Gia phả tóm lược họ Nguyễn huyện Thanh Trì (1540-2006) - P.1 (Nguyễn Trọng Kha)

Lời tòa soạn : Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả một tài liệu sử, đúng ra là "Gia phả tóm lược họ Nguyễn huyện Thanh Trì, giai đoạn 1540-2006", do Nguyễn Trọng Kha biên soạn. Anh Nguyễn Trọng Kha là chí hữu sáng lập Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trong thập niên 1980 cùng với ông Nguyễn Gia Kiểng.


Biết tôi đam mê sử và dân tộc học, anh Kha chuyển cho tôi tài liệu này để tham khảo. Sau khi đọc tôi gọi cho anh Kha và xin phép cho phổ biến trên trang mạng Thông Luận. Anh Kha ngạc nhiên nói đây là tài liệu riêng của gia đình họ Nguyễn huyện Thanh Trì, đâu có liên quan gì đến lý tưởng và lập trường của Tập Hợp. Tôi liền trả lời : Rất liên quan, vì đây là một tài liệu sử, dù là của một dòng họ, nhưng nó đã ghi lại tất cả những diễn biến của một giai đoạn nhũng nhiêu trong lịch sử Việt Nam, từ những cuộc bình định loạn lạc ở miền Bắc, công cuộc mở mang bờ cõi về phía Nam và nhất là giai đoạn đối đầu với phương Tây, đặc biệt là với Pháp. Sử của Việt Nam, qua những tài liệu sử được phổ biến, rất chủ quan và thiếu sót. Chủ quan vì chỉ nói đến những công việc triều chính và chiến tranh ; thiếu sót vì không đề cập đến những thành phần dân tộc đã góp phần xây dựng các triều đại cai trị. Ý tôi muốn nói là đời sống và ước vọng của những người dân quê và thành thị không hề được ghi chép lại một cách khách quan. Theo tôi, lịch sử Việt Nam phải được viết lại một cách khoa học, với những bổ túc từ những gia phả riêng lẻ góp nhặt đó đây, để có một cái nhìn đúng đắn và được đánh giá đáng tin cậy.

Không gì ác độc bằng xóa bỏ quá khứ của một dân tộc để nhồi nhét vào tâm trí những thế hệ trẻ những sự kiện khiêng cưỡng không có trong văn hóa của dân tộc Việt Nam. Chỉ những chế độ độc tài mới có những chủ trương viết lại lịch sử theo ý mình. Để được gì ? Chẳng được gì cả, chỉ có khinh bỉ và phủ nhận. Không có gì ngạc nhiên khi chế độ cộng sản Việt Nam vừa chợt khám phá ra rằng tuổi trẻ Việt Nam không quan tâm đến lịch sử và muốn bỏ môn sử (do Đảng cộng sản Việt Nam biên soạn).

Trong các quốc gia tự do và dân chủ phương Tây, quá khứ là một phần của ký ức tập thể và rất được trân trọng. Phá mồ đập mả là những hành động hèn hạ đáng khinh bỉ. Trong mỗi trung tâm dân cư, thành phố hay làng mạc, nghĩa trang luôn có một chỗ đứng trung tâm trong các thiết kế đô thị, vì đó là quá khứ và ký ức tập thể. Người phương Tây quan niệm rằng một dân tộc không tôn trọng quá khứ không có tương lai và không thể tiến xa. Đây là khác biệt lớn giữa phương Tây và phương Đông. Chỉ cần quan sát Trung Quốc và Việt Nam, hai quốc gia phương Đông có một quá khứ lâu và dài nhất thế giới nhưng cứ quằn quại trong độc tài và thua kém. Lý do là vì cả hai không trân trong quá khứ, khi một triều đại mới lên cầm quyền việc đầu tiên là xóa bỏ mọi qui chiếu liên quan đến triều đại cũ : đào mồ, đập mả, tiêu diệt những người thuộc chế độ trước. Đây là lý do mà không ai tìm được mồ mả của những vị vua thuộc các triều đại trước. Những mồ mả, lăng tẫm của những vị vua triều Nguyễn hay nhà Thanh còn được giữ gìn đến ngày nay phải nói là do các thế lực phương Tây ngăn chặn trong thế kỷ 19.

Khi mất quá khứ thì người dân không biết mình là ai và phải làm gì. Muốn tìm lại quá khứ, gia phả của những gia đình trên khắp lãnh thổ Việt Nam là những viên gạch để xây dựng lại lịch sử, đó những viên ngọc quý cần được giữ gìn và làm sáng lên. Thông Luận hoan nghênh đón nhận những ghi chép hay gia phả của những dòng họ khác ở Việt Nam.

Kính chúc quý độc giả những giờ đọc lý thú về lịch sử Việt Nam trong những giai đoạn nhiễu nhương, và cảm ơn chí hữu Nguyễn Trọng Kha đã dành cho tôi sự ưu ái để phổ biến tài liệu này.

Nguyễn Văn Huy

*********************

giapha00

Mục lục

Gia phả tóm lược họ Nguyễn huyện Thanh Trì (1540-2006)

Tóm lược

1) Lời dẫn nhập

2) Sơ lược lịch sử Việt Nam và vai trò một số nhân vật họ Nguyễn ở thế kỷ 17 và 19

3) Quan lại, nhà nước và nhân dân

4) Lịch sử giòng họ Nguyễn huyện Thanh Trì, gia phả theo thứ tự niên đại

5) Cây gia phả tóm lược giòng họ Nguyễn huyện Thanh Trì

6) Phụ lục

giapha001

Ảnh minh họa Cụ Nguyễn Trọng Hợp

Tóm lược

Ở vào đời vua Lê Trang Tôn (1533-1548) năm thứ Tám, tức năm 1540, cụ Nguyễn Phúc Tâm lập nghiệp tại làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, gần kinh đô Hà Nội, là người lập ra giòng họ Nguyễn mà chúng ta gọi là họ Nguyễn huyện Thanh Trì. Vậy cụ Nguyễn Phúc Tâm là thủy tổ họ Nguyễn chúng ta.

Đề cập đến lịch sử họ Nguyễn của thời xa xưa ấy là điều có thể làm được nhờ các cuốn gia phả tổ tiên để lại. Trong cuốn đầu tiên, cụ Nguyễn Công Thái (1684-1758), thế hệ thứ 6, ̣̣̣̣lược thuật thời kỳ 1540-1710 dưới sự chủ trì của cụ nội của cụ là cụ Nguyễn Phúc Lộc. Thời kỳ nối tiếp được cụ Nguyễn Trọng Hợp, thế hệ thứ 10, tường thuật và cho in toàn bộ vào năm 1891. Những cuốn gia phả ấy hiện được lưu trữ tại Viện Nghiên Nghiên Cứu Hán Nôm ở Hà Nội. Cuốn "Gia phả sơ lược họ Nguyễn huyện Thanh Trì này (1540-2006)" tóm lược ngắn gọn cuốn viết năm 1891 và tường trình thêm về cụ Nguyễn Trọng Hợp và hậu duệ đến đời ngày nay.

Chúng ta có thể hiểu biết ngay về mười lăm thế hệ họ Nguyễn qua cây gia phả. Nhưng vì không thể trình bày mười lăm thế hệ trên cùng một trang giấy nên có những đoạn bị cắt xén ở thế hệ thứ sáu và thứ mười. Những đoạn thiếu hụt ấy không phải là một ngẫu nhiên vì :

- Cụ Nguyễn Công Thái ở thế hệ thứ sáu là một vị đại thần xuất chúng, năm lần làm Tể Tướng (thủ tướng). Trong những công trạng cụ để lại cho đất nước và dân tộc, chúng ta có thể kể: i) Việc kẻ lại biên giới với Trung Quốc đem đến cho Việt Nam các mỏ đồng và bạc. ii) Việc tái lập trật tự kỷ cương trên toàn quốc, kể cả trong cung đình: Cụ chủ trương và tham gia vào việc truất phế chúa Trịnh Giang đương thời, đưa người em là Trịnh Doanh lên ngôi thay thế, rồi chỉ định nguời thừa kế ngôi chúa là Trịnh Sâm.

- Cụ Nguyễn Trọng Hợp ở thế hệ thứ mười, đảm trách nhiều chức vụ như Thượng Thư (bộ trưởng), Kinh Lược Bắc Kỳ, rồi Phụ Chính Đại Thần, thay mặt vua nắm quyền hành của trều đình. Theo các sử gia, cụ là một vị thần có tinh thần cải cách lớn và là một người yêu nước kiên cường. Ý thức được khuyết nhược của nền kinh tế cổ truyền, cụ mở cửa đất nước tiếp thu khoa học kỹ thuật của Pháp mà cụ đã từng hết sức ca ngợi. Nhưng cụ lên tiếng mạnh mẽ là không "làm tay sai" cho nền bảo hộ của Pháp và ngấm ngầm hậu thuẫn các phong trào kháng chiến.

Hai nhân vật xuất chúng ấy làm nở rộ lịch sử họ Nguyễn chúng ta. Mỗi tổ tiên khác đều có vị trí của mình trong gia phả. Có một người khác xuất chúng không kém là cụ Nguyễn Ôn Tĩnh, thà về làng làm nghề nông, chứ không chịu phục vụ nhà vua mà cụ cho là không xứng đáng để ngự trị trên ngôi. Chúng ta thấy có những người rất dễ mến như cụ Nguễn Phúc Cơ ở thế hệ thứ năm : mỗi khi về quê làng, cụ vui thú vừa đi vừa ngâm thơ.

Theo giòng thời gian, con cháu họ Nguyễn huyện Thanh Trì đi lập nghiệp xa quê hương và đất nước ngày càng đông. Ở vào thế kỷ 21, họ có mặt trên khắp năm châu. Cuốn gia phả này được thiết lập để lưu truyền ký ức, cũng như để các thế hệ tương lai trong và ngoài nước theo gương, tiếp tục làm vẻ vang giòng họ Nguyễn ta ở mọi nơi.

giapha02

Chân dung ông Nguyễn Trọng Hiệp (1833 – 1902thời nhiệm chánh chủ khảo trường thi hương Nam Định năm 1897. Ảnh Wikipedia

1 - Lời dẫn nhập

Nguyên quán giòng họ Nguyễn chúng ta ở Kim Lũ từ khoảng năm 1540. Đó là một làng cách thủ đô vài dặm thuộc huyện Thanh Trì, nay trở thành một quận của thành phố Hà Nội. Cụ Nguyễn Phúc Tâm là thủy tổ của giòng họ mà chúng ta gọi là họ Nguyễn huyện Thanh Trì để tưởng nhớ đến quê quán nguyên thủy ấy.

Theo truyền thống, một người có khả năng và uy tín trong giòng họ viết gia phả với sự đồng tình của các người khác. Lịch sử của giòng họ được mô tả từ thời xa xưa nhất theo các tài liệu và nhân chứng đương thời. Sau đó gia phả được người con trưởng của chi trưởng bổ sung. Các dữ kiện như cưới hỏi, ngày sinh, ngày đỗ đạt, cũng như một số sự kiện quan trọng khác đều được ghi chép. Đôi khi sau vài thế hệ, gia phả lại được bổ sung hoặc điều chỉnh bởi một thành viên nào đó trong giòng họ vì việc thâu tập rải rác các thông tin không chính xác. Công tác này có thể được người anh cả chi trưởng hoặc con thứ chi thứ phụ trách để phản ánh các chi tiết của chính chi mình.

Như vậy cuốn gia phả đầu tiên được cụ Nguyễn Công Thái (1684-1758) viết và được giòng họ công nhận dưới sự chủ trì của cụ Nguyễn Phúc Lộc (1630-1711), cụ nội của cụ Nguyễn Công Thái. Cuốn này nói về các thế hệ đầu tiên từ 1540 đến 1710.

Sau đó gia phả được cụ Nguyễn Trọng Hợp (1833-1902) bổ sung và nói về các thế hệ nối tiếp từ thứ sáu đến thứ chín, tức từ năm 1740 đến 1891. Cụ cho in vào năm 1891 tại Kinh Đô Ấn Thư Đường ở Huế. Cuốn này có nhan đề "Thanh Trì Nguyễn Thị Thế Phả" viết bằng chữ nôm. Thể loại chữ viết này chính thức hết được sử dụng trong các trường công từ năm 1915.

Những bản gốc của cuốn gia phả này còn được lưu trữ ở Viện Nghiên Cứu Hán Nôm ở Hà Nội.

Giòng họ ta có bản sao.

