Cuộc đua vào chức Tổng bí thư Đảng vẫn chưa ngã ngũ (Doãn An Nhiên)
Tìm người kế vị Tổng bí thư Đảng đang bị mắc kẹt trong "cái bẫy tham nhũng" ?
Doãn An Nhiên, RFA, 01/04/2024
Tham nhũng mang tính hệ thống và ngày càng nghiêm trọng, nay vấn nạn đã lên đến "vùng cấm" thách thức sự tồn vong chế độ tập quyền cao dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Đây là hệ quả của cái gọi là nghịch lý tăng trưởng nhanh và tham nhũng tràn lan, nghĩa là sự chấp nhận tham nhũng để tăng trưởng kinh tế đảm bảo tính chính danh cho chế độ. Để cân bằng trạng thái này ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người được lựa chọn trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 năm 2011. Từ khi đó ông Tổng bí thư đã phát động chiến dịch chống tham nhũng đồng thời vẫn thúc đẩy tăng trưởng. Không tìm được người kế vị phù hợp, ông Trọng đã hai lần vận dụng "trường hợp đặc biệt" để ở lại cương vị Tổng bí thư tại hai Đại hội 12 năm 2016 và 13 năm 2021. Chính sách chống tham nhũng vẫn được thực hiện, nhưng cho đến nay nó vẫn bị mắc kẹt trong tình trạng tham nhũng cao - một ‘cái bẫy tham nhũng.’ Đó là sự thoả thuận ngầm (như che giấu, giảm nhẹ…) giữa nhóm các quan chức nhất định, chẳng hạn cấp cao nhất, về hành vi tham nhũng của họ vì mục đích riêng. Ông Tổng bí thư, năm nay đã 80 tuổi, ngoài ra vì lý do sức khỏe, sự kế vị ông đang được ra đặt ra. Tuy nhiên, liệu ứng viên nào ‘cần và đủ’ để cân bằng trạng thái tham nhũng chính trị hiện nay ? Điều này đang thách thức nguyên tắc tập thể lãnh đạo mang tính truyền thống của Đảng?
Chủ tịch Võ Văn Thưởng trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Diễn đàn Vành đai Con đường ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 17/10/2023 -Reuters
Vấn nạn tham nhũng kéo dài, tràn lan và nghiêm trọng đang gây ra khủng hoảng công tác cán bộ Đảng của hệ thống chính trị nói chung và nhân sự ở cấp cao nhất nói riêng. Chỉ riêng đối với chức vụ Chủ tịch nước, tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12 (2016-2021) đến nay đã bốn lần thay đổi liên tục, bốn vị khác nhau và, không ai nắm trọn nhiệm kỳ. Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 4/2016 đến 9/2018), ông qua đời vì bạo bệnh ; Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (10/2018 đến 4/2021) thôi chức vì lý do sức khỏe khi chưa hết nhiệm kỳ ; Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (4/2021 đến 1/2023) thôi chức vì "chịu trách nhiệm chính trị" vì để cho nhiều lãnh đạo cấp dưới vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật ; Trường hợp nguyên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (3/2023-3/2024) phải "từ chức" vì "theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm của ông Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông".
Trong nhiệm kỳ Đại hội 13 (2021-2026), tính đến thời điểm hiện tại đã có 4/18 Ủy viên Bộ Chính trị phải thôi chức và "chịu trách nhiệm chính trị" trước Đảng, 21/200 Ủy viên Trung ương (cả dự khuyết) và hàng chục nghìn tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên lãnh đạo trong hệ thống chính trị bị kỷ luật…
Như đã nêu, sự kiện xảy ra mới đây thu hút sự chú ý của giới quan sát và làm rung động chính trường Việt Nam. Ông Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng vừa ‘ngã ngựa’ ngày 21/3/2024. Đảng cộng sản cầm quyền nói ông Thưởng có đơn thôi giữ các chức vụ trong tổ chức Đảng và Nhà nước và được đồng ý [1]. Họ kết luận ông vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, nêu giương người đứng đầu và pháp luật nhà nước. Trong vòng một năm, từ tháng 3/2023 đến 3/2024, hai vị Chủ tịch nước từ chức vì "trách nhiệm chính trị", một hình thức kỷ luật ở ‘vùng cấm’ để giữ thể diện cho chế độ Đảng cộng sản toàn trị, nhưng thực ra, ít nhiều, đều liên quan đến tham nhũng. Chẳng hạn, ông Võ Văn Thưởng bị đồn đoán liên đới đến vụ án "hối lộ" xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn [2] gắn với trách nhiệm lãnh đạo ở địa phương, thực ra là ‘nhận hối lộ’, của dàn lãnh đạo – hai đời Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi trong giai đoạn 2011-2021, trong đó có ông Thưởng lúc đó là Bí thư Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2011-2016.
