Quân Bắc Triều Tiên tham chiến tại Nga gây lo ngại toàn cầu (Reuters - Phan Minh)
G7 và các đồng minh cảnh báo Nga về việc sử dụng quân đội Triều Tiên ở Ukraine
Reuters, VOA, 05/11/2024
Các bộ trưởng ngoại giao của Nhóm 7 nền dân chủ và 3 đồng minh chủ chốt cho biết hôm 5/11 rằng họ vô cùng lo ngại về việc triển khai quân đội Triều Tiên đến Nga và khả năng họ có thể được sử dụng trong cuộc chiến chống lại Ukraine.
Quân đội Bắc Triều Tiên diễu hành tại Bình Nhưỡng ngày 15/04/2017. Ảnh minh họa
"Việc Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên trực tiếp hỗ trợ cho cuộc chiến xâm lược của Nga chống lại Ukraine, bên cạnh việc cho thấy những nỗ lực tuyệt vọng của Nga nhằm bù đắp tổn thất, sẽ đánh dấu sự mở rộng nguy hiểm của cuộc xung đột", các bộ trưởng cho biết trong một tuyên bố.
Bên cạnh các thành viên G7 là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ý, Anh, Đức, Pháp và Canada, tuyên bố cũng được Hàn Quốc, Úc và New Zealand tham gia ký tên.
Các bộ trưởng cho biết họ lên án "bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất có thể" việc tăng cường hợp tác quân sự giữa Triều Tiên và Nga, bao gồm cả "việc mua sắm bất hợp pháp" tên lửa đạn đạo Triều Tiên của Nga.
Nhóm G7 và các đồng minh nói rằng họ rất quan ngại về khả năng chuyển giao công nghệ liên quan đến tên lửa đạn đạo hoặc hạt nhân cho Triều Tiên và sẽ hợp tác với các đối tác quốc tế "để có phản ứng phối hợp trước diễn biến mới này".
Reuters
Nguồn : VOA, 05/11/2024
*****************************
Mỹ tố Nga, Trung ‘vô liêm sỉ’ bảo vệ, khuyến khích Triều Tiên
Reuters, VOA, 05/11/2024
Hoa Kỳ ngày 4/11 chỉ trích Nga và Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vì đã bảo vệ Triều Tiên một cách "vô liêm sỉ" và khuyến khích Triều Tiên vi phạm chế tài của Liên hiệp quốc trong lúc Bình Nhưỡng thề đẩy nhanh việc xây dựng "lực lượng hạt nhân" của mình.
Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc Robert Wood
"Nga và Trung Quốc đã vô liêm sỉ bảo vệ Bình Nhưỡng khỏi mọi hành động trả đũa, và thậm chí còn không lên án những hành động này", Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc Robert Wood nói.
"Được Moscow và Bắc Kinh che chở khỏi sự giám sát chặt chẽ hơn đối với các hoạt động vi phạm các chế tài, không có gì ngạc nhiên khi Bình Nhưỡng được khuyến khích để tiếp tục thúc đẩy các chương trình phi đạn đạn đạo, hạt nhân và vũ khí giết người hàng loạt WMD bất hợp pháp", ông nói.
Hội đồng gồm 15 thành viên đã họp về vụ phóng thử phi đạn đạn đạo xuyên lục địa của Bình Nhưỡng vào ngày 31/10. Ông Wood cho biết Nga và Trung Quốc đã ngăn cản Hội đồng đưa ra tuyên bố lên án, một động thái cần có sự đồng thuận của tất cả các thành viên.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc Kim Song đã nói với Hội đồng Bảo an rằng Bình Nhưỡng sẽ đẩy nhanh quá trình xây dựng lực lượng hạt nhân của mình để "chống lại bất kỳ mối đe dọa nào do các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thù địch đưa ra".
"Mối đe dọa hạt nhân của Hoa Kỳ đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã lên tới mức hệ trọng về quy mô và mức độ nguy hiểm", ông Kim nói. "Do những động thái liều lĩnh của Hoa Kỳ, có khả năng tiềm ẩn là tình hình đang đi đến bờ vực chiến tranh".
Triều Tiên đã chịu các chế tài của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc kể từ năm 2006 và các biện pháp này đã được tăng cường đều đặn trong những năm qua với mục đích ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo.
Nga và Trung Quốc ngày 4/11 bác bỏ những lời tố cáo của Hoa Kỳ.
Phó Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Anna Evstigneeva cáo buộc các quốc gia triệu tập cuộc họp ngày 4/11 - Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Malta, Hàn Quốc, Slovenia và Anh – "làm xấu" Triều Tiên để duy trì "các chế tài không hiệu quả" và biện minh cho "các bước đi hung hăng" của Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực.
