Cạnh tranh nội bộ khiến lãnh đạo lơ là trước các thách thức của đất nước (BBC)
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời để lại khoảng trống quyền lực. Hiện Chủ tịch nước Tô Lâm kiêm nhiệm hai vị trí nhưng đây được cho là phương án tạm thời và giới quan sát dự kiến từ đây tới Đại hội Đảng 14, cuộc đua vào vị trí tổng bí thư sẽ ngày càng khốc liệt.
Giáo sư Jonathan London, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học người Mỹ chuyên về giáo dục và chính trị đương đại Việt Nam, bình luận với BBC News tiếng Việt ngày 8/8:
"Trong quá khứ gần thì Việt Nam có trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng từng kiêm nhiệm chức chủ tịch nước và tổng bí thư trong hơn hai năm sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời. Sắp tới Việt Nam sẽ có Đại hội Đảng thì sẽ quay lại thể chế cũ, tức tứ trụ riêng biệt.
"Ông Tô Lâm đã nắm cả hai vị trí nhưng tôi nghĩ chính trị của Việt Nam nên được hiểu thông qua một quá trình chứ không phải một hiện tượng, một cá nhân. Điều quan trọng là chờ đợi xem ông Tô Lâm sẽ làm được những gì cũng như ông ấy và Thủ tướng Phạm Minh Chính - hai lãnh đạo quan trọng nhất trên chính trường Việt Nam hiện tại - sẽ kết hợp với nhau như thế nào để giải quyết những thách thức mà Việt Nam đang đối mặt".
Nhất thể hóa là gì ?
Một số nhà quan sát cho rằng, việc ông Tô Lâm kiêm nhiệm hai chức vụ được cho là phần nào giúp Việt Nam dần ổn định hơn về mặt chính trị.
Vào ngày 3/8, Reuters dẫn nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang rằng đây là dấu hiệu cho thấy sự tạm ngưng của các đấu đá nội bộ trong Đảng.
"Dù ông Tô Lâm đã cam kết thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng, chiến dịch này có thể bị đình trệ bởi ông ấy có thể ưu tiên sự ổn định của hệ thống Đảng trước kỳ đại hội năm 2026".
Theo bài viết ngày 3/8 trên Financial Times, Việt Nam đang trong thời điểm quan trọng khi đang trở thành thế lực sản xuất và hưởng lợi từ chính sách của các doanh nghiệp về đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
Những biến động chính trị đã phần nào gây lo ngại cho giới đầu tư, nhất là khi các quan chức cấp cao, có cả thành viên Bộ Chính trị và Tứ Trụ, mất chức mà không có lý do cụ thể được nêu.
Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nói với BBC rằng việc ông Tô Lâm giữ chức tổng bí thư có lợi cho môi trường đầu tư của Việt Nam:
"Quãng thời gian trước các đại hội đảng thường sẽ yên tĩnh. Sẽ có ít quyết định và chính sách được ban hành. Đảng cộng sản tập trung nhiều hơn vào việc chuẩn bị cho đại hội. Vậy nên thời gian tới sẽ là về nội bộ nhiều hơn".
Trong cuốn sách Routledge Handbook of Contemporary Vietnam (Sổ tay Việt Nam đương đại) của Giáo sư Jonathan London, ông đã giải thích mô hình lãnh đạo của Đảng cộng sản gồm :
1. Hệ thống tổ chức đảng ;
2. Cơ quan lập pháp do đảng chi phối ;
3. Một hệ thống hành pháp do đảng chỉ định và điều hành ;
4. Một hệ thống tư pháp và thanh tra dưới quyền đảng ;
5. Một mạng lưới các tổ chức quần chúng do đảng vận hành.
Trong đó, 1 là đảng ; 2, 3, và 4 thuộc khối nhà nước ; còn 5 là các tổ chức ngoại vi của đảng.
Trong hệ thống Đảng, Bộ Chính trị là cơ quan quyền lực nhất, gồm các ủy viên khác nhau về quyền lực và tầm vóc chính trị :
"Kể từ khi Tổng bí thư Lê Duẩn qua đời vào năm 1985, quyền lực trong Bộ Chính trị đã được chia sẻ, mặc dù không hề đồng đều".
