Thành Được, kép chánh cải lương miền Nam để lại sự tiếc nuối khôn nguôi
Thành Được, ‘kép chánh 100 năm có một’, qua đời ở tuổi 90
VOA, 18/11/2023
Nghệ sĩ Thành Được, một trong những tên tuổi thượng thặng còn lại của sân khấu cải lương Việt Nam, vừa qua đời ở nhà riêng tại San Jose, bang California, Mỹ, ở tuổi 90, do tuổi cao sức yếu. Sự ra đi của ông đã để lại nhiều thương tiếc cho khán giả và đồng nghiệp.
Là kép chánh lừng danh nhất trong lịch sử trên 100 năm của sân khấu cải lương, Thành Được được giới mộ điệu tôn xưng là ‘Ông Vua không ngai’, ‘Ông hoàng sân khấu’ hay ‘Kép hát thượng thặng’. Tên tuổi của ông gắn liền với giai đoạn hưng thịnh nhất của sân khấu cải lương miền Nam vào thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ trước.
‘Ra đi bình yên’
Trong suốt sự nghiệp của mình, kép chánh Thành Được có sự kết hợp lừng lẫy với hai cô đào chánh là Thanh Nga và Út Bạch Lan. Nếu như sự kết hợp của ông với ‘Nữ hoàng sân khấu’ Thanh Nga làm thành cặp đào-kép huyền thoại trên sân khấu của đoàn Thanh Minh-Thanh Nga, thì cuộc hôn nhân đình đám của ông với cố ‘sầu nữ’ Út Bạch Lan lại gặp nhiều trắc trở và sớm tan vỡ.
Điều trùng hợp là ông mất vào đúng ngày giỗ của Út Bạch Lan (theo âm lịch), người ra đi trước ông 7 năm vào ngày 4/11 năm 2016.
Ông ‘ra đi trong giấc ngủ’ vào sáng ngày 16/11 năm 2023, MC Thanh Tùng, con trai nuôi của ông, cho biết trên Facebook, trong ‘vòng tay thương yêu của vợ con’. Khi ra đi, gương mặt ông ‘vẫn hồng hào, hiền lành và vẫn còn nét đẹp đầy nam tính’, con trai nuôi ông viết.
Gần 30 năm nay Thành Được sống ở Mỹ bằng nghề kinh doanh nhà hàng ở San Jose. Thỉnh thoảng ông lên sân khấu diễn lại các trích đoạn nổi tiếng làm nên tên tuổi ông để phục vụ khán giả khi có đồng nghiệp cũ từ Việt Nam sang thăm.
Nghệ sĩ Thành Được, tức Châu Văn Được, sinh năm 1934 tại xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, trong một gia đình nông dân. Khi vừa học hết tiểu học, ông đã theo gánh hát của người cậu đi lưu diễn. Ông bước lên sân khấu lần đầu tiên vào năm 1954 khi 20 tuổi.
Ngoại hình sáng, điển trai, cùng giọng ca vang, khỏe, ấm áp, sang trọng, nam tính và lối diễn xuất ‘thật và đẹp’ theo chủ trương của cố Nghệ sĩ tiên phong Năm Châu, Thành Được đã nhanh chóng nổi tiếng với vai Tô Điền Sơn trong tuồng Khi Hoa Anh Đào Nở. Ông trở thành kép chánh được nhiều người ái mộ.
Sự nghiệp của ông trải qua các ‘đại bang’ của cải lương miền Nam như Kim Chưởng, Thanh Minh-Thanh Nga, hát chung với Út Bạch Lan và Thanh Nga. Có một giai đoạn ông và Út Bạch Lan tách ra lập gánh hát riêng mang tên Thành Được-Út Bạch Lan. Ông được cho là diễn tốt trong cả hai thể loại tuồng cổ trang và tâm lý-xã hội.
Ông kết hôn với Út Bạch Lan vào năm 1961 trong một cuộc hôn nhân tốn hao nhiều giấy mực của báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ với sự chủ hôn của Nghệ sĩ tiên phong Phùng Há. Nhưng chỉ ba năm sau, hôn nhân đổ vỡ, Thành Được và Út Bạch Lan đường ai nấy đi.
Đến năm 1966, ông đoạt giải Thanh Tâm danh giá với vai diễn Tướng cướp Thi Đằng trong tuồng Tiếng Hạc Trong Trăng. Đây cũng là một trong những vai diễn để đời của ông. Ngoài ra, ông còn nổi tiếng trong các vai như Lĩnh Nam trong Sân Khấu Về Khuya, Tùng trong Nửa Đời Hương Phấn, Võ Minh Thành trong Đời Cô Lựu…
Bên cạnh Út Bạch Lan và Thanh Nga, ông còn hát và diễn chung cùng một số cô đào nổi tiếng từng đoạt giải Thanh Tâm của sân khấu cải lương như Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Phượng Liên…
Không những trong cải lương, Thành Được còn lấn sân sang kịch nói – ông từng tham gia vào sân khấu kịch Kim Cương – và cả điện ảnh. Ông xuất hiện trong những bộ phim như Hai Chuyến Xe Hoa (cùng với Thanh Nga), Chiếc Bóng Bên Đường (cùng với Kiều Chinh, Kim Cương) và Năm Vua Hề Về Làng.
