Người hai lần bỏ nước ra đi (Nguyễn Trọng Kha)

Ở thời Pháp thuộc, dân ta phải làm nô lệ cho Mẫu Quốc mà các thành phố sạch sẽ ngăn nắp, các bệnh viện, trường học miễn phí trật tự kỷ cương. Không cần phong bì đi trước để giải quyết mọi vấn đề. Thực dân Pháp còn chăm lo đời sống và sức khỏe cho nhân dân ta hơn chính quyền đương đại !



Năm 1949, tôi lên tàu thủy đi du học ở Pháp với ý định sẽ quay về Việt Nam hành nghề và giảng dạy kiến trúc đặng góp phần xây dựng đất nước. Tốt nghiệp xong, đất nước đang còn chìm đắm trong súng đạn. Tôi đành ở lại Pháp đợi chờ hòa bình nên quyết tâm không mở văn phòng và lập gia đình với người nước ngoài vì như vậy là một cách cắm rễ vĩnh viễn ở trên đất người. Sau bao nhiêu năm sống vất vưởng không mục đích, buồn chán và thối chí như người mất hồn. Năm 1970 tôi quyết định về Việt Nam (tất nhiên là về Sài Gòn) và tự nguyện ở lại quê hương trong mọi từng huống chính trị.

ntk1

Năm 1949, tôi lên tàu thủy đi du học ở Pháp với ý định sẽ quay về Việt Nam hành nghề và giảng dạy kiến trúc đặng góp phần xây dựng đất nước.

1975, tôi không thay đổi lập trường mặc dầu mọi người chung quanh tôi cho tôi là một người điên. Tôi biết trước là sẽ có một đời sống rất khó khăn về mặt tinh thần cũng như vật chất. Tôi ở lại và chỉ giữ lại một cái đồng hồ báo thức, một cái quạt máy và một tủ lạnh nhỏ vì đó là ba thứ cần thiết cho đời sống hàng ngày. Độc thân, tôi giọn nhà đến ở chung với gia đình người em gái (vô tình kẹt lại) ở đường Tú Xương. Gia đình em gái tôi tổ chức vượt biên vì ông chồng là thuyền trưởng đường dàì (capitaine de long cours). Hai vợ chồng em tôi thuyết phục tôi cùng đi, nhưng tôi từ chối vì đã quyết tâm ở lại tham gia xây dựng đất nước.

Vì trong ngôi nhà tôi ở có người vượt biển nên chính quyền quận Ba bắt tôi phải bỏ nhà ra đi ở nơi khác vì đường Tú Xương được "dành riêng cho cán bộ cao cấp". Tôi từ chối vì họ không cho tôi một căn hộ khác. Một hôm, hai cán bộ cầm súng "khuyên" tôi phải tuân lệnh. Tôi đành ra đi với một cái túi quần áo trên một cái xe đạp mới mua. Lang thang chẳng biết đi đâu. Cuối cùng tôi trình bày hoàn cảnh của tôi cho anh Hồng Đào, Kiến trúc sư quân đội "giải phóng" phụ trách quản lý trường kiến trúc. Anh Hồng Đào cho tôi một cái giường trong phòng ngủ của các giáo sư ở Hà Nội vào Sài Gòn công tác.

Ở đấy một thời gian (một vài tháng nếu tôi không nhớ nhầm), anh em kiến trúc sư trẻ cựu sinh viên kiến trúc Sài Gòn làm việc ở Ủy ban nhân dân Thành phố có thổ lộ vấn đề của tôi với ông Chủ tịch Thành Phố, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Ông này ra lệnh phát cho tôi một căn hộ một phòng ở đường Nguyễn Huệ (Quận I). Một vài người bạn của tôi bị kẹt ở lại thường hay lui tới với tôi và hay cười hỏi tôi đã "sáng mắt chưa…". Để nuôi một chút hy vọng tôi trả lời rằng cứ để cho người ta có thời gian tổ chức lại xã hội, mặc dầu cái mộng tham gia xây dựng lại đất nước đã bắt đầu tan vỡ. Nhưng sau mấy khóa học tập chính trị dành cho giáo sư đại học và sau hai năm quan sát hoàn cảnh của đất nước và ngõ cụt đau đớn của dân tộc, tôi nhận thấy một cách rất rõ ràng và chắc chắn là Đảng cộng sản đang tàn phá xã hội và tiêu diệt văn hóa Việt Nam. Tôi cảm thấy phạm tội quá lớn vì tham gia tiếp tay cho chính quyền cộng sản phá hoại đất nước đến tận gốc rễ. Tôi quá thất vọng và hối hận. Cuối năm 1977 tôi quyết định liều mình đem vợ con đi vượt biển và chấp nhận chờ đợi tử thần. Vượt biển ba lần đến 1979 mới thành công.

ntk2

Cuối năm 1977 tôi quyết định liều mình đem vợ con đi vượt biển và được con tàu Hải Đảo Ánh Sáng (Ile de Lumière) của Hội Y Sĩ Thế Giới của Pháp cứu vớt - Ảnh mang tính minh họa

