Thời của các đại gia bất động sản đã kết thúc ? (Việt Hoàng)
Người dân Việt Nam không còn tiền để tiếp tục đầu tư bất động sản. Cuộc chơi nào cũng phải kết thúc và cuộc chơi bất động sản ở Việt Nam sẽ kết thúc trong mất mát và cay đắng. Nhiều đại gia sẽ sạt nghiệp và trắng tay. Những người còn lại sẽ phải đối mặt với các loại thuế phí chồng chất trong thời gian tới khi ngân sách nhà nước ngày càng cạn kiệt.
Việt Nam từ khi được ‘cởi trói’ sau đại hội 6 (1986) đã phát triển và thay đổi không ngừng, từ một đất nước thiếu ăn thì nay đã là một trong những trung tâm sản xuất và gia công hàng hóa cho cả thế giới. Rất nhiều người Việt Nam đã giàu lên, không chỉ có nhiều triệu phú đô la mà còn không ít người đã trở thành tỉ phú đô la.
Có rất nhiều con đường để trở thành giàu có tại Việt Nam tuy nhiên phải thừa nhận một điều là đại đa số các đại gia Việt Nam trở nên giàu có đều nhờ vào bất động sản. Không chỉ người trong nước mà không ít người Việt sống và định cư ở nước ngoài cũng trở nên giàu có nhờ đầu tư và ‘ăn theo’ làn sóng đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Không có lĩnh vực nào dễ dãi và sinh lời cao như đầu tư bất động sản vì thế đã dẫn đến hiện tượng ‘nhà nhà buôn đất, người người buôn đất’. Khi càng nhiều người tham gia thì thị trường bất động sản càng trở nên sôi động và cuốn hút.
Sở dĩ thị trường bất động sản Việt Nam tăng trưởng mạnh như vậy là vì sự tiếp tay có chủ đích của chính quyền. Ngoài Hà Nội, Sài Gòn và một số ít tỉnh thành có tăng trưởng kinh tế và thu được ngân sách nhờ phát triển công nghiệp và thương mại, còn lại đa số các tỉnh thành khác trong cả nước đều dựa vào nguồn thu chủ yếu đến từ…đất. Ngân sách nhà nước cũng phụ thuộc rất lớn vào bất động sản, nhờ tiền bán đất và tiền thuế chuyển đổi từ đất nông nghiệp lên đất thổ cư.
Việt Nam là một nước nông nghiệp nên tâm lý sở hữu đất đai luôn là mong muốn của tất cả mọi người. Cộng thêm tâm lý ‘người đẻ chứ đất không đẻ’ nên hầu như ai cũng cố gắng để sở hữu càng nhiều đất đai càng tốt. Theo một thống kê thì tại Trung Quốc có hơn 75% tài sản của người dân nằm trong bất động sản, Việt Nam không có thống kê nào nhưng chắc cũng giống như Trung Quốc. Hầu hết tài sản của người dân đều nằm trong đất. Ngay cả tài sản của các ngân hàng cũng…nằm trong đất. (Tài sản thế chấp bằng bất động sản của ngân hàng Vietcombank chiếm 74% tổng số tài sản thế chấp, với hơn 1,5 triệu tỉ đồng).
Việc bất động sản phát triển nóng trong thời gian qua và gây ra nhiều hệ lụy như thế nào thì chúng tôi đã lên tiếng rất nhiều lần. Qui định ghi hẳn vào trong hiến pháp rằng ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý’, tức là người dân không có quyền tư hữu đất đai đã tạo ra một sự chênh lệnh rất lớn giữa giá đất đền bù cho người dân và giá bán ra sau khi thu hồi. Điều luật 53 này đã tạo ra hàng triệu dân oan trên cả nước và đồng thời tạo ra một tầng lớp đại gia bất động sản vô cùng giàu có. Nhóm đại gia bất động sản này hoặc là sân sau của các quan chức hoặc phải có mối quan hệ mật thiết với chính quyền.
