Trên thềm năm mới 2023 (Nguyễn Gia Kiểng)

Phải nói là dân trí Việt Nam và văn hóa chính trị Việt Nam đã thay đổi hẳn trong vài thập niên và chúng tôi đã góp phần chính cho bước tiến quyết định này, bước tiến mà trong lịch sử thế giới các dân tộc tiến bộ nhất cũng cần hàng thế kỷ



Trên thềm năm mới 2023 xin chúc quý độc giả và thân hữu một năm mới tràn đầy sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong mọi dự định cho cá nhân, gia đình và đất nước.

Đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhìn lại năm vừa qua và trao đổi ý kiến về năm sắp tới và tương lai nói chung.

20231

2022, một năm đầy biến cố quan trọng

Chúng ta từ giã một năm 2022 đầy biến cố quan trọng: cuộc chiến Ukraine, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biến động tại Trung Quốc, xáo trộn tại Iran. Đặc biệt là trong những ngày cuối năm đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam trở thành gay cấn.

Quan trọng nhất là cuộc chiến Ukraine. Cả thế giới đã ngạc nhiên trước quyết tâm và sự dũng cảm của chính quyền, quân đội và nhân dân Ukraine. Thay vì đầu hàng và sụp đổ như dự đoán của cả Nga lẫn các nước dân chủ Phương Tây, quân và dân Ukraine đã chặn đứng cuộc xâm lăng trắng trợn và giáng cho quân Nga những đòn chí tử. Cuộc chiến đấu giữ nước anh dũng của người Ukraine đã đem lại niềm tin và đánh thức Mỹ và các nước dân chủ. Liên minh NATO đã đoàn kết và mạnh lại sau khi đã rã rượi, tưởng như đã chết lâm sàng. Mỹ, Châu Âu và các nước dân chủ đoàn kết như chưa bao giờ thấy. Chính quyền Nga đã sa lầy bi đát.

Cuộc chiến Ukraine cùng với đại dịch Covid đã tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa từng thấy. Khác với những cuộc khủng hoảng trước đây lần này nguyên nhân không do đầu cơ hay tài chính. Tỷ lệ thất nghiệp tại các nước dân chủ phát triển đều ở mức thấp nhất từ vài thập niên. Khối lượng tiền tệ lưu hành cũng không thiếu mà còn thừa, buộc các ngân hàng trung ương phải can thiệp để ngăn chặn lạm phát -bằng cách tăng lãi suất- với hậu quả là mức tiêu thụ giảm và tỷ lệ tăng trưởng xuống thấp. Lý do là vì đây không phải là một cuộc khủng hoảng kinh tế đúng nghĩa. Khủng hoảng kinh tế chỉ là hậu quả của khủng hoảng chính trị, hay khủng hoảng của trật tự thế giới.

Bối cảnh thế giới cũng đang dao động trước tình hình Trung Quốc. Lý do chính khiến chính quyền Tập Cận Bình phải bỏ chính sách Zero Covid không phải là do các cuộc biểu tình cuối tháng 11 vừa qua mà vì Trung Quốc không thể duy trì chính sách phong tỏa toàn diện được nữa. Năm 2021, mặc dù khối nợ đã lớn gấp bốn lần tổng sản lượng nội địa (GDP), Bắc Kinh đã bơm một số tiền khổng lồ vào chi phí công để đẩy mức tăng trưởng giả tạo lên trên 8% trong khi hầu hết mọi hoạt động sản xuất đều ngừng trệ vì chính sách Zero Covid. Kết quả là sức chịu đựng của kinh tế Trung Quốc đã đạt tới giới hạn. Cá nhân tôi đã nhiều lần nói –qua các bài viết cũng như trong nhiều cuộc phỏng vấn- rằng vấn đề không phải là bao giờ Trung Quốc sẽ lâm vào khủng hoảng mà chỉ là họ còn che giấu được cuộc khủng hoảng tới bao giờ. Đây chính là lúc Trung Quốc không còn che giấu được nữa.

2023, một khúc quanh lớn của thế giới

Năm 2023 sẽ là một khúc quanh lớn trong lịch sử thế giới, có lẽ còn lớn hơn sự sụp đổ của bức tường Berlin năm 1989. Nga sẽ kiệt quệ và không thể tiếp tục cuộc chiến xâm lăng Ukraine nữa. Thảm bại này ngay sau đó sẽ đưa đến sự sụp đổ của chế độ Putin. Làn sóng dân chủ sẽ tràn đến Nga và các nước trong vùng Trung Tây Á. Liên Bang Nga sẽ thu hẹp lại vì một số trong số 22 nước cộng hòa của Liên Bang Nga sẽ tách ra và tuyên bố độc lập. Trung Quốc sẽ là thành trì cộng sản cuối cùng hoàn toàn cô lập trong khủng hoảng. Làn sóng dân chủ thứ tư sẽ đạt một cường độ mới.

