Ai sẽ “vươn mình” khi phải sống cúi đầu? (Chu Nguyên Hương)

 

Tâm thư tháng 7/2025 gửi anh chị em công nhân,

Tôi viết những dòng này vào một đêm đầu tháng 7 đã khuya, sau khi rửa chén, phơi đồ, gọi điện hỏi thăm mẹ đang bệnh ở quê, và chờ đứa con nhỏ học lớp 7 ngủ yên.

Ngoài kia là tiếng xe tải, tiếng công nhân tăng ca về trễ. Trong điện thoại là những dòng tin tức dồn dập về thuế quan, về thỏa thuận thương mại, về Tổng thống Mỹ và Tổng Bí thư Việt Nam.

Tôi là công nhân. Không phải nhà báo, không phải chuyên gia kinh tế, cũng chẳng dám tranh luận với ai.

Tôi chỉ biết viết, chia sẻ kinh nghiệm về những gì mình đã sống, đang sống, và thấy xung quanh mình.

Tôi thấy những anh chị em làm việc từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, có hôm tăng ca đến 9 giờ đêm, về tới nhà trọ là thiếp đi vì mệt.

Có người bị cắt bảo hiểm y tế, có người phải vay lãi ngày để mua thuốc cho con.

Có người ăn cơm chan nước tương cả tuần chỉ để dành tiền về quê thăm mẹ một chuyến.

Và tôi thấy, khi có tin cuối cùng Mỹ đánh thuế 20% lên hàng hóa Việt Nam, ai cũng hoang mang, buồn vui lẫn lộn.

Không phải vì sợ Mỹ, mà vì biết thế nào nhà máy cũng sẽ siết lại – lương, thưởng, thời gian nghỉ, tất cả sẽ bị ảnh hưởng.

Vài đứa bạn tôi đã bị ngừng hợp đồng thời vụ từ vài tuần rồi.

Tôi nghe trên mạng người ta nói nhiều lắm: Nào là “lợi thế so sánh,” nào là “mở rộng thị trường,” nào là “cạnh tranh lành mạnh”.

Tôi không hiểu gì hết. Tôi chỉ hiểu một điều: Nếu giá thành bị ép xuống thì người bị ép đầu tiên là chính anh chị em công nhân chúng tôi – những người đang góp sức cho con số 123,5 tỷ đô la thặng dư thương mại với Mỹ trong năm 2024 và gần 50 tỷ đô la cho 5 tháng đầu năm 2025 mà báo chí vừa đăng.

Tôi không chống ai, không thù ghét ai. Nhưng tôi xin hỏi:

– Ai đã hưởng và ai sẽ trả cái giá cho thặng dư đó?

– Ai sẽ lo cho công nhân khi đơn hàng giảm?

– Ai sẽ đứng về phía chúng tôi khi bị cắt hợp đồng không lý do?

Chúng tôi không cần hứa hẹn lớn lao. Chúng tôi không mong xe hơi, nhà lầu. Chúng tôi chỉ muốn:

– Có việc làm ổn định.

– Có tiền đủ đóng học phí cho con, mua lon sữa, trả tiền nhà trọ.

– Khi bệnh thì được đi khám đúng chế độ.

– Khi nghỉ thai sản thì được nghỉ đủ và quay lại không bị ép nghỉ luôn.

Chúng tôi cũng không cần “giấc mơ lớn hoặc kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” gì đó. 

Chúng tôi rất đơn giản – chỉ cần được sống làm người – đàng hoàng và có chút tôn trọng.

Tôi biết, không phải cứ viết là mọi chuyện sẽ thay đổi. Nhưng tôi vẫn viết, vì tôi tin có rất nhiều công nhân như tôi đã từng im lặng, từng cúi đầu, nhưng trong lòng thì không cam chịu.

Tôi tin rằng công nhân Việt Nam chúng ta không hèn. Chúng ta chỉ bị chia rẽ, bị làm cho sợ và không biết bắt đầu từ đâu.

Tôi tin rằng nếu chúng ta bắt đầu nói chuyện với nhau, chia sẻ với nhau, hiểu quyền của mình, biết cách bảo vệ nhau… thì sẽ không ai dám coi thường chúng ta nữa.

Tôi mong rằng, dù ít dù nhiều, mỗi công nhân chúng ta hãy học cách đứng thẳng.

Đừng sợ nếu bạn không biết luật – bạn có thể học.

Đừng ngại nếu bạn không giỏi nói – bạn có thể lắng nghe.

Đừng nghĩ bạn chỉ là một bánh răng nhỏ – vì nếu tất cả bánh răng ngừng quay, cỗ máy sẽ ngừng chạy.

Tôi viết bài này không phải để phản bác ai, không phải để hơn thua với các vị học cao hiểu rộng, quyền cao chức trọng. Tôi chỉ viết để nói lên tiếng nói của công nhân – những người đang âm thầm gánh cả nền kinh tế này trên đôi vai mòn mỏi, nặng trĩu của mình.

Tôi tin, nếu chúng ta không lên tiếng thì không ai khác sẽ làm điều đó cho chúng ta.

Xin cảm ơn anh chị em đã đọc.

Nếu anh chị em thấy mình trong những dòng này, thì xin đừng im lặng. Hãy bắt đầu từ hôm nay – nói chuyện với đồng nghiệp, hiểu rõ quyền lợi của mình, và đoàn kết cùng nhau. Bởi vì, nếu chúng ta không tự vươn lên, thì không ai giúp chúng ta đứng dậy.

Và xin nhớ rằng: “Không ai ‘vươn mình’ được khi phải sống cúi đầu“.

Xin cảm ơn anh chị em công nhân.

Chu Nguyên Hương

10/07/2025

Nguồn: baotiengdan.com