MSC : Phương Tây đoàn kết giúp Ukraine đương đầu với Nga (Nhiều tác giả)
Phát biểu sáng nay 18/02, tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương-NATO, Jens Stoltenberg, xem việc cung cấp cho Kiev tất cả những gì cần thiết là một nghĩa vụ của khối để giúp Ukraine "giành lấy chiến thắng và tồn tại với tư cách là một quốc gia có chủ quyền và độc lập" của Châu Âu.
'Trung Quốc có thể cung cấp vũ khí cho Nga trong chiến tranh Ukraine'
Samuel Horti, James Landale, BBC, 19/02/2023
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken cho biết Trung Quốc đang xem xét cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.
Ông Blinken đã trả lời đài CBS sau khi ông gặp ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị, vào hôm thứ Bảy tại Hội nghị An ninh Munich.
Ông Blinken nói với kênh CBS News rằng các công ty Trung Quốc đã cung cấp "hỗ trợ phi sát thương" cho Nga - và thông tin mới cho thấy Bắc Kinh có thể cung cấp "hỗ trợ sát thương".
Sự leo thang này đồng nghĩa với "hậu quả nghiêm trọng" đối với Trung Quốc, ông Blinken cảnh báo.
Trung Quốc cho tới nay bác bỏ tin nói rằng Moscow đã yêu cầu được cung cấp thiết bị quân sự.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin và vẫn chưa lên án cuộc xâm lược của Nga - nhưng ông đã tìm cách giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột và kêu gọi hòa bình.
Ông Blinken đã trả lời đài CBS sau khi ông gặp ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị, vào hôm thứ Bảy tại Hội nghị An ninh Munich.
Ông nói rằng trong cuộc họp, ông đã bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về "khả năng Trung Quốc sẽ hỗ trợ vật liệu sát thương cho Nga".
"Cho đến nay, chúng tôi đã thấy các công ty Trung Quốc... cung cấp hỗ trợ phi sát thương cho Nga để sử dụng ở Ukraine. Mối lo ngại mà chúng tôi có hiện nay dựa trên thông tin chúng tôi có rằng họ đang cân nhắc cung cấp hỗ trợ sát thương", ông nói.
Ông không nói rõ Hoa Kỳ đã nhận được thông tin gì về các kế hoạch tiềm năng của Trung Quốc.
Khi được hỏi về những thứ gì mà Hoa Kỳ tin rằng Trung Quốc có thể cung cấp cho Nga, ông nói rằng đó chủ yếu là vũ khí cũng như đạn dược.
Hoa Kỳ đã trừng phạt một công ty Trung Quốc với cáo buộc cung cấp hình ảnh vệ tinh về Ukraine cho tập đoàn đánh thuê Wagner, tập đoàn cung cấp cho Nga hàng nghìn lính tham chiến.
Ông Blinken nói với CBS rằng "tất nhiên, ở Trung Quốc, thực sự không có sự phân biệt giữa công ty tư nhân và nhà nước".
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có bài diễn văn tại Munich vào ngày thứ Bảy 18/2.
Nếu Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga, điều đó sẽ gây ra "vấn đề nghiêm trọng cho chúng tôi và trong mối quan hệ của chúng tôi", ông nói thêm.
Quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh vốn đã xấu đi sau khi Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc vào đầu tháng Hai.
Nhưng nếu Trung Quốc cung cấp vũ khí để giúp các lực lượng cuea Nga ở Ukraine, thì quan hệ Mỹ-Trung sẽ xấu đi nghiêm trọng hơn nhiều.
Lời cảnh báo của ông Blinken dường như được đưa ra với mục đích rõ ràng để ngăn cản Trung Quốc làm điều đó.
Ông Blinken cũng cho biết Hoa Kỳ lo ngại về việc Trung Quốc giúp Nga trốn tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga. Thương mại của Trung Quốc với Nga ngày càng phát triển và đây là một trong những thị trường lớn nhất mua dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga.
Các thành viên NATO, trong đó có Hoa Kỳ, đang gửi nhiều loại vũ khí, đạn dược và thiết bị tới Ukraine, bao gồm cả xe tăng. Họ chưa gửi máy bay chiến đấu, và ông Blinken né tránh trả lời liệu Hoa Kỳ có giúp các nước khác cung cấp máy bay chiến đấu hay không.
"Chúng tôi đã nói rất rõ ràng rằng chúng tôi không nên tập trung cố định vào bất kỳ hệ thống vũ khí cụ thể nào" ông nói.