Các bản bằng Việt Ngữ được dịch ở nhiều thời điểm khác nhau. Có những đoạn dịch ra tiếng Pháp và tiếng Anh theo thứ tự niên đại như sau :

1. Những đoạn bằng tiếng Pháp do cụ Hoàng Minh Giám dịch (cụ Giám là cháu ngoại của một người con gái của cụ Nguyễn Trọng Hợp) được Viện Viễn Đông Khảo Cổ xuất bản năm 1933. Những đoạn ấy lại được cụ Nguyễn Sĩ Túc (1902-1970), cháu nội cụ Nguyễn Trọng Hợp, dịch ra Việt Ngữ vào những năm 1960, nhưng chỉ có những đoạn viết về ba nhân vật lừng danh Nguyễn Công Thái, Nguyễn Huy Tự (1741-1812) và Nguyễn Trọng Hợp. Đó là ba đại thần có trọng trách quốc gia và có để dấu ấn lại trong lịch sử Việt Nam.

2. Cụ Nguyễn Sĩ Túc có viết một bản bằng Việt Ngữ vào những năm 1940. Nhưng đáng tiếc là chúng ta chỉ còn một đoạn viết tay.

3. Trong những năm 1970 bà Tôn Lệ Vân, con gái thứ hai cụ Nguyễn Sĩ Túc cho in lại và dịch cuốn "Thanh Trì Nguyễn Thị Thế Phả" ra Việt Ngữ. Nhiều bản còn tồn tại đến ngày nay. Điều rất hay là không những tên tất cả tổ tiên từ thế hệ thứ nhất (1540) đến thế hệ thứ mười, tức là đến cụ Nguyễn Trọng Hợp (1891 – năm ấn bản) và ở mỗi thế hệ tên các anh chị em của các hậu duệ đều được ghi chép. Đó là cuốn hoàn chỉnh nhất với hàng nghìn tên và các chi liên hệ.

4. Nhiều đoạn của cuốn Thanh Trì Nguyễn Thị Thế Phả được cụ Nguyễn Duy Liễn (?-2004), thế hệ thứ 13 dịch ra vào những năm 1980. Những bản ấy rất sơ lược, nhưng có điều hay là nó cho ta những chức tước, hàm vị, cấp bực và chức vụ của tổ tiên bằng tiếng Anh. Những chức tước, hàm vị, cấp bực và chức vụ ấy đều có quy ước riêng, chỉ có những người uyên bác mới biết dịch ra ngoại ngữ phương Tây.

giapha1

Bản sao của bìa cuốn "Thanh Trì Nguyễn Thị Thế Phả" cụ Nguyễn Trọng Hợp cho xuất bản năm 1891. Trong cuốn này có hàng nghìn tên với các chi khác nhau

5. Sau cuộc hội thảo về cụ Nguyễn Trọng Hợp ở Hà Nội ngày 1 tháng 4 năm 1991 do Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam và Hội Sử Học Hà Nội tổ chức, một tài liệu gồm các bài tham luận được phổ biến và họ nhà ta đã cho xuất bản năm 1993. Trong tài liệu ấy, nhiều sử gia và giáo sư của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm chứng thực đã đọc cuốn "Thanh Trì Nguyễn Thị Thế Phả". Tài liệu của giòng họ in năm 1993 được xem như bản sơ lược gia phả của giòng họ từ thế hệ thứ nhất (1540) đến thế hệ thứ mười (1891) phản ánh bản gia phả gốc, trong đó có tất cả các hậu duệ nam từ thế hệ thứ bảy trở đi, đến thế hệ thứ muời và có kể bằng cấp và/hoặc chức tước, cùng chức vụ của các cụ.

giapha2

Một trang viết tay của cụ Nguyễn Sĩ Túc

Một số lớn các bài tham luận ở hội thảo năm 1991 được xưởng in của Viện Thông Tin Khoa Học Xã Hội xuất bản ở Hà Nội năm 1996 dưới sự bảo trợ của Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam và Hội Sử Học Hà Nội dưới nhan đề "Nguyễn Trọng Hợp – Con người và sự nghiệp".

Trên cơ sở tất cả các tác phẩm ấy, tài liệu này được viết với sự hợp tác của các thành viên thế hệ thứ mười ba. Nó tiếp nối cuốn Thanh Trì Nguyễn Thị Thế Phả của cụ Nguyễn Trọng Hợp, thế hệ thứ muời, để lược thuật về các thế hệ kế tiếp, từ thế hệ thứ mười đến thứ mười lăm. Nó mang nhan đề "Condensé du Livre généalogique des Nguyễn deThanh Trì (1540 – 2006)" dịch ra Việt ngữ là "Gia phả tóm lược giòng họ Nguyễn huyện Thanh Trí (1540 – 2006)". Nó chỉ tường thuật những chi trực hệ của họ Nguyễn từ thế hệ thứ nhất đến thứ mười lăm mà không đi vào chi tiết của các chi khác. Từ thế hệ thứ nhất đến thứ chín, nó chỉ tóm lược cuốn Thanh Trì Nguyễn Thị Thế Phả. Tiểu sử cụ Nguyễn Công Thái chỉ có sáu trang thay vì muời lăm trang trong tài liệu gốc Thanh Trì Nguyễn Thị Thế Phả.

Cụ Nguyễn Trọng Hợp không viết về thân thế của cụ, chúng tôi dựa lên những tài liệu tìm thấy ngày nay để viết tiểu sử của cụ như các tài liệu sau :

- những đoạn dịch ra Pháp ngữ của cụ Hoàng Minh Giám năm 1933,

- những bài tham luận ở hội thảo Hà Nội năm 1991. Phần nhiều những bài này dựa lên các văn kiện lịch sử chính thức ở trong nước,

- một số những sách và bài viết bằng Pháp ngữ của các sử gia chuyên về thời đại lịch sử triều Nguyễn : Bài của ông Nguyễn Thế Anh "Monarchie et fait colonial au Viêt Nam (1875-1925), le crépuscule d’un ordre traditionnel" (Chế độ quân chủ và sự kiện thuộc địa ở Việt Nam (185-1925), hoàng hôn của một trật tự cổ truyền), nhà xuất bản Harmattan (1992). Bài của ông Charles Fourniau "Vietnam, domination coloniale et résistance nationale 1858-1914" (Việt Nam, nền thống trị thực dân và cuộc kháng chiến quốc dân (1858-1914), nhà xuất bản Les Indes savants (2002).

giapha3

"Nguyễn Trọng Hợp – Con người và sự nghiệp"

Chúng tôi xin lưu ý bà con là tất cả các tài liệu nói trên đều gọi tên và họ của tổ tiên theo truyền thống xưa, một cách khá đặc biệt và chúng ta khó nhận diện ra được các cụ trong gia phả. Thời trước ở Việt Nam, người ta có thể có nhiều tên : tên tục đặt lúc sinh ra và gọi khi còn nhỏ, tên húy là tên sinh mà con cháu và dân làng kiêng không gọi, tên tự là tên chữ, tên hiệu (bút hiệu - bút danh) và các tên vua ban để vinh danh như tên chức tước, tên hàm (lúc còn sống hoặc đôi khi vua ban để vinh hoa người quá cố). Vì vậy cụ Nguyễn Trọng Hợp mang các tên sau :

- Tên sinh hoặc tên tục : Huyên hoặc Tuyên.

- Tên tự : Quế Bình.

- Tên húy : Trọng Hợp hoặc Trọng Hiệp là các tên thường được thấy trong các tài liệu lịch sử.

- Nhiều tên chức tước và hàm vị như Văn Minh Điện Đại Học Sĩ, gọi tắt là Văn Minh.

- Tên bút hiệu là Kim Giang.

Để vẽ và đọc cây gia phả, chúng ta sẽ dùng tên thường dùng nhất hoặc tên húy. Một vấn đề phức tạp khác nữa là ở thế kỷ 17 và 18, tên các cụ được viết bằng chữ nôm, nay phải viết ra Việt ngữ theo phiên âm nôm. Từ đó lại có cách viết và đọc khác nhau, tỷ dụ như Tư hoặc Tú, Tụ, Tứ, Tự. Ngoài ra còn có cách đọc và gọi khác nhau tùy theo thời đại và từng vùng như Thái hoặc Thể, Hợp hoặc Hiệp (tự như Võ hoặc Vũ, Huỳnh hoặc Hoàng, v.v.).

Trong cuốn Thanh Trì Nguyễn Thị Thế Phả gốc, cũng như bản dịch ra Việt ngữ, ta thấy tổ tiên không mang họ Nguyễn, tên các cụ lại kèm theo chữ Công, chẳng hạn như Phúc Tâm Công thay vì Nguyễn Phúc Tâm. Đó là quy cách gọi tên tất cả tổ tiên từ thời nhà Hán trong các tài liệu xưa. Để đơn giản hóa, chúng ta sẽ viết Nguyễn Phúc Tâm.

Về phương diện tuổi tác, tuổi ta nhiều hơn tuổi chính thức (tuổi tây) một tuổi. Tài liệu này sẽ dùng tuổi ta, đúng như truyền thống.

Để tất cả con cháu họ Nguyễn huyện Thanh Trì sinh sống trên khắp năm châu hiểu cặn kẽ lịch sử họ Nguyễn chúng ta trong bối cảnh lịch sử của đất nước ở những thời đại của tổ tiên, chúng ta sẽ ôn lại sơ qua lịch sử Việt Nam, nhất là qua các thời đại của các cụ Nguyễn Công Thái (1684-1758), Nguyễn Huy Tự (1741-1812) và Nguyễn Trọng Hợp (1783-1902). Mỗi khi cần thiết chúng ta cũng sẽ tóm tắt lại những sự kiện xẩy ra bên Trung Quốc và/hoặc ở Pháp có tác động trực tiếp đến tình hình Việt Nam, tức đến giòng họ Nguyễn chúng ta.

Vài đoạn viết về chiến tranh và sự tàn bạo của nó có thể làm chúng ta phẫn nộ, nhưng chúng ta nên tương đối hóa và đặt nó vào hoàn cảnh lịch sử của thời ấy. Chúng ta cũng sẽ đặt cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp vào bối cảnh chung mà cụ Nguyễn Trọng Hợp có liên quan trực tiếp. Cách tiếp cận ấy là cần thiết, tựa như thái độ khôn ngoan "hiền triết" thời xưa của cụ Nguyễn Trọng Hợp. Cụ đã tỏ tình chiêm ngưỡng và ca ngợi các kỳ công kinh tế và kỹ thuật của Pháp, trong khi ấy cụ vẫn kịch liệt tranh đấu cho quyền lợi của đất nước chống lại guồng máy hành chính thuộc địa Pháp.

Với thời gian, lịch sử cho ta biết rằng may mắn hay rủi ro, hạnh phúc hay tai họa của các dân tộc thắt chặt tình liên kết giữa họ với nhau trong quá trình phát triển. Cứ như thế, các nền văn minh tiến lên.

Để hiểu cặn kẽ cuộc đời của tổ tiên mà một số lớn là các đại thần, một chuơng thứ ba sẽ đề cập đến hàng ngũ quan lại cùng với phương thức vận hành, quá trình tiến thân của họ, từ lúc đi học đến lúc thăng hoa, cùng với chân lý và đạo đức của họ đối với nhà vua và nhân dân. Đó là một đề tài bao la, nó sẽ chỉ được nói đến một cách phiến diện, nhưng đầy đủ để ta có thể hiểu được nếp sống và đời sống cũng như tâm lý, tinh thần và tư tưởng đạo đức của tổ tiên ở các thời đại ấy.

2. Tóm lược lịch sử Việt Nam và vai trò của một số các nhân vật giòng họ Nguyễn huyện Thanh Trì từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19

Việt Nam có truyền thuyết, như nhiều nền văn minh cổ xưa khác, tóm luợc như sau : Ngày xưa, Lạc Long Quân (giống rồng) lấy bà Ấu Cơ (là Tiên) sinh ra một trăm cái trứng, nở ra một trăm người con. Do đó người Việt tự xưng là con rồng cháu tiên. Nhưng ý thức được rằng ở đời hạnh phúc rất mai một, bèn quyết định xa rời nhau. Tiên nữ đem năm mươi người con lên núi. Lạc Long Quân dẫn năm mươi người xuống vùng ven biển phía Nam, từ sông Dương Tử ở phía Bắc, đến đất Chiêm Thành ở phía Nam (thời ấy nằm sát miền Bắc bây giờ), từ biển Đông qua châu thổ Tứ Xuyên phía Tây. Nước Văn Lang ra đời. Lạc Long Quân lấy hiệu là Hùng Vương, vị vua khái sáng ra nước Việt Nam với nhiều tỉnh nhỏ gọi là Bách Việt. Đó là truyền thuyết của thời Đồ Đồng.

