Các bộ trưởng cạnh tranh để thể hiện lòng trung thành kinh tế với Tập (Katsuji Nakazawa)
Các quan chức phụ trách nhà ở, cải cách, và ngân hàng trung ương đang cảm nhận mối đe dọa từ chiến dịch chống tham nhũng.
Tập Cận Bình đang tìm kiếm một vũ khí chống suy thoái kinh tế mà ông có thể sử dụng hiệu quả như chiến dịch chống tham nhũng của mình. (Ảnh tổng hợp của Nikkei/Nguồn ảnh của Yusuke Hinata, Getty Images và Kyodo)
Chiến dịch chống tham nhũng đặc trưng của Tập Cận Bình hiện đang khiến các quan chức kinh tế cấp cao phải cạnh tranh với nhau để chứng minh lòng trung thành với Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc.
Hôm thứ Hai ngày 28/10, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin Bộ Chính trị đầy quyền lực của đảng đã tổ chức một cuộc họp để "xem xét báo cáo về đợt thanh tra kỷ luật lần thứ ba" do Ban Chấp hành Trung ương khóa 20 hiện tại tiến hành.
Cuộc họp do Tập chủ trì đã nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì lập trường cứng rắn trong cuộc chiến chống tham nhũng. Nó cũng kêu gọi các tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước, và các tổ chức tài chính lớn phải được giám sát và thanh tra chặt chẽ hơn.Sự kiện diễn ra chỉ một tháng sau khi Bộ Chính trị ban hành một mệnh lệnh bất thường giữa bối cảnh tình hình kinh tế tồi tệ. Tại cuộc họp trước đó, vào ngày 26/09, ban lãnh đạo Trung Quốc do Tập đứng đầu đã chuyển hướng tập trung vào nền kinh tế, tuyên bố "Cần phải nỗ lực để đảo ngược tình trạng suy thoái và ổn định thị trường bất động sản".
Thoạt nhìn, hai cuộc họp có vẻ không liên quan đến nhau, vì chúng tập trung vào các chủ đề khác nhau. Nhưng thật ra có một mối liên hệ rõ ràng. "Các tổ chức bị thanh tra đều đã tổ chức họp báo để chứng minh lòng trung thành của họ [với Tập]", một nguồn tin cho biết.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 20 đã được bầu tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 vào tháng 10/2022.
Trịnh Sách Khiết, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, trong buổi họp báo ngày 08/10 tại Bắc Kinh. © Kyodo
Tiêu biểu trong số các tổ chức bị nhắm đến trong đợt thanh tra kỷ luật lần thứ ba kể từ đại hội đảng toàn quốc gần đây nhất là Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Tài chính, cũng như Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn.
Ngoài ra, các tổ chức bị thanh tra cũng bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tức ngân hàng trung ương của nước này ; Tổng cục Thuế Nhà nước ; Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc ; Cục Thống kê Quốc gia ; Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải ; và Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến.
Các quan chức cấp cao của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Tài chính, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn, và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đều đã tổ chức các cuộc họp báo riêng kể từ cuối tháng 9 để công bố các biện pháp kích thích kinh tế.
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Phan Công Thắng đã gặp gỡ các phóng viên vào ngày 24/09, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trịnh Sách Khiết làm điều tương tự vào ngày 08/10, Bộ trưởng Tài chính Lam Phật An theo sau vào ngày 12/10, và Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn Nghê Hồng đã tiếp cánh nhà báo vào ngày 17/10.
Cuối tháng 9, mức giá trên thị trường chứng khoán Trung Quốc – nơi có sự tham gia của Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc, Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, và Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến – đã bắt đầu tăng theo cách chưa từng thấy trong những năm gần đây.
Thị trường tăng giá được thúc đẩy bởi áp lực chính trị lớn – tức gợi ý về các cuộc thanh tra kỷ luật – từ cấp cao nhất. Sau khi hiểu được gợi ý, các quan chức kinh tế cấp bộ đã bắt đầu tổ chức một loạt các cuộc họp báo bất thường – và thậm chí là bí ẩn – vào tháng 9 và tháng 10, và trong quá trình đó đã khuấy động tâm lý nhà đầu tư.
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Phan Công Thắng (thứ hai từ trái sang) cùng những quan chức khác phát biểu với các phóng viên vào ngày 24/09 tại Bắc Kinh. (Ảnh của Tân Hoa Xã qua Kyodo)
Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đảng vào năm 2012, Tập đã tích cực sử dụng chiến dịch chống tham nhũng của mình để chống lại những kẻ thù chính trị và thuyết phục các quan chức khác trong chính phủ và đảng trung thành với ông. Việc chiến dịch này trở thành vũ khí chủ chốt trong cuộc chiến chính trị của ông đã được minh chứng rõ ràng trong chương trình nghị sự của cuộc họp Bộ Chính trị ngày 28/10 – xem xét báo cáo về đợt thanh tra kỷ luật lần thứ ba.
Trong nhiệm kỳ năm năm đầu tiên của Tập với tư cách là nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, chiến dịch này đã giúp tăng cường mức độ ủng hộ của người dân Trung Quốc dành cho ông. Vào thời điểm đó, người ta tin rằng nền kinh tế Trung Quốc không gặp phải bất kỳ vấn đề lớn nào.
Tuy nhiên, khi chính quyền Tập bước sang nhiệm kỳ thứ ba, nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã tăng trưởng nóng trong nhiều thập kỷ, bất ngờ rơi vào tình trạng khó khăn.
