Cuộc đối đầu Mỹ-Saudi Arabia, một bước ngoặt trên thị trường dầu hỏa thế giới (Thanh Hà)

Nói cách khác, thông báo cắt giảm 2 triệu thùng dầu cung cấp cho thế giới mỗi ngày trước hết là một sự điều chỉnh về "kỹ thuật" cần thiết.



Dầu hỏa thế giới không còn phục vụ quyền lợi của phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Ngày 05/10/2022 sau cuộc họp tại Vienna, Áo, khối OPEC+ thông báo "mỗi ngày giảm 2 triệu thùng dầu cung cấp cho thế giới". Báo chí quốc tế nói đến "một vố đau" đối với Washington, một "thất bại ê chề" của Joe Biden khi mà Riyadh, thành viên quan trọng nhất trong khối các nước xuất khẩu dầu hỏa "liên kết với Nga".

saudi1

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman vào tháng 7/2022 - Ảnh minh họa

Quyết định của khối OPEC+, bao gồm 13 thành viên nhóm các nhà sản xuất dầu hỏa trên thế giới và 10 đối tác của OPEC mà quan trọng nhất là Nga liệu có "đổ thêm dầu vào lửa" đẩy giá vàng đen lên cao thêm nữa ? Mất đi thêm 2 triệu thùng dầu một ngày là một mối đe dọa mới đối với tăng trưởng toàn cầu ? Tổng thống Mỹ Joe Biden thất bại trong việc thuyết phục Saudi Arabia mở van dầu, giảm áp lực lạm phát tại Mỹ và cắt nguồn thu nhập của Nga đang được Vladimir Putin dùng để tài trợ cỗ máy chiến tranh ? OPEC xa dần quỹ đạo của Mỹ, "hậu thuẫn Moskva xâm lược Ukraine" hay đơn thuần chỉ muốn giữ giá dầu hỏa tối thiểu hơn 100 đô la một thùng ? Đây có là cơ hội để những quốc gia dầu hỏa bị Washington đưa vào danh sách đen, như Venezuela hay trong một chừng mực nào đó là Iran "có giá" trở lại trong mắt Hoa Kỳ ?

Năm tuần lễ trước bầu cử giữa kỳ (midterms) tại Mỹ, các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu hỏa khóa chặt thêm van dầu. Kết thúc phiên họp tại Vienna, 23 nước trong khối OPEC+ thông báo cắt giảm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày trên thị trường. Nhóm này bảo đảm hơn 64 % dầu hỏa cho thế giới.

Trong phiên giao dịch ngay hôm 06/10/2022, giá một thùng dầu tăng thêm 12 % nhưng rồi đã chóng được ổn định và vẫn không vượt ngưỡng 100 đô la/thùng.

Truyền thông quốc tế bình luận nhiều về một quyết định "mạnh tay" của khối OPEC+, bởi lẽ giảm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày là mức cắt giảm "mạnh gấp đôi so với dự phóng của giới trong ngành". Đây cũng là mức cắt giảm mạnh nhất từ năm 2020 khi mà thế giới hoạt động chậm lại dưới tác động của đại dịch Covid, các công xưởng phải đóng cửa.

Một sự điều chỉnh trên thị trường

Dù vậy các chuyên gia về năng lượng và nhất là dầu hỏa đồng loạt cho rằng công luận đã hấp tấp chỉ chú trọng vào khối lượng "2 triệu thùng dầu mỗi ngày" sẽ không còn hiện diện trên thị trường mà quên đi những điểm cốt lõi.

Trả lời đài RFI chủ nhiệm khoa nghiên cứu về năng lượng Jean – Michel Gauthier, trường Cao đẳng Thương mại HEC của Pháp lưu ý thông báo vừa qua của OPEC+ trước hết là một sự "điều chỉnh" theo luật cung cầu. Thị trường sẽ "cân đối" nếu như tại cuộc họp ở thủ đô nước Áo vừa qua, các bên chỉ cắt giảm 1 triệu thùng/ngày.

