Phạm Minh Chính trong tầm nhắm của phe Nguyễn Phú Trọng ? (Thu Phương)
Có những lúc, người ta chiến nhau để giành ghế, nhưng đôi khi họ cũng chiến nhau để đẩy cho kẻ thất thế rơi vào chiếc ghế nào đấy. Trò chơi chính trị ở cung đình của Đảng cộng sản cũng lắm chuyện bi hài.
Tại sao không điều Phạm Minh Chính sang ghế Chủ tịch nước rồi cho "xử" ?
Thu Phương, Thoibao.de, 14/02/2023
Cho đến nay, ghế Chủ tịch nước đã quật ngã được 2 người, người đầu tiên là ông Trần Đại Quang, ông Quang mất mạng, còn người thứ nhì là ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Phúc chỉ mất chức. Vì sao "phe mạnh" là ưa triệt người đang ngồi ở vị trí Chủ tịch nước ? Bởi ghế Chủ tịch nước thực tế là hữu danh vô thực, như chim không có lông cánh nên không còn khả năng sinh tồn. Vì thế điều "nạn nhân" sang chiếc ghế này thì dễ ra tay nhất.
Nguyễn Xuân Phúc từ ghế Thủ tướng bị đẩy sang ghế Chủ tịch nước rồi bị "ra tay"
Có người cho rằng, nếu ông Nguyễn Xuân Phúc mà còn ở cương vị Thủ tướng, thì chưa chắc gì ông bị hạ như ngày 18/1 vừa qua. Bởi ghế Thủ tướng được xếp dưới ghế Chủ tịch nước, nhưng có thực quyền hơn nhiều. Như ông Nguyễn Tấn Dũng một thời làm Thủ tướng, có ai làm gì được ông khi ông còn ở cương vị Thủ tướng đâu ?
Từ ngày 18/1 đến nay gần 1 tháng, nhưng ghế Chủ tịch nước vẫn trống, bởi ông Tô Lâm đang cố bám vào ghế Bộ trưởng Bộ Công an để được an toàn. Với quyền bính trong tay, với hàng triệu công an trong tay, với ngân sách đến 5,2 tỷ đô la cho năm 2023, thì ông Tô Lâm có đủ. Có sức mạnh vũ lực, nắm quyền bổ nhiệm giám đốc công an các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, đã giúp ông Tô Lâm đưa tay chân thân tín lót ổ tại các địa phương. Với ngân sách 5,2 tỷ đô la cho một năm thì quyền lợi kinh tế có được từ ghế bộ trưởng là không thể nào kể ra cho hết.
Ông Tô Lâm bị đề nghị ngồi vào ghế Chủ tịch nước, khi mà tấm gương Trần Đại Quang và Nguyễn Xuân Phúc còn sờ sờ ra đó. Khi ngồi vào ghế Chủ tịch nước, ông Tô Lâm bị "trả thù" thì làm sao ông đỡ ? Có thể nói rằng, nếu ông Tô Lâm ngồi vào ghế Chủ tịch nước, thì ông Nguyễn Phú Trọng sẽ không ra tay, tuy nhiên, vì ông Tô Lâm có quá nhiều kẻ thù nên nếu ông ngồi vào chiếc ghế không thực quyền thì bao giờ cũng không an toàn.
Thoibao.de nhận được thông tin từ người giấu tên đang công tác trong bộ máy chính quyền cộng sản cho biết, ông Tổng bí thư đang "thừa thắng xông lên", muốn làm tiếp vố thứ nhì dọn đường quan lộ cho "đệ tử" Vương Đình Huệ. Tuy nhiên, ông Tổng đang loay hoay chưa biết đưa ra chiến lược nào để hiện thực hóa ý đồ mà thôi. Hành động xua quân đánh vào AIC khi ông Phạm Minh Chính đang đi công du tại Singapore cho thấy chiêu thức quen thuộc, chiêu thức đấy tương tự như chiêu thức đã sử dụng đối với ông Nguyễn Xuân Phúc, khi ông đi công du Indonesia hồi tháng 12/2022 cùng với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Từ ngày 13 đến ngày 15/2, Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra để xem quyết định về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề nhân sự do ông Phạm Minh Chính đề xuất. Chỉ là nhân sự cấp thấp, không thấy nói gì về vấn đề nhân sự cho hai chiếc ghế trống hiện nay là ghế Chủ tịch nước và ghế Phó Thủ tướng của ông Lê Văn Thành để lại. Theo thông tin từ bên trong, ghế Chủ tịch nước vẫn chưa có chủ.
