"Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế" – Nói thì hay, nhưng… (Song Chi)
Năm 2001, dự án khai thác Bauxite ở khu vực Tây Nguyên được Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam chuẩn thuận thông qua, bao nhiêu kiến nghị, thỉnh nguyện thư cùng phản ứng gay gắt từ giới khoa học, các chuyên gia môi trường, cũng như các nhân sĩ trí thức trong nước, cho rằng không thể tiến hành dự án bởi nhiều mối nguy về môi trường, xã hội, quốc phòng. Song đảng và nhà nước Việt Nam vẫn quyết làm, cam đoan sẽ không lỗ. Nhưng sau hai mươi mấy năm có ai thống kê rõ ràng Việt Nam được gì, mất gì từ việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên ?
Lòng tham của quan chức cộng sản Việt Nam là vô đáy. Họ chỉ nhìn thấy TIỀN. Bất chấp tất cả.
Dự án xây dựng Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu
Dư luận đang hết sức lo ngại trước dự án xây dựng Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), nhất là người dân tại đây. Bởi vì nếu dự án này được xây dựng thì dự kiến toàn bộ 566 hộ dân ở thôn Lộ Diêu sẽ bị di dời đi chỗ khác, đồng thời môi trường, cảnh quan tại vùng biển hoang sơ đẹp tuyệt vời này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đáp lại những lo ngại đó, ông Bí thư Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu trước dân Lộ Diêu : "Công nghệ luyện thép của Long Sơn hoàn toàn khép kín, không xả thải ra môi trường. Nếu sau này nhà máy thép có m3 nước thải nào đổ ra biển, tôi sẽ chịu trách nhiệm. Khói bụi của nhà máy cũng được thu gom để phục vụ cho lĩnh vực khác". ("Bí thư Bình Định : 'Tôi chịu trách nhiệm nếu nhà máy thép xả thải ra biển', Express).
Ai cũng thừa biết chịu trách nhiệm kiểu quan chức Việt Nam là như thế nào ! Một khi dự án đã được thông qua, tiền đã vào túi họ, thì 5, 10, năm và hơn nữa, nếu có hậu quả gì xảy ra, họ có còn ngồi trên những cái ghế đó để chịu trách nhiệm hay đã leo lên những vị trí cao hơn hoặc hạ cánh an toàn ở nước ngoài ? Có bao nhiêu lời hứa, lời cam kết hùng hồn rồi cũng đổ sông đổ biển của quan chức nước này ?
ông Bí thư Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu trước dân Lộ Diêu
Người dân chắc vẫn chưa quên những bài học đắt giá với những dự án "khủng" lợi ít hại nhiều trước đây. Như vụ khai thác Bauxite ở Tây Nguyên chẳng hạn. Năm 2001, dự án khai thác Bauxite ở khu vực Tây Nguyên được Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam chuẩn thuận thông qua, bao nhiêu kiến nghị, thỉnh nguyện thư cùng phản ứng gay gắt từ giới khoa học, các chuyên gia môi trường, cũng như các nhân sĩ trí thức trong nước, cho rằng không thể tiến hành dự án bởi nhiều mối nguy về môi trường, xã hội, quốc phòng. Song đảng và nhà nước Việt Nam vẫn quyết làm, cam đoan sẽ không lỗ. Nhưng sau hai mươi mấy năm có ai thống kê rõ ràng Việt Nam được gì, mất gì từ việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên ? Những cái hại dai đẳng thì thấy rõ, từ tình trạng hóa chất xút bị rò rỉ ra môi trường, ô nhiễm về khí, về bùn đỏ, về nguồn nước. Còn cái lợi về kinh tế thì như thế nào, vẫn chưa có sự hạch toán rõ ràng, minh bạch để nhân dân được biết. Đó là chưa nói điều mà ai cũng lo lắng, cảnh báo từ đầu là mối nguy có những hồ chứa bùn đỏ lớn trên độ cao 750 đến 800 mét như vậy, nếu có động đất hay vỡ đập thì cả một cơn lũ bùn đỏ sẽ trào ra, tai hai vô cùng.
Hay vụ nhà máy thép Formosa với sự cố ô nhiễm môi trường biển gây hải sản chết hàng loạt bất thường tại một số tỉnh miền Trung vào đầu tháng 4/2016 đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng trên nhiều phương diện, lĩnh vực, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước, đặc biệt đối với 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế…
Có rất nhiều ví dụ trong những năm qua về những dự án đầu tư trong hàng loạt ngành nghề chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn môi trường như thép, nhiệt điện, thủy điện, hóa chất… Lần nào các ông quan chức từ cấp địa phương cho tới trung ương cũng cam kết "không đánh đổi môi trường lấy dự án", "kiên quyết đóng cửa nhà máy nếu gây ô nhiễm"... Năm 2016 khi hàng loạt vu ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, chính ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã liên tục đưa ra thông điệp mạnh mẽ "Kiên quyết không đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt". ("Thủ tướng : Không vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi môi trường", Thương hiệu & Công luận). Nhưng rồi đâu vẫn vào đó.
Có những quyết định không hẳn chỉ vì Tiền mà vì những tính toán mang tính chính trị, duy ý chí cũng gây hậu quả thiệt hại trong những quyết định về kinh tế. Ví dụ như vụ nhà máy lọc dầu Dung Quất, ngay từ đầu đã chịu nhiều chỉ trích của quốc tế về địa điểm và giá trị của nó, nhưng chính phủ của ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó vẫn kiên quyết làm.
Ngoài việc 7.000 hộ gia đình phải tái định cư ở nơi khác trước năm 2015 để có chỗ cho khu kinh tế Dung Quất, tiếng động từ nhà máy đã làm cho cá ở vùng này ít hơn như nhận xét của một số người làm nghề đánh cá, thì hiệu quả kinh tế của nhà máy lọc dầu Dung Quất đến nay vẫn còn là một đề tài gây bàn cãi. Người dân chỉ thấy kể từ khi được đưa vào hoạt động, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã phải nhiều lần đóng cửa để sửa chữa, bảo trì, rồi cứ than lỗ hết năm này sang năm khác…
Vùng biển Lộ Diêu có khí hậu rất trong lành và ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Ảnh : Hoài Luân
Ai cũng biết, đánh đổi môi trường, chịu cái hại trăm năm không thể phục hồi để lấy cái lợi trước mắt về kinh tế (mà đã chắc gì là có lợi ?), là một sự tính toán hoàn toàn không khôn ngoan.
Có nhiều cách để phát triển kinh tế lâu dài, vững chắc mà vẫn bảo vệ được môi trường, vừa thay đổi một cách căn bản cuộc sống của người dân như kinh tế xanh, du lịch xanh… vừa giữ gìn tài sản thiên nhiên của đất nước cho các thế hệ tương lai. Nhưng quan chức cộng sản Việt Nam chỉ chọn Tiền. Mà không phải là Tiền cho dân cho nước mà Tiền vào túi họ, và phe cánh của họ. Cứ vơ vét được gì của đất nước là họ vơ vét, ăn được cái gì của dân là họ ăn. Họ chẳng từ cái gì.
Hậu quả là một mai khi chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản cai trị sụp đổ thì đất nước này, dân tộc này chỉ còn lại một bãi Rác và một đống Nợ.
Song Chi
Nguồn : RFA, 31/05/2023