‘Ngoại giao con thoi’ giữa ba nước Đông Dương cho thấy điều gì ? (Hải Lê)
Trung Quốc đang cố gắng tạo dựng Hun Sen như một "chính khách xung kích", đôn đáo giữa Phnom Penh và Hà Nội, với sứ mệnh xây dựng một "Nhóm những người bạn của ‘Sáng kiến Phát triển toàn cầu’ (GDI)" ? Nếu Việt Nam vẫn không "bứt phá" về đối ngoại, thì đối mặt với "sự chậm lụt" không còn là một nguy cơ…
Thật là khó cho Hà Nội khi vừa phải chống lại hiệu ứng "bóng đè" của Bắc Kinh đồng thời vừa phải vô hiệu trò "a dua" với Trung Quốc của hai ông em, mà lại không chịu "đột phá" gì về ngoại giao cả ! Hình : Thủ tướng Cambodia, Hun Sen. Hình minh họa.
Chưa bao giờ "ngoại giao con thoi" Việt – Miên – Lào lại chuyển động cấp tập như thời gian qua. Ngày 18/2/2023, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen, đã tới Hà Nội và gặp gỡ cấp cao với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngày 17/2/2023 trước đó, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đoàn đại biểu cấp cao Văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Thongsalith Mangnomek, dẫn đầu nhân dịp đoàn sang công tác tại Hà Nội. Ngày 22/2/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và các nhà lãnh đạo cấp cao Lào tiếp Đoàn đại biểu Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Trưởng ban Đối ngoại Lê Hoài Trung thăm và làm việc tại Lào theo thỏa thuận giữa hai Ban Đối ngoại Trung ương. Thông cáo báo chí về cả ba cuộc tiếp xúc cấp cao này đều không tiết lộ bất cứ một thông tin cụ thể nào ngoài mô-típ chủ đạo là nhằm củng cố và tăng cường vững chắc quan hệ Việt Nam – Campuchia và quan hệ Việt Nam – Lào.
Campuchia và Lào đang đi đầu ?
Tại sao tình hữu nghị Việt – Miên – Lào lại cần được củng cố và tăng cường trong thời điểm cuối tháng 2 này ? Sputniknews.vn cũng có nêu câu hỏi "Vì sao Thủ tướng Hun Sen bất ngờ sang Việt Nam ?" – nghe có vẻ rất chuyên nghiệp về báo chí – nhưng cũng không có một "bít" thông tin thực chất nào trong bài viết dài hơn 1900 từ. Tuy nhiên, nếu tinh ý, chẳng khó nhận ra điều không bình thường : Cuộc hội kiến "bất ngờ" Trọng – Hun Sen ngày 18/2 thiếu hẳn cái công thức ngoại giao quen thuộc lâu nay : "Theo lời mời của...". Cứ như là cuộc hội ngộ ấy từ trên trời rơi xuống, không ai mời ai cả (!?). Một sự lạ thứ hai nữa là chuyến thăm cấp cao nhưng diễn ra rất chóng vánh và Hun Sen chỉ gặp mỗi Tổng Trọng rồi trở lại Phnom Penh ngay, mà không có tiếp xúc với các thành viên khác trong "Bộ tứ" của Đảng cộng sản Việt Nam như thông lệ. Sự lạ thứ ba – mà điều này mới đáng để ý – chuyến thăm Hà Nội chớp nhoáng của Hun Sen diễn ra sau chuyến thăm dềnh dàng 4 ngày của Hun Sen ở Bắc Kinh (từ 9 đến 12/2/2023).
