Căn cứ Ream của Campuchia thay đổi như thế nào từ năm 2019 đến nay ? (Huyền Trân & Aghnia Adzkia)

Mối quan hệ quốc phòng ngày càng gắn kết giữa Campuchia và Trung Quốc đang đặt ra những báo động cho Việt Nam, đặc biệt liên quan đến căn cứ quân sự Ream.

ream1

Đồ họa do Aghnia Adzkia, Andro Saini, Arvin Supriyadi, Ayu Idjaja từ East Asia Visual Journalism của BBC thực hiện.

Việc hai tàu hải quân Trung Quốc hiện diện tại Ream trong một thời gian dài càng làm xuất hiện những quan ngại về một hợp tác quân sự bí mật giữa Bắc Kinh và Phnom Penh.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có hai tàu Trung Quốc đã "thường trú" tại căn cứ Ream hơn 4 tháng (12/2023 - 4/2024).

Những hình ảnh của BlackSky, một công ty theo dõi và phân tích hình ảnh vệ tinh theo thời gian thực, cung cấp độc quyền cho BBC News tiếng Việt thậm chí còn cho thấy hai tàu chiến này vẫn hiện diện tại Ream vào những tháng sau đó từ tháng 5 đến tháng 6/2024.

Chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến Campuchia hôm 4/6, và thông tin từ cựu Thủ tướng Hun Sen rằng ông đã gặp Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns tại Phnom Penh trong khoảng thời gian này, càng cho thấy mối quan tâm đặc biệt của Washington đến quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc.

Trong tất cả những chuyển động ấy, căn cứ quân sự Ream luôn là một chủ đề trọng tâm.

Nằm ngay cửa ngỏ Vịnh Thái Lan, căn cứ Ream của Campuchia chỉ cách đảo Phú Quốc của Việt Nam khoảng 30 km về hướng tây bắc.

BBC News tiếng Việt đã email đến Bộ Quốc phòng Campuchia để có tuyên bố chính thức về Ream từ ngày 1/4 nhưng cho đến nay chưa nhận được câu trả lời.

Diễn biến chính tại Ream từ năm 2019 đến nay

Căn cứ quân sự Ream của Campuchia thay đổi như thế nào từ năm 2022 đến nay ?

Mỹ trước đây từng giúp phát triển căn cứ Ream. Tuy nhiên, vào năm 2020, Campuchia đã phá dỡ một tòa nhà an ninh hàng hải do Mỹ xây ở căn cứ này để dọn đường cho Trung Quốc xây dựng.

Vào thời điểm đó, giới chức Mỹ trả lời trên báo Wall Street Journal rằng họ đã có được một bản thảo về thỏa thuận giữa Campuchia và Trung Quốc liên quan đến việc sử dụng căn cứ này trong tương lai.

Thỏa thuận có nội dung cho phép lực lượng Trung Quốc sử dụng một nửa phía bắc của căn cứ Ream trong thời gian 30 năm và được tự động gia hạn sau thời gian này.

Đáp lại, ông Hun Sen khi còn làm thủ tướng vào tháng 10/2022 khẳng định :

"Về việc tiếp cận căn cứ Ream, tôi muốn tuyên bố là chúng tôi chào đón tàu từ tất cả các nước cập cảng hoặc đến tham gia thập trận chung với Campuchia, gồm Mỹ, Pháp, Canada, Ấn Độ, Anh, Nhật Bản, Úc, chứ không riêng gì Trung Quốc. Việc cho rằng Campuchia đã trao cho Trung Quốc 50 đến 90 năm độc quyền tiếp cận căn cứ này là không có cơ sở".

Tháng 6/2021, Đại tá Marcus M. Ferrara, Tùy viên quân sự Mỹ, đã đến căn cứ Ream. Chuyến đi này được thực hiện theo sau cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman với ông Hun Sen, thủ tướng của Campuchia vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh sau đó thông báo rằng quân đội Campuchia đã không cho Đại tá Ferrara tiếp cận đầy đủ.

