Vụ án Vạn Thịnh Phát – Tòa án sẽ xử thế nào? (Trân Văn)
Phần 1
Ngoài bà Trương Mỹ Lan còn có 85 người nữa bị truy tố về nhiều tội khác nhau : "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ"...
Trong Kết luận điều tra vụ án "xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan", Cơ quan Điều tra không chỉ bày ra sự tùy tiện vừa đáng ngại, vừa đáng ngờ khi diễn giải và áp dụng pháp luật.
Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh vừa loan báo sẽ đưa "vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan" ra xét xử. Thời gian xét xử dự trù sẽ kéo dài trong hai tháng (từ 5/3/2024 đến 29/4/2024).
Ngoài bà Trương Mỹ Lan còn có 85 người nữa bị truy tố về nhiều tội khác nhau : "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" (1).
Trong số 85 bị cáo của vụ án vừa kể có 15 từng là cán bộ Ngân hàng Nhà nước, ba từng là Thanh tra viên của Thanh tra Chính phủ, một từng là Kiểm toán viên của Kiểm toán Nhà nước.
Tòa án cung cấp thông tin cho báo giới Việt Nam và cứ như những gì đã loan thì Cáo trạng chẳng khác Kết luận Điều tra (Kết luận điều tra). Có nghĩa là những thắc mắc sau khi Kết luận điều tra lọt ra ngoài vẫn còn nguyên ! Không rõ Tòa án sẽ xử thế nào ?
***
Tòa án có bỏ qua việc công an ngụy tạo thông tin về bà Nguyễn Phương Hồng, cố tình vi phạm Khoản 2, Điều 179 của Bộ luật Tố tụng hình sự (chủ động khiến công chúng nhận biết sai về nhân thân bị can) biến bà Hồng từ "Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định Ngân hàng SCB" thành "Trợ lý Tập đoàn Vạn Thịnh Phát" khi loan báo việc tạm giam bà Trương Mỹ Lan cùng với năm người khác hồi đầu tháng 10/2022 ? Đồng phạm trong vụ ngụy tạo thông tin này còn có Ngân hàng Nhà nước và mục tiêu là để lừa gạt khách hàng của SCB. Cũng vì vậy mới xảy ra sự kiện mà báo giới Việt Nam đã loan vào trung tuần tháng 10 :Cuối ngày 13/10/2022, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhiều khách hàng, người dân sau khi nhận được thông tin tư vấn, giải thích từ đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã yên tâm và gửi tiền lại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Cuối ngày hôm nay lượng tiền gửi trở lại ngân hàng SCB đạt gần 12.000 tỉ, tăng gấp đôi so với hôm qua là 6.000 tỉ đồng(2).
Công an chỉ chịu xác nhận bà Nguyễn Phương Hồng là một trong những "lãnh đạo chủ chốt của SCB" và đã "chết vào ngày 9/10/2023, khi đã khởi tố bị can" tại trang 15 của Kết luận điều tra nhưng vẫn lờ đi chuyện chỉ hai ngày sau khi bị tạm giam bà Nguyễn Phương Hồng đột tử. Lẽ nào vi phạm Bộ luật Tố tụng hình sự cũng là "biện pháp nghiệp vụ" và đã là "biện pháp nghiệp vụ" thì không thành vấn đề, kể cả khi "biện pháp nghiệp vụ" ấy xâm hại đến lợi ích chính đáng của nhiều ngàn người là khách hàng của SCB ?
***
Tòa án sẽ xử thế nào khi công an cho rằng bà Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát Ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước phạm tội "nhận hối lộ" (5,2 triệu Mỹ kim) bởi đã "bao che, bưng bít cho các sai phạm của Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB ; báo cáo các cấp không trung thực, không đầy đủ, sai lệch kết quả thanh tra theo hướng giảm nhẹ sai phạm để tạo điều kiện giúp cho Ngân hàng SCB tiếp tục được tái cơ cấu, dẫn đến Ngân hàng Nhà nước, chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB" (trang 216 Kết luận điều tra), song lại cho rằng ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra của Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước chỉ phạm tội"lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ",dẫu tính chất, mức độ phạm tội của ông Hưng nguy hiểm hơn của bà Nhàn, hậu quả do hành vi phạm tội của ông Hưng gây ra cũng nghiêm trọng hơn ?
