Đảng cộng sản Việt Nam, ngã ba đường lịch sử (phần 3) (FB Lang Anh)
Mượn sức mạnh của lòng yêu nước để đạt
được quyền lực và thiết lập được chế độ cai trị, nhưng Đảng cộng sản
Việt Nam đánh cắp luôn chiến thắng ấy bằng cách ghi quyền cai trị của họ
vào hiến pháp. Xương máu và tổn thất thuộc về toàn bộ người Việt Nam,
nhưng thắng lợi thì chỉ thuộc về mình Đảng Cộng Sản. Trên thế giới hiện
nay, có lẽ cũng chỉ có Việt Nam và Trung Quốc là ghi áp đặt quyền cai
trị của một Đảng cầm quyền vào hiến pháp. Người dân Việt Nam đã chiến
đấu và hy sinh cho nền độc lập, đổi lại là một sự cai trị áp đặt của
Đảng cộng sản. Hơn 40 năm qua, họ chẳng có cơ hội lựa chọn nào khác. Đây
là một trong những bi kịch lịch sử cay đắng nhất của người Việt.
Chính sách dân tộc và chủ nghĩa bành
trướng của Đảng cộng sản Trung Quốc hiện nay vừa là một nguy cơ sinh tồn
nhưng cũng đồng thời là bình tiếp oxy hà hơi cho Đảng Cộng Sản Việt
Nam. Điều này thoạt nghe có vẻ vô lý nhưng lại là sự thật.
Đất nước Trung Quốc quá lớn, quá đông
dân và quá phức tạp. Trong nhiều thiên niên kỷ, người Trung Quốc tồn tại
bằng các cuộc chiến tranh xâm lược nối tiếp nhau. Văn hoá của họ được
xây dựng trên nền tảng của lối tư duy nô dịch. Vì thế hầu như khó có thể
có cơ may nào cho Trung Quốc chuyển hoá sang một thể chế dân chủ trong
hoà bình trong ít nhất 30 năm tới.
Những người cộng sản ở Trung Quốc hiện
nay đối diện với nguy cơ bị tàn sát hàng loạt nếu họ để mất dây cương.
Riêng cá nhân tôi cho rằng nếu biến động xã hội xảy ra ở Trung Quốc, nó
sẽ khiến đất nước này bị chia nhỏ làm nhiều phần. Đó sẽ là câu chuyện
trong một tương lai xa. Với tư cách là một đại cường, Đảng cộng sản
Trung Quốc có nhiều giải pháp để duy trì sự tồn tại của mình hơn là Việt
Nam. Nguy cơ Trung Quốc tiến hành các cuộc chiến tranh quy mô nhỏ trong
khoảng 10 năm tới là rất cao, và nó sẽ là một công cụ mà Đảng Cộng Sản
Trung Quốc vận dụng thường xuyên để đánh lạc hướng và xoa dịu các bất ổn
chính trị trong nước.
Có thể thấy rõ điều đó qua các phát ngôn
ngày càng kiên quyết của Tập Cận Bình về các vùng lãnh thổ tranh chấp.
Đó không phải là vấn đề quyền lợi quốc gia, nó giống một chiếc phao cứu
sinh của Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong bối cảnh ngày một mất dần tính
chính danh trước xu thế thời đại. Chế độ cộng sản ở Trung Quốc rồi sẽ
kết thúc, nhưng nó sẽ không chết một mình trước khi gây ra những tổn
thương sâu sắc cho phần còn lại của thế giới và cho chính người dân
Trung Quốc. Thế giới cần ý thức rất rõ về điều này.
Là một nước có đường biên hàng ngàn km
với Trung Quốc và có một mối quan hệ lịch sử phức tạp với dấu ấn nổi
trội là chiến tranh, quan hệ giữa hai chế độ cầm quyền hiện nay ở Trung
Quốc và Việt Nam rất phức tạp. Một mặt, họ luôn giống nhau, trước đây là
vì ý thức hệ cộng sản cổ điển, giờ đây là sự tương đồng về mô hình cái
trị tham nhũng độc tài. Điều đó khiến chế độ cộng sản tại TQ và Việt Nam
luôn có nhu cầu tìm đến nhau trong bối cảnh thế giới coi họ là những
tồn tại khuyết tật của lịch sử. Mặt khác, do là những đại diện cầm quyền
tại hai quốc gia giáp giới với những lợi ích đối kháng nhau về lãnh
thổ, khiến hai chế độ cầm quyền này không thể không có những va chạm đôi
khi đẫm máu. Tôi muốn dừng lại một chút để nói về những cuộc chiến
tranh giành độc lập của Việt Nam trong thế kỷ trước mà Đảng Cộng Sản vẫn
luôn dựa vào đó để đề cao tính chính danh của mình. Chính điều này sẽ
giải thích đầy đủ cho mối liên kết bất thường giữa chế độ cộng sản tại
Việt Nam và Trung Quốc.