Sự tăng trưởng một cách vô lý của thị trường bất động sản với sự hỗ trợ của chính quyền đã làm méo mó nền kinh tế Việt Nam. Khi mọi nguồn lực đều dành cho bất động sản thì các lĩnh vực khác sẽ gặp khó khăn trong đó có hai lĩnh vực xương sống của nền kinh tế là sản xuất và thương mại. Khi giá nhà đất tăng quá cao thì người dân có nhu cầu không còn cơ hội để tiếp cận trong khi đó nhiều khu phố mới xây xong rồi bỏ hoang. Các công ty sản xuất và thương mại không thể làm ăn có lãi nếu lãi xuất vay ngân hàng vượt quá 7-8%/năm trong khi đó các đại gia bất động sản, nhờ lợi nhuận cao nên lãi xuất ngân hàng bao nhiêu họ cũng chịu được.
Rất nhiều người Việt Nam đã giàu lên nhờ đất, trong đó đa số là quan chức đảng cộng sản. Biệt phủ của các quan chức trải dài từ nam đến bắc.
Xây dựng là một lĩnh vực rất dễ bị các chính quyền dân túy lạm dụng vì nó thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn và tạo ra ảo tưởng của sự phát triển. Như chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo, ngành xây dựng chỉ nên chiếm tỉ trọng từ 10-15% GDP, đó là ngưỡng an toàn cho nền kinh tế quốc gia. Tại Trung Quốc ngành xây dựng chiếm tới 30% GDP và Việt Nam chắc cũng cỡ đó. Khi bất động sản tăng trưởng thì mọi lĩnh vực liên quan cũng lên theo và khi thị trường bất động sản suy thoái thì nhiều ngành nghề cũng sẽ suy thoái theo.
Hơn một năm qua bất động sản tại các vùng ven đô đã giảm giá từ 30-50% mà vẫn không có người mua và sự suy thoái vẫn sẽ tiếp tục chứ không dừng lại. Mọi dự đoán lạc quan đều không có cơ sở. Nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, cụ thể là sự lạm phát tại hầu hết các nước phát triển. Hai năm đại dịch Covid-19 và nhất là cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã làm thay đổi hoàn toàn địa chính trị thế giới. Không chỉ mỗi nước Nga mà cả Trung Quốc và các nước độc tài còn lại đều bị nhìn nhận như là những mối nguy, có khả năng đe dọa cho hòa bình thế giới. Dù có nói ra hay không thì thời kỳ mà các nước dân chủ hợp tác làm ăn, đặt quyền lợi kinh tế lên trên và bất chấp sự khác biệt về thể chế chính trị với các nước độc tài đã thực sự kết thúc. Cho dù thiệt hại rất lớn khi phải rời bỏ thị trường Trung Quốc nhưng quá trình này sẽ không thể đảo ngược. Các nước dân chủ bắt đầu cấm xuất khẩu các mặt hàng kỹ thuật cao như chíp bán dẫn sang Trung Quốc.
Cuộc xâm lược của Putin và nước Nga vào một đất nước có chủ quyền Ukraine đã buộc tất cả các nước trên thế giới phải chọn phe, hoặc là phe dân chủ hoặc là phe độc tài. Đảng cộng sản Việt Nam đã lấy quyết định đứng về phe độc tài và tất cả thế giới đều thấy rõ điều đó. Cái giá Việt Nam phải trả cho sự lựa chọn này sẽ rất đắt. Làn sóng các công ty đa quốc gia sau khi rời Trung Quốc đã không đến Việt Nam như những hứa hẹn trước đó. Họ đã tìm đến Ấn Độ, Indonesia, Bangdalesh…Các rào cản cho hàng hóa Việt Nam bắt đầu hình thành.
Một trong hai ngành trụ cột của kinh tế Việt Nam là may mặc và giày da xuất khẩu đã bắt đầu rơi vào khủng hoảng khi các đơn hàng ngày càng ít đi và các công ty lớn cắt giảm sản xuất. Một ví dụ, công ty PouYuen Việt Nam (vốn Đài Loan) chuyên gia công giày cho hãng Nike đã sa thải hai lần hơn 8.000 công nhân trong nửa đầu năm 2023 (tháng 2/2023 sa thải 2.300 công nhân và tháng 5/2023 sa thải gần 6.000 công nhân). Nên biết ngành dệt may xuất khẩu Việt Nam chiếm 18% GDP với hơn 2 triệu lao động, ngành giày da xuất khẩu chắc cũng cỡ đó. Một lý do khiến các công ty may mặc Việt Nam không có đơn hàng mới vì các nhà máy không đạt ‘tiêu chuẩn xanh’ (LEED) mà các nước dân chủ đưa ra. (Tiêu chuẩn xanh này gồm 6 yếu tố: Vật liệu và tài nguyên, chất lượng môi trường trong nhà, năng lượng và khí quyển, hiệu quả sử dụng nước, các khía cạnh bền vững, đổi mới trong hoạt động và ưu tiên khu vực). Theo báo chí thì có đến 90% các nhà máy dệt may tại Bangdalesh đã đạt ‘tiêu chuẩn xanh’ trong khi Việt Nam chưa đến 10%. Cũng đừng quên sự kiện làm các nhà đầu tư bất an là hàng loạt các nhà hoạt động môi trường Việt Nam bị bắt giữ thời gian qua.
