"Văn minh" (FB Mạnh Kim)
Văn hóa không thể xây dựng từ những
chiến dịch tuyên truyền, đặc biệt khi mà văn hóa đã bị đốn trốc gốc, khi
nhận thức văn hóa đã bị uốn nắn lệch lạc. Không thể xây căn nhà khi mà
cái móng đã mục rữa.
Đọc cái gọi là “bộ quy tắc ứng xử” của
thành phố “ngàn năm văn vật” chỉ thấy nực cười, không phải vì một số quy
định kỳ lạ mà là sự mỉa mai nằm trong bản chất sự việc. Cái cây văn hóa
một thời bị đốn chặt không thương tiếc, đến mức cái gốc cũng thối
ruỗng, giờ lại lượm lặt vài chiếc cành khô và trưng ra rồi gán cho nó là
“văn hóa” và gọi đó là “những quy tắc ứng xử cơ bản”! Câu chuyện này
khiến nhớ lại thời điểm Trung Quốc chuẩn bị Thế vận hội 2008, khi cả
nước Trung Quốc giương cao khẩu hiệu “người người văn minh, nhà nhà văn
minh”.
Hệt như mọi phong trào khác của đất nước
cộng sản sống với “văn hóa tuyên truyền” và “văn hóa cổ động”, “sống
văn minh” cũng được xây dựng thành “phong trào thi đua” để “đón chào Thế
vận hội”. Không bạ đâu khạc đó, không vứt rác lung tung, không thụi cùi
chỏ vào mặt nhau khi tranh cãi… là vài trong số “quy tắc ứng xử” được
Trung Quốc phát động. “Giới chức văn hóa” gọi đó là sự “điều chỉnh “phần
mềm” văn hóa công cộng”. Chiến dịch được thực hiện đồng bộ tại khắp
thành phố lớn, từ các khóa dạy ngắn trên truyền hình, biểu ngữ tuyên
truyền đến các cuộc “thi ứng xử” tại nhiều địa phương…
Các chương trình trò chuyện truyền hình,
kịch, tiểu phẩm hài – tóm lại là nhiều hình thức phương tiện truyền
thông – đều được tận dụng để dạy dân chúng sống lịch sự hơn, từ cách đi
đứng-xếp hàng nơi công cộng đến việc dùng điện thoại. Nhiều đại học cũng
tổ chức thi ứng xử; biểu ngữ tuyên truyền được dán khắp làng mạc; và bà
con chòm xóm được khuyến khích tham gia cuộc thi “cộng đồng văn minh”.
“Ăn uống cho phải phép cũng là một vấn
đề lớn” – theo giáo sư Ge Chenhong – “Dân Trung Quốc có thói quen húp xì
xụp, không hề biết định nghĩa cái khăn lót là gì, nhổ xương toèn toẹt
lên bàn hoặc xuống sàn. Cách đây 20 năm thì không sao nhưng bây giờ thấy
kỳ lắm!”. “Ở đây, bạn có thể thấy những người mới hôm qua còn chưa có
cái ăn mà hôm nay đã là triệu phú” – lời kể của June Yamada, hiệu trưởng
một trường dạy nghi thức giao tiếp và ứng xử, tác giả quyển “Hãy nói
như thế này, bạn nhé!” – “Họ có được ăn học đầy đủ hồi nào đâu nhưng họ
có tiền. Vì vậy, họ vẫn tiếp tục quên đi tắm trong ba ngày”!
Trước đó, mùa hè 2005, chính quyền Bắc
Kinh thực hiện “tháng giáo dục ứng xử trong công ty” trong khuôn khổ
chiến dịch văn minh thực hiện toàn quốc. Hơn 100.000 công nhân phải tham
gia khóa huấn luyện cách cười; vận vớ sạch khi đến công sở; vệ sinh cá
nhân tươm tất… Tháng 5-2007, nhân viên “Phòng văn minh tinh thần Bắc
Kinh” (có cả một cơ quan như thế!) túa ra đường phố để phát tờ rơi và
kêu gọi bà con chấm dứt khạc nhổ bừa bãi. Trong 7 ngày, người ta phát
100.000 túi nhổ nhưng gần như rất ít người xài. Vào ngày 11 hàng tháng,
nhân viên tuyên truyền văn hóa xuất hiện tại nhiều địa điểm công cộng,
cầm cờ vẫy, kêu gọi mọi người… xếp hàng trật tự…
Thế nhưng rồi sao? Sau ngần ấy thời gian
được “điều chỉnh phần mềm văn hóa”, người dân nói chung và du khách
Trung Quốc nói riêng vẫn “nổi tiếng” với những hành vi kinh khủng của
họ. Trung Quốc vẫn tiếp tục “khủng hoảng văn hóa” ở nhiều mặt. Reuters
(27-12-2016) cho biết, Trung Quốc chuẩn bị thực hiện cái gọi là “cuộc
cách mạng nhà vệ sinh” với dự án xây mới hoặc “cải tạo” 100.000 nhà vệ
sinh công cộng. Những ai từng đi du lịch Trung Quốc hẳn có thể “cảm
nhận” “sự khác biệt” của nhà vệ sinh công cộng nước này như thế nào (tôi
là… một “nhân chứng”!).
Văn hóa không thể xây dựng từ những
chiến dịch tuyên truyền, đặc biệt khi mà văn hóa đã bị đốn trốc gốc, khi
nhận thức văn hóa đã bị uốn nắn lệch lạc. Không thể xây căn nhà khi mà
cái móng đã mục rữa. Văn hóa là dựng người. Văn hóa không thể đến từ
những “mô hình” mang tính hình thức như “khu phố văn hóa” hoặc “làng văn
hóa”. Văn hóa cũng khó có thể trở thành một nếp sống đàng hoàng lâu
dài, nếu nó được thực hiện như một cách “đối phó thời vụ” qua các chiến
dịch “thi đua”; và khi “phản xạ có văn hóa” đã dần bị triệt tiêu.
Để kiến tạo lại một nền văn hóa xuống
dốc, điều cần làm là tìm hiểu nguyên nhân khiến nó suy đồi và sửa lại từ
đó, chứ không phải tạo ra cái gọi là “bộ quy tắc ứng xử”. Điều đó cũng
giống như tưới vài giọt nước cho một cái cây khô mục đã chết. Giáo dục
và xây dựng căn bản đạo đức mới là những viên gạch cần thiết để dựng
ngôi nhà văn hóa. Hơn nữa, “phần mềm văn hóa” không có giá trị gì nếu
bản thân “hệ điều hành” không có văn hóa.