Là người truyền bá các học thuyết cộng
sản vào Việt Nam, nhưng ông Hồ Chí Minh chưa bao giờ là một người cộng
sản đúng nghĩa. Tất cả các trước tác ông ta để lại đều khó có thể nói
ông Hồ am hiểu sâu các tư tưởng của Marx và Engels. Tôi thậm chí tin
rằng cả cuộc đời mình chưa bao giờ ông Hồ đọc hết bộ Tư Bản Luận. Trong
hồi ức được thuật lại, chính ông Hồ thừa nhận rằng ông ta đến với chủ
nghĩa cộng sản chỉ vì đọc được luận cương “Dân tộc và thuộc địa” của
Lenin, trong đó có đề cập đến việc xây dựng một liên minh cộng sản để
giải phóng giai cấp và giải phóng các nước thuộc địa. Chủ nghĩa yêu nước
là thứ đã thôi thúc ông Hồ, cho đến khi ông ta tiếp cận các lý thuyết
cộng sản.
Việt Nam có một lịch sử lập quốc hơn
2000 năm, trải qua vô số cuộc chiến tranh chống xâm lược. Chủ nghĩa yêu
nước là một giá trị cốt lõi luôn hiện diện trong huyết quản người Việt.
Sự tồn tại của lòng yêu nước vốn độc lập với các lý thuyết cộng sản.
Những người lính đã chiến đấu ở miền Bắc và cả những người lính đã chiến
đấu để bảo vệ miền Nam, tôi tin rằng họ đều được thôi thúc bởi lòng yêu
nước, vốn được truyền đời qua nhiều thế hệ. Họ đứng ở hai phía khác
nhau vì những giá trị quan khác nhau và do sự chi phối của những người
cầm đầu. Cuộc chiến ấy miền Bắc đã thắng. Nguyên nhân đã được phân tích
rất kỹ càng bởi giới sử gia đông tây, tôi sẽ không lặp lại. Nếu có một
nhận xét về sự kiện thống nhất 30/04/1975, tôi có thể nói thế này: “Một
xã hội văn minh hơn đã bị đè bẹp bởi một xã hội dã man hơn”.
Sức mạnh quân sự không phải lúc nào
cũng đi kèm với trình độ văn minh, ví dụ cho điều đó trong lịch sử đã có
rất nhiều. Ví dụ như cuộc xâm lược khắp Á Âu của đội quân du mục của
Thành Cát Tư Hãn với những quốc gia có trình độ văn minh tiên tiến hơn
nhiều. Riêng với Việt Nam, 30 năm sau ngày 30/04/1975, đất nước quay lại
với những nền tảng căn bản mà người Việt Nam đã làm được ở miền Nam
trước năm 1975, một sự tụt lùi sâu sắc của lịch sử.
Có 4 triệu người đã chết trong cuộc
chiến giành độc lập và thống nhất ở Việt Nam. Hầu hết những người lính
đã hy sinh ở Điện Biên Phủ, ở Khe Sanh, ở Nam Lào và ở những cung rừng
hẻo lánh Trường Sơn đều không phải là đảng viên cộng sản. Họ chiến đấu
thuần tuý vì lòng yêu nước. Thậm chí ngay cả những người được kết nạp
Đảng tại mặt trận lúc đó, họ cũng chẳng dính dáng hay hiểu gì đến các tư
tưởng cộng sản. Những người lính ấy đã chiến đấu và chết vì một lý do
duy nhất là lòng yêu nước. Chính ở đây là một sự nhập nhèm của những
người cộng sản. Lòng yêu nước đã làm nên chiến thắng 30/04/1975 chứ
không phải chủ nghĩa cộng sản. Và bản thân lòng yêu nước thì đã luôn
hiện diện ở Việt Nam trước, trong và sau khi những lý thuyết cộng sản
đến đất nước này.