Nếu ông Nguyễn Phú Trọng không ép được Tô Lâm vào ghế Chủ tịch nước, thì liệu rằng, ông có thể nào ép Phạm Minh Chính ngồi vào ghế Chủ tịch nước nay không ? Nếu ông ép được ông Phạm Minh Chính ngồi vào ghế Chủ tịch nước như từng ép ông Nguyễn Xuân Phúc, thì có thể nói, ông Nguyễn Phú Trọng có rộng đường tính toán.
Đẩy Phạm Minh Chính sang ghế Chủ tịch nước cũng là giải pháp không tồi đối với ông Nguyễn Phú Trọng
Câu chuyện về chiếc ghế Chủ tịch nước đang bỏ trống sẽ còn là để tài nóng hổi, khi gần đến ngày Hội nghị Trung ương 7 dự kiến diễn ra vào tháng 5 nếu không có gì bất thường. Còn 3 tháng nữa để đấu nhau và "dẫn dụ" nhau ra khỏi vùng đã được "mai phục", rồi ra tay. Ghế Chủ tịch nước hiện nay có vẻ như là một cái bẫy, hơn là một vị trí có đặc quyền đặc lợi vậy.
Có những lúc, người ta chiến nhau để giành ghế, nhưng đôi khi họ cũng chiến nhau để đẩy cho kẻ thất thế rơi vào chiếc ghế nào đấy. Trò chơi chính trị ở cung đình của Đảng cộng sản cũng lắm chuyện bi hài.
Thu Phương (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 14/02/2023
***************************
Cựu Chủ tịch Phúc và Thủ Chính dính cùng một chiêu. Ai ra tay ?
Thu Phương, Thoibao.de, 12/02/2023
Ngày 21/12, ông Nguyễn Xuân Phúc lúc đó là Chủ tịch nước đi thăm Indonesia. Tháp tùng ông Nguyễn Xuân Phúc lúc đó có ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Đây là chuyến đi mà ông Nguyễn Xuân Phúc đã làm được rất nhiều cho quan hệ giữa 2 nước. Trong đó, ông Nguyễn Xuân Phúc đã mang lại cho Việt Nam những cam kết quan trọng. Đáng kể nhất là Việt Nam đã ký với Indonesia, hai bên đã ký kết và trao đổi 3 thỏa thuận hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực phòng chống khủng bố ; hợp tác đấu tranh chống tội phạm buôn bán ma túy, chất hướng thần và tiền chất ; và hợp tác năng lượng và tài nguyên khoáng sản. Về hợp tác kinh tế, hai bên cam kết đạt 15 tỷ USD hoặc cao hơn trước năm 2028.
Từ ngày 8 đến ngày 11/2, ông Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân thăm chính thức Cộng hòa Singapore và Brunei Darussalam,
Nói chung, ông Nguyễn Xuân Phúc dù chỉ là không thực quyền trong nước, nhưng trong chuyến đi này ông làm còn tốt hơn cả Thủ tướng. Trong lúc tin đồn vợ ông Phúc bị dính đến Việt Á, mà ông thực hiện vai trò quốc tế nổi trội, đã khiến thế lực ở nhà có vẻ "không hài lòng".
Để thực hiện vai trò quốc tế cho thật nổi, ông Phúc cậy nhiều vào Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Không biết vô tình hay cố ý mà ngay lúc ông Sơn giúp nâng cao vai trò ông Phúc, tại Việt Nam, ông Trần Cẩm Tú – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra tay với Bùi Thanh Sơn. Có lẽ là muốn cảnh cáo ông Sơn chăng ?