Để nói một cách ít thơ mộng và cụ thể hơn, một số di tích đã được khai quật ở miền Bắc chứng minh sự hiện diện của con người từ thời Đồ Đá Cũ (400 000 năm tr. DL). Từ thời Đồ Đá Mới trở đi (5000 năm tr. DL), các bộ lạc Việt, Mường, Thái… đã pha trộn với các bộ lạc phương Bắc (Trung Quốc) và phương Nam (Indonesia) để cấu tạo thành dân tộc Việt Nam. Ở thời Đồ Đồng (1000 năm tr. DL) nền văn minh Đồng Sơn nổi tiếng nhờ trống đồng rất phổ biến. Các vật dụng khai quật chứng minh sự giao lưu thương mại dồi dào giữa Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia.

Từ hỗn tạp ấy, dân tộc Việt Nam hiện đại đã được hình thành với gần sáu mươi sắc tộc, người Kinh chiếm đa số. Các dân tộc ít người phần đông sinh sống ở các vùng Trung Du miền Bắc và Cao Nguyên miền Trung. Dân tộc Việt Nam là một đa chủng tộc như ở miền Nam Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác.

Lịch sử Việt Nam có thể chia ra làm ba thời kỳ :

- Trong mười hai thế kỷ, từ thế kỷ thứ hai đến thứ mười, đất nước Việt Nam nằm dưới quyền thống trị của Trung Quốc, nhưng không bao giờ bị phân hóa để trở thành một châu của phương Bắc như các vùng khác. Một bản sắc dân tộc đã được hình thành từ hàng nghìn năm, mặc dầu vậy ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa vẫn rõ nét.

- Bảy trăm năm tới, sau nhiều cuộc giao tranh và nhiều đời vua liên tiếp, Việt Nam lấy lại nền độc lập và liên tục chống trả các cuộc xâm lăng của phương Bắc như của Mông Cổ và kiên trì mở mang bờ cõi về phương Nam, trên đất Chiêm Thành và Khờ Me. Cuộc Nam Tiến chứng tỏ tính năng động của dân tộc Việt. Chúng ta cũng nên lưu ý rằng cuộc mở mang bờ cõi về phía Nam này không thuần túy quân sự, nó còn thông qua giao kết, cưới hỏi của công chúa Việt Nam với vua nước Chiêm Thành.

- Từ thế kỷ thứ mười chín trở đi Việt Nam phải đuơng đầu với ách thống trị của phương Tây, như tất cả các nước châu Á khác vì kỹ thuật và quân sự yếu kém hơn họ nhiều. Trong khi Nhật Bản thích nghi nhanh chóng với kỹ thuật Tây phương, Việt Nam và các nước Á châu khác lần chần dậm chân tại chỗ. Hậu quả là Việt Nam bị Pháp đô hộ đến năm 1945. Sau thế chiến thứ hai, chỉ có Việt Nam ở lại với thảm cảnh của cuộc đối đầu "Đông-Tây" hay đúng hơn giữa "Thế Giới Tự Do và khối Cộng Sản Toàn Trị" đối với người này hoặc giữa "Xã Hội Chủ Nghĩa và Tư Bản Chủ Nghĩa" theo ý người khác. Mặc dù chia rẽ nội bộ về mặt tư tưởng và chính trị, không ai trong chúng ta có thể nghi ngờ là đôi bên đều tranh đấu theo niềm tin riêng của mình cho một đất nước độc lập và hiện đại.

Nhưng theo truyền thống, các sử gia đều đồng ý để viết lịch sử Việt Nam theo thứ tự niên đại của các triều đại kế tiếp nhau. Chúng ta sẽ thống nhất cách viết sử theo kiểu "tự hào dân tộc" khó tránh khỏi và chính đáng trong cách mô tả các cuộc chiến và các bước tiến mà mọi dân tộc đều tự hào.

Triều đại nhà Thục (257 tr. DL) - 207 tr. DL) : Nước ta được gọi là Âu Lạc trải dài từ Hồ Nam bên Trung Quốc đến phía Bắc miền Trung Việt Nam bây giờ. Kinh đô đóng ở Cổ Loa, thành hình xoắn chôn ốc ráp ranh Hà Nội, di tích hãy còn tồn tại đến ngày nay.

Triều đại nhà Triệu (207 tr. DL – 111 tr. DL) : Nước Âu Lạc của nhà Triệu, trước kia là nước Văn Lang, bị đế quốc nhà Hán xâm lăng. Nhà Triệu kết thúc.

giapha4

Tranh dân gian tán dương lòng dũng cảm Hai Bà Trưng.

Từ đó thời đại Bắc Thuộc kéo dài một nghìn năm với vài cuộc chiến nổi dậy và vài thời kỳ độc lập ngắn ngủi. Chúng ta có thể kể các anh hùng dân tộc như :

- Hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị (44 – 47 sau DL) : Hai vị nữ anh hùng ấy tượng trưng lòng yêu nước và vai trò tích cực của người phụ nữ Việt Nam.

- Triệu Ẩu (cũng là phụ nữ) vào năm 248.

- Các vua nhà Lý (54 – 600).

Dưới nền đô hộ ấy, Việt Nam tiếp thu chữ Hán và luân lý Khổng Giáo, nhưng vẫn kịch liệt bảo tồn bản sắc văn hóa Việt qua âm nhạc, hội họa, phong tục tập quán và sinh hoạt dân gian làng mạc. Các cuộc giao chiến kết nối các cuộc nổi dậy vừa kể nói lên một hình thức khác về công cuộc đề kháng chống lại Trung Quốc hóa.

giapha5

Trận chiến trên sông Bạch Đằng (939) (họa sĩ vô danh=

Vào năm 939, thời Trung Quốc gặp loạn lạc trong nước, sau khi nhà Đường (?) sụp đổ, Ngô Quyền lợi dụng thời cơ đẩy lui quân Trung Quốc ra khỏi bờ cõi. Trận chiến kết thúc trên sông Bạch Đằng, đánh dấu chiến thuật thủy chiến trong sử sách : vào mùa ấy nước dâng cao, quân đội Việt Nam đóng cọc dưới lòng sông. Khi thủy triều dâng lên, thủy quân Việt Nam gồm các thuyền đáy phẳng ra khơi để tuyên chiến với giặc rồi rút lui, thuyền của Trung Quốc đuổi theo. Nhưng không được ! Vào sông vừa lúc thủy triều đang xuống, tàu chiến của Trung Quốc bị cọc nhọn đâm thủng đánh chìm toàn bộ ! Trong khi ấy thuyền đáy phẳng của ta đã thoát hết về hậu tuyến.

Cuộc chiến thắng lịch sử ấy giải phóng đất nước ra khỏi một nghìn hai trăm năm ách thống trị của Trung Quốc. Đó là một kiêu hãnh quốc dân đem lại bản sắc quốc gia Việt Nam. Ngô Quyền trở nên anh hùng dân tộc.

giapha6

Lăng Ngô Quyền

Vì có nhiều khả năng quân sự hơn là xây dựng hòa bình, đời nhà Ngô chỉ tồn tại gần hai mươi năm (939 – 965) rồi để lại ngôi báu cho hai đời ngắn ngủi nhà Đinh (966 – 980) và nhà Tiền Lê (980 – 1009). Lý Thái Tổ lên ngôi lập nên một triều đại mới lâu dài.

Triệu đại nhà Lý (1009 – 1225) : Đất nước mang tên Đại Việt, kinh đô đóng ở Đại La, Hà Nội bây giờ. Ranh giới phía Nam đến tận Huế. Các vua nhà Lý xây dựng lại đất nước bằng cải tổ sâu rộng guồng máy hành chính và quân đội. Một bộ luật được ra đời. Kinh tế nước nhà phát triển nhảy vọt. Quân đội hùng mạnh, không những có khả năng đánh trả mà còn đánh chiếm Chiêm Thành. Phật giáo, tôn giáo của vị vua khai sáng nhà Lý, phát triển và trở thành quốc giáo.

Nhà Lý kết thúc vì công chúa nhà Lý mới lên bảy tuổi, phải nhường ngôi lại cho phò mã (con rể) mang họ Trần.

Triều đại nhà Trần (1225 – 1400) đánh dấu một triệu đại lâu dài với công cuộc củng cố sức mạnh kinh tế đã khá phát triển và quân đội đã khá hùng mạnh từ triều đại nhà Lý. Đời sống sinh hoạt văn hóa dồi dào phong phú. Chữ Nôm ra đời.

Vào cuối thế kỷ 13, quân Mông Cổ xâm chiếm Trung Quốc và tiến đánh Việt Nam ba lần (1257, 1283, 1288), nhưng đều thất bại. Thất bại cuối cùng xẩy ra năm 1288. Thủy quân Mông Cổ lại bị Trần Hưng Đạo đập tan trên sông Bạch Đằng như 350 năm về trước với cùng một chiến thuật. Cuộc chiến thắng ấy gây ấn tượng mạnh trên Thế Giới vì quân đội vô địch oai hùng và giữ tợn của Mông Cổ là ký ức tập thể của nhân loại. Cuộc chiến thắng thứ hai này đáng được tường thuật lại :

Thất bại hai lần nhưng vẫn nuôi tham vọng trên lãnh thổ ở miền Nam Vân Nam, tức Việt Nam và Chiêm Thành. Hốt Tấn Liệt, tức là cháu nội của Gengis, hậm hực quyết tâm dốc hết sức lực dứt điểm với Việt Nam thay vì kéo quân sang xâm chiếm Nhật Bản. Hốt Tấn Liệt, cùng với người con là Thoát Hoan dùng chiến thuật "biển người" đè bẹp đối phương với một đội quân hùng hậu nửa triệu người gồm bộ binh, kỵ binh, thủy binh và một hậu cần một triệu tấn lương thực qua đường biển. Cuộc tấn công gồm ba mặt trận, chính bản thân Thoát Hoan phụ trách các mặt trận phía Bắc, phía Đông Bắc dọc theo sông Hồng và phía biển Đông với 600 thuyền chiến.

giapha7

Trần Hưng Đạo, vị tướng chiến thắng quân Mông Cổ

Trước một biểu dương lực lượng hùng hậu như vậy, Trần Hưng Đạo áp dụng chiến thuật mầu nhiệm : "Mạnh dùng sức, yếu dùng mưu". "Biển người" của Mông Cổ bị một thủy triều bình thường đánh tan trên sông Bạch Đằng !

Mười hai thế hệ vua nhà Trần tỏ ra rất năng động. Nhưng rồi nhà Hồ tiếm đoạt ngôi vua và không bao lâu sau sụp đổ (1400 – 1407).

giapha8

"Mạnh dùng sức, yếu dùng mưu". Đó là chiến thuật của Trần Hưng Đạo để đánh tan quân Mông Cổ ở trận thứ hai trên sông Bạch Đằng (1288). (Tranh của Nang Hung)

Năm 1368, ở Trung Quốc nhà Minh đã đánh bật quân Mông Cổ. Các nhà sử học đều đánh giá rằng nhà Minh đã đưa Trung Quốc lên đến tột đỉnh và đó là nước có trình độ cao nhất thế giới ở thời điểm ấy.

Viện cớ nhà Hồ gây rối ở Việt Nam, nhà Minh của một nuớc Trung Quốc hùng cường nhất đem quân xâm lấn nước ta. Sau một cuộc chiến tranh kéo dài bảy năm trời, Việt Nam bị đô hộ từ 1414 đến 1427. Nhưng, cuộc nổi dậy của Lê Lợi đã bắt đầu nẩy mầm ngay từ 1418 và sẽ kết thúc thành công cuộc giải phóng đất nước vào năm 1427.

Vào khoảng giữa thế kỷ 15, rất có thể là nhà Minh đã từng đi thám hiểm những vùng xa xôi như ở Phi Châu, đã thay đổi cách nhìn và lối sống đối với thế giới bên ngoài : Thay vì thôn tính đất đai, họ đặt các nước dưới vòng ảnh hưởng của mình và buộc các chư hầu phải triều cống. Vì vậy từ thời ấy các vua Việt Nam theo phong tục triều cống Trung Quốc để có tính chính thống.

giapha9

Nghệ thuật Chăm để lại nhiều kiệt tác

Triều đại nhà Hậu Lê (1428 – 1802) : Lê Lợi lên ngôi, lấy danh hiệu là Lý Thái Tổ, vị vua đầu tiên trong hai mươi bảy vị của triều đại Hậu Lê trong suốt gần bốn thế kỷ.