Tuy nhiên, ông nói rằng phương Tây phải đảm bảo Ukraine có những gì họ cần cho một cuộc phản công sắp diễn ra chống lại Nga "trong những tháng tới".
Nga hiện đang cố gắng tiến công ở các khu vực phía đông của Ukraine, nơi đã diễn ra một số cuộc giao tranh ác liệt nhất trong cuộc chiến.
Ông Vương Nghị phát biểu tại Munich hôm qua rằng Trung Quốc "không đứng yên cũng không đổ dầu vào lửa" trong cuộc chiến ở Ukraine, Reuters đưa tin.
Ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ công bố một tài liệu thể hiện lập trường của mình trong việc giải quyết xung đột. Ông nói, tài liệu sẽ nêu rõ rằng sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia phải được tôn trọng.
"Tôi đề nghị mọi người bắt đầu suy nghĩ một cách bình tĩnh, đặc biệt là những người bạn ở Châu Âu, về những nỗ lực mà chúng ta có thể thực hiện để ngưng cuộc chiến này", ông Vương Nghị nói.
Ông nói thêm rằng có "một số lực lượng dường như không muốn các cuộc đàm phán thành công hoặc muốn chiến tranh sớm kết thúc", nhưng không nói rõ ý của ông là lực lượng nào.
Theo Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có "bài phát biểu hòa bình" nhân dịp kỷ niệm ngày Nga xâm lược Ukraine vào thứ Sáu, ngày 24 tháng Hai.
Ông Tajani nói với đài phát thanh Ý rằng bài phát biểu của ông Tập sẽ kêu gọi hòa bình mà không lên án Nga, Reuters đưa tin.
Trong cuộc gặp của họ, ông Anhtony Blinken và ông Vương Nghị cũng đã dung lời lẽ mạnh bạo về cuộc tranh cãi ngày càng diễn biến phức tạp về một khinh khí cầu bị cáo buộc là phương tiện do thám của Trung Quốc vốn đã bị bắn hạ trên bầu trời Hoa Kỳ.
Ông Blinken cho biết trong cuộc họp rằng Hoa Kỳ sẽ "không chấp nhận bất kỳ hành vi vi phạm chủ quyền nào của chúng tôi" và nói rằng "hành động vô trách nhiệm này không bao giờ được tái diễn".
Ông Blinken nói với CBS rằng các quốc gia khác lo ngại về cái mà ông gọi là "chương trình khinh khí cầu do giám " của Trung Quốc trên khắp năm Châu.
Trong khi đó, ông Vương Nghị gọi vụ việc là "trò hề chính trị do Mỹ dàn dựng" và cáo buộc họ "dùng mọi cách để ngăn chặn và trấn áp Trung Quốc". Trung Quốc phủ nhận việc đưa khinh khí cầu lên không trung để do thám.
Và vào sáng Chủ nhật, Bắc Kinh cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ "chịu mọi hậu quả" nếu leo thang tranh cãi về khinh khí cầu này.
Trung Quốc sẽ "đi đến cùng" trong trường hợp "Hoa Kỳ khăng khăng lợi dụng vấn đề này", Bắc Kinh nói trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao được Reuters đưa tin.
Toàn bộ cuộc phỏng vấn với CBS - đối tác phát sóng của BBC tại Hoa Kỳ - sẽ được phát sóng vào Chủ nhật.
Samuel Horti (London) và James Landale (Munich)
Nguồn : BBC, 19/02/2023
***************************
Mỹ cảnh báo "hậu quả" nếu Trung Quốc tiếp sức Nga trong chiến tranh Ukraine
Thanh Hà, RFI, 19/02/2023
Ukraine và vụ khinh khí cầu Trung Quốc thâm nhập lãnh thổ Mỹ là hai trọng tâm cuộc họp giữa ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chiều ngày 18/02/2023 tại Munich, Đức. Washington cảnh cáo Bắc Kinh trước ý định cung cấp trang thiết bị quân sự cho Nga trong cuộc chiến Ukraine. Quan hệ Mỹ Trung thêm căng thẳng vì trục Bắc Kinh – Moskva và nhất là sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc thâm nhập không phận Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), Munich, ngày 18/02/2023. © Petr David Josek & Wolfgang Rattay/Reuters - Montage RFI
Trả lời đài truyền hình Mỹ NBC sau khi kết thúc buổi làm việc với Vương Nghị, chủ nhiệm Văn Phòng Ủy Ban Công Tác Đối Ngoại Trung Ương Trung Quốc, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Washington có một số thông tin về "khả năng Bắc Kinh hỗ trợ nước Nga trong cuộc chiến (...) kể cả việc cung cấp vũ khí sát thương". Ông Blinken cho biết thêm sẽ cung cấp thêm thông tin về vụ này trong những ngày tới.