Lúc bấy giờ, người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan đã trả lời rằng quân đội Campuchia có quyền không cho phép việc tiếp cận bất kỳ khu vực nào để không gây tổn hại đến an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

"Tại các khu vực quân sự ở các quốc gia, người ta sẽ không cho phép bất kỳ ai xem xét từ đầu tới cuối như xem phim được", ông nói.

ream2

Vào ngày 8/6/2022, Campuchia đã động thổ cải tạo căn cứ Ream với sự trợ giúp từ Trung Quốc.

Phát biểu tại lễ động thổ, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Vương Văn Thiên tuyên bố dự án này là một minh chứng về sự tôn trọng lẫn nhau và tham vấn công bằng giữa Trung Quốc và Campuchia, tuân theo luật pháp của hai nước, luật pháp quốc tế và không nhằm đến bất kỳ bên thứ ba nào.

Dự án này khi đó được ông Vương khẳng định sẽ tăng cường đáng kể mức độ hiện đại hóa và tăng cường năng lực quân sự của Campuchia để đảm bảo chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Đồng thời, ông Vương lưu ý quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ quân đội Campuchia và thúc đẩy hợp tác quân sự của hai phía lên các tầm cao hơn.

Vào tháng 7/2022, tướng Chhum Socheat, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia, phát biểu :

"Căn cứ đã gần hoàn tất. Chúng tôi sẽ sớm công bố. Chúng tôi đã tuyên bố là không có căn cứ quân sự gì của Trung Quốc tại đây – chúng tôi chỉ đang hiện đại hóa căn cứ này".

Thời gian gần đây (năm 2023 và 2024), đã có ít nhất hai tàu chiến Trung Quốc xuất hiện tại căn cứ quân sự Ream của Campuchia.

Báo Nikkei Asia vào ngày 20/3 cho biết hai tàu Trung Quốc đã neo đậu trong thời gian dài tại Ream. Theo hình ảnh mà Nikkei Asia có được thì con tàu cập cảng ở Ream có thể là tàu hộ vệ lớp Giang Đảo Type 056, mang quốc kỳ Trung Quốc và cờ của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA).

Trước đó, vào ngày 3/12/2023, trên Facebook, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha, cùng với cha mình là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh, đã chia sẻ thông tin và hình ảnh chuyến thăm của họ tới các tàu chiến của Trung Quốc neo tại căn cứ Ream.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink vào ngày 7/3 đã bày tỏ quan ngại về quân cảng Ream.

"Mỹ và một số quốc gia trong khu vực đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về mục đích, tính chất và phạm vi xây dựng xung quanh căn cứ hải quân [Ream], cũng như vai trò của quân đội Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong quá trình này và trong việc sử dụng cơ sở này trong tương lai", ông Kritenbrink nói.

ream3

Tàu chiến neo đậu tại Ream vào ngày 12/6/2024

Một báo cáo ngày 18/4/2024 của CSIS có ảnh vệ tinh cho thấy hai tàu hải quân Trung Quốc đã neo đậu tại căn cứ Ream trong hơn 4 tháng (tháng 12/2023 đến tháng 4/2024), tại một bến tàu mới do Trung Quốc tài trợ và được hoàn tất vào năm 2023.

Gregory B Poling, Giám đốc chương trình Đông Nam Á từ CSIS, giải thích trên báo Nikkei Asia :

"Nếu ghé thăm hoặc tập trận thì sẽ không lưu lại trong 5 tháng. Vậy nên đây có thể là việc triển khai luân phiên hoặc lâu dài.

"Điều này có nghĩa là có thể có quân nhân Trung Quốc trú đóng tại căn cứ này trong 5 tháng qua. Đây là điều đáng chú ý vì Campuchia luôn nhấn mạnh Ream không phải là một căn cứ của Trung Quốc và bất kỳ ai cũng có thể sử dụng. Ấy thế mà, đến nay có thể nói là chỉ có một bên được sử dụng".