Ông Thưởng, như đã biết, trên con đường sự nghiệp hơn 10 sau đó của mình đã thăng tiến nhanh chóng, ra trung ương, giữ các chức vụ như Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo, Thường trực Ban bí thư, Chủ tịch nước. Ban đầu, ông Võ Văn Thưởng được tập thể Đảng lựa chọn với kỳ vọng có thể thích ứng với trạng thái tham nhũng hiện nay trong giới lãnh đạo. Ông Thưởng sinh năm 1970, còn tương đối trẻ, trưởng thành từ công tác chuyên trách đoàn, từng giữ chức Bí thư tỉnh uỷ ở tỉnh Quảng Ngãi, trải qua nhiều cương vị ở Trung ương, có một nhiệm kỳ uỷ viên Bộ Chính trị. Dường như ông không tỏ ra ‘nghiêng’ về phe nào… Về hình thức theo quy định của Đảng, ông đủ điều kiện cho chức Chủ tịch nước. Ngoài ra, vì sự ‘phù hợp, này ông Thưởng còn được sự ủng hộ của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thậm chí đích thân ông Nguyễn Phú Trọng đã can thiệp[3] vào bộ máy Nhà nước để bảo vệ ông Võ Văn Thưởng vì một vài rắc rối liên quan đến gia đình.
Nay, sự kiện ông Thưởng bị ‘phế truất’ bất ngờ đã gây nhiều suy đoán. Trước hết, về quyền lực của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng liệu đã suy giảm, rằng ông ấy đã bị ‘tiếm quyền’ bởi "những người giúp ông làm trong sạch bộ máy Đảng". Và, hậu quả là "chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát" của ông Tổng bí thư. Hai là, cuộc chiến kế vị Tổng bí thư trong Đảng đã bắt đầu và, người người kế vị Tổng bí thư cho nhiệm kỳ Đại hội 14 không phải để cân bằng trạng thái tham nhũng cao, mà sẽ có thay đổi. Một giả thuyết (!) rằng có thể sẽ là nhân vật ‘nặng ký’ nhất trong trò chơi vương quyền sẽ thay thế, thậm chí có thể kiêm nhiệm cả hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước và, với quyền lực tuyệt đối thì những chiến dịch chống tham nhũng trong tương lai sẽ không "động" đến ông ấy...
Giới phân tích chính trị quan ngại về sự xáo trộn như trên về nhân sự "vùng cấm" có thể gây bất ổn. Khi sự thoả thuận để cân bằng trạng thái "tham nhũng chính trị" bị phá vỡ có thể khơi mào cuộc chiến quyền lực căng thẳng trong nội bộ. Trong số 18 ủy viên Bộ Chính Trị hiện thời chỉ còn 14 người, nếu căn cứ vào điều lệ Đảng để có thể được bầu vào vị trí tổng bí thư, thì có lẽ chỉ còn bốn ứng cử viên thoả mãn những điều kiện cần. Liệu nguyên tắc tập thể lãnh đạo có được đảm bảo khi tương quan lực lượng thay đổi ? Vấn đề bây giờ là ai sẽ nắm thực quyền chứ không phải người ‘đại diện’ cho các phe phái trong bối cảnh tham nhũng cao để duy trì chế độ ?
