Cuộc đấu dao quyền lực cấp cao sẽ rất gây cấn (Thoibao.de)
Tổng bí thư Tô Lâm sẽ hồi tố, lật lại hồ sơ tham nhũng của giới lãnh đạo hay không ?
Trà My, Thoibao.de, 11/08/2024
Tại Hội nghị Trung ương khóa 13 sáng 3/8, ngay sau khi được bầu làm Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đưa ra cam kết, sẽ tiếp tục duy trì công cuộc "đốt lò" của Tổng Trọng. Đồng thời, tân Tổng bí thư khẳng định, sẽ tiếp tục chống tham nhũng với phương châm "không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".
Tân Tổng bí thư Tô Lâm khẳng định, sẽ tiếp tục chống tham nhũng với phương châm "không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".
Tô Tổng cũng cam kết, "tập trung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là từ những cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy lùi tham nhũng vặt, bằng nhiều giải pháp cụ thể, mở rộng chống tham nhũng, tiêu cực ngoài khu vực nhà nước, góp phần làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước".
Cùng ngày 3/8, dưới sự chỉ đạo của Tô Tổng, Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết, loại 4 ủy viên đương chức khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó có một Bí thư Trung ương, kiêm Phó Thủ tướng, một Bộ trưởng và 2 Bí thư Tỉnh ủy, do có những sai phạm liên quan đến quy định "đảng viên không được phép làm". Nhưng Đảng không cho biết, các ông này đã vi phạm vấn đề gì.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Đảng, có đến 4 nhân sự lãnh đạo cấp cao phải "chủ động làm đơn xin nghỉ" cùng lúc, vì "nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân".
Mặt khác, công luận cho rằng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái rồi cũng sẽ được hạ cánh an toàn, để về quê "làm người tử tế". Tuy nhiên, chỉ 6 ngày sau, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra kết luận, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, xem xét kỷ luật ông Khái, vì sai phạm liên quan đến Dự án Sài Gòn Đại Ninh, lúc còn làm Tổng Thanh tra Chính phủ.
Công luận đánh giá, những nhận xét của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về sai phạm của ông Lê Minh Khái, đã cho thấy mùi của "củi lửa". Có lẽ từ đây trở đi, dưới sự chỉ huy của Tô Tổng, sẽ không còn sự ưu ái "giơ cao, đánh khẽ" đối với các lãnh đạo xin thôi chức, như thời Tổng Trọng.
Câu hỏi được đặt ra là, liệu Tô Tổng có yêu cầu hồi tố, và lật lại các hồ sơ tham nhũng của giới lãnh đạo cấp cao, kể từ sau Đại hội Đảng 12, khi Đảng khởi động công cuộc "đốt lò", để làm cơ sở cho việc tịch thu tài sản tham nhũng, nộp lại cho ngân sách nhà nước?
Đây được cho là điều hết sức cần thiết, để khắc phục sai lầm của Tổng Trọng trước đây. Theo đó, Tổng Trọng đã đưa ra chủ trương, "cán bộ nào đã có sai phạm, rồi tự giác xin thôi, tự giác xin nộp lại tiền, thì miễn xử hoặc xử nhẹ, và không phải cứ xử nặng mới là tốt, cách chức hết tất cả mới là tốt". Điều này thể hiện rõ tại Thông báo số 20/BBT-TW ngày 8/9/2022, về việc cho phép lãnh đạo từ ủy viên Trung ương trở lên, nếu tham nhũng, khắc phục hậu quả, nộp lại 3/4 tài sản tham nhũng, và chủ động xin thôi chức, sẽ được miễn truy tố hình sự.
Đường lối này hoàn toàn đi ngược với quyết tâm chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có vùng tránh" của Tô Tổng.
Con số tài sản, tiền bạc, mà nhà nước thất thoát mỗi năm, bình quân không dưới 100 ngàn tỷ. Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, trong năm 2023, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, đạt cao nhất từ trước đến nay, trên 89.000 tỷ đồng, trong đó, trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Công luận nhận thấy rằng, việc Tô Tổng sẽ tiến hành hồi tố, lật lại các hồ sơ tham nhũng, là việc làm hết sức cần thiết. Trên tinh thần "không có vùng cấm", và kể cả với các lãnh đạo cấp cao nhất cũng phải xử lý triệt để, không có ngoại lệ. Đây là một nguồn thu không hề nhỏ để tái đầu tư, phục vụ cho sự phát triển đất nước.