Điều 53 hiến pháp qui định ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý’ đã tước đi quyền tư hữu đất đai của người dân và gây ra nhiều hệ lụy cho đất nước, trong đó có hố sâu ngăn cách giàu-nghèo.
Như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhiều lần cảnh báo, một quốc gia chỉ có thể làm chủ tình hình kinh tế của mình (hay nói một cách văn vẻ là ổn định kinh tế vĩ mô) khi kim ngạch xuất nhập khẩu phải dưới 50% GDP. Nếu vượt ngưỡng an toàn này thì không có chuyện ổn định kinh tế vĩ mô vì sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài. Kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều rủi ro mà không phải do mình gây ra. GDP của Việt Nam hiện nay hơn 400 tỉ USD nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào khoảng 700 tỉ USD. Như vậy kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lớn gần gấp 4 lần của ngưỡng an toàn (50% của GDP). Như vậy Việt Nam không thể nào làm chủ được tình thế mà phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài. Thêm một ví dụ, ngành du lịch Việt Nam năm 2019 đóng góp đến 10,5% cho GDP và tạo ra hơn 300 triệu việc làm (có báo nói con số này là 13,9% GDP) tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch và cuộc chiến Nga-Ukraine mà đa số khách du lịch Nga và Trung Quốc không còn đến Việt Nam. Hậu quả là ngành du lịch và bất động sản du lịch khủng hoảng theo đặc biệt là tại Đà Nẵng và Nha Trang, hai thành phố từng đón nhiều khách Trung Quốc và Nga nhất.
Một đất nước phát triển bền vững và ổn định vĩ mô phải đặt trên sản xuất và kinh doanh. Việc tập trung mọi nguồn lực cho bất động sản thời gian qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực khác. Việt Nam phải nhập khẩu đủ mọi thứ, kể cả các sản phẩm nông nghiệp như thức ăn gia súc, hoa củ quả…Trong 6 tháng đầu năm 2023 ngành chăn nuôi đã nhập siêu hơn 4,3 tỉ USD. Không mấy gia đình người Việt khá giả ăn gạo Việt Nam mà chủ yếu là ăn gạo từ Thái Lan, thậm chí từ Campuchia.
Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng chính phủ vẫn chưa từ bỏ tư duy kiếm tiền từ bán đất. Một loạt các huyện ngoại thành như Đông Anh, Gia Lâm (Hà Nội) Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ (Sài Gòn) đang được nâng cấp lên quận cũng chỉ nhằm mục tích tăng giá đất. Việc chính quyền quyết tâm giải ngân cho đầu tư công khi liên tục khởi công các công trình hạ tầng lớn như đường vành đai 3 ở Sài Gòn và vành đai 4 ở Hà Nội có thể giúp tăng GDP trong ngắn hạn nhưng sẽ không bền vững. Các biện pháp kích cầu bất động sản như dùng dophin, nó chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn và sẽ sớm hết tác dụng. Bất động sản chỉ thực sự bền vững khi là thành quả của một nền kinh tế phát triển ổn vững. Người dân Việt Nam không còn tiền để tiếp tục đầu tư bất động sản. Cuộc chơi nào cũng phải kết thúc và cuộc chơi bất động sản ở Việt Nam sẽ kết thúc trong mất mát và cay đắng. Nhiều đại gia sẽ sạt nghiệp và trắng tay. Những người còn lại sẽ phải đối mặt với các loại thuế phí chồng chất trong thời gian tới khi ngân sách nhà nước ngày càng cạn kiệt.
Có giải pháp nào để cứu nguy nền kinh tế Việt Nam không? Tất nhiên là có nhưng Đảng cộng sản sẽ không bao giờ thực hiện. Đó là phải dân chủ hóa đất nước.
Việt Hoàng
(11/7/2023)