Việt Nam năm 2023

Trong hoàn cảnh đó Việt Nam sẽ ra sao ?

Cho đến nay lý do chính khiến nhiều người Việt Nam còn cố chịu đựng, dù đã rất chán ghét, chế độ cộng sản là vì dù sao cuộc sống hàng ngày cũng dần dần được cải thiện nhờ kinh tế tăng trưởng, nhưng sự kiên nhẫn này có thể sắp chấm dứt. Năm 2023 sẽ rất khó khăn vì với một ngoại thương hơn 200% GDP kinh tế Việt Nam quá lệ thuộc vào bối cảnh kinh tế thế giới đang khủng hoảng. Một lý do khác là chính quyền cộng sản Việt Nam đã bắt chước Trung Quốc một cách mê muội trong việc lạm dụng ngành xây dựng, do đó chiếc bong bóng bất động sản đã phình ra và có thể nổ bất cứ lúc nào. Thêm vào đó, thái độ bênh Nga của chính quyền cộng sản Việt Nam trong cuộc chiến Ukraine cũng đã gây thất vọng cho các nước dân chủ, vì thế Việt Nam khó có thể trông đợi vào những ưu đãi mà họ đã dành cho nước ta, kể cả về đầu tư, từ trước đến nay.

Điều cần được nhìn thật rõ trong lúc này là Đảng Cộng Sản đang khủng hoảng nặng. Theo những số liệu do chính họ công bố thì từ mười năm qua, nhất là trong thời gian gần đây, Đảng Cộng Sản đã kỷ luật gần 3.000 tổ chức đảng (nghĩa là các chi bộ, tổ đảng) và gần 200.000 đảng viên. Chống tham nhũng không phải là lý do chính dù tham nhũng đang làm tan nát đảng, bởi vì trong số gần 200.000 đảng viên bị kỷ luật chỉ có gần 7.500 người bị buộc tội tham nhũng trong khi có tới hơn 25.000 người bị buộc tội là đã "có dấu hiệu tự diễn tự chuyển hóa", nghĩa là muốn dân chủ hóa chế độ. Đáng chú ý hơn nữa là trong số hơn 25.000 người này có hơn 8.300 người bị kết tội là đã "suy thoái về tư tưởng chính trị", cụm từ được dùng để chỉ những người phản bác chủ nghĩa Mác-Lênin và cái gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh". Sắp tới hai phó thủ tướng cũng sẽ bị cách chức. Như vậy phải hiểu là khuynh hướng dân chủ đang phát triển mạnh ngay trong nội bộ đảng, kể cả ở cấp cao. Đảng Cộng Sản đang khủng hoảng lớn và nhóm thủ cựu đang cố gắng một cách tuyệt vọng để duy trì một chế độ không còn lý do tồn tại.

Năm 2023 cũng sẽ là một năm đầy biến cố lớn trong nước, có thể là một khúc quanh quyết định. Vấn đề là lực lượng dân chủ Việt Nam có đủ mạnh ngang tầm với đòi hỏi của tình thế hay không.

Phong trào dân chủ Việt Nam đang ra sao ?

Câu hỏi đang được nhiều người đặt ra là tại sao phong trào dân chủ lại rã rượi như hiện nay. Nhiều người còn quả quyết rằng phong trào dân chủ không còn gì đáng kể. Họ lầm to. Phong trào dân chủ mạnh lên chứ không yếu đi như họ tưởng.

Điều thật sự chấm dứt là sự nhốn nháo trong đó khó phân biệt những người thực sự đấu tranh để dân chủ hóa đất nước và những người chỉ mượn danh nghĩa dân chủ để thể hiện chính mình, để gây tiếng tăm và ảnh hưởng cho chính mình. Quá nhiều người nghĩ rằng đấu tranh chính trị chỉ là vận động quần chúng ; quá nhiều người thấy mình có thể đảm nhiệm vai trò lãnh đạo ; quá nhiều người nghĩ rằng có thể đấu tranh chính trị mà không cần có tổ chức ; quá nhiều người nghĩ rằng có thể xây dựng một tổ chức lớn mà không cần một tư tưởng chính trị đúng đắn và một dự án chính trị khả thi làm nền tảng, không cần một đội ngũ nòng cốt làm động cơ. Kết quả là chỉ có những nhân sĩ và những nhóm nhỏ mà ưu tư đầu tiên là tranh giành tiếng tăm với nhau. Sự nhốn nháo này phải chấm dứt để phong trào dân chủ có thể lớn mạnh và thắng lợi. Bây giờ nó đã chấm dứt, những người đấu tranh kiểu nhân sĩ đã thất vọng và bỏ cuộc. Đó là một tin mừng và một bước tiến cần thiết của phong trào dân chủ. Các đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng Sản cũng chứng tỏ dân chủ đang mạnh lên rất nhiều, ngay trong bộ máy đảng và nhà nước cộng sản.