Triều đại Hậu Lê lên đến tột đỉnh thời vua Lê Thánh Tôn (1460 – 1497). Vị vua này cho đào kinh, đắp đê và phân phát đất công điền cho nông dân để tăng năng xuất nông nghiệp. Tổ chức hành chính được đưa lên mức độ cao nhất, guồng máy dựa lên luật pháp với bộ luật hoàn chỉnh nhất của lịch sử Việt Nam gọi là Luật Hồng Đức. Giáo dục được đẩy mạnh, sinh hoạt văn hóa rất phong phú. Quân đội được tăng cường. Cuộc chiến thắng Chiêm Thành năm 1471 đưa ranh giới đến Quảng Nam. Vương quốc Lào được đặt dưới quyền bá chủ của nước Đại Việt.

Nhưng, dấu hiệu suy thoái bắt đầu ở các thế hệ nối tiếp : nhà vua ngày càng thờ ơ việc nước. Năm 1527, tướng Mạc Đăng Dung giết vua Lê Hoàng Cung lên ngôi không được lâu (đến năm 1533) vì dựa lên (cầu viện ?) Trung Quốc để lấy lại uy thế. Đa số quần thần không tán thành, có người từ bỏ triều đình, có người gia nhập hàng ngũ đối lập, nổi lên chống lại họ Mạc. Vua Lê Trang Tông (1533-1548) lấy lại ngôi. Họ Mạc giữ ngôi chúa đến 1592. Họ Trịnh đánh bật họ Mạc và phò họ Lê trên ngôi.

Năm 1540 lại là năm trùng hợp với năm mà cụ Nguyễn Phúc Tâm, thủy tổ họ Nguyễn nhà ta, lập nghiệp ở Kim Lũ. Nhưng có lẽ đó chỉ là một ngẫu nhiên.

Lịch sử nói rằng sau khi vua Lê Cung Hoàng bị giết, người công chúa vợ của Lê Trang Tông trốn về Kim Lũ, hạ sinh một thái tử ở đấy vào năm 1531, và đó sẽ là vua Lê Anh Tông. Nhưng các sử gia không nhất trí trên sự kiện này vì nhà vua có đến mười bốn hậu duệ nam. Lăng vua Lê Anh Tông đã được dựng lên ở Kim Lũ và hãy còn được cụ Nguyễn Sĩ Nhiếp, ở thế hệ thứ 11 họ nhà ta (1863 – 1904) lo việc tu bổ. Ngày nay lăng ấy không còn nữa.

giapha10

Các giai đoạn Nam Tiến của dân tộc Việt Nam

Giai đoạn lịch sử kế tiếp đáng được thuật lại chi tiết hơn vì có liên quan đến đời cụ Nguyễn Công Thái (1684 – 1758) và cụ Nguyễn Huy Tự (1741 – 1812). (Xin lưu ý : Cụ Nguyễn Huy Tự là người con thứ bảy của cụ Công Thái, chúng ta là hậu duệ của cụ Thuần Lương, tức chi thứ hai).

Đăng Dung không được đa số quần thần phục tùng, gặp sự kháng cự mạnh mẽ của Nguyễn Kim (nhân vật không thuộc giòng họ ta) nhằm bảo vệ ngôi vua cho nhà Lê. Nhưng Nguyễn Kim mất năm 1545. Các hậu duệ định tiếp nối đại sự, nhưng trong gia đình có chia rẽ và tranh dành quyền lực. Người con rể của Nguyễn Kim là chúa Trịnh Kiểm nắm quyền ở kinh đô, anh em Nguyễn Hoàng, con của Nguyễn Kim, lưu vong vào Thanh Hóa. Năm 1592 chúa Trịnh dẹp được họ Mạc, tái lập ngôi vua nhà Lê, nhưng hạn chế quyền lực nhà vua. Anh em Nguyễn Hoàng ở xa các xáo trộn và biến cố ở kinh đô, nên làm quen với nếp sống độc lập với trung ương.

Thiếu vắng quyền lực mạnh của vua Lê, chúa Trịnh và chúa Nguyễn giao tranh, đưa đất nước vào cuộc nội chiến tương tàn trong suốt bốn mươi lăm năm trời, từ 1672 đến 1788. Trong thời gian ấy miền Bắc, ngôi vua chỉ làm vì, chính quyền nằm trong tay các chúa Trịnh. Chính sách cai trị rập khuôn theo mẫu thời kỳ vẻ vang nhất của nhà Lê : Tổ chức chặt chẽ nhưng xơ cứng, công cuộc mở mang bờ cõi về phía Nam là chính sách chủ đạo của triều đình bị khựng lại. Các chúa Nguyễn ở phía Nam tỏ ra năng động hơn. Sau các chiến thắng Chiêm Thành và thành công chính trị trong công cuộc mở mang các vùng đất mới, chúa Nguyễn tiếp tục cuộc Nam Tiến trên đất Khờ Me, mở cửa buôn bán trao đổi với nước ngoài như Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản và các nước phương Tây. Còn hơn thế, tinh thần cởi mở đón nhận khoa học kỹ thuật của phương Tây, các nhà bác học được tiếp đón trong triều để giảng dạy toán học hoặc thực hành y khoa. Kinh tế mở mang phồn thinh.

Cụ Nguyễn Công Thái sinh năm 1684 ở gần Thăng Long vì vậy chỉ biết hoàn cảnh đất nước chia đôi. Cụ phục vụ nhà Lê qua năm đời vua :

- Lê Dụ Tông (1706 – 1729)

- Lê Đế Duy Phương (1729 – 1932)

- Lê Thuần Tông (1732 – 1735)

- Lê Ý Tông (1735 – 1740)

- Lê Hiển Tông (1740 – 1786)

và ba đời chúa Trịnh :

- Trịnh Cương (1709 – 1729)

- Trịnh Giang (1729 -1740)

- Trịnh Doanh (1740 – 1767)

Lịch sử Việt Nam cũng như cuốn Thanh Trì Nguyễn Thị Thế Phả cho biết cụ Nguyễn Cộng Thái được thăng chức Nhất Phẩm Tham Tùng (Thủ Tướng) vào năm 1735 duới thời chúa Trịnh Giang và vua Lê Ý Tông. Cụ, cùng với một số quần thần, không ngần ngại hạ bệ chúa Trịnh vì vị này bê tha trụy lạc và đưa người em lên thay thế là Trịnh Doanh. Năm 1746 cụ xin rút lui, trở về hưu trí để tỏ lòng bất đồng với đường lối chính trị của triều đình. Vài tháng sau cụ được tái cử giữ chức cũ cho đến 1756. Cuốn Thanh Trì Nguyễn Thị Thế Phả còn cho biết cụ có đi dẹp loạn nhiều lần để bình định đất nước. Sự kiện ấy cho thấy tình hình ở miền Bắc thời bấy giờ bất ổn.

Ở phía Nam, anh em Tây Sơn nổi dậy chống lại chúa Nguyễn. Khởi sự ở Quy Nhơn năm 1771, anh em Tây Sơn chiếm hết miền Nam rồi kéo quân ra Bắc đánh bật chúa Trịnh và lấy Thăng Long. Mặc dầu vua Lê có sự hỗ trợ của 200 000 quân Trung Quốc vẫn bị thua. Nhà Lê kết liễu vào năm 1788.

Cụ Nguyễn Huy Tự, em của cụ Thuần Lương mà chúng ta là hậu duệ, sinh năm 1741, phục vụ cho nhà Lê và chúa Trịnh tựa như thân sinh ra cụ. Ở chức vụ Tể Tướng (Thủ Tướng) dưới đời vua Lê Chiêu Thống, lòng trung thành tuyệt đối của cụ với vua nhà Lê trong bi kịch của cuộc tẩu thoát tán loạn đối diện với anh em Tây Sơn là một tấm gương sáng ngời. Tư tưởng và giá trị đạo đức Nho Giáo của bậc nho sĩ bầy tôi là trung thành hết mình với nhà vua. Đó là giá trị tuyệt đối, trên mọi gía trị đạo đức. Vì vậy, để ngăn chận bước tiến,vượt qua sông của quân lính Tây Sơn, giải cứu Hoàng Thái Hậu và Thái Tử nhà Lê, cụ hy sinh người con cả của mình bằng cách chặt đứt cái cầu, sau khi đã đưa gia đình họ Lê qua sông, để chính con mình rơi xuống sông mà chết. Cụ hy sinh đời của cụ để toan cứu ngôi vua. Nhưng Lịch Sử sẵn sàng quên đi những nguyên tắc của đạo đức và cho là người thắng trận bao giờ cũng có lý.

Chiến thắng nhà Lê và các chúa Trịnh và Nguyễn, anh em Tây Sơn thống nhất đất nước sau hai thế kỷ bị chia đôi. Một trong hai anh em Tây Sơn là Nguyễn Huệ lên ngôi, lấy hiệu là Quang Trung. Nhưng hòa bình sẽ không được bao lâu vì một hậu duệ của chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh đã thoát chết, trốn sang Thái Lan tỵ nạn, ít lâu sau quay trở về đánh lại Nguyễn Huệ. Năm 1788, Nguyễn Ánh chiếm Gia định, tức Sài Gòn bây giờ rồi tiến lên phía Bắc đánh lấy Qui Nhơn (1799), Bình Định, Huế (1801) và cuối cùng toàn thể miền Bắc vào năm 1802.

Triều đại nhà Nguyễn (1802 – 1955) : Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy danh hiệu là Gia Long, vị vua đầu tiên trong mười ba vị triều Nguyễn của nước Đại Nam. Đồng thời, vì nước "anh cả" Trung Quốc không chấp nhận tên Đại Nam. Việt Nam cũng là tên nước Việt, có diện tích đại khái như ngày nay (ngày viết cuốn gia phả này). Kinh đô đóng ở Huế.

Gia Long (1802 – 1820) tổ chức và hiện đại hóa guồng máy hành chính quốc gia, cải cách ruộng đất, phát triển kinh tế, đắp đê, làm đường, xây cầu. Quốc Lộ 1 (mandarinale ?) xuyên qua toàn quốc. Các thành trì kiên cố được xây lên củng cố phòng thủ quân sự. Một bộ luật mới ra đời được gọi là Bộ Luật Gia Long. Việt Nam phát triển lên đến tuyệt đỉnh. Nhưng suy thoái đã có dấu hiệu ngay từ đầu vì chính sách triệt để áp dụng triết lý Khổng Giáo, lý do chủ yếu đưa đất nước vào con đường trì trệ, chế độ quân chủ dần dần suy vong.

Về sau, dưới đời vua Minh Mạng (1820 – 1841) và Thiệu Trị (1841 – 1847), đường lối chính trị được đánh dấu bởi :

- thế cô lập làm cho Việt Nam bị cắt đứt mối quan hệ với phương Tây. Pháp, Hà Lan, Anh và cả Hoa Kỳ là những nước muốn bắt quan hệ thương mại với nước ta. Việt Nam đáng lẽ có khả năng hiện đại hóa nền khoa học kỹ thuật để phát triển và tiến lên.

- tinh thần bảo thủ của nhà Thanh ở Trung Quốc là mô hình Việt Nam sao chép, làm cho đất nước thụt lùi nhiều thế kỷ.

Đường lối chính trị ấy đánh dấu một sự thay đổi lớn đối với thời mở cửa rộng lớn trước đó của chúa Nguyễn Ánh.

giapha11

Họa đồ tượng trưng các triều đại ở Việt Nam

Sai lầm nặng nề ấy khiến nền kinh tế Việt Nam rơi vào hoàn cảnh rất tồi tệ. Nhiều trận đói và dịch hạch tàn phá. Chúng ta sẽ thấy ở đoạn sau những chứng kiến trong cuộc đời của cụ Nguyễn Cư (1798 – 1852) ở thế hệ thứ chín, làm quan dưới các triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.

Vua Tự Đức (1847 – 1883) nối ngôi Thiệu Trị cho áp dụng chính sách bảo thủ bế quan tỏa cảng vì hoàn cảnh xã hội khó khăn. Nó có sức tàn phá ghê gớm. Chúng ta có thể kể vài sự kiện và một vài con số dưới triều Tự Đức (xem sách của Nguyễn Thế Anh trang 17 đến 25, trích dẫn ở trang…). Ta thấy :

Dân số tụt xuống 10% trong vòng 40 năm. Đó là một thảm họa cho nền kinh tế nông nghiệp đòi hỏi nhiều nhân lực.

