Tại sao chưa đoàn kết được ? (Phạm Trần)

Một là Đảng bất lực, hai là "tham nhũng, tiêu cực" đã được cán bộ, Đảng viên chọn làm lẽ sống để tồn tại. 


Diễn văn chính trị quan trọng đầu tiên trong cương vị Chủ tịch nước của ông Võ Văn Thưởng đã nói về "đại đoàn kết toàn dân tộc".

doanket1

Ngày 24/02/2023, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phát biểu kết luận hội thảo.

Nhưng tại sao, sau 20 năm thi hành Nghị quyết về "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" (số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003) mà chia rẽ vẫn còn ?

Ông Thưởng không nói ra, nhưng tại phiên họp duyệt xét kết quả ngày 9/3/2023 tại Hà Nội của Ban Chỉ đạo Trung ương, một số người cho rằng mặc dù đã đạt được một số kết quả, nhưng "có lúc, có nơi sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ ; tiềm năng sáng tạo của nhân dân chưa được khai thác hiệu quả. Một số chủ chương, chính sách được ban hành nhưng triển khai không tốt" (VTC News, ngày 9/3/2023).

Lên tiếng tại phiên họp, ông Thưởng nói : "Đại đoàn kết toàn dân tộc là nội dung cốt lõi, là tư tưởng mang tầm chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đây là vấn đề càng làm, càng nghiên cứu và tổng kết từ thực tiễn thì càng minh chứng sự đúng đắn và càng được nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn".

Ai mà không biết như thế. Báo chí Đảng đã viết nhiều bài tự khen Đảng vì biết đoàn kêt toàn dân mà đã đạt được từ chiến thắng này đến chiến công công khác trong 93 năm có mặt trên đất nước (1930-2023). Chỉ có điều Đảng không dám thừa nhận là càng sống lâu, Đảng càng "chia rẽ dân tộc" và "gây ra đổ vỡ, tụt hậu" cho đất nước.

Có lẽ tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã cảm thấy điều này nên ông mới nói trong diễn văn rằng : "Tầm quan trọng của đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới ; trong đó, xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự là trung tâm, hạt nhân của đoàn kết. Cùng với đó, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền thì bộ máy Nhà nước phải trong sạch, vững mạnh".

Ông Thưởng nói thế không sai, nhưng công tác "xây dựng, chỉnh đốn Đảng", được làm mạnh hơn từ khóa Đảng XI, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lên cầm quyền năm 2011 mà đến bây giờ (2023) đã 12 năm mà "tham nhũng tiêu cực" vẫn còn nghiêm trọng và phức tạp" thì ắt phải có lý do.

Một là Đảng bất lực, hai là "tham nhũng, tiêu cực" đã được cán bộ, Đảng viên chọn làm lẽ sống để tồn tại. Vì vậy, theo tường thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam, 9/3/2023) thì ông Thưởng chỉ đạo :

"Mỗi cán bộ phải gần dân, sát cơ sở, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân ; đảm bảo cho mọi người dân đều được tiếp cận một cách minh bạch, công bằng với các điều kiện phát triển. Đây chính là yếu tố vững chắc để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng để đưa đất nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ 21".

Nhưng "có dân chủ" tại Nhà nước "xã hội chủ nghĩa" Việt Nam không ? Tất nhiên là không. Nếu có thì dân đã có tiếng nói và hành động trong công tác "xây dựng, chỉnh đốn đàng" và "chống tham nhũng, tiêu cực" từ lâu rồi.

Vì vậy mà một Nghị quyết mới về "đoàn kết toàn dân tộc", thay cho Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 12/03/2003 đã được soạn thảo và đã 5 lần chỉnh sửa, bổ sung, nhưng chưa biết đến bao giờ mới được ban hành.

Cũng nên biết, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói loạn cào cào rằng : "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử". Đồng thời, ông cũng xác định : "Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam" (trích bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" (ngày 16/05/2021).

Thực tế ngược lại

Ông Trọng "nói vậy mà không phải vậy". Trước hết "Đi lên chủ nghĩa xã hội" chưa hề bao giờ là "là khát vọng của nhân dân ta" như ông đã vơ vào. Chưa bao giờ nhà nước dám tổ chức trưng cầu ý dân về thể chế chính trị ở Việt Nam mà đó là quyết định đơn phương áp đặt lên đầu dân của Đảng.

Hành động này cũng giống như việc Đảng tự cho mình quyền lãnh đạo đất nước để ghi vào Điều 4 Hiến pháp năm 2013, theo đó : "Đảng cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".

Vì những quyết định tự tung tự hứng này mà tình trạng chia rẽ, mất đoàn kết giữa dân và Đảng dã mở rộng khiến cho "một số không nhỏ" Đảng viên đã "tự diễn biến, tự chuyển hóa". Đảng cũng nhìn nhận đã có những chỉ trích công khai chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bên cạnh "phân hóa trong Đảng", còn có chia rẽ trong dân, giữa Đảng và thanh niên, giữa Đảng và trí thức nên điều tuyên truyền cho rằng các quyết sách của Đảng đã được "tiền hô hậu ủng", "nhất hô bá ứng", "trên dưới đồng lòng", "dọc ngang thông suốt" như ông Nguyễn Phú Trọng khoe là không đúng.

Vẫn như cũ

Chẳng những "không đúng" mà còn "không trúng", vì nếu được như những lời ông Trọng thì cần gì phải có Nghị quyết mới để thực hiện "đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới" ?

Nên biết trong Nghị quyết năm 2003 về "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", Đảng đã nhìn nhận những điều đang xẩy ra trong xã hội năm 2023, như :

1. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân chưa thật bền chặt và đang đứng trước những thách thức mới.

2. Lòng tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ của một bộ phận nhân dân chưa vững chắc… Sự suy thoái về lối sống và đạo đức, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền làm xói mòn tình làng, nghĩa xóm.

3. Hệ thống chính trị ở cơ sở còn yếu kém về nhiều mặt. Ở một số nơi, cấp uỷ Đảng còn mất đoàn kết ; một bộ phận cán bộ, Đảng viên thiếu gương mẫu, thậm chí thoái hoá, hư hỏng ; một số cấp uỷ, cán bộ, Đảng viên còn hẹp hòi, định kiến với những người ngoài Đảng, người làm kinh tế tư nhân, chức sắc tôn giáo... làm giảm sút vai trò hạt nhân lãnh đạo và đoàn kết của tổ chức Đảng.

4. Một số chủ trương, chính sách của Nhà nước chưa thể hiện đầy đủ quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc ; việc thực hiện còn nhiều thiếu sót.

5. Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ở nhiều nơi còn hình thức và nặng về hành chính, không sát dân.

Điều ngạc nhiên là cả hai ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đều biết rõ tại sao chưa có đoàn kết trong toàn dân nhưng không hành động gì. Ngược lại cả hai đều hô hào tăng cường quyền cai trị độc tài về mọi phương diện cho Đảng.

Cả hai đều chống đa nguyên đa đảng, cấm lập hội dù Hiến pháp cho phép và không cho tư nhân ra báo.

Đó là những lý do tại sao chưa có đoàn kết ở Việt Nam, nói chi đến khả năng "hòa hợp, hòa giải" với người Việt Nam ở nước ngoài.

Phạm Trần

(14/03/2023)