nhiệm
Uỷ ban chống phản cách mạng và phá hoại trên toàn Nga. Cái tên hiền
lành này được rút gọn là Cheka, và chính là bộ máy công an của Liên Xô
thời kỳ đầu.
Cheka đã giúp Lenin giữ gìn nền độc tài bằng các
cuộc xử tử tùy thích bất cứ ai chính quyền Xô Viết coi là kẻ thù, theo
Britannica.
Dzerzhinsky
cũng là người đầu tiên lập ra các trại tập trung ở Nga, và có tiếng
là "một lãnh đạo cộng sản không khoan nhượng, không tham nhũng và
cuồng tín".
Theo Stephen Dalziel, phóng viên chuyên về Nga của BBC
News, trong giai đoạn ngay sau khi Lenin lên nắm quyền ở Nga, "ít nhất
nửa triệu người đã bị xử tử".
Britannica viết rằng trong cuộc
chiến Liên Xô đánh Ba Lan năm 1919-20, ông Dzerzhinsky được giao nhiệm
vụ lập ra Ủy ban Cách mạng Ba Lan để về lập chính quyền Bolshevik nếu
Hồng quân thắng lợi.
Nhưng sau thất bại của họ, kế hoạch đó không
thành và Dzerzhinsky rời ngành an ninh sang nắm vị trí Chính ủy Giao
thông năm 1921.
Sang năm 1922, trong nỗ lực hạn chế quyền hành của
Cheka mà lúc đỉnh cao có trên 250 nghìn quân, chính quyền Liên Xô trao
lại ngành an ninh cho Cục Chính trị Quốc gia GPU.
Sau khi Lenin qua đời, Dzerzhinsky ủng hộ Stalin nhiệt thành và giữ chức Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Tối cao Liên Xô.
Ông bị đột quỵ và chết khi đang dự họp Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1926.
Ba Lan đánh giá khác Nga
Tại Ba Lan thời phụ thuộc vào Liên Xô (1945-1989), tên của Dzerzhinsky được đặt cho nhiều đường phố.
Nhưng sau 1990, các tên phố và tượng đài Dzerzhinsky bị bỏ.
Ngày nay, quan điểm khá phổ biến tại Ba Lan coi ông Dzerzhinsky là kẻ phản lại quyền lợi dân tộc Ba Lan và là 'Đồ tể Đỏ'.
Ngoài
chuyện đem quân Liên Xô đánh Ba Lan năm 1920, Dzerzhinsky được cho là
đóng vai trò chính trong các vụ tàn sát người Nga bị quy kết là 'phản
cách mạng'.
Theo một bài trên trang của Đài Tiếng nói Ba Lan về lịch sử:
"Tháng
10/1918, những công nhân tại Moscow đình công và bị vây bắt, quy kết là
phản cách mạng và xử bắn bằng súng máy. Tại Petrograd, nhiều người bị
lĩnh án tử hình, tay họ bị trói cùng nhau, và đến đêm bị đẩy lên các xà
lan gỗ, đem ra ném xuống Vịnh Phần Lan. Người ký các lệnh đó chính là
Felix Dzerzhinsky."
Nhưng
cũng có sự tìm tòi giải thích vì sao người Ba Lan này lại trở thành
nhân vật duy nhất có vị trí cao trong hệ thống Xô Viết và có hành
động như vậy.
Giáo sư Pawel Wieczorkiewicz trong loạt bài 'Các
nhân vật của Thế kỷ 20' giải thích Dzerzhinsky luôn "phục tùng hoàn
toàn Lenin" trong các chiến dịch khủng bố và sẵn sàng làm tất cả để chế
độ Xô Viết không mất quyền.
Làn sóng trấn áp được Dzerzhinsky đẩy lên cao độ năm 1918 sau vụ Lenin bị ám sát không chết.
Mặt
khác, trong một bài trên trang tin Wiadomosci (10/11/2012), bà Marta
Tychmanowicz tìm lại các sử liệu mới nhất nói ông Dzerzhinsky đã cưới
vợ ở nhà thờ trong một buổi lễ của Công giáo La Mã.
Bài báo
'Cuộc đời hai mặt của Felix tay đẫm máu - người Ba Lan nhưng là cha
đẻ của chủ nghĩa khủng bố Xô Viết' cho rằng ông Felix Dzierzinsky và bà
Zofia Muszkat đã quỳ xuống trước cha đạo nhận lời ban phước trong nhà
thờ Thánh Mikolaj ở Krakow ngày 10/11/1910.
Các tài liệu mới nhất về cuộc đời ông Dzerzhinski
do Giáo sư sử học Michal Glowinski mô tả đây là một người xuất thân từ
gia đình quý tộc sa sút vùng biên địa (Ba Lan - Lithuania) và có đời
nhiều thất bại.
"Ông ta không học hành đến nơi đến chốn, bằng tú tài cũng không có, và bỏ học để trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp."
Năm 1920 sau khi đã là thành viên Đảng Xã hội Chủ nghĩa Ba Lan, ông bỏ sang theo Liên Xô và gia nhập Hồng quân.
Ông
Dzerzhinsky cuối cùng "đã trở thành người lãnh đạo tàn bạo của tổ chức
đứng đằng sau làn sóng khủng bố Bolshevik", theo giáo sư Glowinski.
Còn
bà Zofia, sinh ra tại Warsaw và có bằng đại học âm nhạc, đã sang Liên
Xô sống cùng ông Dzerzhinsky cho đến khi qua đời năm 1968 và chỉ quay về
thăm Ba Lan một vài lần.
Tượng 11 tấn của ông Dzerdzinsky từng đứng trước Bộ Công an Liên Xô nhưng sau bị kéo đi và đưa vào một công viên năm 1991.
Tuy thế, nước Nga hiện nay không chia sẻ quan điểm lên án ông Dzerzhinsky như tại Ba Lan, quê hương của ông.
Hồi
giữa năm 2015, một số nhóm cộng sản ở Nga lên tiếng đòi đưa bức tượng
trở lại lên bệ, theo phóng viên BBC Sarah Rainsford từ Moscow.
Bức
tượng Dzerzhinsky tại Học viện Cảnh sát Nhân dân ở Hà Nội có cơ hội
trở thành tượng mới nhất của ông được dựng trên thế giới sau khi Liên Xô
sụp đổ.