"Chúng tôi một lần nữa muốn lưu ý rằng Hội đồng Bảo an phải xem xét lại cơ bản các cách tiếp cận của mình để đưa tình hình thoát khỏi bế tắc nguy hiểm này và không làm cho nó tồi tệ hơn", bà nói, cáo buộc các quốc gia phương Tây "bị kẹt ở đâu đó trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh".
Đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc Fu Cong cho biết Hội đồng Bảo an cần sự đoàn kết, không chia rẽ, nên thúc đẩy đối thoại và không nên "tự thể hiện chỉ vì để thể hiện".
"Hội đồng Bảo an nên đóng vai trò xây dựng đối với vấn đề Bán đảo (Triều Tiên) và thực hiện các biện pháp cụ thể để hạ nhiệt tình hình và tăng cường lòng tin lẫn nhau, thay vì chỉ áp đặt các chế tài và gây sức ép", ông nói.
Đại sứ Hàn Quốc tại Liên hiệp quốc Joonkook Hwang cho biết Nga và Trung Quốc đã ngăn cản ủy ban chế tài Triều Tiên của Hội đồng cập nhật danh sách các mặt hàng bị cấm nhằm hạn chế chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên.
"Vụ phóng này một lần nữa đặt ra một câu hỏi cơ bản : Làm thế nào một chế độ bị ruồng bỏ nghèo đói có thể tiếp tục phát triển các chương trình phi đạn đạn đạo đa dạng như vậy bất chấp chế độ chế tài nghiêm ngặt của Hội đồng Bảo an ?" ông nói.
"Câu trả lời là phải có những lỗ hổng lớn cho phép Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tiếp cận các thiết bị, vật liệu và công nghệ cần thiết để thúc đẩy các chương trình WMD của mình", ông Hwang tố cáo.
Reuters
Nguồn : VOA, 05/11/2024
****************************
Liên Âu, Hàn Quốc kêu gọi rút quân Triều Tiên khỏi cuộc chiến của Nga với Ukraine
Reuters, VOA, 05/11/2024
Hàn Quốc và Liên Hiệp Châu Âu hôm thứ Hai (4/11) cùng lên án việc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Moscow và yêu cầu Triều Tiên rút binh lính đã điều đến Nga để tham gia cuộc chiến xâm lược Ukraine.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yul (phải) bắt tay người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell, tại Bộ Ngoại giao, Seoul, Hàn Quốc, ngày 4/11/2024.
Liên Âu và Hàn Quốc đã tổ chức cuộc họp "Đối thoại Chiến lược" đầu tiên tại Seoul, ngay sau khi Washington và Seoul lên tiếng báo động về việc Triều Tiên cử quân đến giúp Nga.
Trong một tuyên bố chung, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Âu Josep Borrell và Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yul đã lên án "việc chuyển giao vũ khí bất hợp pháp của Triều Tiên cho Liên bang Nga để sử dụng vào mục đích tấn công Ukraine".
Họ yêu cầu chấm dứt "hợp tác quân sự phi pháp" và rút quân Triều Tiên.
Ông Borrell cũng đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun.
"Hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine là mối đe dọa hiện hữu", ông Borrell nói trong một bài đăng trên X có kèm theo bức ảnh ông bắt tay với ông Kim. "Hàn Quốc là nước có vị thế tốt nhất để hiểu điều đó. Chúng tôi đoàn kết ủng hộ Ukraine. Tôi khuyến khích họ tăng cường hơn nữa".
Hai nước cũng đã ký kết quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng bao gồm 15 lĩnh vực, trong đó có an ninh mạng và giải trừ quân bị.
Tuần trước, khi được hỏi liệu Seoul có thể gửi vũ khí cho Ukraine để đáp trả việc Triều Tiên hỗ trợ Nga hay không, ông Cho cho biết mọi kịch bản khả dĩ đều đang được xem xét.
Hàn Quốc đã cung cấp viện trợ phi sát thương cho Ukraine, bao gồm cả thiết bị rà phá bom mìn, nhưng đã từ chối yêu cầu cung cấp vũ khí.
Seoul cho rằng Triều Tiên sẽ được Moscow đền đáp bằng công nghệ quân sự và dân sự, khi nước này đang chạy đua để phóng vệ tinh do thám và nâng cấp năng lực tên lửa của mình.
Tuần trước, Triều Tiên đã phô trương sức mạnh quân sự bằng vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn mới khổng lồ có tên gọi là Hwasong-19.
Washington cho rằng quân đội Triều Tiên ở khu vực Kursk của Nga, một phần khu vực này đã bị nước láng giềng Ukraine chiếm giữ, và sẽ sớm tham gia cuộc chiến chống lại lực lượng Ukraine, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết vào tuần trước.
