Chính sách đất đai khiến phân hóa giàu nghèo? (LS Ngô Ngọc Trai)
Yếu tố
quy hoạch cùng sự cho phép trở thành cái mơ hồ tùy tiện lúc được lúc
không, chính nó tạo ra sự bất công mà một đằng là bần cùng hóa người dân
một đằng là tài phiệt hóa những doanh nghiệp bất động sản.
Một người dân ở xã Nam Mỹ, huyện Nam
Trực, tỉnh Nam Định mới nhờ tôi tư vấn pháp lý một việc, đó là gia đình
ông từ mấy năm trước do nhu cầu sản xuất đã xây dựng một khu chuồng
trại ấp trứng gia cầm và xưởng ép nhựa trên đất nông nghiệp trồng lúa.
Mới
đây chính quyền huyện Nam Trực đã tổ chức cưỡng chế phá dỡ với lý do
công trình xây dựng trái phép, cùng trong danh sách các hộ bị cưỡng chế
là 6 trường hợp khác.
Tôi giải thích cho vị khách hàng rằng ông
muốn xây dựng hợp pháp thì phải xin phép chuyển mục đích sử dụng đất và
phải nộp tiền. Tôi hướng dẫn cho ông làm thủ tục thực hiện nhưng không
biết liệu có được hay không.
Tự ý chuyển đổi
Đây
là trường hợp điển hình cho tình trạng phổ biến hiện nay đó là tình
trạng sử dụng đất không đúng mục đích mà lâu nay thường bị quy cho là
những hành vi vi phạm pháp luật.
Việc người dân có nhu cầu xây
dựng chuồng trại nhà xưởng để sản xuất là sự thật, đây là nhu cầu chính
đáng bộc lộ năng lực khát vọng vươn lên thoát nghèo nơi người dân. Và để
có mặt bằng sản xuất kinh doanh thì người ta nhìn vào mảnh ruộng nhà
mình vốn biết nó từ lâu không đem lại hiệu quả kinh tế.
Theo tính
toán hiện nay thì cấy một sào ruộng hai vụ lúa sau khi trừ đi các khoản
tiền giống, tiền phân bón, tiền công cày bừa, tiền công cấy gặt, tiền
thuốc sâu, tiền thủy lợi, và nhiều khoản khác thì một năm chỉ được vài
trăm nghìn đồng. Nếu năm nào thời tiết không thuận lợi khiến sâu bệnh
phá hoại hay chuột cắn thì coi như mất trắng, thực tế nhiều nơi ruộng bị
người dân 'bỏ sấm' tức là bỏ không để cỏ mọc.
Đứng trước bài toán
kinh tế so sánh giữa cấy lúa và sản xuất phi nông nghiệp người dân dễ
dàng nhìn ra lời giải đáp và theo lẽ thường họ làm theo cái việc tất yếu
là chuyển đổi mục đích sử dụng theo cách tạo ra hiệu quả kinh tế cao
nhất.
Nhưng pháp luật về đất đai hiện nay lại trói buộc người
dân khi không cho họ được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Luật
buộc họ phải xin phép trong khi sự cho phép lại theo cơ chế xin cho với
những yếu tố mơ hồ như vấn đề quy hoạch, khiến cho hành lang pháp lý
thay vì là cơ chế bảo vệ quyền lợi cho người dân thì đó lại là thử thách
lớn nhất mà người dân phải vượt qua để tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Đến
khi người dân xây dựng và chính quyền cưỡng chế phá dỡ thì đó lại là
lối xử lý bế tắc vô trách nhiệm, vì dù sao đi nữa đất đó cũng chẳng thể
khôi phục trở lại làm đất nông nghiệp được, và đất đó cũng vẫn thuộc
quyền sử dụng của chủ hộ. Không cho người dân xây xưởng sản xuất lại
buộc người ta làm nông nghiệp trong khi họ không muốn thì sẽ ra sao?
Yếu tố quy hoạch
Hộ
gia đình nêu trên sau khi bị phá dỡ chuồng trại nhà xưởng thì hoạt động
sản xuất bị đình trệ, gia đình lâm vào tình cảnh chơi vơi mà nếu không
có giải pháp thì sẽ dần bị bần cùng kinh tế.
Cho nên việc cấm cản
người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang là vấn đề bất cập nhất
trong số các quyền của người sử dụng đất hiện nay.
Theo pháp luật
hiện nay thì đất đai thuộc sở hữu nhà nước còn người dân chỉ được giao
quyền sử dụng, người dân tuy không là chủ sở hữu nhưng cũng được thực
hiện gần đủ các quyền của người sở hữu như được phép giao dịch chuyển
nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp, cầm cố.
