Kinh tế Mỹ suy giảm, Việt Nam ảnh hưởng gì ? (BBC tiếng Việt)
"Đây là dấu hiệu cuộc khủng hoảng trước mắt, một kịch bản xấu cho Việt Nam. Ngay từ bây giờ, Việt Nam nên có kế hoạch đối phó. Thị trường chứng khoán ở Việt Nam trước mắt có thể bị tác động như việc trái phiếu Mỹ tăng giá trị sẽ khiến nhà đầu tư khối ngoại sẽ rút tiền khỏi thị trường Việt Nam và đầu tư vào Mỹ".
Nền kinh tế Mỹ đã suy giảm trong quý thứ hai liên tiếp, một cột mốc mà nhiều nước coi là suy thoái kinh tế. Nhưng Mỹ thì chưa coi tình hình kinh tế nước mình 'suy thoái', và đang dùng dữ liệu bổ sung để khẳng định điều này.
Sự suy giảm, với tốc độ 0,9% hàng năm trong ba tháng liên tiếp cho đến tháng Bảy, đã gây chú ý trong bối cảnh lo ngại gia tăng về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ.
Giá thực phẩm, xăng dầu và các mặt hàng cơ bản khác đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1981.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhanh chóng tăng lãi suất để cố gắng hạ nhiệt nền kinh tế và giảm bớt áp lực giá cả, lo ngại gia tăng rằng một cuộc suy thoái sắp xảy ra - nếu nó chưa chính thức bắt đầu.
Đối mặt với niềm tin của công chúng đang giảm dần, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cố gắng thuyết phục rằng nền kinh tế vẫn ổn định, và lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp 3,6% và tuyển dụng vẫn tăng mạnh.
Ông Biden nói hôm thứ Năm 28/7 : "Nếu bạn nhìn vào thị trường việc làm, chi tiêu của người dùng, đầu tư kinh doanh của chúng tôi - chúng ta sẽ thấy những dấu hiệu của tăng trưởng kinh tế.
"Chắc chắn chúng tôi dự đoán tăng trưởng sẽ chậm hơn năm ngoái. Điều đó phù hợp với quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng ổn định, và lạm phát thấp hơn".
Tuần này, trước số liệu từ Bộ Thương mại, ông nói với các phóng viên rằng nền kinh tế "sẽ không suy thoái". Điều đó đã khiến các đối thủ của ông trong đảng Cộng hòa cáo buộc Nhà Trắng đang cố gắng định nghĩa lại thuật ngữ 'suy thoái'.
'Việc Nhà Trắng thay đổi tên của 'suy thoái' sẽ không làm giảm sự đau khổ của người Mỹ', họ nói.
Trong ba tháng đầu năm, nền kinh tế Mỹ suy giảm với tốc độ hàng năm là 1,6%. Vào thời điểm đó, các nhà kinh tế cho rằng sự sụt giảm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là do sự lên xuống trong dữ liệu thương mại.
Nhưng báo cáo hôm thứ năm 28/7 cho thấy sự chậm lại rõ rệt hơn, với sự tăng trưởng bị kéo xuống bởi sự sụt giảm của thị trường nhà ở, đầu tư kinh doanh và chi tiêu của chính phủ. Chi tiêu của người tiêu dùng tăng với tốc độ hàng năm chậm hơn 1%, do người dân chi nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, nhà ở và ăn hàng, nhưng cắt giảm chi tiêu cho hàng hóa và thực phẩm.
Giáo sư Đại học Harvard, Jeffrey Frankel, trước đây đã từng phục vụ trong ủy ban của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, một nhóm các học giả có nhiệm vụ đưa ra tuyên bố chính thức về suy thoái.
Ông nói ông không nghĩ rằng một cuộc suy thoái đã bắt đầu vào đầu năm nay, và chỉ ra sự tăng trưởng việc làm mạnh mẽ. Nhưng sau đó ông đã bớt tự tin hơn.
"Mọi thứ đã chậm lại, vì vậy tôi không nói rằng mọi thứ đều tuyệt vời", ông nói. "Xác xuất của một cuộc suy thoái trong tương lai là khá cao".
Lạm phát ở Mỹ đạt 9,1% trong tháng Sáu, tốc độ tăng nhanh nhất trong hơn bốn thập kỷ.
Vào thứ Tư, FED đã tăng lãi suất cho vay 0,75 điểm phần trăm, lần tăng thứ tư trong năm nay.