Bộ Chính trị với số ủy viên dao động từ 13-19 người và thêm đó là Ban Chấp hành Trung ương Đảng với 200 người là minh chứng cho mô hình tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách - điều mà cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhấn mạnh - nhằm tránh tình trạng cá nhân độc đoán, chuyên quyền.
Trong Bộ Chính trị thì gồm Tứ Trụ là những lãnh đạo đứng đầu, được xếp hạng về quyền lực từ trên xuống là tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội và các chức danh này thường do các cá nhân khác nhau nắm giữ.
Nhất thể hóa mà nhiều người bàn đến sau khi ông Trọng qua đời là việc hợp nhất hai vị trí đứng đầu của Đảng và đứng đầu nhà nước thành một người nắm giữ, tương tự như Trung Quốc.
Trong lịch sử, chỉ có ông Hồ Chí Minh và ông Trường Chinh cùng ông Nguyễn Phú Trọng là những người từng kiêm nhiệm cả hai chức vụ và giờ đây ông Tô Lâm trở thành người thứ tư, nếu Việt Nam không bầu một chủ tịch nước mới.
Tuy nhiên, nhất thể hóa được coi là một cơ cấu quyền lực lâu dài, trong khi các trường hợp của ông Nguyễn Phú Trọng (từ 2018-2021) và ông Tô Lâm hiện nay được coi là chỉ tạm thời kiêm nhiệm, chưa hội đủ tính chất của nhất thể hóa.
Theo đánh giá của các chuyên gia, từ sau trường hợp Lê Duẩn, Việt Nam đã tránh mô hình nhất thể hóa để tránh việc quyền lực tập trung quá nhiều vào một người.
Biến động chính trị làm Việt Nam xao nhãng
Từ đầu năm 2024 tới nay, Việt Nam đã chứng kiến những chuyển biến nhân sự "chưa từng có" .
Mở đầu là việc ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh xin thôi vì những sai phạm thời ông làm Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016-2021.
Liên tiếp từ tháng 3-tháng 6/2024, mỗi tháng Bộ Chính trị khóa 13 có một ủy viên "xin thôi" gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (20/3), Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ (26/4), thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai (16/5), Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng (21/6).
Ngày 19/7, với sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị mất thêm một ủy viên. Như vậy, ba vị trí trong Tứ Trụ đã được thay đổi so với đầu khóa - điều được cho là "cơn địa chấn chính trị" chưa từng có ở Việt Nam.
Tứ trụ (thật ra là tam trụ) hiện tại
Trả lời BBC News tiếng Việt, Giáo sư Jonathan London nói ông không hạ thấp tầm quan trọng của vấn đề nhân sự nhưng điều ông quan tâm hơn là giới lãnh đạo hiện tại làm thế nào để giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước.
"Một điều đã làm cho tôi lo lắng là Việt Nam mất tập trung vì có nhiều biến động chính trị lẫn những tin đồn trôi nổi. Song, vấn đề tôi quan tâm nhất chính là trong thời điểm cực kỳ quan trọng này, thời điểm có tính quyết định đối với tương lai của Việt Nam để tăng tốc độ phát triển, thì sự lãnh đạo trong nước chỉ được sử dụng để cạnh tranh quyền lực.
"Trong thời gian tới, Việt Nam phải đối phó với những sự thay đổi to lớn, trong đó có việc chuyển sang năng lượng xanh, chuyển từ một xã hội nông nghiệp sang công nghiệp công nghệ cao, công nghệ bền vững, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp trong hệ thống giáo dục", giáo sư nói.
Ông nhấn mạnh rằng, việc cạnh tranh quyền lực của lớp lãnh đạo qua nhiều năm sẽ chẳng giúp ích được gì nhiều, "ngoài việc tạo cơ hội cho những người viết bài về tin đồn".
Trong phạm vi ngoại giao, theo ông London, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chính sách cây tre để có mối quan hệ tốt với tất cả các nước trong khu vực Đông Á. Việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với các nước sẽ giúp Việt Nam giữ được độc lập, chống lại những yêu sách phi lý và bất hợp pháp của Trung Quốc, trong khi vẫn giữ gìn được mối quan hệ với người anh em Trung Quốc.