Diện tích đất canh tác tụt 20%. Thuế đánh trên nông phẩm tụt theo làm cho ngân sách nhà nước phải dựa lên nhiều loại thuế khác đè nặng lên vai người lao động.

Thuế nặng và thiếu đói, dân cày bỏ làng kết thành băng cướp có tổ chức trên bộ và trên biển,

Nông dân nghèo khổ, hàng ngũ văn thân (nhà nho và nhân sĩ) hoang mang, trong xã hội nẩy nở một làn sóng phò Lê, đặt lại vấn đề chính thống của triều Nguyễn.

Bị dồn vào chân tường và hoang mang, nhà vua phải giải quyết bằng cách giả tạo gia tăng quân số lên đến 150 000 người, hơn 20% dân số lao động để có cảm tưởng là có an ninh trật tự và mặt khác cho phổ biến nhiều lời tự phê chân thật và rất cảm động dịch từ Pháp ngữ đại khái là : "trẫm chưa từng thấy nhiều biến cố đen tối như vậy, nhiều đau khổ như năm nay… Nhìn lên trẫm e phán quyết của Trời ; nhìn xuống, ngày đêm trẫm thương xót dân đen ; trong thâm tâm, trẫm vừa run sợ, vừa xấu hổ ; luôn luôn trẫm tự oán là để dân chúng trầm tha ; khốn khổ này chưa qua, tai họa khác đã đến".

giapha12

Vua Tự Đức

Chính trong những điều kiện kinh tế tồi tệ nhất từ nhiều thế kỷ mà dân Việt Nam chứng kiến quân viễn chinh Pháp đổ bộ lên đất nước của mình. Không những thế, vua Tự Đức không có con nối ngôi, khiến các thủ đoạn chính trị huynh đệ tương tàn phải diễn ra. Vua Tự Đức có lý khi nói : "khốn khổ này chưa qua, tai họa khác đã đến".

Chỉ cần nhìn danh sách các vua nhà Nguyễn để đủ thấy thảm họa :

- Tự Đức (1847 – 1883),

- Dục Đúc (1883) : lên ngôi rồi bị một nhóm quá khích trong triều hạ bệ và ám hại ngay,

- Hiệp Hòa (1883) : trị vì sáu tháng rồi cũng bị ám hại bởi cùng một nhóm,

- Kiến Phúc (1883 – 1884) : chín tháng trên ngôi rồi cũng lại bị ám hại bởi cùng nhóm ấy.

- Hàm Nghi (1883 – 18840) : một vài tháng trên ngôi rồi bị chính quyền thực dân đày đi nước Algérie.

- Đồng Khánh (1885 – 1889),

- Thành Thái (1889 – 1907) : trị vì 8 năm dưới chế độ nhiếp chính rồi bị chính quyền thực dân đày đi đảo La Réunion.

- Duy Tân (1907 – 1916) : cũng vậy.

- Khải Định (1916 – 1925).

- Bảo Đại (1925 – 1945) rồi (1948 – 1955).

Cụ Nguyễn Trọng Hợp sinh năm 1833 nên đã phải tranh đấu cho chính nghĩa quốc gia trong suốt bốn mươi năm dưới bảy đời vua ! Từ Tự Đức đến Thành Thái. Để thấu hiểu công trạng lớn lao của cụ ở cương vị của một đại thần, một nhân vật quốc gia trong suốt thời kỳ khó khăn ấy, chúng ta cần nhắc lại không những lịch sử Việt Nam, mà còn phải nói đến toàn thể Viễn Đông thời ấy, cùng với mối quan hệ với các nước phương Tây.

Thời cuộc "Chiến Tranh Thuốc Phiện" (1840 – 1842) giữa Anh Quốc và Trung Quốc cần được nhắc đến để làm một thí dụ điển hình : Nhiều thế kỷ về trước, Trung Quốc có nhiều trao đổi thương mại với châu Âu, đặc biệt với Anh Quốc. Vào thế kỷ 18, dưới sức ép của dân số, Trung Quốc nhập khẩu nhiều bạc (kim khí) để đúc tiền, đồng thời xuất khẩu nhiều vàng, đồ sứ và trà. Cán cân thương mại với Anh Quốc mất thăng bằng từ ngày người Anh quá chuộng uống trà. Để lấy lại cán cân, bộ trưởng tài chính Anh đánh thuế nặng lên thị trường nhập khẩu trà nhằm tăng ngân sách quốc gia. Để giải quyết các khó khăn, người Anh không thấy có gì lợi hơn là buôn thuốc phiện qua thị trường chợ đen với Trung Quốc. Để ngăn chặn tệ nạn ấy, vua Trung Quốc ban sắc lệnh cấm tiêu thụ thuốc phiện trong nước. Thiếu hụt lợi tức béo bở này, Anh Quốc đem quân sang đánh Trung Quốc. Cuộc chiến không kéo dài vì quân lực của Anh quá mạnh. Hiệp ước Nam Kinh nhượng Hồng Công cho Anh Quốc và phải mở năm cửa khẩu khác cho người Âu buôn bán.

Về phía Nhật Bản, cuộc chạm trán với Hoa Kỳ năm 1854 là một ví dụ khác cho thấy sự yếu kém của Viễn Đông trong quan hệ Đông Tây. Trong hơn hai thế kỷ, nước Nhật dưới thời các tướng quân Tokugawa, Shogunat triều đại Edo (1603-1867) đóng cửa thương mại với các nước phương Tây, ngoại trừ cảng Nagasaki. Năm 1854 hải quân Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của Perry viện mọi cớ để phong tỏa và oanh tạc Nagasaki. Quân đội Nhật Hoàng không kháng cự được trận mưa đại bác. Chỉ hai tháng sau, Nhật phải ký hiệp ước mở các cửa khẩu cho người phương Tây.

Trong tình huống tương tự, hải quân Pháp đổ bộ vào Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1858. Nhưng nếu động cơ của người Anh vào Trung Quốc và của Mỹ vào Nhật Bản hoàn toàn mang tính thương mại, thì động cơ của người Pháp không rõ rệt hoặc phức tạp hơn. Napoléon Đệ Nhị lên ngôi năm 1852 muốn tiến hành chính sách quyền uy cho một nước Pháp vĩ đại nên khuyến khích công cuộc chiếm lãnh đất đai ở bên ngoài châu Âu. Ký ức Napoléon Đệ Nhất không xa. Ngoài ra, Napoléon Đệ Nhị cũng muốn làm vui lòng giai cấp tư sản và Giáo Hội Công Giáo. Họ đã đưa ông ta lên ngôi. Do đó cuộc viễn chinh được ban hành cùng với Anh Quốc để đập tan phong trào (Thái Bình ?) ở Trung Quốc. Ông ta ra lệnh cho Đô Đốc Rignault de Genouilly, người lãnh đạo cuộc viễn chinh bên Tàu, đổ bộ vào Việt Nam.

giapha13

Cuộc đổ bộ của hải quân Pháp vào Đà Nẵng (1858)

Hải quân Pháp tấn công Đà Nẵng vào tháng 9 năm 1858 và chiếm đóng trong vòng vài tháng. Qua năm 1859 cảng Sài Gòn bị thất thủ, nhưng quân Pháp phải đương đầu với vòng vây Việt Nam cho đến 1861. Năm ấy, quân tiếp viện của Pháp đến từ Trung Quốc giải vây rồi theo đà ấy tiến chiếm Mỹ Tho và Biên Hòa.

Trong khi ấy miền Bắc Việt Nam rơi vào hoàn cảnh kinh tế vô cùng thê thảm. Các cuộc phản đối và các cuộc nổi loạn làm rất nhiều ở miền Bắc chấn động cả nước đến độ tính chính thống ngôi vua của nhà Nguyễn bị đe dọa vì Gia Long lên ngôi qua mặt nhà Lê, không tập hợp được hoàn toàn chính nghĩa : Trong họ nhà ta có cụ Nguyễn Ôn Tĩnh (1772 – 1841) từ chối phục tùng vua Gia Long và Minh Mạng. Con của cụ cũng thà ở lại quê nhà làm ruộng cầy cấy sinh sống.

Phải đối đầu trên hai mặt trận, vua Tự Đức bèn phải ký Hiệp ước Sài Gòn (1862) nhượng lại ba tỉnh miền Nam đã bị quân Pháp chiếm đóng. Làm như vậy, nhà vua muốn dồn hết quân lấy sức dẹp các phiến loạn ở miền Bắc. Quân viễn chinh Pháp tiếp tục tiến qua Cam Bốt năm 1863, rối tiến đánh ba tỉnh nữa của Việt Nam vào năm 1867. Tự Đức bị rơi vào thế bí, buộc phải ký một hiệp ước thứ hai, nhượng cho Pháp sáu tỉnh ở Nam Kỳ.

Trong suốt thời kỳ này cụ Nguyễn Trọng Hợp không dính vào các cuộc xung đột, cũng như các cuộc thương thuyết vì cụ hãy còn ít tuổi, chưa có trách nhiệm ở tầm quốc gia. Nhưng cụ lại có nhiều liên hệ trực tiếp vào cuộc chiến xâm lăng của Pháp vài năm sau đó :

Cuộc chiến bại của Pháp chống lại nước Prusse năm 1870 đánh đổ ngôi vua Napoléon Đệ Tam, kéo theo nền Cộng Hòa Đệ Tam vào rối loạn xã hội lớn với phong trào Công Xã. Chính sách đô hộ của nước Pháp khựng lại. Nhưng thời kỳ gọi là "tĩnh tâm" này không kéo dài. Các tỉnh Alsace và Lorraine mất đi, bị nhượng cho nước Prusse, đẩy Cộng Hòa Đệ Tam vào khuynh hướng chủ trương đế quốc ở bên ngoài châu Âu. Phong trào này khởi đầu ngay từ 1873, nhưng không có đường lối chính trị hoặc mục tiêu rõ ràng. Chỉ khi Gambetta (1880) và Jules Ferry nắm quyền chủ tịch hội đồng chính phủ thì chính sách ấy mới trở thành một quốc sách. Phong trào này ngày càng phát triển vào những năm 1890. Trong quốc hội Pháp có nhóm tên là "Nhóm Thuộc Địa Pháp" gồm 112 dân biểu, lớn nhất sau Nhóm Nông Dân. Chính sách chiến tranh thuộc địa là chính sách độc nhất được cả hai giai cấp tư sản và lao động ủng hộ.

Do đó dưới thời Cộng Hòa Đệ Tam, hai cuộc vĩnh chinh được gửi đi Bắc Kỳ mô tả như dưới đây để chúng ta thấy rõ tính chất phức tạp của vấn đề.

Cuộc viễn chinh thứ nhất năm 1873 : Một thương gia đầy óc mạo hiểm Jean Dupuis quyết tâm thực hiện thành tích ngược giòng sông Hồng đến Vân Nam bên Trung Quốc, trong khi mọi thử thách qua sua sông Cửu Long đều thất bại. Dupuis thành công cuộc chuyên chở quân trang đến tận Vân Nam. Thành công huy hoàng ấy đưa ông ta lên đường chở kẽm về với quân hộ tống của người Tàu. Rồi lại mua muối, hàng quốc cấm, chở lên Vân Nam. Do đó sự cố xẩy ra với chính quyền Việt Nam dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Tri Phương. Tính kiêu ngạo của Dupuis và tính không khiêm nhượng của Nguyễn Tri Phương đưa sự cố lên thành vấn đề của quốc gia. Vua Tự Đức sợ tranh chấp trở thành nghiêm trọng và "đã phạm lỗi kêu gọi sự trợ giúp của Toàn Quyền Nam Kỳ, Francis Garnier được gửi ra Bắc để 'sang bằng' cuộc tranh chấp". Đó là điều mà ông Yoshiharu Tsuboï viết trong cuốn "Vương quốc Việt Nam đối diện với Pháp và Trung Quốc", nhà xuất bản Harmattan 1987, trang 173. Thực vậy, thay vì sang bằng, Francis Garnier lại vượt quyền hạn sứ mệnh và tấn công thành Hà Nội, rồi Nam Định. Vua Tự Đức bèn hạ lệnh cho nhiều quần thần trong đó có cụ Nguyễn Trọng Hợp, tuần phủ Hà Nội, đi đàm phán. Trong thời gian thương thảo, Francis Garnier mở trận chiến với một nhóm quân nhỏ và tử vong ở Cầu Giấy. Một hiệp ước được ký kết gọi là Hiệp ước Huế (1874), phía bên Việt Nam có Lê Tuấn và Nguyễn Văn Tuờng, phía Pháp có đô đốc Dupré. Pháp chấp nhận trả lại các tỉnh đã chiếm, đổi lấy quyền di chuyển trên sông Hồng và mở cảng Hải Phòng cho Pháp.