20232

Đôi lời về Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đến đây cũng xin được có đôi lời về Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mà tôi là một thành viên.

Khác với hầu hết các tổ chức đối lập, Tập Hợp chúng tôi đã ra đời, cuối năm 1982, không phải như một tổ chức chống cộng mà như một tổ chức dân chủ. Chúng tôi đã là tổ chức chính trị đầu tiên khẳng định rằng cuộc vận động dân chủ là một cuộc cách mạng rất lớn vì thế thắng lợi chính trị chỉ đến sau thắng lợi về tư tưởng. Chúng tôi cũng đã là tổ chức chính trị đầu tiên và tới nay vẫn là duy nhất hiểu rằng một tổ chức chính trị có tầm vóc chỉ có thể xây dựng được trên nền tảng một dự án chính trị với một đội ngũ nòng cốt. Một cách thẳng thắn chúng tôi đã phản bác Khổng Giáo và lối hoạt động chính trị nhân sĩ ; chúng tôi đã dứt khoát lên án nội chiến và bác bỏ mọi chủ trương dùng bạo lực. Lập trường của chúng tôi là tranh đấu để thiết lập một chế độ dân chủ đa nguyên trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc bằng đường lối bất bạo động. Chúng tôi đã rất cô đơn lúc ban đầu, đã bị vô số người chống đối gay gắt, thậm chí hành hung. Đảng Cộng Sản, sau nhiều cố gắng phản bác, cũng đã cấm đảng viên nhắc tới cụm từ "dân chủ đa nguyên" ngay cả để chống đối. Nhưng chúng tôi đã kiên trì bởi vỉ chúng tôi tin rằng lẽ phải có sức mạnh vô địch. Chúng tôi cũng đã vạch ra sự độc hại của chế độ tổng thống mà trước đó tuyệt đại đa số người Việt Nam tán thành như một phản xạ và đề nghị cho tương lai Việt Nam một chế độ đại nghị tản quyền.

Ngày nay còn ai trong cũng như ngoài nước phản bác dân chủ đa nguyên ? Còn ai phản đối đấu tranh bất bạo động ? Còn ai chống lại tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc ? Còn bao nhiêu người tôn sùng Khổng Giáo và tán thành lối hoạt động chính trị nhân sĩ ? Cũng chỉ còn rất ít người ủng hộ chế độ tổng thống, số người ủng hộ chế độ đại nghị tản quyền ngày càng tăng lên.

Phải nói là dân trí Việt Nam và văn hóa chính trị Việt Nam đã thay đổi hẳn trong vài thập niên và chúng tôi đã góp phần chính cho bước tiến quyết định này, bước tiến mà trong lịch sử thế giới các dân tộc tiến bộ nhất cũng cần hàng thế kỷ. Trong lịch sử Việt Nam đã có triều đại nào, tổ chức nào tạo được một bước nhẩy vọt văn hóa lớn và lành mạnh như thế ? Chúng tôi đã đóng góp tích cực cho thành quả vĩ đại này mà không hề phản bội và lừa dối ai, không hề gây ra bất cứ thiệt hại nào cho bất cứ ai. Chúng ta, những người dân chủ Việt Nam, đã thắng lớn về mặt tư tưởng và trong chính trị một thắng lợi về tư tưởng bao giờ cũng trở thành thắng lợi chính trị, chỉ còn vấn đề thời gian.

Ngày nay cảm tình dành cho lý tưởng dân chủ đa nguyên đã lên cao và ngày càng lên cao cả trong lẫn ngoài nước và ngay cả trong bộ máy đảng và nhà nước cộng sản. Sức mạnh chính của một tổ chức không phải là số đông cũng không phải là những phương tiện mà là tương lai mà nó đại diện. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đang là một trong những đại diện của một tương lai bắt buộc phải đến trong khi Đảng Cộng Sản đại diện cho một quá khứ bắt buộc phải qua đi. Đất nước đang thay đổi và dân chủ đa nguyên sẽ thắng.

