Những bài học từ một năm bầu cử tại hơn 70 quốc gia (Chi Phương)

 Năm 2024 được coi là năm của bầu cử, với các cuộc bầu cử tổng thống hay lập pháp diễn ra tại hơn 70 quốc gia từ Hoa Kỳ, Ấn Độ, cho đến Georgia, liên quan đến gần một nửa dân số của quả địa cầu. Kết quả các cuộc bầu cử tác động đến nội bộ nước đó trước tiên, nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình địa chính trị toàn cầu vào những năm tiếp theo.

 

baucu1

Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu bầu tổng thống tại Pennsylvania, Hoa Kỳ, ngày 05/11/2024. AP - Luis Andres Henao

Trong năm qua, kết quả bầu cử gây chấn động nhất có lẽ là chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngày 06/11/2024. Kết quả này không chỉ tác động đến nội bộ Hoa Kỳ, với các chính sách về kinh tế, giáo dục, an ninh, hay di dân, mà còn tác động lớn đến quốc tế. Thế giới sẽ phải chuẩn bị trước một nhà lãnh đạo khó đoán nhất. Liên quan đến cuộc chiến ở Ukraina, trong khi tổng thống mãn nhiệm Joe Biden từ đầu cuộc chiến luôn bày tỏ ủng hộ Kiev, với những hỗ trợ về tài chính và quân sự lớn nhất cho Ukraina, thì tổng thống tái đắc cử Donald Trump đã tuyên bố trong chương trình tranh cử là sẽ ngưng chuyển giao vũ khí cho Kiev và muốn đàm phán hòa bình trực tiếp với tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong bài đăng trên The Conversation, ông Samuel B.H. Faure, nhà nghiên cứu về khoa học chính trị tại đại học Sciences Po Saint-Germain en Laye, dường như ông Trump vẫn giữ nguyên lập trường này kể từ khi đắc cử.

Việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng cũng sẽ tạo ra các tác động chính trị đối với Trung Đông. Nhà tỷ phú Mỹ vẫn luôn bày tỏ ủng hộ thủ tướng Benjamin Netanyahu bất chấp cuộc chiến của Nhà nước Do Thái ở Gaza bị quốc tế lên án. Ông Trump cũng đã bổ nhiệm Mike Huckabee, được biết là có lập trường ủng hộ "thuộc địa", làm đại sứ Hoa Kỳ tại Israel. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, Donald Trump cũng đã đưa ra nhiều quyết định có lợi cho Israel. Ngoài ra, lập trường chống Trung Quốc của ông Trump sẽ tác động không nhỏ đến cuộc thương chiến Mỹ-Trung.

Bài phân tích trên The Conversation nêu ra các cuộc bầu cử ở những nơi khác trên thế giới cũng tác động đến bối cảnh địa chính trị toàn cầu. Phải kể đến những chiến thắng mang tính chất "thông báo" ở các nước "phi dân chủ", như trường hợp của Vladimir Putin, tái đắc cử tổng thống Nga lần thứ 5, hay trường hợp của Nicolas Maduro ở Venezuela.

AP thì nêu ra những bài học từ các cuộc bầu cử trong năm qua, trích dẫn nhận định của Cas Mudde, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Georgia, nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan và dân chủ, tóm tắt năm 2024 là "một năm tuyệt vời cho phe cực hữu, một năm tồi tệ cho những người đương nhiệm và một năm rắc rối cho nền dân chủ trên toàn thế giới".

Cử tri đã "chán ngấy" những nhà lãnh đạo lâu năm

Ở Nam Phi, tỷ lệ thất nghiệp cao và bất bình đẳng đã phần nào khiến cho đảng Đại hội Dân tộc Phi, mất đi đáng kể sự ủng hộ trong cuộc bầu cử hồi tháng Năm. Đảng từng do Nelson Mandela lãnh đạo mất đi sự cai trị sau 3 thập kỷ cầm quyền và buộc phải liên minh với các đảng đối lập.

Nhìn sang Châu Á, tại nền dân chủ đông dân nhất thế giới, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thuộc đảng Bharatiya Janata, lãnh đạo quốc gia hơn tỷ dân từ 1 thập kỷ qua, đã mất đa số trong Quốc hội sau cuộc bầu cử với kết quả "gây sốc" vào tháng 6. Đảng này buộc phải lập liên minh khi phe đối lập tăng gấp đôi sức mạnh trong Quốc hội.

Tại Nhật Bản, chính trường của đất nước mặt trời mọc đã bị chao đảo khi đảng Dân Chủ Tự Do của thủ tướng Shigeru Ishiba, đảng cầm quyền ở Nhật Bản gần như liên tục từ năm 1955, đã bị đánh bại trong cuộc bầu cử hồi tháng 10. Đảng này hiện đang lãnh đạo một chính phủ thiểu số, trong bối cảnh cử tri tức giận vì các bê bối tài chính trong nội bộ đảng.

Trong cuộc bầu cử hồi tháng 7 tại Anh Quốc, đảng bảo thủ đã bị lật đổ sau 14 năm cầm quyền, phải chịu thất bại ê chề trước Công Đảng. Theo AP, kết quả này cho thấy sự chia rẽ trong chính trường Anh ngày càng tăng. Hai đảng lớn thống trị đất nước trong hơn một thế kỷ đã dần mất lòng tin của người dân và các cử tri chuyển sang ủng hộ các đảng nhỏ hơn, bao gồm cả đảng cực hữu Cải cách Vương quốc Anh do Nigel Farage lãnh đạo.