Duy chỉ còn vấn đề
mục đích sử dụng thì vẫn bị bó buộc hạn chế, và mặc dù pháp luật cũng
cho phép người dân được xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng
những cơ chế đi kèm nhiều nhiêu khê nên gây nhiều hệ lụy tiêu cực.
Lấy
ví dụ, một con đường quốc lộ được làm cắt ngang cánh đồng. Những hộ có
ruộng ven đường rất muốn san lấp để xây dựng một quán bán hàng hay một
xưởng mộc, xưởng cơ khí nhưng không được phép. Nhưng nếu một doanh
nghiệp mua gom nhiều ruộng rồi lập đề án xin xây dựng nhà máy xí nghiệp
thì lại được.
Khi đó thì thử hỏi yếu tố quy hoạch đâu phải là vấn đề, vì doanh
nghiệp kia làm theo cái mục đích mà người dân cũng muốn làm. Vậy thì tại
sao người dân thì không được làm mà doanh nghiệp thì lại được? Câu trả
lời chỉ có thể là do yếu tố tiêu cực mua bán giấy phép dự án, một hình
thức cấu kết giữa doanh nghiệp và quan chức trục lợi trên pháp luật mà
thôi.
Một ví dụ khác cho thấy sự bất công lớn trong chính sách đất
đai, ví như khu Dương Nội thuộc quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Nhiều
gia đình có đất vườn hay đất nông nghiệp ở đây nếu họ được phép chuyển
mục đích sử dụng sang đất ở thì họ có thể cắt một sào 360m2 ra làm hai
ba suất bán đi thu về nhiều tỷ đồng.
Nhưng họ không được làm thế
vì quy định luật không cho phép, song cũng đất đó nếu một doanh nghiệp
kinh doanh bất động sản xin phép chính quyền lập dự án thu hồi và bán
với giá thị trường thì thu về không biết bao nhiêu tiền.
Yếu tố
quy hoạch cùng sự cho phép trở thành cái mơ hồ tùy tiện lúc được lúc
không, chính nó tạo ra sự bất công mà một đằng là bần cùng hóa người dân
một đằng là tài phiệt hóa những doanh nghiệp bất động sản.
Cần mở rộng quyền
Hiện
tôi cũng đang tư vấn pháp lý cho các hộ dân ở thôn Trường Xuân, xã Xuân
Dương, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội liên quan đến việc khiếu nại
dồn điền đổi thửa mà lý do chính là người dân không muốn bị lấy bớt đi
20,5m2 mỗi sào để làm giao thông thủy lợi nội đồng.
Tôi tư vấn cho
bà con rằng ngoài việc đòi hỏi phải giao đủ diện tích thì anh chị cần
đấu tranh đòi quyền cho người dân được tự chủ lựa chọn cơ cấu sản xuất
cây trồng vật nuôi, vì đây là vấn đề bức thiết nhất của người sử dụng
đất hiện nay, đòi quyền này không chỉ cho các anh chị mà là vấn đề của
người dân cả nước.
Ví như sau dồn điền đổi thửa người dân phải
được quyền lựa chọn loại hình canh tác như có thể trồng khoai tây, rau
màu, trồng hoa, cây cảnh, ruộng trũng thì thả cá và có thể xây chuồng
trại để chăn nuôi, chứ không thể cứ bắt người dân phải cấy lúa.
Các
yếu tố quy hoạch đủ các loại phải được các cấp chính quyền tính toán
thật khoa học rõ ràng để trở thành yếu tố thúc đẩy kiến tạo cho người
dân sản xuất kinh doanh chứ không được trói buộc người dân.
Việc
cưỡng ép người dân sử dụng đất chỉ vào một mục đích, đó là sự rập khuôn
máy móc, lười biếng trong suy nghĩ hành động, nghèo nàn trong nhận thức
hiểu biết của tầng lớp cán bộ mà rồi cuối cùng kìm hãm sự phát triển do
không tạo ra hiệu quả canh tác.
Nay đứng trước bài toán đòi hỏi
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và giảm tránh những bất công xã hội đang
ngày một lan rộng, Chính phủ cần nhìn ra và tháo gỡ nới lỏng cho người
dân được tự chủ trong mục đích sử dụng đất.
Những lo ngại về quy
hoạch này nọ thực chất là sự níu giữ những quyền hạn lợi lộc hẹp hòi cho
một bộ phận giới chức, trong khi người dân hơn ai hết chính họ biết
cách sử dụng đất vào việc gì cho đạt hiệu quả, và hiệu quả kinh tế cho
họ cũng chính là hiệu quả đem lại cho nền kinh tế.
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một luật sư đang hành nghề tại Hà Nội. (theo BBC)