Điểm báo Pháp : Nhà độc tài Assad, “người tị nạn” Syria trong tay Putin (RFI)
Hôm nay, 25/12/2024 ngày lễ Giáng sinh, chỉ có duy nhất Le Monde ra từ hôm trước, các báo khác đều nghỉ sau khi ra số đúp. Đáng chú ý là bài viết « Bachar Al Assad, người tị nạn của Putin ». Từ khi bị lật đổ, nhà độc tài Syria chạy sang Nga với thân nhân đã ở đó từ lâu. Từ nhiều năm qua, gia tộc Al-Assad đã chuyển những số tiền lớn sang Matxcơva.
« Tôi không phải là Yanukovitch »
Le Monde nhắc lại, hồi tháng Tư 2014, khi tiếp cựu thủ tướng Serguei Stepachine đồng thời là cựu giám đốc FSB, Bachar Al Assad đã nhờ chuyển giao thông điệp cho Vladimir Putin : « Tôi không phải là Yanukovitch ». Đặc phái viên của Kremlin được gởi đến để thăm dò, vào lúc cuộc nội chiến đã làm 150.000 người chết và đẩy 3 triệu người Syria vào con đường lưu vong. Trước đó hai tháng, tổng thống Ukraina Viktor Yanukovitch đã phải vội vã chạy trốn sang Matxcơva. Bachar Al Assad lúc đó vô cùng tự tin, cho rằng viễn cảnh này không thể nào diễn ra với ông ta.
Mười năm sau, Assad đã phải đi theo con đường tương tự. Cũng được giúp chạy trốn một cách âm thầm, ông ta đến Nga với cùng những hình ảnh Dinh tổng thống bị dân tràn vào cướp phá như ở Ukraina, các nhân vật trong chế độ mạnh ai nấy chạy thoát thân. Cảnh tượng giống nhau một cách thảm hại tại hai quốc gia đều mang tính chiến lược đối với Matxcơva, thật đáng quan ngại. Cả hai cựu tổng thống được cho ẩn náu, nhưng không một lời nào từ chủ nhà: Vladimir Putin không ưa những tổng thống bị lật đổ.
Chủ nhân điện Kremlin chưa bao giờ tiếp Viktor Yanukovitch, ít nhất là về mặt chính thức. Về phần Bachar Al Assad, theo phát ngôn viên Kremlin Dimitri Peskov, « không có cuộc họp nào trong chương trình nghị sự của tổng thống », sau khi gia tộc đã trị vì Syria 53 năm bị sụp đổ. Đáng sỉ nhục hơn nữa là Bộ Ngoại giao Nga thay mặt Bachar Al Assad loan báo việc ông ta « từ nhiệm », đã « quyết định rời chức vụ tổng thống và rời khỏi đất nước, ra lệnh chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa ».
Gia tộc Assad đầu tư lâu dài cho cuộc sống ở Matxcơva
Thực tế thì Assad đã phải chạy trốn trong đêm khuya một cách nhục nhã, đến căn cứ Nga Hmeimim. Nhưng nhà độc tài đã chuẩn bị cho hậu vận từ lâu. Mùa hè 2017, theo lệnh Matxcơva, Assad gởi ba người con đi dự trại hè ở Crimée. Hafez 16 tuổi, Zein 14 và Karim 13, trải qua nhiều tuần lễ ở Artek, một trại thiếu niên tiền phong thời Liên Xô được tôn tạo ở vùng đất Ukraina bị Nga sáp nhập, nhưng dưới những cái tên giả. Cả ba bắt đầu học ngôn ngữ của Pouchkine.
Assad cũng đã áp đặt tiếng Nga trong các trường học ở Syria. Con trai lớn Hafez, năm nay 21 tuổi, hồi tháng Bảy đã có được bằng thạc sĩ toán ở Matxcơva, hãnh diện chụp hình với người mẹ Asma Al-Assad, ông bà ngoại cũng có mặt. Báo chí Ả Rập coi đây là dấu hiệu chuẩn bị kế vị với sự ủng hộ của Vladimir Putin.