"Đánh giá hiện tại là như sau : thị trường dầu hỏa đang dư thừa sản xuất. Mức cung cao hơn nhu cầu tiêu thụ khoảng 1 triệu thùng dầu một ngày. Thành thử ra nếu như khối OPEC + cắt giảm 1 triệu thùng mỗi ngày thì thị trường vẫn được cân bằng. Từ tháng 3/2022 đến nay giá dầu trên thế giới sụt giảm hơn 1 phần 3. Đây là mức giảm mạnh cho nên bắt buộc các nhà xuất khẩu dầu hỏa phải có phản ứng để giữ giá dầu".

Francis Perrin, giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược của Pháp IRIS, chuyên gia về năng lượng hóa thạch, đi sâu hơn vào chi tiết khi cho rằng, thông báo "giảm 2 triệu thùng dầu xuất khẩu ra thế giới mỗi ngày, không có nghĩa là thế giới sẽ thiếu hụt 2 triệu thùng dầu" cho các hoạt động sản xuất, hay đi lại cho tư nhân bởi về thực chất, các bên "cắt giảm trong khuôn khổ các quota mà họ được phép xuất khẩu" và thực ra là từ cả năm nay, mức cung cấp thực thụ của các quốc gia này đều thấp hơn rất nhiều so với hạn ngạch tối đa mà họ có thể xuất khẩu.

Philippe Sébille – Lopez, công ty tư vấn Géopolia, tác giả cuốn Địa chính trị về dầu lửa, Nhà xuất bản Armand Colin nói rõ hơn đồng thời nêu lên một yếu tố khác cho thấy vì sao quyết định hôm 05/10/2022 của nhóm OPEC+ chưa tạo nên một cơn sốt dầu hỏa trên thị trường :

"Cắt giảm đến 2 triệu thùng dầu mỗi ngày, điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu hỏa cung cấp ít hơn so với quota mà họ có quyền bán ra trên thị trường. Thực ra, không kể Venezuela, Iran và Libya thì 10 trong số 13 quốc gia thuộc khối OPEC giảm 1 triệu thùng mỗi ngày và Saudi Arabia cáng đáng đến 500.000 thùng, tức là một nửa trong khoản đó. Một triệu thùng còn lại do nhóm 10 nước đối tác với OPEC nhưng thực ra chủ yếu là Nga. Nói cách khác từ tháng 11 này, mỗi ngày, lượng dầu của Nga bán ra thế giới sẽ giảm khoảng nửa triệu thùng. Điểm quan trọng ở đây là từ khi khối OPEC + thông báo cắt giảm mức cung, giá dầu vẫn ổn định. Nhưng từ ngày 20/10/2022, chúng ta cần theo dõi xem giá dầu có tăng vọt lên hay không, bởi đấy là thời điểm thị trường sẽ niêm yết giá dầu cho giai đoạn từ tháng Giêng 2023 trở đi". 

Thêm một điểm quan trọng khác, là trong số 13 thành viên OPEC, Iran, Venezuela và Libya vì những lý do khác nhau chỉ cung cấp ở mức thấp hơn nhiều so với quota mà họ được quyền sản xuất và xuất khẩu. Dầu hỏa Iran bị quốc tế phong tỏa. Tại Caracas, khủng hoảng chính trị kéo dài khiến Venezuela cho đến rất gần đây vẫn bị chính quyền Hoa Kỳ "ghẻ lạnh". Cuộc nội chiến tranh giành quyền lực tại Libya làm tê liệt ngành công nghiệp dầu hỏa từ 2011 tới nay.

Về phía 10 thành viên đối tác của OPEC, quan trọng nhất là Nga nhưng do lệnh trừng phạt quốc tế áp dụng từ tháng 3/2022, cỗ máy sản xuất của Nga "đụng trần". Các tập đoàn dầu khí quốc gia thiếu vốn đầu tư nước ngoài. Cho nên, theo cơ quan tư vấn về năng lượng Energy Intelligence của Mỹ, dù có muốn, các tập đoàn của Nga cũng không có phương tiện để sản xuất nhiều hơn. Trong 9 tháng đầu năm nay, Nga không đủ sức sản xuất đúng theo quota quy định.

Nói cách khác, thông báo cắt giảm 2 triệu thùng dầu cung cấp cho thế giới mỗi ngày trước hết là một sự điều chỉnh về "kỹ thuật" cần thiết. Ngoài ba nhà xuất khẩu lớn nhất của OPEC là Saudi Arabia, Các Tiểu Vương Quốc Ả Tập Thống Nhất và Koweit, thì với 20 thành viên trong OPEC+ cắt giảm sản xuất là điều hiển nhiên, nếu không muốn nói là bắt buộc.