Như vậy là ta có thể nói rằng Tự Đức đã tạo cơ hội cho Cộng Hòa Đệ Tam Pháp gửi quân lần đầu vào xâm chiếm Bắc Kỳ ! Chúng ta cũng nên nói rõ là Francis Garnier chỉ huy một "đội quân viễn chinh" gồm vỏn vẹn 180 người để tấn công thành Hà Nội ! Vậy, người ta thấy rõ là Pháp dùng khí giới mạnh hơn nhiều lần Việt Nam. Theo ông Yoshiharu Tshutoï (trang 86 và 87) kể lại lời của de Kergaradec, lãnh sự Pháp ở Hà Nội từ 1875 đến 1883, thì chỉ một phần ba quân lính Việt Nam có trang bị khí giới hỏa lực và đó chỉ là khí giới có ngòi nổ cũ kỹ của thế kỷ trước. Thành Hà Nội được phòng thủ với 49 khẩu súng pháo sét rỉ có từ đầu thế kỷ, có lẽ không còn hiệu lực. Nhắc lại sự kiện này là để hiểu chiến lược của những người thừa kế hoàn cảnh vô cùng thê thảm của Việt Nam thời bấy giờ và về sau họ phải cầm quyền cai quản đất nước trong cảnh ngộ ấy.

Cuộc viễn chinh thứ hai 1882 – 1883 : Lần này mục tiêu sẽ rõ rệt. Từ khi Gambetta lên cầm quyền năm 1880, cuộc xâm chiếm Bắc Kỳ là điều kiện không thể thiếu để củng cố quyền lực của Pháp ở châu Á. Một đội quân viễn chinh năm trăm nghìn người duới quyền chỉ huy của Henri Rivière tấn công Hà Nội ngày 25 tháng 4 năm 1882 và đánh chiếm đô thành trong một ngày. Vua Tự Đức hạ lệnh không đánh trả để đợi 20 000 quân tiếp viện của Trung Quốc. Quân viện không bao giờ đến. Ngược lại, vào năm 1883 Henri Rivière được tăng viện thêm 700 quân, chiếm mỏ than Hòn Gay rồi tiến đến Nam Định. Ở đấy, họ gặp kháng cự mãnh liệt của các đại thần từ chối tuân lệnh nhà vua. Ngày 19 tháng 5 năm 1883 Henri Revière tử trận như Francis Garnier ở Cầu Giấy. Thủ Tướng Jules Ferry cho bầu thêm ngân sách, thủy quân Pháp được tăng cường thêm một đội ngũ 4000 quân viện. Trong khi ấy tình hình Việt Nam gặp cảnh ngộ vô cùng nguy kịch : vua Tự Đức băng hà ngày 19 tháng 5 năm 1883. Một Hội Đồng Phụ Chính được thành lập. Vua Dục Đức vừa mới lên ngôi thì bị ám hại, vua Hàm Nghi nối nghiệp. Cuộc cãi cọ huynh đệ tương tàn vượt qua công cuộc quốc phòng !

Tháng 8 năm 1883, hải quân Pháp được trang bị lại, tấn công và chiếm Trấn Hải, thành phòng thủ của kinh đô. Ngày 18 tháng 8 Thuận An, cửa sông Hương, bị pháo kích, quân Pháp tiến vào Huế. Ngày 20, vua Hiệp Hòa hạ lệnh cho cụ Nguyễn Trọng Hợp giữ chức Thương Bạc Đại Thần (bộ trưởng ngoại giao), đàm phán ngưng bắn. Dưới một trận lũ đạn của hai bên, cụ và các đồng sự đã phải lên thuyền ra khơi thuơng lượng ngưng chiến. Nhưng quân thiếp giáp Pháp trang bị đại bác tầm xa đã chế ngự phòng thủ Việt Nam, sau hai ngày nã đạn. Gần 1000 quân Pháp đổ bộ lên Thuận An, mặc dầu quân Việt Nam kháng cự rất oanh liệt, theo bản báo cáo của đô đốc Courbet, tư lệnh hạm đội Pháp. Thương thuyết ? Quá trễ ! Kinh thành Huế đang bị đe dọa phá tan, triều Nguyễn có cơ sụp đổ và tiêu vong.

Ngày 25 tháng 8 năm 1883, hiệp ước thứ hai được ký kết gọi là Hiệp ước Harmand, Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp đại diện phía Việt Nam, phía Pháp có Harmand. Việt Nam trở thành một nước bảo hộ của Pháp từ Thanh Hóa trở về miền Nam.

Cách xoay xở độc nhất và cuối cùng có thể có được của hai đại diện phía Việt Nam là ghi thêm vào hiệp ước câu "kể cả Trung Quốc" vào điều khoản 1 như sau : "Nước Pháp sẽ chủ trì các ban giao của nước Đại Nam với mọi cường quốc nước ngoài, kể cả Trung Quốc". Mưu lược ấy ám chỉ sự can thiệp của Trung Quốc vào cuộc tranh chấp. Một tẹo teo cái mẹo ấy thành công vì sau đó, khoảng mười sáu tháng sau, ngày 28 tháng 3 năm 1885, quân đội Trung Quốc thâm nhập vào Việt Nam đánh bại quân Pháp ở Lạng Sơn. Ở Paris, "cuộc thất trận Lạng Sơn" bị phe đối lập tố cáo, làm trấn động dư luận và đẩy chính phủ Jules Ferry sụp đổ. Sự nghiệp chính trị của ông vĩnh viễn kết liễu. Nhưng cái bẫy ấy chỉ có hiệu quả nửa vời vì sự yếu kém chung của Trung Quốc đã đưa đến hiệp ước Tiajin Tiên Sinh (?) ký ngày 25 tháng 6 năm 1885 công nhận quyền bảo hộ của Pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Bất chợt vua Hiệp Hòa bị thuộc hạ thượng thư (bộ trưởng) quốc phòng ám hại ngày 29 tháng 11 năm 1883. Vị đại thần này có tranh chấp với nhà vua, làm tiêu tan mọi biên pháp chín chắn về quốc phòng. Vài ngày sau, cụ Nguyễn Trọng Hợp xin từ chức trong bối cảnh mà chúng ta sẽ đi vào chi tiết ở chương thứ tư nói về thân thế của cụ. Rút lui về làng, một vài tháng sau cụ sẽ giữ một chức vụ nhỏ ở Thanh Hóa.

Dưới triều vua Kiến Phúc và vua Hàm Nghi (cả hai đều ở trên ngôi vài tháng), cụ Nguyễn Trọng Hợp không công tác trong triều nữa, vậy cụ không tham dự vào vấn đề lên ngôi đầy sóng gió của vua Hàm Nghi, cũng như cụ không dự cuộc tấn công quân sự vào đồn lính Pháp tháng 7 năm 1885 của Phụ Chính Đại Thần kiêm bộ trưởng quốc phòng Tôn Thất Thuyết. Cuộc tấn công ấy là một thất bại quân sự làm cho nhà vua và triều đình phải chạy trốn vào rừng. Nhân danh nhà vua, một công bố được ban hành kêu gọi dân chúng dấy lên chiến đấu yểm trợ nhà vua. Phong trào kháng chiến Cần Vương này sẽ tiếp diễn mãi đến sau khi vua Hàm Nghi bị bắt vào tháng 11 năm 1888 và bị đi đày sau đó một tháng. Cụ Nguyễn Trọng Hợp không dự vào phong trào kháng chiến Cần Vương, nhưng khi được bổ vào chức Phụ Chính Đại Thần, cụ yểm trợ phong trào như chúng ta sẽ thấy ở chương viết về cuộc đời của cụ. Ở đây chúng ta nên nhớ lại là sau này, khi Đồng Khánh băng hà, Hàm Nghi đang bị đày ở đảo La Réunion, cụ nhà lại đề nghị với chính quyền Pháp đem Hàm Nghi về để đưa lên ngôi và tình nguyện trở về kinh phục vụ nhà vua, nhưng bị chính phủ Pháp từ chối, rồi đưa Thành Thái lên ngôi.

Chính ở thời điểm ấy Hiệp ước Patenôtre được ký kết, vào ngày 16 tháng 6 năm 1884. Toàn thể đất nước Việt Nam sẽ bị đặt dưới quyền bảo hộ của nuớc Pháp.

Một trong những người ký hiệp ước ấy là cụ Phạm Thận Duật (sau này là thông gia với họ Nguyễn nhà ta - xem tr…). Cuộc đời của cụ Phạm Thận Duật được đánh dấu với sự tham gia của cụ vào phong trào Cần Vương năm 1885. Cụ bị bắt năm 1886 và bị đày đi ra đảo Tahiti. Cụ mất trên đường đi đày.

Vua Đồng Khánh lên ngôi vào tháng 7 năm 1885, cụ Nguyễn Trọng Hợp lên chức Kinh Lược Bắc Kỳ, rồi Cơ Mật Đại Thần và Phụ Chính Đại Thần. Với trách nhiệm ấy cụ có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi tổ quốc, đồng thời phải uyển chuyển với bộ máy hành chính thuộc địa.

Năm 1887, Liên Hiệp Đông Dương được thành lập gồm Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Cam Bốt và Ai Lao. Toàn thể Đông Dương được đặt dưới quyền cai trị của một vị Toàn Quyền Pháp.

Vua Đồng Khánh băng hà năm 1889, vua Thành Thái nối ngôi lúc mới 13 tuổi. Một Hội Đồng Phụ Chính lại được thành lập. Ở hội đồng ấy, cụ Nguyễn Trọng Hợp giữ chức Phụ Chính Điện Đại Học Sĩ. Với uy quyền cá nhân của cụ, thần quần xem cụ như nhà thủ lãnh thực thụ trong bảy năm trời. Vai trò trọng yếu của cụ ở thời điểm lịch sử này sẽ được tường thuật ở chương thứ tư. Tóm lược như sau : chính sách chính trị của cụ đầy tinh thần cải cách và yêu nước, đó là chính sách không khiêm nhượng của quyền lực nhà vua đối diện với chính quyền Bảo Hộ, đồng thời mở cửa tiếp thu nền kỹ thuật của người Pháp để hiện đại hóa đất nuớc. Hợp tác, nhưng "không làm tay sai" cho chính quyền Bảo Hộ, như lời cụ nói.

Ngược lại, sau này những người thay thế cụ ở chức tối cao ấy lại có thái độ phục tùng ngoan ngoãn chế độ Bảo Hộ. Triều đình nhà vua mất hết quyền lực, kéo theo sự suy nhược, bất tín nhiệm của toàn bộ guồng máy nhà nước cổ truyền Việt Nam.

Các phong trào kháng chiến không có chỗ tựa bên trên, ở cấp tối cao, bèn phải tổ chức từ bên ngoài, hồi ban đầu từ Nhật Bản trong những năm 1900, rồi từ Trung Quốc năm 1911. Cuộc cách mạng thành công của Đan Nhật Thành ở Trung Quốc đem lại niềm hy vọng cho công cuộc giải phóng qua con đường cộng hòa dân chủ.

Vua Thành Thái bị đẩy đi đày ở đảo La Réunion năm 1907.

Vua Duy Tân, một thái tử lên 8, nối ngôi. Một Hội Đồng Phụ Chính lại một lần nữa được thành lập. Trong Hội Đồng có một thông gia với gia đình họ Nguyễn là cụ Cao Xuân Dục (1842 – 1923) (xem trang…). Về sau vua Duy Tân lại cũng bị đày ra đảo La Réunion, sau khi cuộc nổi dậy vụng về thất bại năm 1916.

giapha14

Vua Thành Thái

Vua Khải Định (1916 - 1925) nối ngôi Duy Tân. Một hình thức phản kháng mới đánh dấu cuộc đời của vị vua này, làm cho chính chế độ quân chủ cũng bị lung lay. Cuộc phản kháng ấy do Phan Chu Trinh chủ xướng ở Pháp với sự hỗ trợ của đảng Cộng Sản Pháp. Một người tên là Nguyễn Ái Quốc tham gia phong trào này. Người ấy sau này mang tên Hồ Chí Minh.

Vua Bảo Đại (1925 – 1945 rồi 1948 – 1955) nối ngôi Khải Định.