Tại các cuộc hội đàm ở Moscow vào thứ Sáu, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui nói đất nước của bà sẽ ủng hộ Nga cho đến khi giành chiến thắng ở Ukraine.
Reuters
Nguồn : VOA, 05/11/2024
************************
Bộ Quốc phòng Mỹ : Thêm 2.000 lính Bắc Triều Tiên xuất hiện ở Kursk, Nga
Phan Minh, RFI, 05/11/2024
Bộ Quốc phòng Mỹ, hôm qua 04/11/2024, thông báo số lượng binh sĩ Bắc Triều Tiên có mặt tại khu vực Kursk của Nga đã tăng thêm 2.000 người, nâng tổng số binh sĩ hiện diện ở khu vực giáp Ukraine lên khoảng 10.000 người.
Những người được cho là binh sĩ Triều Tiên mặc quân phục Nga trên đất Nga (Ảnh: Singtao)
Hãng tin AFP trích lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc, tướng Pat Ryder, nhận định "tổng số lượng binh sĩ Bắc Triều Tiên có mặt tại Nga có thể lên tới khoảng 11.000 đến 12.000 người" với "ít nhất 10.000 người tại vùng Kursk".
Theo tướng Ryder, ngày càng sẽ có nhiều binh sĩ được điều ra chiến trường Kursk, nhưng Lầu Năm Góc vào thời điểm này vẫn chưa thể xác nhận thông tin lính Bắc Triều Tiên đã chính thức tham chiến hay chưa.
Việc Bắc Triều Tiên đưa quân tới Nga tham chiến chống Ukraine đã làm dấy lên mối lo ngại xung đột sẽ tiếp tục lan rộng. Hãng tin Nhật Bản NHK đưa tin dự án đưa lính Bắc Triều Tiên tới Nga có tên là Vostok (phía Đông) và điện Kremlin đã bổ nhiệm một sĩ quan phụ trách những binh lính này. Ông mang quân hàm thiếu tướng và từng tham chiến ở Syria.
Vẫn về quan hệ song phương, tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm qua, đã đích thân tiếp ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Choe Son Hui tại điện Kremlin. Bà Choe đã có mặt ở Nga từ tuần trước, hội đàm "chiến lược" với ngoại trưởng Sergei Lavrov.
Về phần mình, chính quyền Nhật Bản, hôm qua, cũng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" với Trung Quốc về mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Bình Nhưỡng và Matxcơva.
Phan Minh
**************************
Bộ trưởng Hàn Quốc nói mọi trạng huống đang được xem xét để hỗ trợ Ukraine
Reuters, VOA, 02/11/2024
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yul, khi được hỏi vào ngày thứ Sáu liệu Seoul có thể gửi vũ khí cho Ukraine để đáp lại việc Triều Tiên hỗ trợ Nga hay không, nói mọi trạng huống khả dĩ đều đang được xem xét.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yul
Phát biểu thông qua thông dịch viên, ông Cho nói tại một cuộc họp báo ở Ottawa rằng Seoul sẽ theo dõi mức độ tham gia của binh sĩ Triều Tiên tại Nga và những gì mà Bình Nhưỡng nhận được từ Moscow để đổi lại.
Mỹ ngày thứ Năm cho biết họ dự kiến binh sĩ Triều Tiên tại khu vực Kursk của Nga sẽ tham gia chiến đấu chống lại Ukraine trong những ngày tới. Washington nói có 10.000 binh sĩ Triều Tiên tại Nga.
Hàn Quốc đã cung cấp viện trợ phi sát thương cho Ukraine, bao gồm cả thiết bị rà phá bom mìn, nhưng cho đến nay vẫn khước từ yêu cầu cung cấp vũ khí của Kyiv.
"Mọi trạng huống khả dĩ đều đang được xem xét", ông Cho nói khi được hỏi liệu Seoul có thể gửi vũ khí cho Ukraine hay không.
"Cụ thể, chúng tôi sẽ theo dõi mức độ tham gia của lực lượng (Triều Tiên) vào cuộc chiến và những gì Triều Tiên sẽ nhận được từ Nga. Chúng tôi sẽ xem xét tất cả những (yếu tố) đó trước khi đưa ra quyết định cụ thể", ông nói.
Triều Tiên có phần chắc sẽ được Moscow đền đáp bằng công nghệ quân sự và dân sự khi nước này đang nỗ lực phóng vệ tinh do thám và nâng cấp năng lực phi đạn đạn đạo liên lục địa, một quan chức văn phòng tổng thống Hàn Quốc nói hôm thứ Tư.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hội kiến ông Cho và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun hôm thứ Năm. Ông nói hai bên đã thảo luận về một loạt các phương án để ứng phó với việc Triều Tiên điều động binh sĩ nhưng không nêu thông tin chi tiết.
Reuters
Nguồn : VOA, 02/11/2024