Tại sao đã xác định ông Hưng trực tiếp chỉ đạo, giám sát công việc của bà Nhàn : "Nguyễn Văn Hưng vì vụ lợi, động cơ mục đích cá nhân đã chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn, Trưởng đoàn thanh tra ; Nguyễn Thị Phụng, Phó Trưởng đoàn và Tổ Tổng hợp (Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Khánh Linh) xây dựng dự thảo, chỉnh sửa, hoàn thiện các báo cáo Ngân hàng Nhà nước và chính phủ, nội dung thể hiện không trung thực, không đầy đủ về : Tình hình, thực trạng tài chính yếu kém của Ngân hàng SCB ; Che giấu, không báo cáo về vi phạm, sai phạm của Ngân hàng SCB, sai lệch với kết quả thanh tra, tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB được tiếp tục thực hiện các phương án tái cơ cấu, dẫn đến Ngân hàng Nhà nước, chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB", đã hẳng định ông Hưng nhận 139.000 Mỹ kim, mục đích nhận tiền đã gây ra hậu quả y hệt bà Nhàn nhưng hành vi của ông lại không phả i là "nhận hối lộ" ?
Cứ như Kết luận điều tra mô tả thì ông Hưng mới là... nhân vật chính, bà Nhàn chỉ là người "theo đóm ăn tàn" khi thực hiện chỉ đạo. Tòa án sẽ chấp nhận đề nghị truy tố người thừa hành tội "nhận hối lộ" với hình phạt nằm trong khung từ "20 năm, tù chung thân hoặc tử hình" và nhất trí xem nhân vật chính chỉ..."lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ",hình phạt chỉ nằm trong khung từ "10 năm đến 15 năm" ? Chắc gì ông Hưng nhận tiền ít hơn bà Nhàn ? Theo Kết luận điều tra, 139.000 Mỹ kim chỉ là "lời khai" của ông Hưng !
****************************
Phần 2
Tương tự, có tới 25 cá nhân là viên chức nhận tiền, quà của SCB trong khi thi hành công vụ để làm sai chức trách hoặc bỏ qua không làm những chuyện phải làm, song có bảy người (ba của Kiểm toán Nhà nước, ba của Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước, một của Thanh tra Chính phủ) được công an bỏ qua "không xem xét trách nhiệm hình sự".
Bất thường trong việc xác định tội phạm không chỉ xảy ra giữa bà Đỗ Thị Nhàn - Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát ngân hàng và ông Nguyễn Văn Hưng - (Phó Chánh thanh tra của Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng.
Tuy hành vi của nhiều viên chức cao cấp trong Ngân hàng Nhà nước y hệt như bà Nhàn và gây ra hậu quả không khác gì hành vi của bà Nhàn nhưng họ cũng chỉ được xác định là đã phạm tội"lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" như ông Hưng.
Tại trang 242 và 243 Kết luận điều tra, công an nhận định như thế này về hành vi phạm tội của các ông Nguyễn Văn Dũng (Phó Giám đốc Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh của Ngân hàng Nhà nước), Võ Văn Thuần (Phó Chánh Thanh tra phụ trách Thanh tra Giám sát Ngân hàng Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh của Ngân hàng Nhà nước), Phan Tấn Trung (Phó Chánh Thanh tra phụ trách Thanh tra Giám sát Ngân hàng Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh của Ngân hàng Nhà nước), Nguyễn Tín (Phó phòng Thanh tra hành chính, Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phòng chống tham nhũng, Cục Thanh tra Giám sát Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Ngân hàng Nhà nước) và bà Nguyễn Thị Phi Loan (Phó Chánh Thanh tra phụ trách Thanh tra Giám sát Ngân hàng Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh của Ngân hàng Nhà nước) : "Nguyễn Văn Dũng, Võ Văn Thuần, Phan Tấn Trung, Nguyễn Thị Phi Loan, Nguyễn Tínvới vai trò là lãnh đạo Cục 2, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh tra Giám sát Ngân hàng Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và Tổ trưởng Tổ Giam sát