Có một chi tiết đáng lưu ý là hồi tháng 2/2024, hai tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã cập cảng tự trị Sihanoukville thay vì Ream trong 2 ngày, theo báo Khmer Times.

ream4

Một tàu chiến Trung Quốc trong cuộc tập trận chung Rồng Vàng với Campuchia ngoài khơi tỉnh Preah Sihanouk vào ngày 24/5/2024

Mới đây, cuộc tập trận Rồng Vàng lần thứ 6  kéo dài 15 ngày (16 - 30/5) đã diễn ra tại Trung tâm Huấn luyện Cảnh sát Quân sự tại tỉnh Kampong Chhnang và Căn cứ Hải quân Ream Preah ở tỉnh Sihanoukville (Campuchia) với sự tham gia của hơn 2.000 quân nhân.

Trung Quốc cho biết hải quân hai nước đã cùng tiến hành diễn tập bắn đạn thật trên vùng biển gần cảng tự trị Sihanoukville.

Theo AP News thì hai nước đã có những hoạt động hàng hải gần căn cứ Ream.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến Campuchia vào ngày 4/6 và giới quan sát nhận định Ream chắc chắn nằm trong chương trình nghị sự.

Cũng trong khoảng thời gian này, cựu Thủ tướng Hun Sen nói rằng Giám đốc CIA William Burns đã đến Campuchia ngày 2/6. Phía Mỹ đến nay chưa xác nhận. Nhưng nếu chuyến đi đã diễn ra thì, theo ông David Hutt từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu Châu Á (CEIAS), căn cứ Ream chắc chắn đã được bàn đến.

Thay đổi nhanh chóng

ream5

Ảnh vệ tinh căn cứ Ream vào ngày 11/6/2024

BBC News tiếng Việt cùng nhóm phân tích hình ảnh East Asia Visual Journalism đã tiến hành phân tích quá trình phát triển và hoạt động trong khu vực này từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2024 thông qua hình ảnh vệ tinh từ công ty BlackSky.

Một điều mà chúng tôi nhận thấy là trong 2 năm qua, căn cứ hải quân Ream đã được mở rộng nhanh chóng.

Theo phân tích của BBC dựa trên hình ảnh từ BlackSky, có hơn 14 tòa nhà lớn và một cầu tàu đã được xây dựng trong 2 năm qua ở quân cảng này.

Gần như toàn bộ khu vực có diện tích 0,76 km2 hiện có nhà cửa, đường sá và các khối bê tông, chỉ còn khoảng 8% khu vực do cây cỏ bao phủ.

Xem xét kỹ 5 khu vực gồm bắc, trung, đông, đông nam và đông, có thể thấy mỗi phần đều có bằng chứng của sự mở rộng nhanh chóng.

Ông Thomas H. Shugart III, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, nhà nghiên cứu cấp cao từ Trung tâm An ninh Tân Hoa Kỳ, nhận định cùng BBC News tiếng Việt rằng, với tốc độ và quy mô xây dựng hiện tại thì Campuchia không có đủ sức để làm.

Tuy nhiên, ông lưu ý là ông không đủ bằng chứng để khẳng định điều này vì chỉ thông qua hình ảnh vệ tinh.

Ngoài ra, theo ông, mục đích xây dựng vẫn là bí mật giữa hai nước và công năng của các tòa nhà mới được xây vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Ông đánh giá : "Tôi nghĩ rất có thể Trung Quốc đã xây bởi những tòa nhà này làm tôi liên tưởng tới những tòa nhà tôi đã thấy ở các căn cứ nước ngoài của Trung Quốc tại Djibouti và các đảo nhân tạo ở Đông Nam Á. Với quy mô xây dựng như vậy, sẽ là rất đáng ngạc nhiên nếu các công ty Campuchia thực hiện".

Phía nam và đông nam căn cứ có gì ?

ream6

Việc san ủi đất đã được thực hiện ở phần phía nam của căn cứ.

Vào tháng 10/2023, Campuchia đã dọn dẹp mặt bằng ở phía nam và một năm sau đã dựng lên các trụ bê tông.

Một số xà lan xuất hiện ở đây, dường như đang thực hiện nạo vét tại cầu cảng mới xây.

Nhà nghiên cứu Thomas cho rằng "những xà lan này có thể chở vật liệu xây dựng hay vật liệu gì đấy". Vào tháng 6/2024, các hình ảnh vệ tinh cho thấy một cầu cảng hình chữ U.

Ở phần phía đông nam, có tổng cộng 6 tòa nhà đã được dựng lên trên mặt bằng đã được dọn dẹp.