Một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được Reuters trích dẫn ghi nhận, bên lề Hội nghị an ninh quốc tế ở Munich, các ông Vương Nghị và Antony Blinken đã trao đổi một cách "thẳng thắn và trực tiếp". Phía Mỹ đã "không ngần ngại cảnh cáo Bắc Kinh về hệ lụy và hậu quả trong trường hợp Trung Quốc yểm trợ Nga về mặt vật chất hay giúp Moskva lách lệnh trừng phạt quốc tế". Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, cũng có mặt tại Munich, bày tỏ "quan ngại trước việc từ đầu chiến tranh Ukraine, Bắc Kinh thắt chặt quan hệ với Moskva".
Mỹ, Trung muốn quan hệ song phương ổn định
Bắc Kinh chú ý nhiều hơn đến quan hệ đang bị xuống cấp đáng kể giữa hai siêu cường trên thế giới. Ông Vương Nghị quy trách nhiệm cho Washignton làm xấu đi quan hệ song phương, phản ứng thái quá khi bắn hạ khinh khí cầu dân sự của Trung Quốc hôm 04/02/2023. Nhưng theo thông tín viên Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh, lời lẽ cứng rắn của đôi bên về vụ quả khinh khí cầu chỉ là phần nổi, Ukraine và chính sách của Trung Quốc đối với Nga mới là trọng tâm căng thẳng trong quan hệ giữa Washignton và Bắc Kinh.
Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :
"Cuộc họp diễn ra thể theo yêu cầu của phía Mỹ. Tân Hoa Xã cho biết như trên. Hãng thông tấn Trung Quốc sáng nay không cung cấp thêm thông tin chi tiết về nội dung cuộc họp song phương, kéo dài trong hai giờ đồng hồ và địa điểm được giữ bí mật, nhưng cho biết là ông Vương Nghị đã nhắc lại lập trường chính thức của Trung Quốc. Hôm qua, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc đã mạnh mẽ lên án Washington, phản ứng một cách ‘vô lý và cuồng loạn’ về vụ quả bóng Trung Quốc bay vào không phận của Hoa Kỳ. Về phía Mỹ, ngoại trưởng Antony Blinken một lần nữa nhắc lại là Washignton không dung thứ cho bất kỳ một hành vi nào xâm phạm chủ quyền của nước Mỹ.
Ngoài những tuyên bố chính thức, đối thoại giữa lãnh đạo ngoại giao Mỹ và Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy đôi bên cùng muốn quan hệ song phương được ổn định. Bởi vì bên cạnh vụ khinh khí cầu, hồ sơ Ukraine mới là điểm gây căng thẳng giữa hai siêu cường trên thế giới. Mỹ muốn giới hạn việc Trung Quốc hỗ trợ về vật chất cho đồng minh của Bắc Kinh là Nga. Sau hội nghị an ninh Munich, Vương Nghị lên đường đến Moskva để chuẩn bị cho thượng đỉnh Tập Cận Bình – Vladimir Putin. Rất có thể sự kiện này diễn ra sau khóa họp Quốc Hội Trung Quốc vào tháng 3 sắp tới".
Thanh Hà
**********************
Mỹ và Trung Quốc chưa nối lại đối thoại về quân sự
Thanh Hà, RFI, 18/02/2023
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, John Kirby, hôm 17/02/2023 cho biết, sau vụ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc, đối thoại về ngoại giao đã được nối lại, nhưng các trao đổi ở cấp quân sự thì "chưa".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tham gia cuộc họp với các đồng nhiệm Pháp, Đức và Anh, tại Hội nghị An ninh Munich, Đức, ngày 18/02/2023. AP - Petr David Josek
Dù vậy, đây chưa phải là thời điểm để ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công du Trung Quốc, sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo hủy chuyến đến Bắc Kinh của ông Blinken ban đầu được dự trù vào ngày 05 và 06/02/2023. Tuy nhiên, "bất chấp căng thẳng", cơ quan ngoại giao của hai nước đã "nối lại đối thoại", "đường dây điện thoại của ngoại trưởng Blinken vẫn được để ngỏ". Theo các nguồn tin báo chí, ngoại trưởng Antony Blinken dự trù có một cuộc họp song phương với đối tác Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị an ninh quốc tế tại Munich, Đức.
