Cuộc chiến Ukraine : Việt Nam lại bỏ phiếu trắng ! (RFA - Minh Anh, Chi Phương)

Đây là lần thứ năm Việt Nam bỏ phiếu trăng đối với các nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine. Việt Nam một lần bỏ phiếu chống Nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. 



Việt Nam bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đòi Nga rút quân khỏi Ukraine

Việt Nam cùng với 32 quốc gia khác bỏ phiếu trắng Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine. Nghị quyết mới được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua hôm 23/2 (giờ địa phương) với 141 phiếu ủng hộ việc lên án Nga xâm lược Ukraine.

lhq1

Màn hình điện tử ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chiếu kết quả bỏ phiếu Nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine hôm 23/2/2023 - Reuters

Sáu quốc gia bỏ phiếu chống gồm Belarus, Bắc Hàn, Eritrea, Mali, Nicaragua và Syria.

Đây là lần thứ năm Việt Nam bỏ phiếu trăng đối với các nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine. Việt Nam một lần bỏ phiếu chống Nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Cuộc bỏ phiếu lần này diễn ra nhân dịp kỷ niệm một năm Nga đem quân xâm lược nước láng giềng.

Trong bài phát biểu hôm 22/2 tại phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (Liên Hiệp Quốc) đã nhóm họp để tiếp tục thảo luận về tình hình Ukraine, Đại sứ Việt Nam Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, bày tỏ quan ngại về tình hình xung đột tại Ukraine trong một năm qua cũng như trước diễn biến đáng lo ngại gần đây.

Đại diện Việt Nam cũng nhấn mạnh sự cần thiết tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nhất là các nguyên tắc cơ bản quan trọng hàng đầu là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.

Nguồn : RFA, 23/02/2023

**************************

Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu về nghị quyết "hòa bình lâu dài" cho Ukraine

Chi Phương, RFI, 23/02/2023

Trước ngày đánh dấu một năm cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine hôm 23/02/2023, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu về một nghị quyết hòa bình cho Ukraine.

lhq2

Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong phiên họp ra nghị quyết lên án Nga "sáp nhập bất hợp pháp" các vùng lãnh thổ của Ukraine, New York, Hoa Kỳ, ngày 12/10/2022. © Bebeto Matthews/AP

Theo AFP, trong ngày đầu tiên thảo luận về hòa bình cho Ukraine tại Liên Hiệp Quốc, hôm qua, 22/02, tổng thư ký Antonio Guterres khẳng định rằng cuộc xâm lược mà Nga tiến hành từ một năm qua là "một cột mốc đen tối đối với Ukraine và đối với cộng đồng quốc tế". Ông Guterres lên án những hậu quả về mặt nhân đạo và những vi phạm nhân quyền của Nga trong cuộc chiến này, đồng thời đề cập đến mối đe dọa ngầm của việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các hoạt động quân sự "vô trách nhiệm" xung quanh các nhà máy điện hạt nhân. 

Trong cuộc thảo luận, lãnh đạo ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba khẳng định trong khi "một nước thì chỉ muốn tồn tại, thì nước kia lại muốn giết chóc, phá hủy". Ông Kuleba nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về một nền hòa bình toàn diện "công bằng và lâu dài" tại Ukraine, theo các nguyên tắc của Hiến chương của Liên Hiệp Quốc, đó là bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, Nga rút quân và chấm dứt chiến tranh. 

Về phần đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassili Nebenzia, ông cáo buộc phương Tây "muốn Nga thất bại bằng mọi giá, và không chỉ Ukraine phải hy sinh, mà phương Tây còn muốn nhấn chìm cả thế giới vào vực thẳm chiến tranh". Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell đã đáp trả lại cáo buộc này, nhấn mạnh cuộc xung đột này không phải là phương Tây chống lại Nga, mà đây là "một cuộc chiến tranh bất hợp pháp, liên quan đến toàn thế giới, không phân biệt Đông, Tây, Nam hay Bắc". 

Trong bỏ phiếu vào tối nay, Ukraine và đồng minh hy vọng có thể nhận được ủng hộ ít nhất là từ 143 quốc gia, như là đối với nghị quyết tháng 10 năm ngoái lên án Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine.

Từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua 4 nghị quyết, 3 trong số đó thu được từ 140 đến 143 phiếu thuận. Có 5 quốc gia bỏ phiếu chống là Nga, Belarus, Syria, Bắc Triều Tiên và Eritrea và khoảng 40 nước bỏ phiếu trắng.

Chi Phương

************************

Ukraine và các đồng minh tìm kiếm hậu thuẫn tại Liên Hiệp Quốc

Minh Anh, RFI, 24/02/2023

Hôm 22/02/2023, Liên Hiệp Quốc mở phiên họp Đại Hội Đồng nhân dịp đúng một năm cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga. Kiev và các đồng minh hy vọng có được một sự ủng hộ rộng lớn cho một nghị quyết kêu gọi một nền hòa bình "công bằng và bền vững". 

lhq3

Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 06/02/2023. Reuters – Eduardo Munoz

AFP cho biết dự thảo nghị quyết được 60 quốc gia ủng hộ nhấn mạnh đến việc "cần thiết có được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Ukraine trong những thời hạn sớm nhất, tuân thủ theo các nguyên tắc của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc". Văn bản này sẽ được bỏ phiếu sau một cuộc tranh luận bắt đầu từ hôm nay, lúc 15 giờ, giờ quốc tế và sẽ kéo dài ít nhất cho đến thứ Năm 23/02.

Cũng giống như các nghị quyết trước đây, văn bản lần này tái khẳng định "sự gắn bó" với "toàn vẹn lãnh thổ Ukraine", "yêu cầu" Nga triệt thoái các lực lượng tức thì và kêu gọi "chấm dứt các hành động thù nghịch".

Tuy nhiên, dự thảo không nhắc đến kế hoạch hòa bình 10 điểm do tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trình bày. Ukraine đã từ bỏ ý định này nhằm có được nhiều lá phiếu nhất có thể, theo nhiều nguồn tin ngoại giao. AFP nhắc lại, hồi tháng 10/2022, khoảng 143 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án Nga sáp nhập nhiều vùng lãnh thổ của Ukraine.

Chiến tranh Ukraine : Thường dân trả giá đắt

Một năm đã qua, đây cũng là lúc điểm lại những tổn thất về nhân mạng. Liên Hiệp Quốc hồi trung tuần tháng 2/2023, tố cáo chiến tranh đã làm hơn 8 000 người chết và 13 000 người bị thương. Có số trên thực tế có thể còn cao hơn. Và thường dân đã phải trả một cái giá "không thể chịu nổi". 

Từ Genève, thông tín viên đài RFI, Jeremy Lanche giải thích :

"Số liệu do Liên Hiệp Quốc cung cấp chỉ là bề nổi của một tảng băng. Thống kê chưa tính đến những thiệt hại quân sự. Và họ để sang một bên tất cả những nạn nhân nào chưa thể xác định danh tính. Những gì chúng ta biết được, chính là phần lớn những người bị giết chết là đàn ông, chiếm đến 61%. Và trong 90% trường hợp, họ bị chết trong các vụ nổ.

Và điều đó nói rõ về bản chất của cuộc xung đột, theo như giải thích của bà Matilda Bogner, trưởng đoàn phái bộ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Ukraine.

"Điều đó có nghĩa là có sự vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế và các luật về chiến tranh. Bởi vì, thường dân bị biến thành mục tiêu một cách vô tội vạ. Các bên tham chiến không có những biện pháp cẩn trọng cần thiết để tránh những thiệt hại liên đới. Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng con số thiệt hại thường dân sẽ còn cao hơn nữa".

Bảng tổng kết đặc biệt chưa đầy đủ do không được tiếp cận những vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát như tại các vùng Donetsk, Luhansk hay như Mariupol. Số liệu thống kê chưa tính đến những người dân thường bị giết chết trên lãnh thổ Nga.

Liên Hiệp Quốc nói đến khoảng 30 người chết nhưng không thể xác nhận con số này. Nhưng để có thể hình dung mức độ bạo lực của cuộc xung đột và tác động đối với thường dân, có thể cần phải xem một con số khác, do UNICEF – Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc cung cấp. Theo đó, 80% trẻ em Ukraine hiện sống dưới ngưỡng nghèo, tăng gấp hai lần so với trước khi nổ ra cuộc xâm lược của Nga".

Minh Anh