Các nhà quan sát đang dõi theo những động thái đối nội và đối ngoại của Đảng cộng sản trước những biến cố nhân sự ‘chóp bu.’ Một số ‘nghịch lý’ đã lộ rõ, chẳng hạn, chỉ thị ‘ngầm’ 24[4] của Đảng về giữ an ninh chế độ ‘từ sớm, từ xa’, trấn áp ‘mầm mống’ hình thành các tổ chức đối nghịch trong khi thúc đẩy kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài. Hoạt động ‘trấn an’ quốc tế khá ồn ào về "ngoại giao cây tre" đến hai cường quốc kinh tế đối nghịch về ý thức hệ. Trong hai ngày 18-19/03 tại Cát Lâm, Trung Quốc, ông Lê Hoài Trung, Trưởng ban Đối ngoại TƯ Đảng cộng sản Việt Nam đã ‘trao đổi’ với người đồng cấp của Đảng cộng sản Trung Quốc. Trong khi hôm 25/3 ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã ‘hội đàm’ tại Washington với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) Samantha Power… Trong chuyến thăm này khi được hỏi về việc ông Võ Văn Thưởng từ chức vào tuần trước, Ngoại trưởng Sơn nói : "Tôi nghĩ việc chủ tịch nước từ chức ở Việt Nam không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại cũng như chính sách phát triển kinh tế của chúng tôi" [5]…
Ngày 13/3/2024, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, kiêm Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội 14, đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban này với sự tham dự đầy đủ của "Tứ trụ" của chế độ. Tại đây, đặt ra yêu cầu cao về nhân sự cán bộ đảng, ông Trọng nói : "… không để lọt vào Trung ương khóa 14 người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều tài sản mà không giải trình được nguồn gốc. [6] Công luận băn khoăn, liệu đây có phải là lời phát biểu ‘cuối cùng’ của một biểu tượng dám dương ngọn cờ chống tham nhũng ? Và, ai sẽ là người kế vị Tổng bí thư để tiếp tục chiến dịch đốt lò do ông ấy phát động ?
Doãn An Nhiên
Nguồn : RFA, 01/04/2024
Tham khảo :
[3] https://www.rfi.fr/vi/tạp-ch%C3%AD/tạp-ch%C3%AD-việt-nam/20240325-viet-nam-chu-tich-nuoc-bi-cach-chuc-tong-bi-thu-bi-tiem-quyen
[4] https://the88project.org/vietnams-leaders-declare-war-on-human-rights/
[5] https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-vn-chu-tich-nuoc-tu-chuc-khong-anh-huong-den-cac-chinh-sach-cua-ha-noi/7543704.html [6] https://vnexpress.net/khong-de-lot-vao-trung-uong-nguoi-ke-khai-tai-san-khong-trung-thuc-4721864.html
Ai sẽ kế nhiệm ông Trọng trong Đại hội 14 : Không ai cả !
Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 31/03/2024
Những cuộc thảo luận xung quanh cú ngã ngựa bất ngờ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tập trung vào câu hỏi ai sẽ là người thay thế ông. Một vài cái tên được đưa ra, từ Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang.
Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm tham quan gian hàng của Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an.
Dù vị trí Chủ tịch nước không nắm giữ nhiều thực quyền trong hệ thống chính trị nhà nước đảng ở Việt Nam, song sở dĩ dư luận quan tâm là vì người ngồi vào chiếc ghế này có cơ hội kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng trong vị trí Tổng bí thư.
Kể từ khi ông Trọng đánh bại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Đại hội XII (2016), sự cân bằng tinh tế giữa Bộ Chính trị - đại diện cho bộ máy quan liêu đảng ở trung ương, và Ban Chấp hành Trung ương - đại diện cho các cơ cấu đa dạng trong hệ thống chính trị, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, Quân đội và Công an, đã dần bị thay thế bằng sự tập trung quyền lực cao độ vào vị trí Tổng bí thư.
Các quy chế nội bộ mới được ban hành và những cơ quan giám sát được tăng quyền đã giúp vị trí Tổng bí thư nắm giữ quyền sinh sát với mọi đảng viên, bao gồm cả Ủy viên Trung ương lẫn Ủy viên Bộ Chính trị.
