Số phận bi thảm của tù binh Hồng quân Liên Xô sau năm 1945 (Hoàng Quốc Dũng)

 

Các bạn ở Miền Bắc XHCN, thường chỉ biết đến Liên Xô như một đất nước lẫy lừng chiến công chống phát xít Đức – kẻ chiến thắng vinh quang DUY NHẤT trong Đại chiến Thế giới thứ hai. Nhưng sự thật, như thường lệ trong lịch sử, phức tạp và tàn khốc hơn nhiều. Không thể phủ nhận vai trò lớn của Hồng quân trong việc đánh bại phát xít, nhưng chiến thắng đó là công sức của nhiều dân tộc, trong đó có Hoa Kỳ, Anh, Pháp, và vô số người dân châu Âu kháng chiến dưới ách Đức Quốc xã.

Hôm nay, nhân ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức, tôi muốn kể lại một góc tối – một sự thật đau đớn và ít được biết đến: số phận của những người lính Hồng quân bị bắt làm tù binh và những công dân Liên Xô bị cưỡng bức lao động ở Đức, sau khi chiến tranh kết thúc.

Từ chiến trường về trại cải tạo

Khi chiến tranh kết thúc, khoảng một triệu công dân Liên Xô, bao gồm tù binh chiến tranh và lao động cưỡng bức tại Đức, được hồi hương. Nhưng thay vì được đón chào như những người sống sót anh hùng, họ lại bị nghi ngờ là gián điệp, là kẻ phản bội, là “ô uế” vì đã từng nằm trong tay kẻ thù. Với chế độ Stalin, việc bị bắt sống đã là một tội lỗi.

Tư tưởng chính trị của Stalin thể hiện rõ trong mệnh lệnh số 270 (ban hành tháng 8 năm 1941): mọi người lính Hồng quân bị bắt đều là kẻ đào ngũ, và gia đình họ cũng trở thành “kẻ thù của Tổ quốc”. Theo đó, người lính Liên Xô phải chiến đấu đến chết – chết vinh quang – chứ không được quyền đầu hàng để giữ mạng sống. Chế độ cộng sản Xô Viết tôn vinh cái chết hơn là sự sống, nếu sự sống đó không “thuần khiết về chính trị”.

Trại thanh lọc – địa ngục sau địa ngục

Sau chiến thắng, các nước Đồng minh phương Tây đã trao trả các công dân Liên Xô về nước. Nhưng thay vì trở về gia đình, họ bị lùa vào các “trại thanh lọc” dưới quyền kiểm soát của NKVD(Народный комиссариат внутренних дел, НКВД) – cơ quan mật vụ khét tiếng của Stalin (tiền thân của KGB). Tại đây, họ bị thẩm vấn, tra khảo, ép cung để tìm bằng chứng “hợp tác với kẻ thù”, dù là vô tình hay bị ép buộc.

Một số lượng lớn bị xử bắn không xét xử hoặc bị đưa thẳng đến các trại cải tạo khắc nghiệt trong hệ thống Gulag – địa ngục trần gian dưới danh nghĩa “lao động cải tạo”. Đối với Stalin, sống sót là một tội ác, và “trở về từ châu Âu” đồng nghĩa với ô nhiễm tư tưởng.

Đàn áp có hệ thống

Theo tài liệu giải mật từ kho lưu trữ Liên Xô:

– 57–60% bị “phục hồi” – trên danh nghĩa – nhưng thực tế là bị ép đi lao động cưỡng bức, bị đưa về các vùng nông thôn xa xôi làm việc trong điều kiện đói khổ.

– 15–20% bị kết án hình sự, tống vào các trại cải tạo (Gulag) hoặc đày đi vùng Siberia.

– 5–10% bị xử bắn, chết không kèn không trống.

– Chỉ 15–20% thực sự được trở lại đời sống dân sự, nhưng vẫn phải chịu giám sát, kỳ thị, và không bao giờ được phục hồi danh dự.

Con số trên, theo nhiều nhà sử học, vẫn còn là con số lạc quan. Thực tế, đại đa số những người trở về sống âm thầm, bị cô lập trong xã hội Xô Viết – một xã hội mà trí nhớ bị kiểm soát và sự thật bị bóp méo.

Ký ức bị chôn vùi – một tội ác không tên

Từ sau chiến tranh cho đến thời kỳ Khrushchev và đặc biệt thời kỳ glasnost (cởi mở) của Gorbachev, không ai được nhắc đến số phận của họ. Không ai được phép tưởng niệm, không ai được phục hồi nhân phẩm. Trong các cuốn sách giáo khoa, phim ảnh, họ không tồn tại. Họ là những người bị xoá khỏi lịch sử – không phải vì tội lỗi, mà vì chế độ cần một huyền thoại thuần khiết để ca ngợi chính nó.

Ngay cả sau khi Liên Xô tan rã, công lý cũng không trở lại với họ một cách trọn vẹn. Họ không được công nhận là nạn nhân, không được bồi thường, không được xin lỗi chính thức.

Một bi kịch lồng trong một bi kịch lớn

Bi kịch của những người lính Hồng quân trở về phản ánh rõ bản chất tàn nhẫn, phi nhân đạo và phi lý của chế độ Stalin. Trong khi phương Tây tổ chức phục hồi danh dự, hỗ trợ tâm lý cho các cựu tù binh chiến tranh, thì tại Liên Xô – đất nước “anh em xã hội chủ nghĩa”, tù binh được đối xử như cặn bã, như tội nhân, như kẻ phản bội cần tiêu diệt.

Họ sống sót qua địa ngục Đức Quốc xã – để rồi chết trong địa ngục cộng sản.

« Ta đã thấy gì trong đêm nay »

Liên Xô (và cả nước Nga ngày nay) không phải là một thiên đường hòa bình, nhân đạo như nhiều người lầm tưởng qua các màn tuyên truyền. Đằng sau các khẩu hiệu hoành tráng là một cỗ máy nghiền người, một guồng máy trấn áp chính cả công dân của mình bằng danh nghĩa “chính trị”, “tổ quốc” và “trung thành tuyệt đối”.

Hãy trả lại cho Liên Xô và Stalin sự thật lịch sử – bao gồm cả ánh sáng lẫn bóng tối. Hãy nhớ đến những người lính bị lãng quên – vì họ xứng đáng được sống trong ký ức của nhân loại, chứ không phải bị xóa bỏ bởi những kẻ nhân danh cách mạng để gieo rắc tàn bạo.

Thật đáng tiếc cho một đất nước vĩ đại với biết bao tiềm năng, chỉ vì một vài tên bạo chúa, trở thành một nước phát xít bị thế giới văn minh cô lập và đang dần dần trở thành một nước tụt hậu, chư hầu của Trung Quốc.

Hoàng Quốc Dũng

12/05/2025