Trà My
Nguồn : Thoibao.de, 11/08/2024
******************************
Bảy Phúc tung bùa "chặn họng" được Tổng Trọng, nhưng với Tô Tổng, liệu bùa còn linh ?
Hoàng Phúc, Thoibao.de, 11/08/2024
Ngày 4/2/2023, ngày bàn giao công việc cho Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, ông Nguyễn Xuân Phúc đã chộp cơ hội, phát biểu rằng : "Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng, liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng".
Lá bùa hộ mệnh của Nguyễn Xuân Phúc : Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú xác nhận vợ ông không liên quan đến Việt Á.
Ngay sau đó, lời thanh minh này được các tờ báo trong nước đăng tải trên các trang đầu. Đây được xem là cú phản đòn của ông cựu Chủ tịch nước, trước dư luận lúc ấy cáo buộc vợ ông liên quan đến Việt Á.
Tuy nhiên, ông Phúc lại có ẩn ý khác, ông mượn nhờ dư luận, để lưu lại lời nói này, như bằng chứng xác nhận vợ ông không hề liên quan gì đến Việt Á. Tuy sau đó ông Trọng cho Tuyên giáo buộc các tờ báo rút bài, nhưng đã không kịp, câu nói này đã được báo chí nước ngoài và cộng đồng mạng lưu lại.
Thực tế, việc ông Phúc bị ép phải rời ghế, đã chứng minh, ông có dính sai phạm. Không có chuyện ông và vợ con ông không liên quan gì, không sai phạm gì, mà người ta có thể ép được ông rời ghế. Từ đó mới thấy, cái gọi "xác nhận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương" kia, chẳng phải là kết quả điều tra, mà chỉ là một sự ngã giá giữa các bên mà thôi. Hơn nữa, nếu điều tra mà không tìm thấy đủ bằng chứng, thì cũng không có nghĩa là đương sự vô tội, mà có thể, do đương sự che dấu tốt, hoặc đã phi tang chứng cứ.
Phát ngôn của ông Nguyễn Xuân Phúc ngày đó, không đủ để thuyết phục dư luận rằng, vợ ông trong sạch. Mà nó phơi bày một thực tế – đấy là việc các bên đã đạt được thỏa thuận sau hậu trường, để ông Phúc rút lui.
Có lẽ, ông Phúc đã đồng ý rút lui với điều kiện, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác nhận vợ ông không liên quan đến Việt Á. Sự xác nhận này chính là lá bùa hộ mệnh, khiến ông Trọng để yên cho Nguyễn Xuân Phúc, sau khi ông Phúc về hưu.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan trực thuộc quyền điều hành của Tổng bí thư. Ủy ban này đã xác nhận, đồng nghĩa, Tổng bí thư đã xác nhận. Giờ đây, Tô Lâm muốn bắt Nguyễn Xuân Phúc tống vào tù, thì phải tìm cách hóa giải "lá bùa" này trước.
Dù ông Nguyễn Phú Trọng đã mất, nhưng uy tín của ông trong Đảng vẫn cao hơn Tô Lâm rất nhiều. Nhiều thành phần cấp cao trong Đảng, và cả trong dân, rất tin tưởng ông Trọng. Họ tin những điều ông Trọng làm là đúng, là đáng tin hơn Tô Lâm. Nếu Tô Lâm cho xử lý hình sự Nguyễn Xuân Phúc, thì điều đó có nghĩa, ông đã đạp lên những cam kết của ông Trọng với ông Phúc, thông qua chữ ký của Trần Cẩm Tú.
Hiện nay, Tô Lâm rất cần trảm một trong những "Tứ trụ" về hưu, để dằn mặt những người còn lại, đang muốn ngồi hậu trường giật dây những thế lực khác, như Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng v.v. Nếu làm được điều này, có thể, ông Tô Lâm sẽ trảm luôn cả Trần Cẩm Tú, vì chính ông Tú là người đã kết luận vợ ông Phúc không liên quan đến Việt Á. Cách tránh búa rìu dư luận tốt nhất, là đổ lỗi cho kẻ khác.