Bằng cách làm cho chi phí đi vay đắt hơn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hy vọng sẽ giảm chi tiêu cho các mặt hàng như nhà cửa và ô tô, về lý thuyết là giảm bớt một số áp lực đẩy giá lên. Nhưng nhu cầu thấp hơn cũng đồng nghĩa với sự suy giảm trong hoạt động kinh tế.
Các báo cáo gần đây cho thấy niềm tin của người tiêu dùng giảm, thị trường nhà ở chậm lại và hoạt động kinh doanh thu hẹp lần đầu tiên kể từ năm 2020.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã đi xuống kể từ đầu năm và các công ty từ gã khổng lồ truyền thông xã hội Meta, chủ sở hữu của Facebook và Instagram, cho đến nhà sản xuất ô tô General Motors, cho biết họ có kế hoạch giảm bớt tuyển dụng. Một số công ty khác, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, đã thông báo cắt giảm việc làm.
Ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam ?
Trao đổi với BBC News tiếng Việt hôm 16/6, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia kinh tế và tài chính ngân hàng sống ở Việt Nam, nói rằng có lo ngại trong những năm tới nền kinh tế của Mỹ sẽ rơi vào "stagflation", tức vừa có lạm phát và nền kinh tế phát triển chậm lại.
"Nhiều người đang rất lo sợ việc tăng lãi suất này sẽ làm chậm lại mức tăng trưởng nền kinh tế của Mỹ, thậm chí có thể đưa Mỹ trở thành một nền kinh tế suy thoái. Và đây sẽ là cú sốc lớn không những cho Mỹ mà toàn thế giới bao gồm Việt Nam. Giá trị USD tăng thì tỷ giá USD - VND cũng tăng, giá trị VND giảm. Về mặt xuất khẩu thì có lợi cho Việt Nam nhưng bất lợi cho nhập khẩu".
"Đặc biệt cách đây mấy ngày, Bộ Tài chính Mỹ cũng vừa đưa Việt Nam vào danh sách giám sát tiền tệ, dù chưa phải là quốc gia thao túng tiền tệ. Việt Nam phải cẩn trọng vì trong thời gian tới khi tỷ giá USD - VND tăng thì Mỹ có thể dựa vào đó để tăng cường theo dõi tiền tệ, và nếu bị rơi vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ thì rất bất lợi cho Việt Nam vì Mỹ có thể có các biện pháp trừng phạt kinh tế sau đó".
Việc FED liên tục tăng lãi suất kéo theo đồng USD lên giá so với nhiều đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỉ giá USD/VND, theo Tuổi Trẻ.
Tại Ngân hàng Vietcombank, giá bán USD ngày 16/3 (lần FEB tăng lãi suất đầu tiên) ở mức 23.020 đồng/USD, tăng lên mức 23.520 đồng/USD vào ngày 28/7, tăng 500 đồng/USD, tương đương mức tăng 2,15%. Giá mua USD tiền mặt cũng tăng từ 22.710 đồng/USD lên 23.210 đồng/USD.
Các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng phải đồng loạt tăng lãi suất huy động thời gian qua với mức tăng 0,3 - 0,5%, do áp lực tỉ giá và lạm phát tăng.
FED liên tục tăng lãi suất và kinh tế Mỹ suy giảm khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, dẫn đến nhu cầu hàng hóa, dịch vụ giảm, làm giảm nhu cầu với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Trung Quốc. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, năm ngoái, lần đầu thương mại song phương Việt - Mỹ vượt mốc 110 tỷ USD.
Do đó, tình trạng giảm cung đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng dự kiến các nước ở Châu Âu sẽ tăng lãi suất sau Mỹ, áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, và khi đó Việt Nam sẽ đối mặt thêm nhiều khó khăn. Trước mắt thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bị tác động.
"Đây là dấu hiệu cuộc khủng hoảng trước mắt, một kịch bản xấu cho Việt Nam. Ngay từ bây giờ, Việt Nam nên có kế hoạch đối phó. Thị trường chứng khoán ở Việt Nam trước mắt có thể bị tác động như việc trái phiếu Mỹ tăng giá trị sẽ khiến nhà đầu tư khối ngoại sẽ rút tiền khỏi thị trường Việt Nam và đầu tư vào Mỹ".
Trong khi đó, kinh tế trưởng VinaCapital Michael Kokalari nói với báo Tuổi Trẻ rằng khả năng chống chọi với việc FED tăng lãi suất và các rủi ro toàn cầu của Việt Nam tốt hơn một số thị trường mới nổi và cận biên khác.
Ông Kokalari dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ đạt mức trung bình 3,5% trong năm nay, thấp hơn mức lạm phát ở nhiều nước ASEAN khác.
Nguồn : BBC, 29/07/2022