Sau ngày 30/4 năm 1975, ông được nhà nước Việt Nam cho đi lưu diễn ở 5 nước Tây Âu vào năm 1984 trong một phái đoàn gồm nhiều nghệ sĩ cải lương gạo cội. Trong chuyến lưu diễn này, Thành Được đã tách đoàn và xin tị nạn chính trị ở Đức. Đến năm 1995, ông di cư sang Mỹ cho đến nay.
Một thời gian dài sau ngày Thành Được xin tị nạn ở nước ngoài, tên tuổi, hình ảnh cũng như những băng đĩa có mặt ông đã gặp phải sự kiểm duyệt gắt gao của chính quyền trong nước.
Lần xuất hiện gần đây nhất trên sân khấu lớn của ông là vào năm 1999 khi ông tái diễn vở Tuyệt Tình Ca trong vai ông giáo Hương bên cạnh nghệ sĩ Phượng Liên trong chương trình Paris By Night của Trung tâm Thúy Nga.
‘Hội tụ những gì tốt nhất trong nghề’
"Thế hệ vàng có mấy người thôi mà cứ rơi rụng đi như vậy. Buồn quá đi chứ", Nghệ sĩ Bạch Tuyết, người đồng nghiệp cùng thời của Thành Được, nói với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh về cảm xúc của bà khi biết tin Thành Được ra đi. ‘Thế hệ vàng’ mà bà nhắc tới là những nghệ sĩ thành danh trong giai đoạn cải lương hưng thịnh vào trước năm 1975.
Trả lời câu hỏi tại sao Thành Được được tôn vinh là ‘Ông Vua không ngai’, bà Bạch Tuyết nói : "Tất cả những gì tốt nhất của nghề là tổ nghiệp cho ông hết trơn".
Bà chỉ ra Thành Được ‘có giọng ca đặc biệt’. "Ông không chỉ hát hay mà còn diễn giỏi, lại còn đẹp trai nữa", bà nói.
Bình luận về giọng ca của Thành Được, Bạch Tuyết xếp ông vào trong những người ca hay nhất trong lịch sử 100 năm cải lương. "Sau đệ nhất danh ca Út Trà Ôn thì có Tấn Tài, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường", bà nói.
"Khi ông diễn trên sân khấu trong vở Khi Hoa Anh Đào Nở, ai đi coi cũng sẽ mê mẩn vì ông đẹp, ca hay, lên sân khấu hấp dẫn vô cùng", bà kể và cho biết các nữ nghệ sĩ cùng thời Thành Được ‘ai cũng muốn có dịp hát chung với ông’.
Bà cho biết bà ít có cơ hội diễn chung với ông vì khi còn đi hát, bà với ông khác đoàn và ai hát đoàn nấy. Chỉ khi nào đi đại nhạc hội hay được chủ các hãng dĩa mời thu dĩa chung thì bà với ông mới có dịp ca, diễn chung với nhau.
Bà kể lại một lần vào năm 2007 khi bà sang Mỹ bà có được mời hát lại vở Đời Cô Lựu chung với ông. "Vở Đời Cô Lựu lần đó đến giờ khán giả vẫn còn nhắc", bà cho biết.
"Trong khi hát cảm xúc nhân vật của ông vẫn rất tròn đầy", bà nói thêm. "Nhưng trong cảm xúc của những người nghệ sĩ cải lương gặp nhau nơi xứ người, tôi cảm nhận được trong ánh mắt của ông, tôi thấy thương vô cùng".
Nhận định về hai cặp Thành Được-Thanh Nga và Thành Được-Út Bạch Lan, Nghệ sĩ Bạch Tuyết nói ‘muốn nghe ca thì nghe Thành Được-Út Bạch Lan, còn muốn xem diễn thì xem Thanh Nga-Thành Được’.
"Thanh Nga-Thanh Được hai người rất xứng đôi, trên sân khấu đẹp như tiên đồng-ngọc nữ", Bạch Tuyết giải thích. "Còn Thành Được-Út Bạch Lan thì nhắm mắt lại nghe hai người ca đê mê luôn. Giọng ca của họ hợp với nhau một cách âm dương, trầm bổng".
Khi được hỏi vai diễn nào là để đời của ông, bà nói ‘đến giờ không ai diễn qua ông được vai tướng cướp Thi Đằng trong tuồng Tiếng Hạc Trong Trăng’.
"Trong nhân vật đó có chất nghĩa khí hào sảng như con người anh vậy. Soạn giả viết vai đó như là đo ni đóng giày cho anh", bà cho biết.
Về con người của Thành Được, bà Bạch Tuyết nói ông rất ‘hiền lành, tử tế, không xích mích với ai’.
