Hội Nhà Văn Việt Nam Hôm Nay Đến Nông Nỗi Này Sao ? (Phạm Đình Trọng)
Vụ việc giữa ông Lương Ngọc An, uỷ viên ban chấp hành hội Nhà Văn Việt Nam, phó tổng biên tập tờ tuần báo Văn Nghệ của hội Nhà Văn với nhà thơ nữ Dạ Thảo Phương, phóng viên của báo, thực sự là vụ việc cưỡng dâm đã thành, đã kéo dài và đang âm thầm tiếp diễn cho đến ngày bùng nổ 14.4.2000.
Nạn nhân đã hơn một lần bị xâm phạm, giày xéo bầm dập thân thể, bị xúc phạm ê chề phẩm giá phải âm thầm chịu đựng đau đớn, tủi nhục và tuyệt vọng đến nỗi đã nhiều lần tìm đến cái chết, nhờ được phát hiện và cứu kịp mà sống sót rồi lên tiếng kêu cứu. Đến ngày chấn động 14.4.2000 vụ việc mới vỡ lở do kẻ cưỡng dâm có chức sắc, có quyền lực, lại được quyền lực cấp trên o bế nên quá tự tin, ngông nghênh, tiếp diễn cuộc cưỡng dâm ở ngay tòa báo, trong giờ làm việc như thời nhiễu nhương, dựa thế chị gái là tuyên phi Đặng Thị Huệ, cậu Trời Đặng Mậu Lân võng lọng dạo phố kinh kỳ thấy con gái vừa mắt liền quây màn cưỡng hiếp giữa đường.
Cùng với những cuộc cưỡng dâm đã diễn ra trong quá khứ thì sự việc diễn ra trong phòng làm việc ở tòa báo trưa ngày tội lỗi 14.4.2000, thân xác đàn ông ngùn ngụt đòi hỏi đè lên thân thể phụ nữ, bàn tay cơ bắp đàn ông gồng lên chịt cổ nạn nhân, quyết thực hiện bằng được việc cưỡng dâm, hiển nhiên là vụ bạo hành cưỡng dâm, hiển nhiên là vụ xâm phạm thân thể và xúc phạm danh dự phẩm giá phụ nữ, hiển nhiên là vụ việc hình sự nghiêm trọng có đầy đủ nhân chứng, bằng chứng.
Nhưng quyền lực lãnh đạo hội Nhà Văn đã bao che cho quyền lực phạm tội cưỡng dâm khi không gọi đúng tên vụ việc là cưỡng dâm, là xâm phạm thân thể và xúc phạm danh dự phẩm giá phụ nữ mà chỉ là “hành hung, gây mất trật tự trong cơ quan”, chỉ là chuyện xung đột cá nhân thường tình trong đời sống xã hội, chỉ là lỗi nhỏ trong sinh hoạt, cãi lộn, hành hung, “gây mất trật tự” mà thôi.
Lãnh đạo báo Văn Nghệ và hội Nhà Văn Việt Nam nhìn nhận vụ việc hiển nhiên cưỡng dâm, xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự phẩm giá phụ nữ chỉ là “hành hung, gây mất trật tự trong cơ quan” không những biến vụ việc hình sự nghiêm trọng thành vụ việc dân sự thường tình, không những biến tội cưỡng dâm, xâm phạm thân thể phụ nữ thành việc đôi co, gây lộn trong cuộc sống dân sự mà còn đánh đồng tội phạm với nạn nhân, tạo điều kiện cho tội phạm chạy tội. Tội phạm liền bịa đặt ra câu chuyện tráo trở, biến nạn nhân bị cưỡng dâm thành người gây rối, biến tội phạm cưỡng dâm thành nạn nhân bị quấy rối.
Từ hội Nhà Văn liền dồn dập lan truyền ra câu chuyện thêu dệt về cuộc tình đồng thuận trong bóng tối, chuyện ngoại tình thường tình trong đời sống xã hội. Câu chuyện thêu dệt lan truyền diễn giải vụ việc tội ác diễn ra ở báo Văn Nghệ ngày 14.4.2000 chỉ là chuyện người đàn ông không chấp nhận đòi hỏi của người đàn bà đến sau đòi người đàn ông bỏ vợ cũ để người đàn bà đến sau thay thế. Tới tấp những cuộc điện thoại của các nhà văn thân cận với các yếu nhân ở hội Nhà Văn gọi đi các nơi kể câu chuyện được lan truyền từ hội Nhà Văn để bao che, chạy tội cho kẻ cưỡng dâm. Biến nạn nhân bị cưỡng dâm thành người gây rối bị chê trách, bị cô lập trong dư luận xã hội và biến tội phạm cưỡng dâm thành người đàn ông đáng thương, đáng được cảm thông vì bị vướng vào chuyện rắc rối đàn bà!