Tôi tin chắc rằng dù có hay không những
người cộng sản ở Việt Nam thì đất nước cũng vẫn cứ giành được độc lập
bằng cách này hay cách khác, dù là theo lối chiến tranh hay hoà bình, vì
người Việt sẽ luôn không ngừng đòi hỏi nền độc lập. Trên thực tế, hầu
hết các nước thuộc địa trên thế giới sau này đều đạt được độc lập mà chỉ
số ít phải dùng tới chiến tranh. Và vấn đề chính ở đây là những người
cộng sản đã tìm cách đánh đồng chủ nghĩa cộng sản (vốn là một thứ ngoại
lai) với chủ nghĩa yêu nước (là thứ luôn sẵn có), và quy toàn bộ công
lao giải phóng đất nước cho chủ thuyết của họ.
Mượn sức mạnh của lòng yêu nước để đạt
được quyền lực và thiết lập được chế độ cai trị, nhưng Đảng cộng sản
Việt Nam đánh cắp luôn chiến thắng ấy bằng cách ghi quyền cai trị của họ
vào hiến pháp. Xương máu và tổn thất thuộc về toàn bộ người Việt Nam,
nhưng thắng lợi thì chỉ thuộc về mình Đảng Cộng Sản. Trên thế giới hiện
nay, có lẽ cũng chỉ có Việt Nam và Trung Quốc là ghi áp đặt quyền cai
trị của một Đảng cầm quyền vào hiến pháp. Người dân Việt Nam đã chiến
đấu và hy sinh cho nền độc lập, đổi lại là một sự cai trị áp đặt của
Đảng cộng sản. Hơn 40 năm qua, họ chẳng có cơ hội lựa chọn nào khác. Đây
là một trong những bi kịch lịch sử cay đắng nhất của người Việt.
Tuy nhiên, chúng ta cần công bằng với
lịch sử. Tôi tin rằng ông Hồ Chí Minh và những người cộng sản đời đầu
đều là những người yêu nước. Chỉ có điều họ đã nhanh chóng đặt Đảng lên
trên đất nước ngay khi giành được chiến thắng. Và di sản mà họ để lại đã
gây tai họa cho lịch sử đất nước trong nhiều chục năm sau này.
Chế độ cầm quyền hiện nay kế thừa di sản
của những người cộng sản đời đầu. Họ hiểu rất rõ là người dân Việt Nam
sẽ không chấp nhận bất cứ một chế độ cai trị nào làm tổn hại độc lập hay
chủ quyền quốc gia. Và chính đây là lý do dẫn đến mối quan hệ rất phức
tạp giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc. Một mặt thì
Đảng cộng sản Việt Nam luôn có lý do để xích gần Trung Quốc, khi họ là
những thứ tồn tại bị thế giới coi là dị dạng, họ có nhu cầu xiết chặt
tay nhau. Đó là lý do ông Nguyễn Văn Linh tìm cách bắt tay với TQ bằng
mọi giá ở hội nghị Thành Đô, khi hàng loạt chế độ cộng sản trên thế giới
sụp đổ. Mặt khác, chế độ Việt Nam không thể không đối đầu với Trung
Quốc khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm. Đây chính là lý do mà chủ quyền
Việt Nam cứ từng bước bị tổn thất bởi Trung Quốc trong hơn 30 năm qua,
khi bản thân Đảng cầm quyền luôn bị giằng xé giữa việc xích gần kẻ xâm
lược và sức ép bảo vệ chủ quyền đến từ phía người dân.
Chủ nghĩa bành trướng hiện là một cứu
cánh để kéo dài thời gian cái trị của chế độ cộng sản Trung Quốc, nó
khiến chế độ cộng sản Việt Nam đối mặt với nguy cơ lớn nếu để mất chủ
quyền. Tuy nhiên cũng chính sức ép này hiện là một trong những công cụ
tuyên truyền của chế độ Việt Nam, theo đó quyền cai trị của họ cần được
giữ nguyên nếu không đất nước sẽ bất ổn và bị thôn tính. Tôi sẽ quay trở
lại câu chuyện về luận điệu tuyên truyền này ở phần kế tiếp.