"Tôi thừa nhận chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam rất quan trọng và phức tạp, như nhiều người nhận xét chiến dịch này đã có những ảnh hưởng xấu đến sự vận hành của bộ máy hành chính Việt Nam, khiến đầu tư chững lại, nhiều dự án bị hoãn quá lâu, có nhiều cán bộ sợ hãi không dám đưa ra quyết định.
"Tôi ủng hộ những nỗ lực để chống tham nhũng và tôi cũng chia sẻ lo ngại của những người cho rằng có một bộ phận của bộ máy nắm quá nhiều quyền lực. Tuy nhiên, tôi hy vọng khi Việt Nam vượt qua được giai đoạn chưa ổn định về nhân sự này thì có thể lấy lại đà để giải quyết những vấn đề quan trọng và nâng cao nền kinh tế cũng như nâng cao cuộc sống của người dân", ông London đúc kết.
Quyền lực công an thế nào ?
Trong lịch sử Việt Nam, chưa từng có tổng bí thư nào có xuất thân từ công an như ông Tô Lâm, trong khi bên quân đội thì từng có Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
Bộ Chính trị khóa 13 hiện cũng đang có tới năm người có xuất thân từ công an gồm các ông Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Nguyễn Hòa Bình, Phan Đình Trạc và Nguyễn Văn Nên. Điều này dấy lên nỗi lo về một nền công an trị.
Tuy nhiên, chỉ có ông Tô Lâm là được bầu vào Bộ Chính trị khi đang phục vụ trong ngành công an, còn những người còn lại đã được Đảng luân chuyển, phân công làm nhiệm vụ khác, không còn phục vụ trong Bộ Công an vào thời điểm bắt đầu tham gia Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, không có cơ sở cho thấy những ủy viên có xuất thân từ công an này, đặc biệt là hai lãnh đạo quan trọng là ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính, sẽ bắt tay nhau để điều hành đất nước theo hướng công an trị.
Giáo sư London nói với BBC rằng, dù có những e ngại vì chưa rõ ông Tô Lâm và những ủy viên khác trong Bộ Chính trị mà có nền tảng từ công an thì sự hiểu biết về những lĩnh vực quan trọng khác gồm kinh tế, giáo dục, công nghệ, ngoại giao của họ sẽ tới đâu, nhưng khó mà đoán được điều gì.
"Những người này dù thiếu chuyên môn nhưng có kĩ năng để chọn được những người tài giỏi, có hiểu biết sâu hơn về các lĩnh vực này. Trong bất cứ nhà nước nào trên thế giới thì luôn luôn có những người có chuyên môn đứng ở phía sau các nhà lãnh đạo".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại một khoảng trống quyền lực sau thời gian Đảng cộng sản Việt Nam can thiệp sâu vào cả đối nội lẫn đối ngoại - điều được cho là thách thức đối với ông Tô Lâm
Về vấn đề này, nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu Châu Á (CEIAS) David Hutt nhận định với BBC rằng, ông Tô Lâm thiếu thiếu kinh nghiệm về chính sách đối ngoại là điều không bàn cãi, nhưng chủ yếu là vì ông ấy chưa có cơ hội cọ xát.
"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng rất thiếu kinh nghiệm về chính sách đối ngoại khi mới nhậm chức vào năm 2012. Vì vậy, ông Tô Lâm có thể học hỏi qua thực tiễn công việc, như hầu hết các đời tổng bí thư đều từng làm", ông Hutt nói.
Tuy nhiên, trong thời gian làm tổng bí thư suốt ba nhiệm kỳ, trong đó nhiệm kỳ ba là trái với Điều lệ Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng đã can thiệp sâu vào chính sách đối ngoại lẫn công việc của chính phủ, điều mà các đời tổng bí thư trước ít nhúng tay vào.
Với thực tế này, theo ông David Hutt, ông Tô Lâm cũng có thể sẽ dấn thân nhiều hơn vào ngoại giao và đây sẽ là "một vấn đề đối với ông Tô Lâm".
"Tôi không mong đợi chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ thay đổi chừng nào hiện trạng còn có lợi cho Đảng cộng sản. Đối với ông Tô Lâm, giống như ông Trọng, luôn bị đóng khung vào việc duy trì quyền lực của Đảng cộng sản".
Nguồn : BBC, 12/08/2024