Tuyên bố chung Hun Sen – Tập Cận Bình về chuyến thăm nói trên tiếp tục cung cấp nhiều "sự lạ" khác. Văn kiện ngoại giao 11/2/2023 (bản dịch Anh ngữ) dài chỉ bằng hai phần ba so với Tuyên bố chung Nguyễn Phú Trọng – Tập Cận Bình 1/11/2022 nhưng có đến hơn 10 lần, nhắc đi nhắc lại một cụm từ khóa quan trọng. Đó là Campuchia và Trung Quốc cam kết xây dựng"cộng đồng có tương lai chung" (community with the shared future)trong thời đại mới. Từ khóa này không có trong Tuyên bố chung Trọng – Tập. Vẫn chưa hết "sự lạ" ! Tuyên bố chung Campuchia – Trung Quốc nhấn mạnh : "Trung Quốc hoan nghênh Campuchia tham gia Nhóm những người bạn của ‘Sáng kiến Phát triển toàn cầu’ (GDI). Campuchia còn ủng hộ đề xuất của Trung Quốc về ‘Sáng kiến An ninh toàn cầu’ (GSI) và sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc về quản trị an ninh toàn cầu hướng tới an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững". Tuyên bố Trọng – Tập năm ngoái đều bao hàm tinh thần này, tức Việt Nam cũng hoan nghênh cả GDI lẫn GSI, nhưng lại chưa cam kết xây dựng"cộng đồng có tương lai chung".
Được biết thêm, từ 29/11 đến 1/12 năm ngoái, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Thongloun Sisulit cũng đã thăm chính thức Trung Quốc (Chỉ sau chuyến thăm Bắc Kinh của ông Trọng một tháng). Tại chuyến thăm ấy, Tổng bí thư Thonglun Sisulit đánh giá vai trò Trung Quốc trong nền chính trị quốc tế hiện nay :"Trung Quốc là nền tảng để duy trì hòa bình và ổn định trên toàn thế giới và cam kết thúc đẩy sự phát triển chung và xây dựng cộng đồng với một tương lai chung". Thật ra, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Lào đã đồng ý xây dựng "cộng đồng tương lai chung" có tầm quan trọng chiến lược trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Lào từ năm 2017. Năm 2019, hai nước đã ký kết Kế hoạch hành động nhằm tạo dựng cộng đồng "vì một tương lai chung". Vậy là so với các cuộc hội kiến Việt – Miên – Lào với Trung Quốc từ cuối năm ngoái đến nay, giờ đây chỉ còn một mình Việt Nam là chưa chính thức cam kết "xây dựng tương lai chung" với Trung Quốc.
Hà Nội có "bứt phá" được về đối ngoại ?
Trong khi đó, tại Bắc Kinh, Samdech Tacho Hun Sen còn hứa với ông Tập hai chuyện lớn khác. Một là hai bên sẽ "sớm đàm phán và ký kết Kế hoạch hành động mới về xây dựng Cộng đồng Trung Quốc – Campuchia cùng chia sẻ tương lai" (tức ‘shared future’ hay ‘tương lai chung’). Hai là Trung Quốc hoan nghênh "Campuchia tham gia Nhóm những người bạn của ‘Sáng kiến Phát triển toàn cầu’ (GDI)". Nên nhớ cả ba trụ cột : GDI, GSI và BRI, theo Nghị quyết của Đại hội 20 Đảng cộng sản Trung Quốc, là ba chân kiềng của "Trật tự mới" dành cho nhân loại. Trung Quốc tuyên bố công khai, trật tự này sẽ thay thế trật tự hiện nay của Hoa Kỳ và thế giới dân chủ. Như có thể thấy, Lào và Campuchia trở thành những nước đi đầu cổ súy cho các trụ cột kiến tạo nên "Trật tự Trung Hoa" (Pax Sinica). Riêng tuyên bố Trọng – Tập cho thấy, Việt Nam vẫn còn bám trụ, chưa"xây dựng tương lai chung" với Trung Quốc. Trong khi Samdech Techo Hun Sen cùng Tổng bí thư Thonglun Sisulit đang trở thành những người đi đầu trong "Nhóm những người bạn" của Trung Quốc. Ông Hun Sen phải thân chinh sang tận Hà Nội để "truyền thánh chỉ mới" cho Tổng Trọng cũng không phải là điều gì quá ngạc nhiên.