Cùng với các tòa nhà là sự xuất hiện những con đường rõ ràng và thêm các trụ bê tông bên con đường chính.

Phần phía bắc có gì ?

ream7

Ở phần phía bắc, việc dọn đất đã được thực hiện. Chỉ trong khoảng 2 năm kể từ tháng 6/2022, Campuchia đã bắt đầu xây 4 tòa nhà lớn, ít nhất 4 tòa nhà nhỏ và một số cấu trúc không rõ.

Từ tháng 2/2024 đến nay, dường như Campuchia đã đập bỏ một số tòa nhà cũ ở phía ven biển để xây dựng thêm một số thứ khác.

Campuchia cũng mở đường mới.

Phía đông căn cứ có gì ?

ream8

Ở phần phía đông, chỉ trong 6 tháng, từ tháng 6 đến tháng 12/2022, theo phân tích của BBC, Campuchia đã san phẳng diện tích khoảng khoảng 9ha và bắt đầu dựng lên các trụ bê tông.

Một năm sau, bốn tòa nhà lớn đã được dựng lên.

Trong cùng khu vực, họ đã xây dường như là bốn kho chứa nhiên liệu từ tháng 8 đến tháng 12/2023, sau đó sơn phủ xanh vào cuối tháng 4/2024.

Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Thomas H. Shugart III cho rằng đây có thể là doanh trại (hai tòa nhà bên phải) hay tòa nhà hành chính (hai tòa nhà bên trái) và sân thể thao ở giữa.

Về các kho nhiên liệu, qua hình ảnh vệ tinh, chuyên gia Thomas đánh giá đây có thể là kho nhiên liệu cho tàu chiến hoạt động.

Hai khối nhà nằm gần đó dường như là bãi đậu xe hoặc nơi chứa xe, ông cho biết.

Phần trung tâm căn cứ có gì ?

ream9

Ở phần trung tâm của căn cứ, người ta đã bắt đầu xây cầu cảng mới hồi tháng 5/2023 và sau đó tăng tốc phát triển căn cứ trong khoảng từ tháng 11 đến 12/2023.

Vào tháng 12/2023, các tàu chiến của Trung Quốc đã cập cầu tàu này trong ít nhất một tháng. Hồi tháng 4/2024, những chiếc tàu giống như vậy lại xuất hiện.

Hình ảnh từ BlacSky cho thấy những con tàu chiến Trung Quốc này đã đậu tại cảng ít nhất trong 7 tháng, tính đến tháng 6/2024.

Tàu hộ vệ lớp Giang Đảo

ream10

Hai tàu hộ vệ lớp Giang Đảo (Type 056) được phát hiện ở cầu tàu mới được xây trong khu vực này từ tháng 12/2023 đến tháng 6/2024, theo những hình ảnh từ công ty BlackSky.

Một chuyên gia về phân tích ảnh vệ tinh nói với BBC News tiếng Việt trong điều kiện ẩn danh rằng đây là các tàu hộ vệ lớp Giang Đảo đã cập cảng Ream vào ngày 1/12/2023, sớm hơn thông tin ban đầu là ngày 3/12/2023 mà Radio Free Asia đưa.

Theo chuyên gia này thì các con tàu nói trên chỉ rời Ream có ba lần trong khoảng từ ngày 1/12/2023 đến 19/5/2024 và di chuyển cùng nhau, không riêng rẽ từng tàu.

"Đây là những tàu hộ vệ lớp Giang Đảo với chiều dài 90 mét và chiều rộng tối đa là 11,14 mét", chuyên gia này cho biết.

ream11

Đồ họa do Aghnia Adzkia, Andro Saini, Arvin Supriyadi, Ayu Idjaja từ East Asia Visual Journalism của BBC thực hiện.

Trung Quốc có quyền tiếp cận độc quyền với căn cứ quân sự Ream hay có thể lập một tiền đồn nước ngoài thứ hai sau Djibouti ở Châu Phi, với hiện diện quân sự lâu dài ?

Đây là thắc mắc mà giới chức lẫn chuyên gia từ Mỹ, các quốc gia lân cận với Campuchia gồm Việt Nam muốn được giải đáp trong những năm qua.