Nguyễn Xuân Phúc từng chinh chiến nhiều năm ở chính trường, ông từng ra tay trong bóng tối với nhiều đối thủ chính trị, một cách rất thâm độc. Vì đi lên bằng những đòn hiểm khó lường, nên Nguyễn Xuân Phúc không có được mạng lưới thuộc hạ cũ đang nắm quyền như Nguyễn Tấn Dũng. Đánh vào Nguyễn Xuân Phúc dù sao cũng dễ hơn đánh vào Nguyễn Tấn Dũng hay Trương Tấn Sang, tuy nhiên, không có nghĩa là không có những vướng mắc khó gỡ.
Nguyễn Xuân Phúc – "cáo già" trên chính trường một thời, liệu có giơ tay chịu trói một cánh dễ dàng hay không ?
Hãy đợi xem, Tô Lâm sẽ xử lý ông cựu Chủ tịch nước này như thế nào trong thời gian tới ? Liệu lá bùa kia của ông Phúc có còn linh nghiệm dưới thời Tô Lâm nữa hay không ?
Hoàng Phúc
Nguồn : Thoibao.de, 11/08/2024
**************************
Thăng chức cho Vũ Hồng Văn, một lần nữa Bộ Chính trị bị Tô "xỏ mũi" !
Thái Hà, Thoibao.de, 11/08/2024
Quyết định bổ nhiệm ông Vũ Hồng Văn vào ghế Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương là của Bộ Chính trị, tuy nhiên, ai cũng hiểu đây là ý của ai.
Thiếu tướng Vũ Hồng Văn giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (Ảnh : Phạm Kiên/TTXVN)
Như vậy, rõ ràng, Bộ Chính trị đã không còn là bộ "siêu quyền lực" nữa, mà đã phải chịu sự chi phối của một cá nhân. Một bộ siêu quyền lực, bao lâu nay đứng trên mọi cá nhân, đứng trên mọi loại luật, cả về Đảng luật lẫn pháp luật, mà giờ đây phải ngoan ngoãn vâng lệnh một cá nhân. Thật sự, quyền lực của Đảng đang bị chuyển hướng.
Hiện nay, rất nhiều nhân vật lớn trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng vẫn còn tôn sùng ông Nguyễn Phú Trọng. Có thể nói, nếu không có ông Trọng, thì đã không có Tô Lâm. Dù ông Trọng không có ý định truyền ngôi cho Tô Lâm, nhưng rõ ràng, ông đã nuôi lớn một con thú dữ, để rồi bây giờ nó nhe nanh vung vuốt vào thành phần còn lại trong Đảng.
Cho dù có lồng vào mục đích cá nhân, là muốn triệt hạ đối thủ, nhưng ông Trọng thật tâm muốn tốt cho Đảng. Tuy nhiên, vì sử dụng nhầm người và sai biện pháp, nên ông đã để cho một Tô Lâm quân phiệt, độc tài và chủ nghĩa bè phái, có cơ hội lớn mạnh như hôm nay.
Một khi Tô Lâm đã thao túng được Bộ Chính trị, thì không bao giờ ông để cho thành phần còn lại có cơ hội ngóc đầu lên. Tất cả mọi thế lực khác trong Đảng đều phải chấp nhận luật chơi mà Tô Lâm đưa ra, hoặc sẽ bị tiêu diệt.
Ngày 3/8 vừa qua, buổi sáng Hội nghị Trung ương họp và nhất trí 100%, bầu Tô Lâm làm Tổng bí thư, thì chiều cùng ngày, Tô Lâm đã cho thịt 4 ủy viên Trung ương Đảng. Nghĩa là, Tô Lâm ra tay với chính những người mà trước đó vừa bỏ phiếu, bầu cho ông làm Tổng bí thư. Như thế mới thấy, sự nhẫn tâm của tân Tổng bí thư hiện nay như thế nào.