Mục đích giữ giá dầu để bảo đảm nguồn thu nhập

Dù vậy OPEC+ tuần qua đã đưa ra một quyết định mạnh tay với mục tiêu chính là vực dậy giá dầu từ giữa tháng 9/2022 dao động ở khoảng 80-85 đô la/thùng cho dù thị trường năng lượng thế giới đang rất căng vì chiến tranh Ukraine.

Nhà phân tích Craig Erlam thuộc công ty môi giới chứng khoán Oanda, trụ sở tại New York dự báo trong một vài tuần lễ nữa, giá dầu sẽ vượt ngưỡng 100 đô la/thùng. Đó là mục đích mà các thành viên OPEC+ nhắm tới.

Karen Young, đại học Colombia của Mỹ giải thích thêm "Các quốc gia trong vùng Vịnh muốn giá dầu ổn định, qua đó bảo đảm một nguồn thu nhập cho ngân sách quốc gia". trong 9 tháng đầu năm 2022 OPEC bội thu 900 tỷ đô la nhờ giá dầu tăng lên. Nhưng vẫn chưa đủ, vào lúc Ngân Hàng Thế Giới dự báo tăng trưởng của khu vực này giảm mạnh vào năm tới, đang từ 6,4 % (năm nay) rơi xuống còn 3,7 % vào năm 2023.

Vẫn theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới, Oman, Saudi Arabia hay Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất coi đây là cơ hội để lắp đầy ngân sách sau hai giai đoạn khó khăn liên tiếp là thời kỳ dầu hỏa trượt giá hồi 2014-2016 và kế tới là suốt năm 2020 và một phần của 2021 khi mà các nền công nghiệp lớn trên thế giới, từ Hoa Kỳ đến Liên Hiệp Âu, Nhật Bản, Trung Quốc… thúc thủ vì siêu vi SARS–CoV-2.

Tháng 8/2022 một báo cáo của bộ Năng lượng Mỹ chỉ ra rằng, nhờ giá dầu tăng cao trong năm nay, 13 thành viên OPEC sẽ thu vào thêm được khoảng 1000 tỷ đô la và trung bình, giá dầu trên thế giới năm 2022 cao hơn đến 40 % so với hồi 2021.

Riyadh, từ đồng minh của Mỹ quay sang ủng hộ Nga ?

Quyết định của nhóm OPEC+ vừa qua khiến chính quyền Biden "thất vọng" Washington chuẩn bị các biện pháp "đáp trả đích đáng". Bộ trưởng Tài chính Mỹ JanetYellen nói đến một thái độ "bất cẩn" và không phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của thế giới hiện nay. Về phía Nhà Trắng, phát ngôn viên của tổng thống Joe Biden, bà Karine Jean Pierrre ngay từ tuần trước đã mạnh mẽ tố cáo Saudi Arabia "liên kết với Nga" giúp Moskva tài trợ chiến tranh Ukraine.

saudi2

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 6 năm 2019. Ảnh : Yuri Kadobnov / AFP qua Getty Image

Chuyên gia về dầu hỏa, Philippe Sébille – Lopez, công ty tư vấn Géopolia nhìn nhận quyết định tại hội nghị Vienna vừa qua gây căng thẳng trong quan hệ giữa Saudi Arabia và một đồng minh lâu đời là Mỹ nhưng đừng quên rằng, Riyadh đặt quyền lợi kinh tế quốc gia lên trên hết :

"Giá đô la hiện nay đang tăng mạnh, trong trường hợp của Saudi Arabia chẳng hạn, hơn 70 % kim ngạch nhập khẩu của vương quốc này được tính bằng đô la. Đây là một thách thức lớn về mặt tài chính đối với Ryiad. Thành thử, Saudi Arabia cần phải giữ giá dầu ở mức cao để bảo đảm thu vào được nhiều ngoại tệ, giữ ngân sách tương đối cân bằng. Riyadh chẳng dại gì mở van dầu để vàng đen mất giá. Bên cạnh đó còn có tính toán chính trị. Tôi không chắc là Saudi Arabia đứng về phía Nga. Nhưng rõ ràng là cả Riya lẫn Moskva cùng giảm mức cung cấp dầu cho thế giới, mỗi bên tự cắt giảm đi khoảng nửa triệu thùng dầu một ngày và điều đó có lợi cho phía Nga. Nhưng đó chỉ là tác động phụ và có thể là ngoài ý muốn của Saudi Arabia. Riyadh làm trái ý Hoa Kỳ, trước hết là vì lợi ích của chính mình, chứ không phải vì nước Nga và đằng sau quyết định đó thì vương quốc dầu hỏa này còn có nhiều thâm ý, đó là điều hiển nhiên".