Cho đến nay, những thỏa thuận nếu có giữa Trung Quốc và Campuchia vẫn nằm trong vòng bí mật.

Căn cứ quân sự Ream của Campuchia nằm cách đảo Phú Quốc của Việt Nam khoảng 30 km về hướng tây bắc.

Căn cứ này nằm cạnh cảng biển nước sâu Sihanoukville thuộc đặc khu kinh tế Sihanoukville, nơi được ví như "Thâm Quyến của Trung Quốc".

Căn cứ Ream trong chiến lược 'hải quân nước xanh' của Trung Quốc

ream12

Nếu so với Mỹ, Trung Quốc hiện đang thiếu một mạng lưới căn cứ và cơ sở hạ tầng hậu cần rộng khắp cần có để trở thành một lực lượng "hải quân nước xanh" hoạt động khắp thế giới.

"Hải quân nước xanh" được định nghĩa là hải quân có khả năng huy động lực lượng tàu đặc nhiệm trên đại dương và hỗ trợ những tàu này ở khoảng cách xa các căn cứ hiện có. Sở hữu "hải quân nước xanh" giúp tăng cường vị thế một quốc gia trên trường quốc tế.

Hiện Bắc Kinh đang nhắm đến mục tiêu gia tăng đội tàu trên đại dương và một số nhà phân tích dự báo quốc gia này sẽ có lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới trước năm 2035, theo Reuters.

Các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ngày 5/6 đã so sánh sức mạnh hải quân Trung Quốc và Mỹ, cho rằng Trung Quốc hiện có lực lượng chiến đấu trên biển lớn nhất thế giới với 234 tàu chiến so với 219 tàu của Mỹ.

Con số này của Trung Quốc bao gồm tất cả các loại tàu đang được biên chế, có người điều khiển, tàu trang bị tên lửa hoặc ngư lôi hoặc tàu ngầm với lượng giãn nước trên 1.000 tấn, bao gồm 22 tàu hộ tống trang bị tên lửa được chuyển cho Hải cảnh Trung Quốc, nhưng không bao gồm khoảng 80 tàu tên lửa tuần tra nhỏ do Hải quân vận hành.

Chủ tịch Tận Cận Bình đã thường xuyên kêu gọi thiết lập một lực lượng quân đội "đẳng cấp thế giới" trước năm 2027, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa.

Căn cứ Ream còn được xem là một phần trong chiến lược "Chuỗi đảo Ngọc trai" của Trung Quốc nhằm xây dựng lực lượng "hải quân nước xanh".

Trước đó, Trung Quốc đã giúp nâng cấp các cảng như Gwadar ở PakistanHambantota ở Sri Lanka. Hai cảng này đều chủ yếu do các công ty nhà nước của Trung Quốc sở hữu và/hoặc kiểm soát.

Thời gian gần đây, Trung Quốc cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ trong quan hệ với Maldives, bước đi được đánh giá là nhằm tăng cường sự hiện diện của Bắc Kinh tại Ấn Độ dương.

Khả năng tiếp cận một căn cứ tại Vịnh Thái Lan sẽ mang lại một lợi thế chiến lược cho Trung Quốc khi xảy ra xung đột quân sự trên Biển Đông.

Eo biển Malacca dài 900 km là một tuyến hàng hải quan trọng nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương trong hải trình Á-Âu. Đây được xem có một "điểm nghẽn" với chiều rộng chỗ hẹp nhất là 2,7 km, khiến tàu chiến qua đây phải cảnh giác cao độ. Việc có một căn cứ quân sự tại Ream, cách không xa eo biển Malacca, để tiếp tế nhiên liệu, đạn dược sẽ mang lại lợi thế chiến lược quan trọng.

Trung Quốc chỉ tuyên bố giúp Campuchia cải tạo căn cứ Ream. Trong khi đó, các lãnh đạo Campuchia như cựu Thủ tướng Hun Sen, con trai cả của ông là Thủ tướng Hun Manet trong những năm qua luôn bác bỏ việc cho phép nước ngoài lập căn cứ trên lãnh thổ của mình, nói rằng điều đó đi ngược với Điều 53 của Hiến pháp.