Ngày 21/12/2022, đúng ngày ông Bùi thanh Sơn cùng ông Nguyễn Xuân Phúc sang Canada thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét kỷ luật Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2016 – 2021, 2021 – 2026. Người đứng đầu Ban Cán sự Đảng bộ Ngoại giao 2016 – 2021 là Phạm Bình Minh đã ngã ngựa, còn ông Bùi Thanh Sơn là người đứng đầu Ban Cán sự Đảng bộ Bộ ngoại giao 2021 – 2021 thì đang bị án treo.
Dù là cách làm khéo léo nhưng ông Nguyễn Phú Trọng có thể đã để lộ ra yếu điểm mà giới thạo tin có thể nhìn thấy khá rõ "đường quyền" mà ông đã tung ra với Nguyễn Xuân Phúc lúc đó. Đợi ông Phúc đi nước ngoài là ở nhà ra tay cảnh cáo.
Ngày 8/2, ông Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân lên đường thăm chính thức Cộng hòa Singapore và Brunei Darussalam, từ ngày 8 đến ngày 11/2. Phía Singapore chào đón ông Phạm Minh Chính khá long trọng, họ còn đặt tên loài hoa lan theo tên của ông Phạm Minh Chính và phu nhân của ông. Tuy nhiên có vẻ như Phạm Minh Chính đi nước ngoài, thì lần này ở nhà, có kẻ cũng "đánh dằn mặt" nhắm vào ông ?
Ngày 8/2, đúng ngày ông Phạm Minh Chính lên đường công du Singapore thì Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đang thanh tra tại một số đơn vị có mua sắm trang thiết bị do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc Tế (AIC) cung ứng. Lần này Trung ương xúi Thanh tra tỉnh tấn công vào yếu huyệt của ông Phạm Minh Chính, tức là những tiêu cực của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Theo thông tin mà Thoibao.de có được, thì sau khi hạ được Nguyễn Xuân Phúc, phe ông Tổng đang hướng nòng vào phe ông Thủ tướng Phạm Minh Chính. Có lẽ, vào những ngày sắp tới đây, ông Phạm Minh Chính phải lo chống đỡ trước đợt công từ phía trụ đốt lò.
Cho tới nay, không ai có thể khui ra manh mối tham nhũng ông Nguyễn Phú Trọng. Có ý kiến cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng không hẳn là trong sạch, mà vì ông đang ở vị trí bất khả tấn công, cho nên chẳng ai dám khui sai phạm của ông. Cách đây nhiều năm, có tin đồn rằng, ông liên quan đến sai phạm khu dân cư Ciputra thời ông còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tuy nhiên, đến khi ông loại bỏ Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi chính trường, thì không ai dám động chạm gì đến ông nữa.
Ông Nguyễn Phú Trọng là người rất khéo léo, khéo léo trong các chiêu trò ông thanh trừng. Dù ý đồ là thanh trừng, nhưng ông vẫn cấy trong đầu của không ít người dân rằng, chỉ có ông mới là người trong sạch và chỉ có ông mới làm trong sạch Đảng. Nhờ đó mà ông luôn được tiếng thơm ở các cuộc thanh trừng sống còn.
Thu Phương (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 12/02/2023
****************************
Nhìn hổ "thịt mồi", Thủ Chính có chuẩn bị thế võ phòng thân ?
Thu Phương, Thoibao.de, 10/02/2023
Việc chỉ đạo Ban Tuyên giáo rút hết lời thanh minh của ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ là đề tài bàn tán của giới quan sát. Bởi nó cho thấy, sự cứng rắn và sự quyết tâm của ông Tổng bí thư. Không biết, bước tiếp theo của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là làm gì ? Bởi đánh vào sào huyệt của ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khác với đánh vào một ủy viên Trung ương Đảng nhỏ nhoi.
Ông Nguyễn Phú Trọng tuy già yếu mà lại mạnh
Miếng đánh của ông Nguyễn Phú Trọng vào Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh có thể làm cho ông Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ quan, nhưng đánh vào Nguyễn Xuân Phúc thì ông Phạm Minh Chính không thể chủ quan được. Đây là ván cờ giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Xuân Phúc, đây là dịp để ông Chính xem giò xem cẳng của người mà sẽ nhắm vào ông trong thời gian sắp tới.