Ở vào thời kỳ lịch sử Việt Nam cận đại này, hàng nghìn cuốn sách được viết ra, nhưng vì thiếu một tầm nhìn từ xa về quá khứ để có thể viết ở đây nội dung quá trình lịch sử ấy một cách bình thản khách quan.

Chúng ta hãy để các sử gia có đủ thời gian và tầm nhìn xa về quá khứ tường thuật về hai cuộc chiến tranh gọi là cuộc Chiến Tranh Đông Dương và cuộc Chiến Tranh Việt Nam, cùng với nhiều hậu quả của nó cho đất nước Việt Nam và cho toàn Thế Giới.

Để tóm lược, chúng ta có thể nói rằng :

- Sau khoảng ba mươi năm chiến tranh, theo nhãn quan của Thế Giới, Việt Nam trở thành một anh hùng trong cuộc kháng chiến chống "Đế Quốc Tư Bản". Nhưng mười hai năm kế tiếp, đất nước bị rơi vào hoàn cảnh mất máu, hoang tàng với các lý do của nó : chế độ bao cấp và cái phong tỏa của các nước phương Tây dưới sự thờ ơ hoàn toàn, mà dễ hiểu, của công luận Thế Giới.

- Ở đầu thế kỷ thứ hai mươi mốt này, nhờ mở cửa ra thế giới phương Tây, theo gương của Trung Quốc, Việt Nam đánh dấu những bước tiến phát triển kinh tế đáng kể. Thành công ấy làm cho các nước đối lập lên tiếng chỉ trích : bơm phồng kinh tế, thiếu trong sáng… Các chỉ trích ấy chủ yếu nhắm vào Trung Quốc vì hành động chính trị và sức nặng kinh tế của nước này gây ít nhiều lo sợ. Việt Nam được xem như một nước anh em của Trung Quốc cũng bị lên án như vậy. Sự kiện ấy kéo dài có thể làm ô hình ảnh của Việt Nam, một nuớc nhỏ mà đại đa số dân chúng còn trẻ tuổi chỉ mong cầu hòa bình và giàu có.

- Sau hai cuộc chiến tranh ấy, họ Nguyễn huyện Thanh Trì phát triển đông đảo ở nước ngoài. Xưa kia, xa lìa quê hương xứ sở là một sự kiện bất thường có thể nói là bất hạnh. Đó là trường hợp của cụ Nguyễn Huy Tự (11741 – 1812) sau khi nhà Lê sụp đổ. Cụ đã phải du trú ở Sơn Tây và lập ra ở đấy một chi của họ Nguyễn và có gia phả riêng. Chi "tỵ nạn" ấy đã sản sinh ra một thi sĩ đầu tàu luồng thơ mới của Việt Nam. Đó là nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1885 – 1939).

Ngày nay, địa điểm xa nhất trên hành tinh chỉ cách Thanh Trì một ngày trời qua đường bay. Họ Nguyễn nhà ta chỉ ở cách nhau một khoảng khắc đồ hồ qua Internet, miễn là họ muốn liên lạc với nhau. Sự hiện diện của họ Nguyễn nhà ta trên khắp năm châu chẳng có gì là một phi thường ở thời nay. Nó phản ánh một phong cách sống mới : tính di động phối hợp với kỹ thuật truyền thông thường trực đồng nghĩa với tính năng động và tinh thần cởi mở. Nó đơn giản như mọi cuộc di dân mà nhiều dân tộc đã từng sống từ muôn thuở và nhờ đó đời sống toàn thể loài người trở nên phong phú.

3 - Quan lại, nhà nước và nhân dân

Mô tả và hiểu cuộc đời của tổ tiên họ Nguyễn huyện Thanh Trì, phần đông ở trong hàng ngũ quan lại, đưa đến chuơng mục này vì chúng ta cần hiểu động lực của những người nắm con bài chủ chốt trong xã hội Việt Nam thời xưa, từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ 20.

Ngày nay, danh từ quan lại phản ánh hai hình ảnh trái ngược : Hình ảnh thứ nhất là một đẳng cấp ưu đãi, nghiêm khắc và cường mạnh. Hình ảnh thứ hai cho thấy lớp người có tri thức cao ở Viễn Đông cổ xưa, phục vụ cho một lý tưởng cao cả. Sự thật là thế nào ?

Trong thực tế, từ "quan lại" chỉ định hàng ngũ công chức (đại thần và trung thần) phục vụ cho bộ máy quân chủ ở các nước có văn hóa Trung Hoa đến thế kỷ 20 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam). Nhưng thay thế từ quan lại bằng từ công chức là bỏ quên cơ sở văn hóa đặc thù của hàng ngũ quan lại, khác hẳn với tinh thần người công chức ở các nước khác và ở ngày nay. Chúng ta có thể kể một vài thí dụ điển hình :

- Giá trị của người quân tử đối chiếu với kẻ tiểu nhân là : cao thượng / thấp hèn, trung thành / phản phé, vô vị lợi / thụ lợi, thanh tao / thô thiển, liêm sỉ / vô liêm sỉ, vị kỷ / ích kỷ… Những giá trị ấy cũng được đề cao ở mọi nền văn minh, nhưng chẳng bao giờ ở mức độ như ở Viễn Đông. Do đó chúng ta sẽ hiểu động cơ cuộc đời nhà nho của tổ tiên, cũng như cách cư sử hàng ngày và đời sống đơn sơ, nếu không nói là nghèo túng của các cụ.

- Quân Sư Phụ là lời dạy đầu tiên của Khổng Tử. Bực thang giá trị ấy giải thích hành động của tiền nhân. Cụ Nguyễn Huy Tự đã tuyệt đối trung thành với vua nhà Lê mà hy sinh con trai của mình để cứu hoàng hậu và thái tử.

- Hệ thống giá trị ấy là ảnh hưởng Trung Hoa. Trong khi ấy, trái lại, bực thang giá trị truyền thống của Việt Nam trước hết dựa lên cơ sở của gia đình, làng xã rồi mới đến quốc gia (tức nhà vua). Tục ngữ có câu : "Luật vua thua lệ làng". Mâu thuẫn văn hóa ấy được phản ánh trong đời sống tự quản phổ biến của làng xã Việt Nam, cùng với quyền lực của Hội Đồng Kỳ Mục, cơ quan đầu não cao nhất, "bầu" ra Lý Trưởng, người đại diện lo việc quản lý hành chính trong làng.

Nói rằng một vị quan là một công chức cũng là quên thực chất vai trò của họ trong cách tổ chức và vận hành của bộ máy quốc gia và của toàn thể xã hội nông nghiệp Việt Nam, dựa lên gia đình và làng xã. Chúng ta cũng nên lưu ý rằng mối quan hệ cha truyền con nối của giai cấp thống trị kiểu phương Tây không bao giờ có ở Việt Nam, cho nên ở nước ta không có giai cấp thống trị có quyền lực được nhà vua giao phó mà họ đương nhiên đạt cho hậu duệ từ đời này qua đời khác. Một số tổ tiên giòng họ Nguyễn nhà ta đã có những cống hiến lớn lao cho đất nước và đã có những phẩm vị cao quý thường được dịch ra Pháp ngữ theo nghĩa và quy ước của các nhà sử học là "công, hầu, bá, tước" như hàm vị quý phái cha truyền con nối của phương Tây. Thật ra, các cụ không được phong hàm quý phái, tức là không có quyền truyền đạt lại cho hậu duệ như vậy.

Người ta không sinh ra và sẽ làm quan, cũng không dành chức ấy cho một đẳng cấp nào, nhưng người ta có thể trở thành một ông quan sau khi đã thi cử đỗ đạt. Hình thức phong chức ấy thật giống hệt cách tuyển dụng công chức cấp cao ở Pháp ở vào thế kỷ thứ 21 nói riêng và ở các nước dân chủ hiện đại khác nói chung. Sự khác biệt lớn nằm trong nội dung đào tạo của nền giáo dục.

Người ta giảng dạy những gì trong các trường học và sau khi được đào tạo, các thí sinh phải thực tập như thế nào ?

giapha15

Một lớp học vỡ lòng ở làng xã năm 1885

Một đứa học trò nhỏ phải theo đuổi học hành khoảng mười năm, từ lớp vỡ lòng (hoặc lớp khai tâm, lớp dự bị) đến lớp cao nhất, thông qua các lớp sơ đẳng và lớp trung đẳng ở các trường công hoặc tư. Ngay từ lớp dự bị, học trò học đọc và viết vài nghìn chữ Hán kinh điển rồi học luân lý và cách ứng xử ở đời rất sớm. Vì vậy chúng rất thông suốt quan niệm nhân văn và xã hội theo tư tưởng Khổng Mạnh ngay thời còn nhỏ. Chúng cũng học làm toán và làm các bài luận văn học hoặc thơ văn.

Ở lớp sơ đẳng học trò học làm luận văn, ở lớp trung đẳng học lý luận và triển khai ý tưởng cá nhân cùng với một số điển tích Trung Hoa cổ xưa. Lớp thượng đẳng chuẩn bị thí sinh đi thi Hương. Thi đậu, người "sinh viên" được bổ vào một ghế làm quan hoặc ở cấp dưới tùy theo cấp bậc đỗ đạt. Ở lớp thượng đẳng này sinh viên học những bài học về luật pháp, sử ký và viết những bài luận theo văn xuôi hoặc văn vần (thơ). Đó là những bài học thuần văn dùng rất nhiều điển tích mở mang trí tuệ và ý thức đạo đức, nhân sinh quan không thể thiếu cho đạo làm người và nhất là cho các vị quan tương lai. Người ta gọi các nhà trí thức ấy là các nhà nho hoặc ông đồ, người Pháp dịch ra là "học giả" (lettrés).

Thi Hương là một cơ chế đáng trọng, thiết lập ở Việt Nam năm 1077, được tổ chức ba năm một lần, vì vậy còn được gọi là kỳ thi tam niên. Ở cuộc thi này thí sinh rất đông nên phải qua cuộc tuyển chọn rất gắt gao : năm 1887 kỳ thi Hương do cụ Nguyễn Trọng Hợp tổ chức ở Nam Định triệu tập hơn bảy nghìn thí sinh mà chỉ có khoảng sáu mươi người đậu !

Như mọi hệ thống giáo dục khác, chất lượng giảng dạy tùy thuộc rất nhiều ở người thầy. Do đó có những trường nổi tiếng trở thành những cơ chế lớn tạo ra những hệ thống ái hữu cựu sinh viên rất nhiều ảnh hưởng và thế lực. Như ở nhiều nơi khác ngày nay ! Các quan (công chức) lớn đều tham gia công cuộc giảng dạy trong khi còn tại chức hoặc khi đã hưu trí.

Ở khoa thi Hương, thí sinh có bằng Tú Tài (dịch ra tiếng Pháp là "baccalauréat") khi đậu hai bài trên bốn, có bằng Cử Nhân (licence) khi đậu ở hạng cao hơn. Trước khi nhậm chức, thí sinh phải đi thực tập tối thiểu ba năm để học nghề. Họ có thể thực tập tại ngay trường học, hoặc ở một cơ sở hành chính địa phương, hoặc ở các bộ ngành. Thời gian thực tập có lương và có điểm để đi vào ngạch hành chính nhà nước và thường bắt đầu ở ghế trợ lý. Nhưng, họ phải tiếp tục cố gắng học thêm kỹ thuật thuế khóa, cân đo, đê điều…

Sau khi đã đậu khóa thi Hương, ngưới ta đi thi Hội. Các bài làm vẫn mang tính chất văn học : thảo sắc, chiếu, dụ, sớ, làm luận văn và thi văn… Đậu bằng Tiến Sĩ (Docteur) ở khoa thi Hội, thí sinh được nhập ngạch thượng cấp. Nhưng, không phải lúc nào các Tiến Sĩ cũng muốn nhậm chức. Một số chọn về làng mở trường dạy học, giống như những người chỉ đậu Tú Tài hay thi Hương rớt. Đội ngũ các ông đồ này đóng một vai trò cơ bản cho xã hội vì đó là gạch nối tư tưởng Khổng Mạnh đến người dân tầm thường. Hơn nữa, gần gũi với quần chúng và có học thức rộng như các bậc quan chức, quần thần, họ tập hợp lại thành những nhóm có trọng lượng và áp lực chính trị lớn.

giapha16

Các giám khảo trong giờ thi

giapha17

Các giám khảo trước khi công bố kết quả

Khoa thi Hội là một cơ chế khác có từ 1404, được tổ chức theo định kỳ từ ba đến sáu năm tùy theo các triều đại.