Kể từ khi Kremlin can thiệp vào Syria, Bachar Al Assad đã có sáu chuyến đi sang Matxcơva hoặc Sotchi, nhưng các phi cơ Nga không chỉ chở ông ta mà chở theo cả tiền bạc. Ngay từ 2019, Global Witness, tổ chức phi chính phủ chuyên chống cướp bóc tài nguyên thiên nhiên và tham nhũng, cho biết gia đình Makhlouf – liên quan đến nhà độc tài, bị Mỹ và châu Âu trừng phạt – sở hữu ít nhất 40 triệu đô la tài sản địa ốc trong hai tòa nhà chọc trời sang trọng ở Matxcơva.
Đầu tư nhiều nhất là Hafez Makhlouf, anh em họ ngoại của Bachar Al Assad và là một trong những kẻ đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình ôn hòa năm 2011. Năm người khác, trong đó có vợ của người giàu nhất Syria là Rami Makhlouf, cũng mua 19 căn nhà ở khu kinh doanh Moscow City. Cặp sinh đôi Iyad và Ihab thuộc gia đình Makhlouf dùng một công ty đăng ký ở Nga để mua hẳn một tầng của tòa nhà « Federation » cao nhất châu Âu với giá 9,5 triệu đô la.
21 chuyến bay chở 250 triệu đô la tiền mặt sang Nga
Còn Bachar Al Assad trong hai năm từ tháng 3/2018 đến tháng 9/2019 đã chuyển bằng máy bay sang Nga hai tấn tiền bằng giấy bạc 100 đô la và 500 đô la – theo tiết lộ của Financial Times ngày 15/12. Nhật báo Anh khẳng định đã có 21 chuyến bay hạ cánh xuống phi trường Vnoukovo ở Matxcơva, chở gần 250 triệu đô la tiền mặt. Cựu tổng thống Syria có lẽ đã đền đáp sự hỗ trợ quân sự và chính trị của Nga. Bà vợ Asma Al-Assad, bị ung thư và bạch cầu, được chữa trị ở Matxcơva, có các tuyên bố ngày càng giống đường lối của Putin.
Hồi tháng 2/2014, khi ông tiếp đặc phái viên Stepachine, liên tục có những lời kêu gọi Bachar Al Assad ra đi. Từ 2012, một nghị quyết Liên Hiệp Quốc theo hướng này đã bị Nga phủ quyết và 18 dự thảo khác sau đó cũng vậy. Ông chủ Nga đã giúp Bachar Al Assad hưởng thêm 10 năm làm vua một cõi tại một đất nước bị tàn phá. Nhà báo Mikhail Zygar, hiện sống lưu vong, dẫn ra câu nói của tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt (1882-1945) về nhà độc tài Nicaragua Somoza (1925-1980) : « Có thể đó là một tên khốn kiếp, nhưng là tên khốn của chúng ta ». Và cho rằng Al-Assad là « tên khốn của Putin ».
Assad, « người tị nạn của Putin »
Chuyên gia địa chính trị Jean-Sylvestre Mongrenier của Viện Thomas-More nhận định, Putin cứu vãn Bachar Al Assad chẳng qua là giữ lời theo cung cách xử sự của giới mafia. Assad cũng đã tận tình phục vụ Kremlin. Việc duy trì chiếc ghế cho nhà độc tài Syria, dù với giá hàng ngàn nhân mạng, đã giúp Vladimir Putin ra khỏi cảnh cô lập năm 2015 sau khi chiếm Crimée.
Cuộc can thiệp quân sự ở nước ngoài đầu tiên từ sau Afghanistan không chỉ mang lại cho chủ nhân điện Kremlin cơ hội quay lại trường quốc tế và thử nghiệm vũ khí mới, mà còn có được thị trường xuất khẩu đầu tiên cho lính đánh thuê Wagner. Các căn cứ không quân Hmeimim và hải quân Tartous rất hữu ích để gởi thiết bị quân sự sang châu Phi.