Cho nên, những người trong Bộ Chính trị hôm nay đồng ý với quyết định thăng chức cho Vũ Hồng Văn, em họ của vợ đầu Tô Lâm, thì rất có thể, ngày mai, chính họ sẽ phải lên thớt. Bản tính của Tô Lâm vốn lạnh lùng và chỉ quan tâm đến mục tiêu đạt được. Ông sử dụng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng như cây mía, ăn mía xong rồi thì vứt bã, là chuyện bình thường.
Tô Lâm lên Tổng bí thư, Đảng sẽ bước vào giai đoạn mới – giai đoạn thanh trừng nội bộ khốc liệt. Với Tô Lâm, dù có cố tỏ ra ngoan ngoãn, thì cũng không an toàn. Điều này không cần phải chứng minh thêm, bởi vừa lên Tổng bí thư, Tô Lâm đã chứng tỏ máu lạnh rất rõ ràng rồi.
Trong Ban Bí thư, Tô Lâm cũng cần phải loại bỏ rất nhiều người, trong đó có Phan Đình Trạc và Trần Cẩm Tú. Ông Trạc từng nhảy vào mâm của Bộ Công an, định tranh chức Bộ trưởng, khiến Tô Lâm không thể rời ghế ngay sau khi hạ Võ Văn Thưởng. Nếu để lại ông Trạc, thì hậu họa về sau đối với họ Tô sẽ rất khó lường.
Bảy ủy viên Bộ Chính trị trong Ban Bí thư từng được ông Trọng cất nhắc, chẳng lẽ, giờ đây đều chịu bất lực trước một mình Tô Lâm hay sao? Nếu Ban Bí thư của ông Trọng không đoàn kết lại để chống Tô Lâm, thì sẽ chẳng có cơ hội để yên ổn, chứ đừng nói đến tiến thân. Bởi Tô Lâm vốn không tin dùng người ngoài tỉnh như ông Trọng.
Nếu Ban Bí thư cũ thất thủ, thì chắc chắn, sau đó, đến lượt Bộ Chính trị cũng sẽ thất thủ, sẽ trở thành một tập thể con rối, chỉ biết phục tùng Tô Lâm.
Vũ Hồng Văn được thăng chức, Nguyễn Duy Ngọc trở thành tay hòm chìa khóa cho Tô Lâm, không những Ban Bí thư bị Hưng Yên hóa, mà còn bị công an hóa. Dự là thời gian sau, sẽ có nhiều nhân vật từ Bộ Công an chuyển sang Ban Bí thư, để nắm các chức vụ chủ chốt.
Những người hiện tại còn trong Ban Bí thư, nên chuẩn bị tinh thần để có thể bị Tô Lâm "thịt" bất cứ lúc nào.
Nhà nước Công an trị là như thế, giờ đây, các ông quan to ở Trung ương cứ từ từ nếm trải.
Thái Hà
Nguồn : Thoibao.de, 11/08/2024
*************************
Vì sao Phan Văn Giang không dám đấu với Tô Lâm ?
Trần Chương, Thoibao.de, 10/08/2024
Lâu nay, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đều được cơ cấu cho một Ủy viên Bộ Chính trị đứng đầu, trừ trường hợp Lương Tam Quang đang đợi bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Điều đó cho thấy, Đảng xem 2 bộ này quan trọng như thế nào, bởi đây chính là 2 thanh kiếm bảo vệ chế độ.
Đích thân 2 Đại tướng Tô Lâm và Phan Văn Giang kiểm tra hợp luyện diễu binh, diễu hành ngày 4/4/2024 / Tiền Phong
Người đứng đầu Bộ công an và Bộ Quốc phòng, đều là những bộ trưởng có quyền lực rất lớn. Ngân sách Bộ Công an được chi hơn 100 ngàn tỷ đồng, Bộ Quốc phòng được chi hơn 150 ngàn tỷ. Cả 2 bộ trưởng đều có quyền bổ nhiệm các quan chức địa phương thuộc bộ quản lý. Ví dụ như giám đốc và phó giám đốc công an các tỉnh, do Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm; hay chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, là do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm.