Cùng lúc, Campuchia khẳng định có quyền nhận viện trợ nước ngoài dưới dạng vũ khí quân sự, đạn được, huấn luyện lực lượng vũ trang, để tăng cường năng lực tự vệ.

'Trong vòng bí mật'

ream13

Cuộc tập trận chung Rồng Vàng năm 2024 giữa Trung Quốc và Campuchia kéo dài 15 ngày (16 - 30/5) với sự tham gia của hơn 2.000 quân nhân, 69 xe tăng, 14 tàu chiến và 2 trực thăng.

Campuchia và Trung Quốc đã có thỏa thuận nào liên quan tới Ream là câu hỏi chính từ giới chuyên gia và giới chức Mỹ lẫn các quốc gia lân cận với Campuchia, bao gồm Việt Nam, từ năm 2019 đến nay.

Ngoài ra còn có một câu hỏi khác : Căn cứ Ream có thể mang lại lợi thế chiến lược nào cho Trung Quốc nếu so với một căn cứ quân sự ở Biển Đông hoặc căn cứ Du Lâm nằm ở cực nam đảo Hải Nam ?

Giáo sư Alexander L Vuving từ trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá với BBC :

"Câu chuyện căn cứ quân sự Ream và vai trò của Trung Quốc ra sao, Trung Quốc được gì thì, thứ nhất là, chúng ta không biết được. Chỉ có họ biết với nhau và họ không cho chúng ta biết.

"Campuchia phá dỡ một số những tòa nhà trước đây họ đã xây dựng với sự trợ giúp của Mỹ và sau đó họ dành cho Trung Quốc một khu vực trong căn cứ quân sự đó để Trung Quốc xây một số cơ sở.

"Vấn đề nằm ở chỗ, những việc làm đó của Campuchia là không minh bạch. Đã có thời gian chính phủ Campuchia cho một số quan chức quốc phòng, ngoại giao của Mỹ tới thăm căn cứ quân sự để cho thấy là không có giấu diếm. Thế nhưng, trên thực tế, các quan chức Mỹ đã không được nhìn mọi thứ. Thứ hai, những câu hỏi phía Mỹ đưa ra thì phía Campuchia không trả lời rõ ràng".

"Bằng vệ tinh, người ta có thể nhìn thấy sự thay đổi của hạ tầng kỹ thuật trong căn cứ quân sự đó của Campuchia, thấy rõ hạ tầng được Mỹ hỗ trợ xây dựng trước đây đã bị phá dỡ và xây dựng lên một loạt hạng mục mới, được cho là dành cho Trung Quốc".

Điều 53 Hiến pháp Campuchia cấm cho phép nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Campuchia.

Điều 55 của Hiến pháp nêu sẽ không có bất kỳ hiệp ước và thỏa thuận nào mà không bảo đảm độc lập, chủ quyền, tính toàn vẹn lãnh thổ, tính trung lập và thống nhất quốc gia của Vương quốc Campuchia.

Giáo sư Alexander L Vuving đánh giá thêm :

"Những khu vực dành cho Trung Quốc theo chế độ gì, như thế nào thì không ai được biết vì phía Campuchia và Trung Quốc không công bố".

"Tuy rằng phía Campuchia luôn nói là họ không bao giờ để cho nước ngoài xây dựng căn cứ quân sự trên nước họ, nhưng sự thật về điều đó thì không biết được".

ream14

Trung Quốc khánh thành căn cứ quân sự mới ở quốc gia Đông Phi Djibouti vào ngày 1/8/2017

Giáo sư Dennis Wilder từ Đại học Georgetown, cựu quan chức CIA đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương từ năm 2015 đến 2016, đề cập với BBC News tiếng Việt về quyền neo tàu mà Trung Quốc có thể có được tại Ream.

"Ở Djibouti là một căn cứ quân sự. Trung Quốc đã thuê cơ sở ở đó. Họ cho xây tường bao quanh, triển khai thủy quân lục chiến, binh sĩ ở căn cứ này. Căn cứ ở Djibouti thì hầu như là do Trung Quốc sở hữu và vận hành".