Thế nhưng, liên lạc giữa Lầu Năm Góc với Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì "khó khăn hơn nhiều", theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters. Theo lời ông John Kirby, "nhiều kênh liên lạc giữa các bộ phận quân sự" của hai nước đã bị gián đoạn từ sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời Mỹ và xa hơn nữa là từ tháng 8/2022 - khi chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi công du Đài Loan.
Dự Hội nghị an ninh tại Munich, Đức, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris nhắc lại việc bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc dọ thám Hoa Kỳ là điều "cần thiết". Washington chủ trương đối thoại với Bắc Kinh, nhưng quả bóng dọ thám vừa qua "không giúp ích gì" cho việc giảm thiểu căng thẳng.
Về phần lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc, cũng tại Munich, ông Vương Nghị sáng nay một lần nữa lên tiếng về vụ Mỹ bắn hạ quả khinh khí cầu hôm 04/02. Ông coi đây là "điều không tưởng" và gọi phản ứng của Mỹ là "thái quá" và "phi lý".
Thanh Hà
***************************
Một mặt trận đoàn kết giúp Ukraine đương đầu với Nga
Thanh Hà, RFI, 18/02/2023
Trong ngày thứ nhì Hội nghị an ninh Munich, 18/02/2023, lãnh đạo NATO kêu gọi Liên Minh Bắc Đại Tây Dương "cung cấp cho Ukraine những gì cần thiết đề giành lấy chiến thắng trong cuộc xung đột" bởi vì Moskva không có "kế hoạch cho hòa bình". Phương Tây thể hiện đoàn kết hơn bao giờ hết với Kiev. Pháp tuyên bố Nga phải "thất bại" khi xâm chiếm Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich, Đức, ngày 17/02/2023. Reuters – Wolfgang Rattay
Phát biểu sáng nay 18/02, tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương-NATO, Jens Stoltenberg, xem việc cung cấp cho Kiev tất cả những gì cần thiết là một nghĩa vụ của khối để giúp Ukraine "giành lấy chiến thắng và tồn tại với tư cách là một quốc gia có chủ quyền và độc lập" của Châu Âu. Theo ông, từ khi điều quân xâm lược Ukraine, tổng thống Nga Vladimir Putin không hề thay đổi tham vọng và không có một "kế hoạch nào cho hòa bình".
Trước đó, qua cầu truyền hình, tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, yêu cầu được giúp đỡ do phương Tây "không có sự chọn lựa nào khác ngoài chiến thắng của Ukraine". Đáp lời ông Zelensky, Pháp - Đức khẳng định "tăng cường viện trợ cho Kiev, kể cả viện trợ quân sự".
Berlin trước đây từng thận trọng trong việc cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine, nhưng tại hội nghị an ninh Munich lần này, thủ tướng Đức Olaf Scholz khuyến khích các quốc gia có công cụ chiến đầu này "cung cấp" cho quân đội Ukraine.
Về phía nguyên thủ Pháp, Emmanuel Macron đã có những lời lẽ hết sức cứng rắn đối với Nga, lên án điện Kremlin đưa quân "xâm lược" Ukraine. Tổng thống Pháp nhấn mạnh Moskva phải "thất bại" trong mục tiêu đó, chiến tranh Ukraine "và những hậu quả tai hại hiện nay hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của nước Nga". Hơn nữa, Paris coi Nga là một "cường quốc gây bất cân bằng và bất ổn cho thế giới".
Ông Macron tới nay vẫn bị chỉ trích do chủ trương đối thoại với Moskva. Trước và sau khi điện Kremlin điều quân xâm chiếm Ukraine, tổng thống Pháp đã có "cả trăm cuộc điện đàm hay đối thoại trực tiếp" với đồng cấp Nga. Nhưng từ ngày 11/09/2022, điện Elysée không còn trực tiếp liên lạc với điện Kremlin.
Tự chủ về công nghệ quốc phòng
Song song với việc lên án Nga gây bất ổn cho thế giới, tổng thống Pháp nhấn mạnh đến nhu cầu cấp bách của Liên Âu về tự chủ tự cường trong quốc phòng. Trả lời đài RFI, tướng Jean Paul Paloméros, nguyên tổng tham mưu trưởng Không Quân Pháp và từng là chỉ huy trong hàng ngũ của NATO, xem đây là một điểm hết sức đáng chú ý trong diễn văn của tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị Munich lần này :
"Tất cả những gì đang diễn ra tại Ukraine cho thấy chúng ta tuyệt đối phải làm chủ không phận, phải tự chủ về mặt chủ quyền. Thêm vào đó, vụ khinh khí cầu Trung Quốc làm nhiễu thêm toàn cảnh hiện nay. Tôi ghi nhận là trong bài phát biểu, tổng thống Macron đã nhấn mạnh nhiều đến nền công nghiệp quốc phòng Châu Âu. Đó là điều dễ hiểu nhìn từ góc độ của một nhà lãnh đạo. Một phần lớn trong phát biểu của ông đã tập trung vào chủ đề này. Tổng thống Macron là người duy nhất nhìn vấn đề dưới góc độ đó khi ông nói chúng ta phải làm chủ nền công nghiệp, phải có những sáng kiến.