Bởi vậy, khi ông Thưởng bị loại, mọi ánh mắt đổ dồn vào chiếc ghế trống của ông để xem ai sẽ là người được ông Trọng chọn, như một dấu chỉ về người sẽ kế nhiệm vị trí Tổng bí thư đầy quyền lực trong nay mai.
Song, những ai đang kỳ vọng có thể sẽ thất vọng. Ông Trọng có thể đang chẳng chọn một ai kế vị mình.
Nói cách khác, ông Trọng đang tìm cách để tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4 của mình một cách xuôi chèo mát mái vào Đại hội XIV (2026) tới đây, và việc loại bỏ ông Thưởng, hay trước đó là ông Phúc, cần được xem như một phần của nỗ lực này.
Ở kỳ Đại hội XIII (2021) vừa qua, ông Trọng đã khiến cho công chúng và giới quan sát ngỡ ngàng khi bất chấp Điều lệ Đảng để tại vị nhiệm kỳ thứ 3. Dù giữ được ghế, song ông Trọng có lẽ cũng cảm giác được hành động "cố đấm ăn xôi" này không được danh chính ngôn thuận cho lắm, nhất là khi nhìn qua Trung Quốc, nơi Tập Cận Bình khi muốn tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 của mình đã cẩn thận sửa đổi Hiến pháp trước đó ra sao.
Có lẽ vì thế mà lần này ông Trọng tiết lộ Đại hội XIV (2026) sẽ tiến hành sửa đổi Điều lệ Đảng, lần đầu tiên trong vòng 15 năm. Dù chưa rõ điểm nào sẽ được sửa đổi, song có thể dự đoán rằng quy định giới hại hai nhiệm kỳ của vị trí Tổng bí thư sẽ được gỡ bỏ, mở đường cho ông Trọng tại vị một cách chính danh.
Bên cạnh những trở ngại về quy chế, một thử thách khác đối với ông Trọng là sự phản đối từ các "nguyên lão" tức các cựu lãnh đạo cấp cao - những người vốn từng chịu những ràng buộc về nhiệm kỳ hoặc tuổi tác nay lại thấy đồng chí đàn em mình ngang nhiên bước qua. Thử thách này lẽ ra có thể có một sức nặng tuy nhiên nếu xét rằng đa số các cựu lãnh đạo đều có con em đương chức với những ràng buộc về quyền lợi và an toàn, không khó để ông Trọng hóa giải. Trường hợp Trần Tuấn Anh, con của cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một ví dụ. Ông được đôn lên Bộ Chính trị vào Đại hội XIII như một cách để xoa dịu sự phản đối nếu có từ cha ông, song đã nhanh chóng bị loại bỏ một khi ông Trọng tại vị thành công.
Cuối cùng, một điều có thể khiến người trọng danh tiếng như ông Trọng e ngại là điều tiếng tham quyền cố vị từ dư luận về cá nhân ông, nhất là khi cân nhắc tuổi tác và tình hình sức khỏe của Tổng bí thư. Để xoa dịu dư luận trong và ngoài đảng, ông Trọng đã chấp nhận trong Đại hội XII (2021) ông không phải là trường hợp đặc biệt duy nhất, mà còn có ông Nguyễn Xuân Phúc. Ông cũng cho dư luận thấy ông chấp nhận "tre già măng mọc" khi sắp xếp cán bộ trẻ Võ Văn Thưởng vào một trong những vị trí cao nhất. Tuy nhiên, điều gì xảy ra với Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng sau đó thì đến nay dư luận đã rõ.
Tóm lại, cũng như Đại hội XIII (2021), vào kỳ Đại hội XIV (2026) tới đây, ông Trọng sẽ lại tiếp tục tạo ra một tình huống chính trị rằng ông là phương án hợp lý duy nhất cho vị trí Tổng bí thư. Và với một Điều lệ Đảng đã được gỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ, ông Trọng sẽ tái cử nhiệm kỳ thứ tư danh chính ngôn thuận.
Từ giờ tới lúc đó, những ai mong đợi một cái tên khác hẳn sẽ thất vọng.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 31/03/2024