"Còn ở Campuchia thì có thể Trung Quốc có quyền neo tàu, điều này rất phổ biến ở các nước. Điều này rất khác so với sở hữu luôn căn cứ đó. Trong trường hợp này, không nhất thiết là Trung Quốc có một căn cứ, nắm độc quyền sử dụng, mà thay vào đó là vận hành chung với Campuchia".

"Dù như vậy thì cũng rất hữu ích. Họ sẽ có quyền sử dụng khi muốn, dù không sở hữu hoàn toàn và vận hành căn cứ này.

"Tuy nhiên, tôi không có thông tin xác nhận về điều đó".

Bản đánh giá thường niên mang tên Phát triển quân sự và An ninh liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2023 của Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề cập căn cứ Ream như sau :

"Vào tháng 6/2022, một quan chức Trung Quốc đã xác nhận Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa có thể tiếp cận các phần trong căn cứ Ream của Campuchia. Trung Quốc có thể cũng cân nhắc chọn các quốc gia khác làm địa điểm cho cơ sở hậu cần quân sự, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, UAE, Kenya, Guinea Xích Đạo, Seychelles, Tanzania, Angola, Nigeria, Namibia, Mozambique, Bangladesh, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon và Tajikistan".

ream15

Ông Tea Banh khi giữ chức bộ trưởng Quốc phòng Campuchia và ông Vương Văn Thiên khi là đại sứ Trung Quốc tại Campuchia trong buổi động thổ cải tạo căn cứ Ream ở tỉnh Preah Sihanouk vào ngày 8/6/2022

Trước câu hỏi của BBC News tiếng Việt về khả năng đây chỉ là quyền neo đậu của Trung Quốc tại Ream, Giáo sư Vuving đề cập đến khả năng ngụy trang để không khiến phương Tây và Mỹ cảm thấy khó chịu, đồng thời nhấn mạnh về mối quan hệ ngoại giao sắt son của Campuchia và Trung Quốc.

"Các nước cũng có những cách để ngụy trang. Chẳng hạn người ta không xây dựng những căn cứ quân sự vĩnh viễn, lâu dài, mà chỉ chuyển sang quyền tiếp cận mà thôi".

"Có nhiều cách để ngụy trang, nếu mà mình cứ đi vào những đường đó thì rõ ràng mình bị sa lầy vào cái bẫy người ta giăng ra, tưởng nhầm cái nọ hóa thành cái kia".

"Quyền tiếp cận dễ dàng hơn vì đỡ chịu những sự phản đối của nước sở tại. Rồi khi nước sở tại thay đổi chính quyền thì quyền tiếp cận không quá lớn để bị chính quyền mới tước đoạt".

"Khi tiếp cận căn cứ mà không ở đó lâu dài thì bản thân một nước cũng có sự linh hoạt trong chuyện đưa trang bị, đưa quân vào. Tóm lại là có rất nhiều sự linh hoạt trong chuyện này".

ream16

Quân nhân Campuchia tại căn cứ Ream vào ngày 26/7/2019, thời điểm chính phủ Campuchia tổ chức một chuyến tham quan dành cho báo chí

Ông Gregory B Poling, Giám đốc chương trình Đông Nam Á từ CSIS, nói với BBC News tiếng Việt :

"Những gì đang xây dựng cho chúng ta thấy sự tương đồng với biên bản ghi nhớ (MOU) rò rỉ đến báo giới hồi năm 2019. Biên bản có nội dung 1/3 diện tích căn cứ sẽ vẫn là của Campuchia, còn Trung Quốc thì sẽ xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại căn cứ này để hải quân Campuchia sử dụng. Và 2/3 căn cứ ở phía bắc thì sẽ cho Trung Quốc độc quyền sử dụng.

"Từ đó chúng ta thấy chính xác là như vậy, khi phần hạ tầng của phía bắc do Mỹ và Úc tài trợ xây dựng đã bị phá sập. Không có nhiều công trường xây dựng tại đây.

"Vì họ tập trung ở phía nam. Và chúng ta thấy có cầu cảng mới. Rồi bộ trưởng Quốc phòng Campuchia và Trung Quốc đến thăm".