Vượt biển không phải để đi tìm tự do vì ngay từ đầu, trước ngày 30 tháng Tư tôi đã quyết định hy sinh tự do cá nhân để theo đuổi một lý tưởng cao cả hơn. Trở lại đất Pháp là một tình cờ vì được con tàu Hải Đảo Ánh Sáng (Ile de Lumière) của Hội Y Sĩ Thế Giới của Pháp cứu vớt. Trong suốt thời gian ở Paris tôi lại tự nguyện "làm một cái gì đó" và tham gia nhóm Thông Luận chủ trương tranh đấu cho quyền làm người, cho tự do dân chủ đa nguyên qua con đường bất bạo động…

Năm 1986, ở Trung Quốc Triệu Tử Dương đang làm Tổng bí thư lãnh đạo nước xã hội chủ nghĩa "đàn anh" của Việt Nam. Tôi có một ông bạn già. Ông ấy là người Việt gốc Hoa và cũng là "bạn đánh cờ làm thơ" với Triệu Tử Dương. Tôi nhờ ông ta nói một tiếng với Triệu Tử Dương can thiệp để tạo cơ hội cho tôi dẫn phái đoàn sinh viên kiến trúc Paris trao đổi văn hóa với Trung Quốc. Phái đoàn sinh viên của tôi là phái đoàn Phương Tây đầu tiên được bước vào Trung Quốc, ở Quảng Đông, qua ngõ Hồng Kông. Quảng Đông mới mở cửa vẫn chưa có xe ôtô tư nhân, thành phố vắng người và yên tĩnh. Phái đoàn chúng tôi được đón tiếp một cách khá cởi mở, được tiếp xúc nói chuyện thẳng với sinh viên, nhưng không được đi ra ngoài không gian của trường kiến trúc. Sinh viên Pháp quen thói nghịch ngợm, trèo tường trốn đi chơi bị công an vây quanh Đại học tóm vẹn…

Mục đích thực chuyến đi công tác ấy của tôi là tìm cách sang Trung Quốc gặp đại diện chính trị ở Quảng Đông (nhờ anh cán bộ thông dịch viên giới thiệu) để biết sự thật quan hệ Việt Trung vì người anh cả xã hội chủ nghĩa đánh phá miền Bắc và đánh chiếm Trường Sa.

Vậy chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam sự thực là thế nào ? Anh cả xã hội chủ nghĩa lại đi đánh chiếm đất của đàn em "môi hở răng lạnh". Lúc bấy giờ Triệu Tử Dương, Tổng bí thư lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc là người chủ trương dân chủ hóa đời sống chính trị Trung Quốc. Vậy Trung Quốc có chủ trương dân chủ hóa đàn em không ? (Sau vụ Thiên An Môn, Triệu Tử Dương bị Đặng Tiểu Bình hạ bệ, chiếm quyền lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc).

Trong cuộc tiếp xúc hai tiếng đồng hồ của tôi với phái đoàn chính trị Quảng Đông, chúng tôi nói chuyện vòng vo và không đi thẳng vào vấn đề quan hệ thực giữa hai Đảng và hai nhà nước anh em xã hội chủ nghĩa. Phái đoàn Trung Quốc rất khôn khéo, khi tôi đề cập đến vấn đề quan hệ Trung Quốc-Việt Nam thì họ nói quanh co và không bao giờ đề cập thẳng đến vấn đề "dân chủ hóa" đời sống chính trị của Trung Quốc và không nhắc đến Đảng cộng sản Việt Nam hay phong trào chống cộng Việt Nam ở nước ngoài. Tôi hiểu ngầm rằng Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn xem Đảng cộng sản Việt Nam là anh em và cuộc đánh chiếm Hoàng Sa, Trường Sa và miền Bắc Việt Nam là vấn đề khác, không liên can với nhau. Tôi hiểu ngầm và chắc chắn như vậy và không cần nói thẳng trắng ra trắng đen ra đen. Vài ngày sau, tôi có mua một bản đồ thành phố Quảng Đông. Phía sau bản đồ ầy là bản đồ Trung Quốc. Tôi rất ngạc nhiên là biên giới Trung Quốc đã được vẽ kéo dài xuông tận Indonesia mà ngày nay người ta gọi là Đường Lưỡi Bò Chín Đoạn. Về đến Paris tôi báo cáo và kết luận với anh em Thông Luận rằng Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn là kẻ thù của Việt Nam và họ không bao giờ có thể là đồng minh của mình được (lúc bấy giờ một số người Việt tị nạn ở nước ngoài đã lầm tưởng như vậy).

