Liên Âu và Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ Ukraine bảo vệ lãnh thổ (Minh Phương - Trọng Thành)

Nghị Viện Châu Âu kêu gọi cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga
Minh Phương, RFI, 20/09/2024

Hôm qua, 19/09/2024, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua nghị quyết kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu "dỡ bỏ các hạn chế", cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây chống lại "các mục tiêu quân sự" ở Nga. Lời kêu gọi này đã ngay lập tức gây ra phản ứng mạnh mẽ từ chủ tịch Hạ viện Nga (Duma).

hotro1
Trụ sở Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg, Pháp. Reuters / Arnd Wiegmann

Nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu không có giá trị pháp lý ràng buộc đã được đa số thông qua trong phiên họp toàn thể tại Strasbourg, Pháp, với 425 phiếu thuận, 131 phiếu chống, 63 phiếu trắng. Các nghị sĩ châu Âu cho rằng những hạn chế mà các nước thành viên đưa ra liên quan đến việc sử dụng vũ khí phương Tây nhắm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga đã "cản trở Ukraine thực hiện đầy đủ quyền tự vệ chính đáng" và "đẩy người dân và cơ sở hạ tầng của Ukraine vào nguy cơ bị tấn công".

Hãng tin AFP cho biết, Nghị Viện Châu Âu cũng kêu gọi các nước thành viên "tăng cường tài trợ" và viện trợ nhân đạo cho Ukraine bởi "viện trợ quân sự hiện tại là không đủ". Nghị quyết nhấn mạnh, các nước Liên Âu cần tôn trọng "cam kết đã đưa ra vào tháng 03/2023 về việc cung cấp cho Ukraine một triệu đạn pháo", thúc đẩy việc giao vũ khí nhanh hơn, nhất là "các hệ thống phòng không hiện đại" và tên lửa Taurus.

Chủ tịch Hạ Viện Nga đe dọa chiến tranh hạt nhân

Ngoại trưởng Ukraine Andriï Sybiga đã bày tỏ "lòng biết ơn" với nghị quyết "mạnh mẽ" này của Nghị Viện Châu Âu. Về phần mình, chủ tịch Hạ viện Nga, Viatcheslav Volodine, đã lập tức phản ứng. Trên mạng Telegram, ông cảnh báo điều này có thể "sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới với vũ khí hạt nhân" và đe dọa "thời gian bay của một tên lửa Sarmat tới Strasbourg chỉ là 3 phút 20 giây".

Liên minh cực hữu "Những người yêu nước vì châu Âu" là nhóm duy nhất không ủng hộ nghị quyết. Đại diện của phái đoàn Pháp, thuộc liên minh này giải thích: "Chúng tôi không thể ủng hộ các điều khoản không những không giải quyết được xung đột, mà còn làm leo thang căng thẳng và gây tổn hại cho sức mua của người dân Pháp".

Minh Phương

*************************

New Delhi không ngăn chặn đạn pháo Ấn Độ được chuyển sang Ukraine
Trọng Thành, RFI, 19/09/2024

Lần đầu tiên có thông tin chi tiết về việc đạn pháo Ấn Độ, do các công ty nhà nước và tư nhân nước này sản xuất, đã được chuyển cho quân đội Ukraine, thông qua các công ty Châu Âu. Chính quyền New Delhi đã không đáp ứng các đòi hỏi ngăn chặn từ phía Moskva.

hotro2
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến công du Moskva, Nga, ngày 09/07/2024. via Reuters - Gavriil Grigorov

Hãng tin Anh Reuters hôm nay, 19/09/2024, dựa trên các dữ liệu hải quan, cho biết từ tháng 2/2022 (tức khi chiến tranh Ukraine bùng phát) đến tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu đạn dược sang bốn nước Châu Âu của ba nhà sản xuất đạn lớn của Ấn Độ, Yantra, Munitions India và Kalyani Strategic Systems, đã tăng lên thành 135,25 triệu đô la, so với mức 2,8 triệu đô la trong hai năm trước chiến tranh. Bốn nước Châu Âu Ý, Cộng hòa Czech, Tây Ban Nha và Slovenia là các mắt xích then chốt trong chuỗi cung ứng vũ khí cho Ukraine. 

Một cựu quan chức hàng đầu của Yantra, công ty sản xuất vũ khí của nhà nước Ấn Độ, cho biết một khách hàng lớn của Yantra là công ty Ý Meccanica per l'Elettronica e Servomeccanismi (MES), trụ sở tại Roma. Từ tháng 2/2022 đến tháng 7/2024, công ty MES đã mua 35 triệu đô la đạn pháo 155 ly do Ấn Độ sản xuất, và nạp thuốc nổ, trước khi chuyển sang Ukraine. 

Một ví dụ khác là, theo một hồ sơ hải quan ngày 27/03/2024, công ty nhà nước Ấn Độ Munitions India đã chuyển 10.000 viên đạn súng cối 120 ly và 125 ly, trị giá hơn 9 triệu đô la cho công ty Hệ thống quốc phòng Czech CDS (Czech Defense Systems). Từ đầu năm 2024, chính quyền Cộng hòa Czech đi đầu trong dự án của nhiều nước Châu Âu tìm mua khoảng một triệu đạn pháo các loại ngoài Châu Âu để hỗ trợ Ukraine. 

Hai nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ và hai nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ cho biết nhìn chung Ấn Độ chỉ cung cấp một lượng rất nhỏ đạn dược mà Ukraine sử dụng trong cuộc chiến chống Nga, ước tính chưa đầy 1% tổng số vũ khí Kiev nhập khẩu kể đầu chiến tranh. 

Điện Kremlin đã nêu vấn đề ít nhất hai lần với New Delhi 

Theo ba nguồn tin từ giới chức Ấn Độ, điện Kremlin đã nêu vấn đề này với New Delhi ít nhất hai lần, bao gồm cuộc gặp hồi tháng 7/2024 giữa ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar. Một quan chức Ấn Độ nắm rõ hồ sơ này cho biết ngoại trưởng Nga đã phàn nàn về việc đạn được do các công ty nhà nước Ấn Độ sản xuất đã được chuyển cho Ukraine. 

Reuters dẫn lời ông Walter Ladwig, chuyên gia về an ninh Nam Á tại Đại học King's College London, nhận định : Việc chuyển một lượng đạn dược tương đối nhỏ nói trên cho Ukraine thông qua Châu Âu "cho phép Ấn Độ khẳng định với các đối tác phương Tây họ không "đứng về phía Nga" trong xung đột Nga-Ukraine", đồng thời cũng cho thấy là Moskva ảnh hưởng rất ít đến các quyết định của New Delhi. 

Trọng Thành