Từ nay tại Nga, « người tị nạn của Putin » có cùng số phận với Viktor Yanukovitch từ Ukraina ; Askar Akaïev của Kyrgyzstan, bị Cách mạng Uất kim hương lật đổ năm 2005 ; hay Marko Milosevic đã chạy trốn khỏi Serbia năm 2000 sau khi cựu tổng thống Slobodan Milosevic ra đi. Nhưng ngoài vòng thân thuộc, Bachar Al Assad, 59 tuổi, sẽ chẳng thể nói chuyện với đồng hương nào. Nga luôn từ chối cho tị nạn những người vô danh muốn chạy khỏi quê hương bị tàn phá, với lý do « không có chiến tranh ở Syria ».
Hoài nghi về bản sắc Công giáo trong chế độ mới ở Syria
Về chính quyền mới ở Syria, trả lời đặc phái viên Le Monde ở Aleppo, giám mục Hanna Jallouf của tỉnh này bày tỏ sự tin tưởng thủ lãnh nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir Al-Cham (HTC) sẽ giữ lời hứa, và hy vọng sẽ « cùng với tất cả mọi người tái thiết được đất nước ». Vị giám mục Công giáo nay là một trong những nhân vật quan trọng ở Syria, từ lâu đã có những tiếp xúc với các lãnh đạo mới, đặc biệt là thủ lãnh Ahmed Al-Charaa của HTC.
Từng phục vụ ở Idlib, thủ phủ nổi dậy đến tháng 7/2023, ông cho biết ban đầu các chiến binh Hồi giáo muốn thành lập một Nhà nước thần quyền. Nhưng từ 2018 trở đi, họ bắt đầu thay đổi, chủ trương một Nhà nước mới ở Syria cho tất cả mọi người. Đối thoại với Ahmed Al-Charaa vào giữa năm 2022, ông đặt vấn đề trả lại nhà cửa và tài sản của người Công giáo bị tịch thu ở Idlib, và quyền của những người vợ góa, trẻ mồ côi. Hai tháng sau, nhà đất được trả lại cho chủ cũ. Cuối tháng 11, khi HTC và các đồng minh tiến vào Aleppo, nhiều người Công giáo muốn chạy trốn, nhưng giám mục Jallouf kêu gọi tín đồ ở lại. Vài ngày sau, chuông giáo đường đổ vang mừng chế độ Assad sụp đổ.
Một người dân nói với Le Monde, đây là Noël đầu tiên không có Assad, cũng là đầu tiên với quân thánh chiến cũ nay cầm quyền. Dù mọi chuyện vẫn chưa rõ ràng, họ đã đỡ lo hơn. Carla Audo, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, nói rằng việc mang khăn choàng Hồi giáo là không bắt buộc, nhưng lo ngại về bản sắc Công giáo trong Syria tương lai. Tối thứ Hai 23/12, một cây thông Noël đã bị đốt cháy ở thành phố Al-Suqaylabiyya gần Hama. Nhóm HTC lập tức tố cáo đó là hành động của quân thánh chiến « ngoại quốc ».
Ukraina tố cáo Nga hành quyết tù binh chiến tranh
Liên quan đến Ukraina, Le Monde cho biết Kiev tố cáo Nga hành quyết vô tội vạ tù binh, từ 2022 đến nay đã xảy ra hàng trăm vụ. Một video đen trắng do drone ghi hình ban đêm được đăng hôm Chủ nhật 22/12 cho thấy nhiều người lính bị bắn gục. Lữ đoàn cơ giới 110 Ukraina khẳng định đó là vụ hành quyết bốn quân nhân của đơn vị mình, bị quân Nga bao vây và bắt giữ gần Velyka Novossilka, một làng ở Donbass.