Năm 1987, ông Đỗ Mười tuyên bố mở cửa đi lại trao đổi với các nước phương Tậy "tư bản bóc lột" và chúc mừng nhân dân Việt Nam tự do làm ăn buôn bán thành công. Tôi bèn đề nghị Trường kiến trúc Paris-Nanterre, nơi tôi đang giảng dạy, trao đổi văn hóa với trường kiến trúc Sài Gòn. Bộ Giáo dục Pháp đồng ý và dành một ngân sách nhỏ cho công tác này. Lợi dụng cơ hội ấy tôi thuê xe đi một vòng ra Hà Nội và có ghé Vinh ba ngày vì Ủy ban nhân dân Vinh nhờ tôi tư vấn quy hoạch. Đây là cơ hội để tôi đi tham quan vùng xa vùng sâu… Trong chuyến công tác này tôi biết rõ hơn tình hình đất nước Việt Nam thời mới mở cửa : Dân chúng từ Nam ra Bắc đều có vẻ hớn hở vui tươi. Hà Nội khác hẳn với Hà Nội 1979 (trước khi vượt biển tôi được đề cử đi công tác trình bày ba dự án cho Nhà Bảo Tàng Hồ Chí Minh do tôi điều khiển sinh viên kiến trúc Sài Gòn sáng tác). Hà Nội bây giờ nhộn nhịp hẳn, dân chúng tươi cười vui vẻ tử tế, đạp xe vù vù trên đường phố.

Hà Nội 1979 là một thành phố chết vô hồn. Người ta đạp xe chậm rãi, mặt nhìn thẳng phía trước, không ai nhìn ai, tựa như thiên hạ đã mất hồn… Tôi vào một café chui. Ở đấy toàn người quen trong xóm đang uống trà và trò chuyện. Thấy tôi là người lạ nên không ai nói chuyện gì nữa. Một không khí im lặng nặng nề cho tôi hiểu ngay là do sự hiện diện của tôi. Tôi uống vội tách cà phê để đi ra, trả lại không khí láng giềng cho quan café chui ấy… Ở thôn quê tôi rất ngạc nhiên nhìn thấy cảnh người kéo cày thay cho trâu bò, chuyện mà chỉ nghe nói khi tôi còn nhỏ (Thời tôi học tiểu học, khoảng 1940, tôi ở huyện Duy Xuyên – Quảng Nam, một trong các huyện nghèo nhất cúa một nước thuộc địa Pháp, tôi không nhìn thấy cảnh ấy bao giờ)… Ôi ! Bao nhiêu cảnh tượng làm cho tôi có cảm tưởng là đang sống ở một thế giới nào xa lạ ở miền Bắc ! Ở Hà Nội ba ngày chờ ngày thuyết trình. Thuyết trình xong tôi vội bay về Sài Gòn vì sợ bị mất chiếc ghe nhỏ đang chờ vượt biển ở Rạch Giá…

2007, vợ tôi hưu trí. Chúng tôi quyết định trở về quê hương để sống đến ngày trút hơi thở cuối cùng nơi quê cha đất tổ.

Việt Nam mở cửa và đã từng phát triển nhanh. Các cao ốc thi đua trồi lên. Các biệt thự sang trọng xuất hiện cùng với các khu nhà ổ chuột. Các nhà hàng vỉa hè bình dân và khách sạn cao cấp mọc như nấm. Xe máy, xe ôtô đủ loại ùn tắc phì khói làm ô nhiệm môi trường. Các thành phố thi đua phình ra vô tội vạ. Thiên hạ chen lấn, ăn gian, nói dối, lừa đảo, giành giật nhau phe phẩy… Các quan lớn ở đâu, làm gì, nơi nào, tôi không biết, chắc các ngài đang rất bận rộn. Các công tử có lẽ đang phè phỡn ở các nơi dành riêng cho giới thượng lưu mới giàu ? Tôi không biết và không thấy họ bao giờ. Trong bảy năm trời, tôi chỉ thấy đời sống của người dân ta ngày càng khó khăn, nạn thất nghiệp ngày càng tăng, thành phố ngày càng hỗn độn… xã hội ngày càng ung thối một cách quá sức tưởng tượng.

Trước kia, dân mình tuy nghèo, nhưng đâu có khó khăn, cực khổ, đầy lo âu như bây giờ. Ở thời Pháp thuộc, dân ta phải làm nô lệ cho Mẫu Quốc mà các thành phố sạch sẽ ngăn nắp, các bệnh viện, trường học miễn phí trật tự kỷ cương. Không cần phong bì đi trước để giải quyết mọi vấn đề. Thực dân Pháp còn chăm lo đời sống và sức khỏe cho nhân dân ta hơn chính quyền đương đại !

Thử hỏi làm sao tôi không thất vọng và chịu đựng được hàng ngày ngay trên đất Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhất nước để nhìn cảnh bất công và cảnh cơ cực của dân nghèo. Tôi không biết ở vùng sâu vùng xa đời sống của thiên hạ còn tệ hại hơn như thế nào nữa !

Buồn và đau khổ, tôi phải bỏ nước một lần nữa ra đi, ra đi vĩnh viễn để nhắm mắt trên đất người. Là một người miền Bắc, chết ở nơi xứ lạ đối với tôi là một bất hạnh lớn nhất !

Bây giờ tôi chỉ còn một giấc mơ. Giấc mơ ấy là dân tộc Việt Nam sớm lấy lại quyền làm người.

Paris ngày 19 tháng 9 năm 2015

Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Kha