"Ông đặc biệt đối với bạn nghèo rất thủy chung. Ông lặng lẽ giúp đỡ họ không để cho ai biết mà cũng không để cho bạn mình tự ái nữa".
Chính vì vậy, theo lời nữ nghệ sĩ kỳ cựu này, Thành Được sống nửa cuộc đời còn lại ở nước ngoài ‘rất bình yên bên cạnh người vợ sau yêu thương ông hết mực và chăm sóc ông hết lòng’.
Bà kể lại một giai thoại là ở Sài Gòn khi đó, bất cứ xe Mỹ có cái nào mới ra nhập về Việt Nam thì ‘Cậu Mười (tức Út Trà Ôn) và Thành Được đổi xe mới ngay lập tức’.
Về cuộc hôn nhân đổ vỡ của ông với Út Bạch Lan, Bạch Tuyết giải thích : "Những người tài hoa như ông thì rất nhiều người thương, họ yêu ông một cách mê mệt, khiến từ chối làm sao để không tổn thương người ta không phải dễ".
Nguồn : VOA, 18/11/2023
***********************
Nghệ sĩ Thành Được, ‘Ông vua không ngai’ làng cải lương miền Nam, qua đời
Đ.D., 16/11/2023
Nghệ sĩ Thành Được, người được mệnh danh "Ông vua không ngai" của làng cải lương miền Nam Việt Nam, vừa qua đời lúc 8 giờ 20 phút sáng Thứ Năm, 16 Tháng Mười Một, tại nhà riêng ở San Jose, hưởng thọ 90 tuổi.
MC Thanh Tùng, con nuôi cố nghệ sĩ, xác nhận tin này với nhật báo Người Việt, và cho biết : "Sáng nay, má Liên, vợ của ba Thành Được, có báo cho Thanh Tùng biết hung tin. Thế là Thanh Tùng chạy lên nhà liền và kịp nhìn mặt ông lần cuối trước khi nhà quàn đến đem ông đi".
Trên trang Facebook của mình, MC Thanh Tùng viết: "Nghệ sĩ Thành Được sinh ngày 8 Tháng Tám, 1934 tại Kế Sách, Sóc Trăng… Ông qua đời tại tư gia ở San Jose, Cali, trong vòng tay chăm sóc chu đáo, thương yêu của Má Liên và Út Dung".
"Ông ra đi trong giấc ngủ nên gương mặt vẫn hồng hào, hiền lành và vẫn còn nét đẹp trai đầy nam tính của ông vua không ngai của sân khấu cải lương. Cả gia đình đều đang rất đau buồn nên kính mong mọi người tôn trọng sự riêng tư. Em sẽ đăng cáo phó trong nay mai," MC Thanh Tùng viết tiếp.
Theo Wikipedia, cố nghệ sĩ Thành Được thành danh cùng thời với các nghệ sĩ Năm Châu, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Út Trà Ôn và Phùng Há. Ông từng được mệnh danh là "Ông vua không ngai" hay "Kép hát thượng thặng" trong làng sân khấu cải lương Nam Bộ.
Ông có nguyên danh Châu Văn Được, sinh ra trong một gia đình phú nông.
Sau khi học xong tiểu học, ông theo cậu ruột là bầu gánh hát cải lương Thanh Cần, để học hát, và lên sân khấu diễn lần đầu tiên vào năm 1954 trong gánh hát của người cậu. Sau đó hai năm, ông nổi bật trong vai Tô Điền Sơn (tuồng "Khi Hoa Anh Đào Nở"). Năm 1958, Thành Được về đoàn Kim Chưởng, sau đó tới đoàn Thanh Minh-Thanh Nga, rồi trở lại Kim Chưởng.
Năm 1961, ông kết hôn với nghệ sĩ cải lương Út Bạch Lan. Hai người cũng trở thành cặp diễn nổi tiếng trong các vở "Con Gái Chị Hằng," "Tấm Lòng Của Biển," "Bọt Biển," "Chuyện Tình 17," "Tình Xuân Muôn Tuổi," "Rồi 30 Năm Sau," "Giấc Mộng Giữa Hoàng Lăng"… nhưng đặc biệt hơn cả là vở "Nửa Đời Hương Phấn". Đến năm 1964, hôn nhân của ông với Út Bạch Lan tan vỡ.
Năm 1966, nghệ sĩ Thành Được đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm với vai diễn tướng cướp Thi Đằng (tuồng "Tiếng Hạc Trong Trăng").
Năm 1984, nghệ sĩ Thành Được đi lưu diễn tại Đức, sau đó xin tị nạn chính trị tại đây, và mở một nhà hàng.
Năm 1995, ông sang Hoa Kỳ sinh sống và mở nhà hàng Thành Được tại Milpitas, một thành phố giáp phía Bắc San Jose.
MC Thanh Tùng cho biết, nhà hàng Thành Được vẫn còn đó, nhưng cố nghệ sĩ đã chuyển nhượng cho người khác trước khi ông nghỉ hưu.
(Đ.D.)
Nguồn : Người Việt, 16/11/2023