Đất nước đang mất một tài nguyên lớn

Bước vào năm 2023 có lẽ chúng ta cũng cần thảo luận về một trong những vấn đề nhức nhối nhất hiện nay : cộng đồng người Việt hải ngoại. Với hơn bốn triệu người, trong đó hơn một triệu người tốt nghiệp đại học ở các nước tiên tiến, cộng đồng người Việt hải ngoại là một tài nguyên vô cùng lớn và quý báu cho đất nước. Nhờ cộng đồng này người Việt Nam đã có dịp tiếp thu mọi nền văn hóa, thử nghiệm mọi chế độ chính trị và đã có những chuyên gia trong mọi kỹ thuật tiên tiến nhất. Cộng đồng người Việt hải ngoại vừa là con mắt của Việt Nam để nhìn và học hỏi mọi kinh nghiệm trên thế giới vừa là một phần quan trọng của trí tuệ và kiến thức Việt Nam lại vừa có thể là một nguồn đầu tư đáng kể. Kinh nghiệm đã cho thấy là các nước vươn lên mạnh mẽ -dù là Do Thái, Nhật, Đài Loan hay Hàn Quốc- đều nhờ sự đóng góp của một cộng đồng hải ngoại hùng mạnh. Việt Nam đang mất đi vốn quý đó. Cộng đồng người Việt hải ngoại đang mất căn cước Việt Nam một cách quá nhanh chóng. Đó chính là lý do khiến các tổ chức hải ngoại suy yếu dần vì không được hưởng ứng.

Giải thích thông thường là căn cước dân tộc trước hết là văn hóa trong khi văn hóa Việt Nam không đủ phong phú và hơn nữa người Việt lại có một khả năng thích nghi và hội nhập phi thường vào mọi hoàn cảnh, vì thế mà thế hệ Việt Nam thứ hai ở nước ngoài đã là người Mỹ, người Pháp, người Đức, v.v. hơn là người Việt. Giải thích này chỉ đúng một phần. Trách nhiệm chính là Đảng Cộng Sản. Không phải Đảng Cộng Sản không thấy tầm quan trọng của cộng đồng người Việt hải ngoại. Họ đã cố gắng ve vãn người Việt ở nước ngoài bằng nhưng cụm từ nâng niu như "khúc ruột ngàn dặm", "những đứa con xa của tổ quốc", v.v. Nhưng vấn đề là đối với họ không gì quan trọng bằng sự duy trì độc quyền của Đảng Cộng Sản. Họ cư xử như một lực lượng chiếm đóng chứ không phải một thành phần của nhân dân Việt Nam. Họ có thể chiều chuộng người Việt ở nước ngoài hơn người Việt trong nước (họ sắp tổ chức một hội mùa xuân tại Hà Nội cho người Việt hải ngoại) nhưng họ vẫn đòi người Việt hải ngoại, dù sinh ra và lớn lên trong các nước tự do và được đào tạo bởi văn hóa dân chủ, phải không được đề cập đến các vấn đề chính trị, trừ khi để bày tỏ sự ủng hộ đối với họ. Nói cách khác họ chiều chuộng người Việt hải ngoại với điều kiện là phải quỳ xuống thay vì đứng thẳng, phải cúi đầu thay vì ngẩng mặt. Kết quả là họ chỉ lôi kéo được một thiểu số không đáng kể những người không đáng tranh thủ.

Đảng Cộng Sản đã có nhiều tội lớn và họ đang phạm một tội lớn khác là làm mất đi của Việt Nam một tài nguyên lớn : cộng đồng người Việt hải ngoại. Chúng ta rất cần hòa giải cộng đồng người Việt hải ngoại với đất nước Việt Nam, nhưng sự hòa giải này chỉ có thể có được với một nước Việt Nam dân chủ. Trong khi chờ đợi phải động viên tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại tham gia cuộc vận động dân chủ, đó là cách hay nhất để gắn bó họ với tổ quốc Việt Nam.

Chỉ còn vũ khí tình cảm

Xin kết thúc bài khai bút đầu năm này bằng một câu chuyện nhỏ.

Làm thế nào để lôi kéo tuổi trẻ trưởng thành ở nước ngoài ? Đó đã là câu hỏi được đặt ra buổi họp cuối năm 2022 của Tổ Sinh Hoạt Paris của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Sau nhiều trao đổi anh em chúng tôi đã đồng ý là mọi lý luận đều vô ích vì đều thiếu sức thuyết phục. Chỉ còn vũ khí tình cảm.

Hãy nói với thế hệ con em, trước hết là với chính con cháu mình, rằng sự gắn bó của họ đối với nước Mỹ (hay Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Ý, Nhật, v.v.) là chính đáng nhưng không phải là tất cả. Nước Mỹ giúp họ trong khi nước Việt Nam cần họ. Yêu nước Mỹ là đúng nhưng yêu nước Việt là đẹp. Phục vụ nước Mỹ rất dễ trong khi phục vụ nước Việt rất khó. Giúp nước Mỹ là bình thường còn giúp Việt Nam là khác thường. Nước Mỹ là cha mẹ nuôi còn nước Việt là cha mẹ đẻ. Biết ơn nước Mỹ là lý trí, yêu nước Việt Nam là tâm hồn.

Có thể một số sẽ nghe chúng ta khi thấy chúng ta cũng hiểu họ.

Nguyễn Gia Kiểng

(01/01/2023)