Trong những thập kỷ bùng nổ kinh tế, người dân Trung Quốc tin rằng giá nhà và bất động sản sẽ tiếp tục tăng, nếu không phải mãi mãi thì chí ít cũng trong trung đến dài hạn. Niềm tin này đã khiến giao dịch đầu cơ lan rộng.
Nhưng một cuộc khủng hoảng bất động sản nghiêm trọng đã xảy ra ở Trung Quốc vào năm 2021, với sự sụp đổ của Tập đoàn China Evergrande, làm tiêu tan hy vọng giá nhà sẽ tiếp tục tăng và nhấn chìm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào một vũng lầy.
Thâm Quyến vào ngày 18/04. Theo các nguồn tin, các bất động sản tại thành phố nhộn nhịp này đã mất 30% giá trị kể từ khi giá đạt đỉnh. © Getty Images
Chính quyền Tập đang cố gắng xoay chuyển tình hình, như đã thể hiện rõ tại cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 26/09, khi mệnh lệnh bất thường "đảo ngược tình trạng suy thoái và ổn định thị trường bất động sản" được ban hành. Nhiều chuyên gia cho rằng lệnh này "có phần khác lạ về phương pháp và thời điểm".
Năm ngày sau, kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài một tuần của Trung Quốc đã bắt đầu. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng một phần nhờ các biện pháp chính sách khuyến khích mua nhà, các văn phòng bất động sản trên khắp cả nước đã đông nghịt người mua tiềm năng trong kỳ nghỉ, và một số người thực sự đã mua nhà.
Tuy nhiên, người ta vẫn hoài nghi trước những bản tin truyền thông nói rằng nhu cầu nhà ở đã tăng đáng kể, đặc biệt là khi giá thực tế vẫn tiếp tục giảm, thậm chí giảm từ tháng 9 sang tháng 10.
Theo các nguồn tin thị trường, tại các thành phố lớn nơi giá nhà từng tăng vọt trước khi suy thoái, như Thượng Hải và Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông, giá đã giảm 30% trở lên so với mức đỉnh.
Vì lượng nhà tồn chưa bán vẫn ở mức cực cao, người ta tin rằng xu hướng giảm giá sẽ vẫn tiếp diễn. Trong hoàn cảnh này, không nhiều người Trung Quốc có khả năng sẽ vội mua nhà.
Điều này khiến chính quyền địa phương rơi vào tình thế khó khăn và làm dấy lên nỗi sợ trong các công ty tư nhân, rằng cơ quan thuế sắp nhắm đến họ. Đại diện của một công ty có trụ sở tại một khu vực ven biển than thở rằng chính quyền địa phương thậm chí đã có động thái truy thu các khoản thuế có thể còn tồn đọng từ 20 năm trước.
Thực tế là chính quyền địa phương không có nguồn nào để tạo ra doanh thu, vì trước đó họ đã dựa vào việc bán quyền sử dụng đất suốt hàng chục năm để lấp đầy ngân sách của mình. Các nhà phát triển bất động sản thường phải trả giá cao cho những quyền này.
Nhưng sự suy thoái của thị trường bất động sản đã thay đổi điều đó và chính quyền địa phương hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt doanh thu nghiêm trọng.
Vào tháng 3, các quyết định chính sách quan trọng đã được đưa ra tại phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc. Và khi Quốc hội không nhóm họp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đưa ra các quyết định cần thiết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ bắt đầu cuộc họp tiếp theo vào thứ Hai ngày 4/11. Có suy đoán rằng sau cuộc họp kéo dài năm ngày này, sẽ có thông báo chính thức về số lượng trái phiếu chính phủ đặc biệt được phát hành như một phần của nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế đang suy yếu.
Theo một báo cáo gần đây của truyền thông, một phần số tiền huy động được thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt sẽ được sử dụng để giúp các chính quyền địa phương thoát khỏi gánh nặng nợ nần chồng chất.
Tập tham dự lễ đón tại Sân bay Kazan khi ông đến tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nga vào ngày 22/10. Chủ tịch Trung Quốc một lần nữa đã tận dụng tốt chiến dịch chống tham nhũng của mình, lần này với hy vọng nó có thể khuấy động một số giải pháp kinh tế. (Ảnh của RU Host Photo Agency qua Reuters)
Thống đốc Ngân hàng Trung ương và các quan chức kinh tế cấp bộ trưởng khác – những người đã tổ chức các cuộc họp báo bất thường – cũng đang chịu áp lực phải đạt kết quả thông qua các biện pháp chính sách cụ thể.
Nhiệm vụ đầu tiên trong danh sách việc cần làm của họ là giúp chính phủ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế "khoảng 5%" vào năm 2024.
Đồng thời, họ cũng đang đi dây chính trị. Họ cần phải quảng bá các biện pháp kích thích kinh tế mới trong khi cẩn trọng tránh bất kỳ lời nói và hành động nào cho thấy các chính sách kinh tế trước đây của chính quyền Tập đã thất bại.
Điều họ lo lắng nhất là phải luôn chứng minh lòng trung thành với Tập và tránh trở thành mục tiêu trong chiến dịch chống tham nhũng không hồi kết của ông.
Họ và các quan chức kinh tế khác đang tuyệt vọng trước sự sống còn chính trị của mình và không thể lơ là cảnh giác dù chỉ một phút.
Katsuji Nakazawa
Nguyên tác : "Ministries compete to show economic loyalty to Xi Jinping", Nikkei Asia, 24/10/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 05/11/2024
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.