Bộ Quốc phòng được đánh giá là mạnh hơn Bộ Công an, khi Bộ này có cơ quan điều tra riêng, có tòa án riêng, và có Tổng cục Tình báo. Bộ Công an trước kia cũng có Tổng cục Tình báo, nhưng đã bị ông Trọng cho giải tán. Trong Bộ Công an không tòa án riêng, chỉ có cơ quan điều tra như là một phần của bộ máy tố tụng.
Như vậy, nếu nắm Bộ Quốc phòng, ông Phan Văn Giang có cơ hội vượt trên Tô Lâm trên chính trường. Nhưng tại sao, trong thời gian qua, Phan Văn Giang lại tỏ ra lép vế trước Tô Lâm trên bàn cờ chính trị?
Nguyên nhân thì có nhiều, tuy nhiên, chủ yếu là do năng lực của mỗi người mỗi khác. Tô Lâm nắm Bộ Công an được 8 năm, trong khi đó, Phan Văn Giang mới nắm Bộ Quốc phòng chỉ được 3 năm. Mặt khác, Tô Lâm là người thủ đoạn, ông đóng vai là "người lính tận tụy" của Tổng Trọng, để lợi dụng sự che chở của ông Trọng, mà xây dựng bộ khung gốc Hưng Yên trong bộ máy công an cả nước. 8 năm là thời gian đủ để nhóm Hưng Yên mọc rễ và bám vững chắc trong Bộ Công an. Còn Phan Văn Giang, có lẽ chưa đủ thời gian để thiết lập và xây dựng hệ thống riêng của mình trong Bộ Quốc phòng.
Trong quân đội cũng có rất nhiều phe phái, ông Phan Văn Giang không đủ bản lĩnh để dẹp hết những phe phái khác, đưa bản thân lên thế độc tôn. 3 năm Phan Văn Giang làm Bộ trưởng, cũng là 3 năm, Bộ Quốc phòng có 2 ủy viên Bộ Chính trị. Tướng Lương Cường cũng nắm được một nhóm đàn em đáng kể trong Bộ Quốc phòng, dù không mạnh bằng Phan Văn Giang, nhưng cũng khiến cho ông Giang không thể toàn quyền trong Bộ này. Còn trong Bộ Công an, Tô Lâm gần như chèn ép khiến Trần Quốc Tỏ không có một cơ hội nào để vươn lên.
Giờ đây, Tô Lâm đã trở thành Tổng bí thư và Bí thư Quân ủy Trung ương, ông Giang lại càng khó có cơ hội thâu tóm quyền lực trong Bộ Quốc phòng. Trước đây, Tô Lâm và Phan Văn Giang được xem là ngang hàng. Nhưng giờ đây, Tô Lâm đã là sếp của Phan Văn Ging.
Khi Tô Lâm tạo phản, người duy nhất có khả năng cản đường Tô Lâm là Phan Văn Giang. Nhưng ông Giang đã chậm, và có thể, ông không có "máu liều" như Tô Lâm, không dám đặt cược sự nghiệp chính trị vào một canh bạc có tính sống còn như vậy. Thế nên, ông Giang không chớp được cơ hội về đích.
Chính trường Việt Nam như một môi trường hoang dã, kẻ nào đủ sức mạnh, và đủ sự hung hãn, kẻ đó sẽ có cơ hội làm thủ lĩnh. Tuy nhiên, mặt trái của sự hung hăng, bất chấp, là cái giá phải trả sẽ rất đắt, nếu thất bại. Vì vậy, Tô Lâm dám làm, trong khi những kẻ khác không dám, nên ông đã thành công.
Dưới bàn tay Tô Lâm, những người từng là thế lực thách thức Tô Lâm, sẽ rất khó có cơ hội tồn tại. Bởi Tô Lâm là kẻ đa nghi, thà hại oan người khác, chứ không tin ai, để rồi bị người hại.
Chơi với Tô Lâm mà không dám liều, thì việc chấp nhận về nhì hoặc về 3, xem như là thua cuộc. Thời của Tô Lâm, tầng dưới rất khó tồn tại, vì chế độ Công an trị không những được áp với 100 triệu dân, mà còn áp dụng với 5 triệu đảng viên, kể cả những người ở vị trí rất cao.
Trần Chương
Nguồn : Thoibao.de, 10/08/2024