Trong trò "mèo vờn chuột" giữa ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ông Trần Cẩm Tú đã bị kẹt giữa hai ông này. Ông Nguyễn Xuân Phúc dùng ông Trần Cẩm Tủ để đỡ đạn bằng câu "Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xác nhận", trong khi đó ông Trần Cẩm Tú – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương là người thực hiện mệnh lệnh của ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, trong cuộc chiến giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ông Trần Cẩm Tú vào thế kẹt thực sự.
Ông Nguyễn Xuân Phúc thì nói Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác nhận là vợ ông không liên quan đến Việt Á, còn ông Nguyễn Phú Trọng thì lại cho rút lời của ông Nguyễn Xuân Phúc trên báo chí. Việc rút lời ông Phúc không mang ý nghĩa che đậy được nữa, vì những lời đó đã được báo chí nước ngoài và mạng xã hội lưu lại. Có người cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng cho Ban Tuyên giáo rút lời ông Phúc, chủ yếu là dằn mặt ông cựu Chủ tịch nước rằng, "lời mi nói không là đảm bảo an toàn cho vợ".
Đấy là suy đoán của một vài ý kiến cho Thoibao.de biết, còn ý ông Nguyễn Phú Trọng có thực sự như thế hay không thì còn phải chờ. Có thể ông Trọng cho rút lời ông Phúc trên báo chí, là tránh cho ông Trần Cẩm Tú rơi vào thế khó.
Với ông Nguyễn Phú Trọng, không có đồng chí nào cả, không thể gài được ông. Bởi ông Trọng là người lạnh lùng, khó lường và nhẫn tâm. Cho nên việc ông Nguyễn Xuân Phúc mang ông Trần Cẩm Tú ra đỡ cũng không gài được ông Tổng bí thư. Ông sẽ làm tới cùng nếu ông muốn vì ông có quyền lực tuyệt đối, đồng thời ông có thể đứng trên Đảng luật lẫn pháp luật.
Đấy là những cú ra đòn của ông Nguyễn Phú Trọng với ông Nguyễn Xuân Phúc. Rất có thể, những chiêu thức đấy cũng sẽ vận lên chính ông Phạm Minh Chính nếu có điều kiện. Vụ án Việt Á liên quan đến Nguyễn Thanh Long, Vũ Đức Đam thì hai người này cũng là cấp dưới của ông Phạm Minh Chính. Vụ chuyến bay giải cứu liên quan đến ông Phạm Bình Minh, thì ông Phạm Bình Minh cũng là cấp phó cho ông Phạm Minh Chính. Vậy thì, nếu nói ông Nguyễn Xuân Phúc bị sai phạm vì để cho thuộc hạ làm sai, thì tại sao ông Phạm Minh Chính lại tránh được tội trên ?
Vậy nên, nếu ông Phạm Minh Chính là người biết làm chính trị thì cũng nên xem cách ông Nguyễn Phú Trọng đang "thịt mồi" mà hình dung kịch bản cho mình. Không biết ông Phạm Minh Chính có kế sách gì cho mình hay không ? Nếu không thì khó mà trụ được trước ông Nguyễn Phú Trọng.
Năm 2023 còn đó những vụ án lớn chưa giải quyết xong, còn rất nhiều bắt bớ nữa. Từ hạ tầng, ông Nguyễn Phú Trọng bắt người chán chê thì ông lại đến với tượng tầng. Còn rất nhiều nhân vật đợi ông Nguyễn Phú Trọng ra tay, nào là Lê Thanh Hải, nào là Lê Hoàng Quân, nào là Nguyễn Văn Đua, và không loại trừ hai cây đại thụ liên thông nhau, đó là ông Phạm Minh Chính và Nguyễn Tấn Dũng. Trò chơi chính trị chưa kết thúc, nếu không lạnh lùng, mưu mẹo và tàn bạo bằng đối thủ thì rất dễ thua.
Thu Phương (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 10/02/2023