Khi câu chuyện thêu dệt lan truyền từ hội Nhà Văn bao che, chạy tội cho kẻ cưỡng dâm chưa đạt hiệu quả trong dư luận xã hội liền xuất hiện tiếp thư ngỏ đứng tên vợ kẻ bị tố cáo cưỡng dâm. Thư ngỏ thống thiết đứng tên vợ kẻ bị tố cáo cưỡng dâm vẫn là giai điệu, là điệp khúc của câu chuyện thêu dệt lan truyền từ hội Nhà Văn, vẫn nỉ non mùi mẫn bênh vực, bao che, chạy tội cho kẻ bị tố cáo cưỡng dâm bằng cách vẽ ra chân dung nghi phạm bị tố cáo cưỡng dâm là người đàn ông nặng lòng yêu thương và đầy trách nhiệm với gia đình. Người đàn ông ấy không thể đánh mất gia đình đang yên ấm nên bị người đến sau gây chuyện làm phiền, gây tai tiếng, rắc rối mà thôi!
Ông nhà thơ thành viên ban lãnh đạo hội Nhà Văn quốc gia bị tố cáo cưỡng dâm với sự việc và bằng chứng không thể chối cãi nhưng cả cơ quan lãnh đạo hội Nhà Văn quốc gia, một tổ chức văn hoá của đất nước nói tiếng nói nhân văn của con người đã huy động cả bộ máy tổ chức hội Nhà Văn, huy động cả năng lực nghề nghiệp, năng lực hư cấu văn chương của nhà văn ra bao che, lấp liếm cho một tội phạm ghê tởm, phản văn hoá, phản nhân văn.
Từ vụ việc Lương Ngọc An phơi bày ra nhân cách của nhóm người được gọi là nhà văn, nhà thơ trong hội Nhà Văn Việt Nam, phơi bầy ra sự gian dối, tráo trở của hội Nhà Văn Việt Nam chạy tội cho ông nhà thơ bị tố cáo cưỡng dâm, từ tiếng kêu cứu như lạc lõng trong thời buổi sự gian dối, tráo trở tràn lan trong cuộc sống, tôi lại nhớ đến nỗi đau một thời của người dân làng Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, nhớ đến thứ văn chương bồi bút nô lệ cho quyền lực, thứ văn chương gian dối, tráo trở chạy tội cho đám quan tham cướp đất của dân và vu tội cho người dân lương thiện quyết giữ mảnh đất của làng quê trong tiểu thuyết Kẻ Ám Sát Cánh Đồng của ông nhà văn Nguyễn Quang Thiều nay đang là chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam.
Quyết giữ mảnh đất sống của người dân bị một đường dây quyền lực biến thành đất riêng của quan tham, nhiều người dân giữ đất ở Lạc Nhuế, Đồng Hoá, Kim Bảng, Hà Nam phải nhận án tù. Có người phải bỏ mạng thê thảm ngay trên mảnh đất làng quê. Có người phải bỏ mạng oan khuất ở pháp trường. Nỗi đau, nỗi oan khiên của người dân làng Lạc Nhuế, Đồng Hoá, Kim Bảng, Hà Nam năm 1992 còn đau thương, ai oán ngút trời hơn cả nỗi đau thương, ai oán của người dân mất đất ở làng Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội năm 2020.
Năm 2020 sóng internet của văn minh tin học đã phủ kín toàn cầu đưa tiếng kêu cứu của người dân làng Hoành, Hà Nội đi xa trong không gian và thời gian. Tiếng súng xả vào phòng ngủ, xả vào ngực người dân ở làng Hoành, Đồng Tâm đêm 9.1.2020 lập tức người dân cả nước đều biết và sẽ đi vào sử sách chính thống. Năm 1992, văn minh tin học chưa đặt chân tới làng quê Việt Nam. Tiếng nói dân oan, tiếng nói sự thật không thể cất lên trong không gian của sự gian dối tráo trở. Chỉ có tiếng nói của quyền lực và tiếng nói của đám bồi bút, văn nô. Nhờ có người dân Lạc Nhuế “trốn vào Nam, vay mượn tiền bạc, đổi tên thay họ tìm đường sang Nga, rồi Balan” mà nhiều năm sau, tiếng nói sự thật, tiếng nói nỗi ai oán trong cuộc đời, nỗi ai oán trong văn chương của người dân lương thiện làng Lạc Nhuế, Hà Nam mới nức nở cất lên ở góc trời châu Âu dân chủ, ở nước Đức văn minh và được nhà văn Đỗ Trường, một nhà văn người Việt sống ở Đức ghi lại.
Xin hãy đọc chậm những dòng chữ uất nghẹn, ứa máu của nhà văn Đỗ Trường ghi lại nỗi đau thương, oan khuất trong cuộc đời, nỗi đau thương, oan khuất trong văn chương của người dân Lạc Nhuế, Hà Nam hơn ba mươi năm trước.
Phạm Đình Trọng
09/01/2025