Một thời kỳ dài trước đây, Hà Nội từng chủ động trong việc tập hợp "hai ông em" để rồi, thông qua hình ảnh "Đông Dương đoàn kết" mà khuyếch trương uy tín vốn đang bị mai một. Việt Nam, Lào và Campuchia vào ngày 20/11/2022 còn ký một Tuyên bố chung về việc thiết lập Hội nghị cấp cao liên Quốc hội. Thông cáo báo chí do Campuchia phát đi từ Phnom Penh cho biết, cơ chế hiện nay giữa Quốc hội ba nước sẽ được nâng lên thành Hội nghị cấp cao vào năm 2023 này. Mục tiêu nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đoàn kết và hợp tác toàn diện Việt – Miên – Lào. Tạo dựng hình ảnh lên như thế (show-up) nhưng Việt – Miên – Lào liệu có trở lại được tình trạng "nhất hô bá ứng", "trên dưới đồng lòng" như cái thời đoàn kết ba nước Đông Dương là "quy luật thép" của cách mạng mỗi nước ? Thực tế là, tại hai nước láng giềng Việt Nam, ảnh hưởng Trung Quốc đang lấn lướt ở mức độ ngày càng nguy hiểm. Trong khi cả ba "nguyên thủ" Đông Dương đều có quan tâm chung là duy trì quyền lực cá nhân trong nội bộ sao cho "giữ được ghế" thì Việt Nam lại không thể "mạnh vì gạo bạo vì tiền" để chạy đua với Trung Quốc trong việc "o bế" Lào và Camphuchia như thời kháng chiến. Chưa nói, Việt Nam do vẫn cứ bám giữ não trạng cũ về bang giao quốc tế nên Hà Nội hiện đang đối mặt với nguy cơ chậm lụt.
Cho dù Việt Nam bảo lưu"cộng đồng có một tương lai chung" với Trung Quốc là hoàn có thể hiểu được và đáng hoan nghênh, nhưng vấn đề là ông Trọng có thể cầm cự được đến bao giờ ? Trong khi "cơn sóng thần" các cam kết đang đổ bộ lên bang giao giữa Trung Quốc với Việt – Miên – Lào thì hẳn nhiên "thiên triều" muốn đạt được sự nhất trí cao giữa bốn nước càng sớm càng tốt về GSI và GDI. Không ngẫu nhiên, Trung Quốc đang cố gắng tạo dựng Samdech Techo Hun Sen như một "chính khách xung kích", đôn đáo giữa Phnom Penh và Hà Nội trong những ngày qua, với sứ mệnh xây dựng lên một "Nhóm những người bạn của ‘Sáng kiến Phát triển toàn cầu’ (GDI)". Ngày 21/2 Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương vừa công bố "Sáng kiến An ninh toàn cầu" (GSI) để đề cao tầm nhìn về một nền an ninh chung, toàn diện và bền vững, có mục tiêu dài hạn là xây dựng một cộng đồng an ninh. GSI cũng thể hiện các nguyên lý cốt lõi trong viễn tượng về "một cộng đồng chung vận mệnh".
Thật là khó cho Hà Nội khi vừa phải chống lại hiệu ứng "bóng đè" của Bắc Kinh đồng thời vừa phải vô hiệu trò "a dua" với Trung Quốc của hai ông em, mà lại không chịu "đột phá" gì về ngoại giao cả ! Tại Liên Hiệp Quốc, ngày 23/2 mới đây, Việt Nam vẫn bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết của Đại hội đồng yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine. Đây là lần thứ năm Việt Nam bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine. Tức là Việt Nam vẫn "lúng túng như thợ vụng mất kim". Trong nước thì kinh tế ảm đạm, người dân khó khăn duy trì đời sống, đối ngoại thì ngày càng cô lập, trong khi "hai ông em" đã trưởng thành và đang muốn "thoát khỏi ông anh". Việt Nam dường như vẫn chưa nhận thức ra, thông qua cuộc chiến tranh ở Ukraine, Hun Sen đã nhanh chóng nắm bắt được vấn đề và tận dụng lợi thế của cuộc xung đột một cách thông minh để chứng minh cho thế giới thấy rằng, nền độc lập của đất nước từng bị chiến tranh tàn phá này không phải là điều hiển nhiên...
Hải Lê