Ông cũng đã đề cập đến lộ trình được thảo ra tại hội nghị Versailles (hồi tháng 3/2022). Đại để là tổng thống Pháp cho rằng, đương nhiên trang thiết bị quân sự của chúng ta phải phù hợp, phải đồng bộ với các phương tiện của các nước đồng minh, nhưng Châu Âu phải có một hệ thống sản xuất của riêng mình. Đây phần nào là thông điệp nhắn gửi đến thủ tướng Đức Olaf Scholz vào lúc Berlin đang mua vào chiến đấu cơ F-35 và tên lửa Patriot của Mỹ".
Thanh Hà
*************************
Hội nghị an ninh Munich khai mạc với trọng tâm là Ukraine và căng thẳng Mỹ - Trung
Thanh Phương, RFI, 17/02/2023
Chiến tranh Ukraine, kéo dài gần một năm, và căng thẳng Mỹ-Trung là những hồ sơ bao trùm Hội nghị Munich về an ninh, khai mạc hôm 17/02/2023.
Thống đốc bang Bavarian Markus Soeder đón phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại sân bay ngày 16/02/2023 đến tham dự Hội nghị An ninh Munich, Đức, khai mạc ngày 17/02. AP - Michael Probst
Năm nay, hơn 150 đại diện các chính phủ, trong đó có thủ tướng Đức Olaf Scholz và tổng thống Pháp Emmanuel Macron, sẽ tham dự hội nghị thường niên tại thành phố Munich của Đức bàn về các vấn đề an ninh quốc tế. Hội nghị Munich cũng quy tụ lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, cũng như tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg. Nhưng năm nay không có đại diện nào của Nga được mời đến hội nghị.
Theo hãng tin AFP, tại Munich, các lãnh đạo Châu Âu sẽ tái khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraine cho đến khi nào vẫn còn cần để đẩy lùi quân xâm lược Nga. Cho tới nay, các nước phương Tây vẫn yểm trợ Kiev bằng việc cung cấp vũ khí và ban hành các trừng phạt để làm suy yếu Nga. Chính quyền Ukraine hiện đang hối thúc các đồng minh cấp tốc viện trợ thêm vũ khí, đạn dược trong bối cảnh Moskva dường như đang chuẩn bị mở một cuộc tấn công quy mô lớn trong những ngày tới.
Yếu tố quan trọng nhất hiện nay chính là cung cấp đạn dược. Kể từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, trung bình quân Nga bắn mỗi ngày hơn 20.000 đạn pháo và phía Ukraine trung bình chỉ tiêu thụ gần 5.000 đạn. Nhưng vấn đề là lực lượng của Kiev sử dụng số lượng đạn nhiều hơn khả năng sản xuất của các nước NATO.
Hoa Kỳ đã cấp tốc gia tăng khả năng sản xuất đạn pháo 155 ly lên 90.000/tháng, nhưng cũng chỉ đủ để đáp ứng một phần nhu cầu của quân Ukraine. Pháp thì cũng chỉ sản xuất được vài chục ngàn đạn 155 ly mỗi năm và nay chỉ mới bắt đầu đẩy nhanh sản xuất.
Căng thẳng Mỹ - Trung
Hội nghị Munich năm nay cũng sẽ tập trung thảo luận về căng thẳng đang gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh do vụ khinh khí cầu Trung Quốc xâm phạm không phận Hoa Kỳ và bị bắn hạ. Bắc Kinh vẫn khẳng định đó là một khinh khí cầu sử dụng vào mục đích dân sự, chứ không phải do thám như cáo buộc của Mỹ, đồng thời tố cáo các khinh khí cầu của Mỹ đã nhiều lần bay trên bầu trời Trung Quốc.
Căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới gây khó khăn cho các nước Châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức, hiện đang cố thuyết phục Trung Quốc, vẫn là đồng minh thân cận của Nga, gây áp lực lên tổng thống Putin để ông chấm dứt chiến tranh Ukraine.
Thanh Phương