Sĩ quan báo chí của lữ đoàn cho biết đã nghe được cuộc trao đổi vô tuyến của lính Nga về vụ sát nhân này. Ủy viên Ukraina về nhân quyền Dmytro Lubinets tố cáo « thêm một tội ác của người Nga » cần báo cho Liên Hiệp Quốc và tổ chức Hồng thập tự, đòi hỏi đưa các tội phạm chiến tranh Nga đã hành quyết tù binh Ukraina ra trước tòa án quốc tế.
Đây chỉ là video mới nhất trong số hàng loạt hình ảnh được đưa lên mạng xã hội kể từ đầu cuộc xâm lăng tháng 2/2022. Người Ukraina vẫn giận dữ và xúc động khi nhớ đến người lính Oleksandr Matsievsky, bị bắn chết bằng một loạt đạn sau khi hô « Vinh quang cho Ukraina ! » tháng 3/2023. Hay video một quân nhân Ukraina bị chặt đầu, đăng một tháng sau đó. Nhưng gần đây Kiev càng lo ngại về số tù binh chiến tranh Ukraina bị hành quyết đang tăng lên. Theo ông Dmytro Lubinets, chỉ riêng năm 2024 đã có 109 vụ, trong tổng số 177 vụ từ trước đến nay.
Các nhà điều tra khẳng định sự gia tăng này là từ chủ trương của Matxcơva, vì diễn ra khắp nơi, dưới nhiều bộ chỉ huy khác nhau. Bên cạnh đó là tâm trạng chán ngán của lính Nga, và ảnh hưởng từ truyền thông Nga gọi người Ukraina là « phát-xít ». Phía Ukraina cũng từng bị cáo buộc bắn chết tù binh Nga, nhưng khác với Matxcơva luôn chối cãi, Kiev cho mở điều tra.
Đi gặp Putin để cố duy trì khí đốt, thủ tướng Slovakia bị lên án
Cũng tại châu Âu, việc thủ tướng Slovakia Robert Fico đến Matxcơva để nêu ra vấn đề khí đốt với Vladimir Putin bị nhiều nước chỉ trích. Một nhà ngoại giao châu Âu nói : « Làm lãnh đạo một quốc gia thuộc Liên Hiệp Châu Âu và NATO mà lại đi bắt tay một kẻ tội phạm chiến tranh là điều không thể chấp nhận được ». Tổng thống Litva Gitanas Nauseda nhấn mạnh : « Chúng tôi chọn lựa độc lập năng lượng, trả theo giá thị trường mà không hề đổi chác chính trị ».
Với hai phần ba lượng khí đốt tiêu thụ là từ Nga, Slovakia lệ thuộc nặng nề vào Matxcơva. Thế nhưng kể từ ngày 01/01/2025, hợp đồng trung chuyển khí đốt qua Ukraina hết giá trị và Kiev tuyên bố không gia hạn. Fico nói rằng như vậy Slovakia bị thiệt, nhưng tổng thống Volodymyr Zelensky thẳng thừng nói « Ukraina thiệt hại nhiều hơn », coi nỗi lo tài chánh của Fico là « đáng xấu hổ » – đi so đo mắc rẻ trong khi người dân Ukraina hy sinh mạng sống để bảo vệ Tổ quốc.
Nghi sĩ châu Âu người Slovakia Martin Hojsik cũng khẳng định Bratislava hoàn toàn có thời gian để đa dạng hóa nguồn cung cấp, nhưng đã không làm, chỉ muốn bám lấy Putin, phá hoại sự đoàn kết của Liên Hiệp Châu Âu. Người ta cho rằng cũng như Hungary, thủ tướng Slovakia đang trông chờ vào Donald Trump, muốn chấm dứt nhanh chóng chiến tranh ở Ukraina.
Thụy My
Nguồn : RFI Tiếng Việt
27/12/2024