"Tất cả những gì họ muốn là chúng ta tập trung vào phần phía nam của căn cứ, cái phần 1/3 đó, và bỏ qua 2/3 phần phía bắc còn lại kia vẫn dành cho Trung Quốc sử dụng độc quyền vào một ngày nào đó".

Chuyên gia Campuchia nói gì ?

Chhengpor Aun, nhà nghiên cứu từ cơ quan Future Forum của Campuchia, đánh giá với BBC News tiếng Việt :

"Có một chữ ‘nếu’ lớn. Kịch bản này sẽ yêu cầu phải có thay đổi hiến pháp tại Campuchia, có thể gây phản ứng trong nước và quốc tế. Tôi không nghĩ chính phủ Campuchia sẽ chấp nhận rủi ro này nhưng tôi cũng không thể đưa ra suy đoán về sự dàn xếp nào khác trong bí mật nếu có.

Chính bản thân căn cứ hải quân Ream có tầm quan trọng về mặt chiến lược không chỉ đối với hải quân Campuchia mà còn đối với an ninh hàng hải trong khu vực, xét cự ly gần với các tuyến đường thủy chiến lược như eo biển Malacca và Biển Đông.

Nếu được nâng cấp thành công và có thể sử dụng đúng cách, Ream sẽ đóng vai trò trung tâm trong phòng vệ hải quân của Campuchia để thực thi chủ quyền hàng hải ở Vịnh Thái Lan và sự đóng góp ngày càng mang tính chủ động của hải quân nước này đối với an ninh hàng hải".

Nhà nghiên cứu độc lập Rim Sokvy từ Campuchia không cho rằng đây là căn cứ của Trung Quốc hay Trung Quốc được độc quyền sử dụng.

"Căn cứ Ream đóng vai trò quan trọng cho Campuchia để bảo vệ lợi ích và an ninh hàng hải. Việc cho phép Trung Quốc sở hữu và sử dụng căn cứ này có thể có nguy cơ kéo Campuchia vào đối đầu Mỹ-Trung ở Biển Đông và đặc biệt mối quan hệ của Campuchia với các quốc gia láng giềng".

Hồi giữa tháng 4, ông Gregory B Poling từ CSIS đã trả lời Nikkei Asia về thông tin hai tàu hải quân Trung Quốc đã neo đậu tại căn cứ Ream trong hơn 4 tháng.

"Nếu chỉ ghé thăm hoặc tập trận thì tàu sẽ không lưu lại trong 5 tháng. Nên đây có thể là công tác triển khai luân phiên hoặc lâu dài".

"Điều này có nghĩa là có thể có quân nhân Trung Quốc trú đóng tại căn cứ này trong 5 tháng qua. Đây là điều đáng chú ý vì Campuchia luôn nhấn mạnh Ream không phải là một căn cứ của Trung Quốc và bất kỳ ai cũng có thể sử dụng. Ấy thế mà, đến nay có thể nói là chỉ có một bên có thể sử dụng".

Một bài viết trên báo Khmer Times thân chính phủ Campuchia ngày 8/5 đã mỉa mai sự chú ý của quốc tế đổ dồn vào căn cứ Ream :

"Những nhà nghiên cứu từ CSIS và các nhà tư vấn truyền thông như Nikkei, vốn bị người Mỹ mua chuộc, chắc hẳn đã hưởng lợi từ việc tấn công một nhà nước yếu thế như Campuchia".

"Nếu ai cũng quan tâm quá mức đến căn cứ hải quân Ream và ai cũng đòi tiếp cận, như kiểu vào công viên Disneyland ở Tokyo, thì có lẽ Campuchia nên tính phí vào cổng để trả tiền ngoài giờ cho số nhân viên làm ở đó, những người phải làm việc cật lực để tiếp khách nước ngoài ghé thăm".

"Campuchia nên lập các tiêu chuẩn và yêu cầu đối với khách tham quan ngoại quốc để tránh những vị khách không mời mà đến. Nếu họ đến và lặp đi lặp lại lại những quan ngại như nhau, vậy thì việc gì binh sĩ chúng ta phải nhọc công, mất thời gian để cố làm hài lòng những người không muốn lắng nghe ?"

Huyền Trân & Aghnia Adzkia

Nguồn : BBC, 03/07/2024