Sự trỗi dậy của cánh hữu

2024 cũng là một năm chứng kiến sự trỗi dậy của cực hữu tại nhiều quốc gia. Trước tiên, phải kể đến cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu ở khối 27 nước. Mặc dù liên minh trung-hữu vẫn giữ được đa số, kết quả cho thấy phe dân tuý bảo thủ và cực hữu hiện diện mạnh mẽ ở Pháp và Đức, hai cường quốc của Liên Hiệp Châu Âu.

Tại Pháp, đảng Tập Hợp Dân Tộc cực hữu đã giành chiến thắng trong vòng đầu bầu cử Quốc hội hồi tháng 6, nhưng các liên minh và chiến thuật bầu cử của cánh trung và tả đã thành công đẩy đảng cực hữu này xuống vị trí thứ ba trong vòng hai. Tuy nhiên, Quốc hội Pháp bị chia rẽ sâu sắc, với một chính phủ mong manh, bị lật đổ trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 04/12/2024.

Nhìn sang nước Áo, Đảng Nhân dân bảo thủ đã bị đánh bại bởi Đảng Tự do, đảng cực hữu ủng hộ Nga, trong cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 9. Sau đó, các đảng khác đã liên minh để không cho đảng này tham gia vào chính phủ liên minh.

Chủ nghĩa gia đình trị bị lung lay

Năm bầu cử 2024 cũng cho thấy chủ nghĩa "gia đình trị" và các "triều đại chính trị" tiếp tục tạo dựng sức ảnh hưởng, nhưng cũng phải chịu nhiều thách thức.

Tại Indonesia, nền dân chủ lớn nhất Đông Nam Á, Prabowo Subianto, con rể của cố độc tài Suharto, đã được bầu làm tổng thống. Nhìn sang Pakistan, người dân đã bầu làm thủ tướng ông Shehbaz Sharif, em trai của Nawaz Sharif, lãnh đạo Pakistan trong ba nhiệm kỳ.

Tình hình ở Bangladesh cũng khiến thế giới quan tâm, khi Sheikh Hasina, nhà lãnh đạo nữ tại vị lâu nhất thế giới, đã thắng cử nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp, trong cuộc bầu cử hồi tháng Một, cho dù phe đối lập mạnh mẽ phản đối kết quả này. Chỉ vài tháng sau, 15 năm cầm quyền của bà Hasina đã kết thúc trong hỗn loạn. Sau các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo, trong đó hàng trăm người đã thiệt mạng vì bị đàn áp, bà Hasina đã bị lật đổ vào tháng 8 và phải sang Ấn Độ lánh nạn.

Vẫn tại Nam Á, cử tri Sri Lanka đã bầu Anura Kumara Dissanayake, một người theo chủ nghĩa Marx, làm tổng thống vào tháng 9, thay vì một cựu quân nhân mất uy tín. Cuộc bầu cử diễn ra hai năm sau khi một phong trào phản kháng của tầng lớp trung lưu đã loại bỏ gia tộc Rajapaksa đã cai trị Sri Lanka từ nhiều thập kỷ.

Can thiệp bầu cử tiếp tục gây quan ngại

Các cuộc bầu cử trong năm 2024 cũng bị đánh dấu bởi những can thiệp "ngầm" và thông tin sai lệch được loan truyền trên các nền tảng mạng xã hội. Meta, công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp, cho biết, trong năm 2024 đã phá vỡ 20 "hoạt động gây ảnh hưởng ngầm liên quan đến bầu cử trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Trung Đông, Châu Á, Châu Âu và Hoa Kỳ". Meta cho biết Nga là bên can thiệp hàng đầu, tiếp theo là Iran và Trung Quốc.

Riêng về can thiệp được cho là từ Nga, phải kể đến trường hợp Romania. Ứng cử viên cực hữu Călin Georgescu đã bất ngờ giành chiến thắng trong vòng đầu bầu cử tổng thống vào tháng 11, một phần là nhờ vào một loạt video TikTok quảng bá cho chiến dịch tranh cử của ông. Tuy nhiên, Tòa Bảo hiến của nước này đã hủy bỏ cuộc bầu cử, sau khi một loạt thông tin tình báo cáo buộc Nga đã tổ chức một chiến dịch trên mạng xã hội để quảng bá cho Georgescu. Hiện vẫn chưa có ngày nào được ấn định để tổ chức bầu cử lại.

Còn tại Georgia, sau cuộc bầu cử hồi tháng 10, đảng Giấc Mơ Georgia, thân Nga, giành chiến thắng lớn, đã đình chỉ các cuộc đàm phán về gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, gây ra các cuộc biểu tình lớn từ nhiều tuần qua. Phe đối lập tại nước này đã cáo buộc đảng cầm quyền gian lận phiếu bầu với sự trợ giúp của Nga.

AP kết luận rằng chặng đường gập ghềnh của nền dân chủ sẽ tiếp tục vào năm 2025, với những lãnh đạo đương nhiệm đang gặp khó khăn, phải đối mặt với thách thức ở các quốc gia như Đức. Thủ tướng Olaf Scholz đã bị Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 16/12, dẫn đến một cuộc bầu cử lập pháp sớm, dự trù diễn ra vào tháng 2. Canada cũng sẽ tổ chức bầu cử vào năm 2025, trong bối cảnh đảng Tự Do cầm quyền của thủ tướng Justin Trudeau không được lòng dân và ngày càng bị chia rẽ sau gần một thập kỷ nắm quyền.

Chi Phương