Nhà nghiên cứu Jim Krane, đại học Houston- Hoa Kỳ nói rõ hơn : Riyadh không ủng hộ chiến tranh Ukraine, không "liên kết với chính quyền Vladimir Putin" nhưng không muốn để mất một đối tác quan trọng trên thị trường dầu hỏa là Liên Bang Nga.

Không ủng hộ Moskva xâm lược Ukraine nhưng chiến sự tại Châu Âu đã đẩy giá dầu lên cao. Nhờ đó Oman đã xóa bớt nước một phần lớn nợ nần, Saudi Arabia tích lũy được nhiều dự trữ ngoại tệ. Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất dư dả để đầu tư vào những "lĩnh vực mang tính chiến lược" ở hải ngoại và cả trong nước.

Trong điều kiện đó, giới trong ngành kết luận trong ngắn hạn, không có lý do gì để OPEC hay OPEC+ mở van dầu làm hạ nhiệt tình hình cho đến khi mà cơn sốt năng lượng đe dọa đến tăng trưởng và ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của chính các nhà sản xuất này.

Nếu như tổng thống Mỹ Joe Biden coi quyết định giảm 2 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày cho thế giới là một sai lầm thì trái lại chuyên gia Pháp, Francis Perrin, viện IRIS đánh giá đây là một hành động có "cơ sở" : OPEC và OPEC+ đang trông thấy kinh tế thế giới bị chựng lại, tăng trưởng của Trung Quốc sụt giảm mạnh, nhu cầu tiêu thụ dầu hỏa sẽ giảm đi từ nay đến cuối 2023 cho nên khối này đã "lo xa" điều chỉnh từng bước để giữ thế cân bằng giữa cung và cầu trong từ 1 đến 2 năm sắp tới.

Có điều hội nghị ở Viena hồi tuần trước không đưa ra một quyết định như Nhà Trắng mong đợi. Chính quyền Biden lo rằng giá xăng dầu tăng cao bất lợi cho đảng Dân Chủ trước cuộc bầu cử giữa kỳ. Kho dự trữ dầu hỏa chiến lược của Mỹ chưa bao giờ ở mức thấp như hiện nay sau khi chính quyền đã nhiều lần phải sử dụng để làm hạ nhiệt trên thị trường xăng dầu nội địa.

Đương nhiên việc giữ giá dầu hỏa cho các nhà sản xuất và xuất khẩu có lợi cho nước Nga và đây cũng là một tín hiệu mạnh Riyadh gửi đến Washington. Nhất là tháng 7 vừa qua tổng thống Biden đã sang tận vương quốc dầu hỏa, niềm nở với hoàng thái tử Ben Salman với hy vọng Riyadh giúp giải tỏa áp lực lạm phát ở Mỹ. Tháng 9/2022 tổng thống Mỹ đã điều ba đặc sứ sang Trung Đông để điều đình với Riyadh về dầu hỏa, nhưng cả ba đã ra về tay không. Một phần thất bại của các sứ giả Mỹ về năng lượng, về an ninh, về hồ sơ Yemen diễn ra vào lúc lóe lên một hút hy vọng trên hồ sơ hạt nhân Iran.

Là thành viên quan trọng nhất trong khối OPEC, Saudi Arabia không còn để Hoa Kỳ tùy nghi sử dụng các kho dầu hỏa của mình. Riyadh thừag biết điều đó đang làm Washington bực mình. Về phía Hoa Kỳ đầu óc thực tiễn của chính giới Mỹ bắt buộc Washington thay đổi quan điểm về một số quốc gia dầu hỏa khác trên thế giới, mà gần với Mỹ nhất về địa lý là Venezuela.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 11/10/2022