Các kỳ thi Hương được tổ chức một cách rất lạ thường : một cái trại lớn gồm các chòi lá được dựng lên cho các thí sinh và giám khảo. Tất cả mọi người đều bị cấm ra khỏi trại trong suốt kỳ thi kéo dài một tháng rưỡi, kể cả thời gian nghỉ ngơi. Các thí sinh không có quyền rời chòi của mình. Các giám khảo đuợc nhiều giám thị và (scribes) thư lại ? hỗ trợ. Scribes là những người có nhiệm vụ chép lại bài làm của thí sinh để giám khảo không nhận diện ra được chữ viết của thí sinh ! Các kỳ thi Hội được tổ chức ở kinh đô. Điều kiện vật chất khá hơn là thi Hương vì số thí sinh ít hơn nhiều, khoảng hai trăm người. Để xếp hạng các thí sinh đậu tiến sĩ, người ta tổ chức Thi Đình để vua đánh giá và xếp hạng những người đậu cao nhất. Người đậu thủ khoa với 10 điểm trên 10 được lãnh huy chương và được phong Trạng Nguyên. Đó là một hiếm hoi.

Trong suốt quá trình lịch sử, các nhà vua và chư thần có khi nhận thấy nền giáo dục không đáp ứng nhu cầu của đất nước và muốn làm các cuộc cải cách, nhưng đa số rất giới hạn, mặc dầu những đề nghị rất thức thời. Các đề án nổi tiếng nhất đến từ Lê Quý Đôn vào thế kỷ 18 về chương trình giảng dạy khoa học kỹ thuật và của Nguyễn Trường Tộ (1827 - 1871) về chương trình liên quan đến kinh tế chẳng hạn như vấn đề tài nguyên nông lâm hoặc ngành biển (?). Những các đề nghị ấy hay bị bỏ qua. Đôi khi có thí sinh lên tiếng tố cáo sự thiếu sót cải cách ấy trong bài thi. Năm 1856, trong kỳ thi Hội, Đặng Xuân Bàng nộp bài lên tiếng về phong cách của các đại thần trong triều đình, về hiện tượng thiếu trách nhiệm và thiếu khả năng của một số quan lại !

Với thời gian nhìn lại, ta thấy dường như khuyết điểm của nền giáo dục ấy đến từ tính chất đại cương của nội dung giảng dạy tổng quát cho tất cả quan chức. Họ không được chuyên sâu, không thể hiểu biết sâu rộng và chính xác hết trên mọi địa hạt và họ không có sự hỗ trợ nào đến từ các chuyên gia nên đôi khi tỏ ra thiếu khả năng. Trong quá trình thực thi công tác, các quan lại học hỏi thông qua các chức vụ khác nhau như tri huyện, án sát, phụ tá tổng đốc, v.v.

Một điều chắc chắn nữa là chương trình đào tạo theo "tư tưởng độc đạo" có lợi cho các nhà vua chuyên chế vì, như mọi hình thức "tư tưởng độc đạo" ở nơi khác hoặc thời điểm khác. Nó bảo vệ chính quyền để khỏi bị chao đảo, tức là khỏi cần cải cách, đổi mới để tồn tại.

Trong sự nghiệp của mình, các quan lại được theo rõi từng bước để thăng chức. Mỗi vị có một hồ sơ đi theo suốt đời. Trong hồ sơ có tường trình và đánh giá của cấp trên mình. Người ta thấy tính hiện đại trong khái niệm đánh giá ở guồng máy hành chính ngay từ 1147. Ở đây cũng vậy, các nhà vua liên tiếp nhau đặt nhiều vấn đề mang tính thời sự của ngày nay : bản tường trình đánh giá phải đạt mức độ chính xác nào để đi sát tiêu chuẩn mô hình được định sẵn ? Chỉ cần phê "tối ưu, ưu, trung bình, kém" như ở thế kỷ 16 hoặc phải ghi thêm lời bình phẩm chẳng hạn như "đã cần 12 tháng để thu thuế thay vì 6 tháng trung bình ở địa phương và 9 tháng ở mức quốc gia" như ở thế kỷ 19.

Mọi khiếm khuyết quan trọng trong công tác đều bị phạt hoặc trừng trị tùy theo lỗi nặng nhẹ, từ hạ chức, ngưng chức, cách chức, từ phạt roi cho đến án tử hình. Theo đó, mặc dầu cụ Nguyễn Trọng Hợp có một sự nghiệp gương mẫu, cụ cũng đã từng bị dáng xuống hai chức vì cái lỗi không dẹp hết được hải tặc trong thời gian cụ làm tổng đốc Nam Định. Ở địa vị này, cụ phạt án sát của tỉnh mình 90 roi và tạm cách chức hai năm vì tội tham ô với số tiền tương đương với nhiều năm lương.

Có nhiều tác giả cho rằng các quan lại thường hay rơi vào nạn tham nhũng. Nhưng theo các sử gia ngày nay, lời buộc tội này không có cơ sở. Chúng ta hãy nghe hai sử gia khuynh tả, (hàng ngũ quan lại thường bị buộc tội là thành phần khuynh hữu bảo thủ) :

- Giáo sư Daniel Hémery, giáo sư Đại Học Paris VII, đảng viên đảng "Ligue International" (Đảng Cộng Sản Đệ Tứ) viết trong bài tựa cho quyển sách "Quan lại và phụ tá ở miền Bắc ViệtNam, một guồng máy trong thử thách (1820 – 1918)" của ông Emmanuel Poisson, nhà xuất bản Maisonneuve & Larose (2004) như sau : "Những bài sử học thuộc địa và những bài của các giáo sĩ, cũng như bài sử học quốc gia, ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt đáng chú ý và khác với một số nhà tiên phong của họ ở thế kỷ 18 và 19, thường hay có định kiến là hàng ngũ quan lạị tham nhũng, kém hiệu lực, sơ cứng và khô cằ ; họ chìm đắm trong óc bảo thủ, cứng ngắc và hủ lậu".

- Trong luận án nghiên cứu về cuộc xâm chiếm Trung Kỳ và Bắc Kỳ từ 1895 đến 1896 với nhan đề : "Vietnam : thống trị thực dân và kháng chiến quốc dân 1858 – 1914", nhà xuất bản Les Indes savantes (2002), Giáo sư Charles Fourniau, thạc sĩ sử học, tiến sĩ quốc gia về sử học và đảng viên Đảng Cộng Sản Pháp viết để phản ánh ý kiến của Paulin Vial, khâm sứ Bắc kỳ năm 1886 : "Paul Vial giải thích rằng khi đạt tới vị trí tối quan trọng, phần đông các quan lại là các nhân vật có nhiều khả năng… đa số đáng đươc trọng nể với tính vô vị lợi, niềm ham muốn làm việc và lòng kiên nhẫn trong cố gắng hoàn tất trách nhiệm… phẩm cách các ông già bình dị, khắc khổ và sốt sắn; họ tỏ ra năng động, cảnh giác, hoàn toàn bình thản đối phó cuộc khủng hoảng khủng khiếp của xứ sở họ".

Tuy nhiên, có lẽ không đúng, nếu nghĩ rằng tất cả các quan lại đều là những người không có khuyết điểm đáng trách vì họ là những con người và luôn luôn là con người. Sơ lược quá trình lịch sử cho thấy tính tham lam hoặc tàn nhẫn vựt bực của một số người.

Việc tổ chức guồng máy quốc gia rất vững vàng. Lịch sử không cho thấy các trục trặc quá trầm trọng. Những cuộc đột chuyển quyền lực thông qua nhiều triều đại xẩy ra trong vận hành liên tục của guồng máy ấy. Các đời vua mai một, nhưng dân tộc tồn tại trên cơ sở của guồng máy nhà nước.

Guồng máy nhà nước vận hành như thế nào ? Nhà vua là hoàng đế có quyền tối thượng. Các đại thần hợp thành các cơ chế bên dưới. Cơ quan cao nhất triều đình là Viện Cơ Mật. Đôi khi, chẳng hạn như nhà vua còn nhỏ tuổi, có một hội đồng tư vấn riêng đứng trên Viện Cơ Mật và thay thế nhà vua đề ra chính sách của triều đình và lèo lái quốc gia. Đó là Hội Đồng Phụ Chính thường gồm có bốn đại thần uy tín nhất trong triều. Bên dưới Viện Cơ Mật là các bộ do các thượng thư đứng đầu. Dưới thời nhà Nguyễn ở thế kỷ 19 có sáu bộ : bộ Lại (nội vụ), bộ Lễ (giáo dục và hành chính), bộ Hộ (tài chính và quãn lý), bộ Công Chính (xây dựng), bộ Binh (quốc phòng). Không có bộ Ngoại Giao. Đó là điểm khác biệt đối với các nước phương Tây ở cùng thời điểm. Hoàn cảnh ấy phản ánh tư tưởng Trung Hoa và tinh thần thiếu cởi mở, không nhìn bầu trời nào khác bầu trời Trung Quốc. Cơ cấu nhà nước ngừng ở cấp Phủ hoặc Huyện. Công việc quản lý làng xã, cơ sở của xã hội, phụ thuộc vào ý muốn của lòng dân, độc lập với nhà nước và không bao giờ thay đổi vì có thay đổi ở cấp này. Ảnh hưởng của các ông đồ rất lớn ở làng xã.

Để cai trị, đất nước được chia ra thành các tỉnh, tỉnh thành huyện hoặc phủ (phủ lớn hơn huyện). Đầu tỉnh (từ nhỏ đến lớn) có Bố Chính, Tuần Phủ hoặc Tổng Đốc nắm hết mọi quyền từ dân sự, qua quân sự đến tư pháp.

Ở trên bình diện này ông quan được xem như một người lãnh đạo độc đoán tối cao ở địa phương.

Mỗi bộ có một đại thần đặc trách theo rõi và kiểm soát cách vận hành của cấp tỉnh. Chức Kinh Lược là một phó vương thay mặt nhà vua ở miền Bắc hoặc Nam, có sứ mệnh đặc biệt và quyền hành rộng rãi ở thời điểm khó khăn. Cụ Nguyễn Trọng Hợp làm Kinh Lược Bắc Kỳ năm 1886 và sau đó trong bảy năm cụ điều khiển Hội Đồng Phụ Chính.

Nhà vua hạ chiếu (hoặc sắc hoặc dụ, tức là ban lệnh) cho các đại thần và một số các quan chức khác (trung thần) ở địa phương. Chỉ có các quần thần mới có cái đặc ân trực tiếp dâng sớ. Sớ là những tờ trình viết nội dung báo cáo, ý tưởng hoặc các đề nghị lên vua. Chảng hạn như cụ Nguyễn Trọng Hợp dâng sớ xin cải cách, xin mở các tòa đại sứ, gửi sứ bộ (phái đoàn đi nước ngoài) nghiên cứu và học hỏi khoa học kỹ thuật.

Vào trường hợp có bất đồng trầm trọng giữa nhà vua và quần thần, các vị này thường viện cớ xin rút lui, hưu trí non. Trở về làng, gần gũi với dân làng, các cụ cảm thấy như trở về nguồn. Đôi khi nhờ đứng ngoài những ràng buộc của chức vụ và những tranh chấp trong triều, các vị đại thần này có thể bày tỏ ý kiến của mình một cách tự do hơn, khi nhà vua tham khảo và được nhà vua triệu về giữ chức cũ. Cụ Nguyễn Công Thái đã dùng biện pháp ấy một lần, cụ Nguyễn Trọng Hợp ba lần !

Tóm tắt là các đại thần và các quan chức khác phải đặt mình dưới lệnh nhà vua, phục vụ nhà nước và dân tộc và phải làm theo đạo đức của người quân tử.

giapha18

Vua Khải Định và bốn vị Tứ Trụ

Hệ thống giáo dục và đào tạo quan lại ấy bị bãi bỏ năm 1915 và được thay thế bởi một hệ thống sao chép theo hệ thống của Pháp. Dần dần chữ Quốc Ngữ được sử dụng với chữ cái la tinh đánh dấu theo âm. Chữ viết này đơn giản hơn chữ Hán và chữ Nôm, nên kiến thức được bình dân hóa dễ dàng hơn. Ngay từ năm 1917, Đại Học Hà Nội đã có các khoa Y, Văn, Luật, có trường Công chính, Đại Học Khoa Học Kỹ Thuật. Các khoa học kỹ thuật thu hút sinh viên đông đảo chứng tỏ họ có nguyện vọng mở mắt ra thế giới bên ngoài. Du học ở Pháp, họ đặc biệt quan tâm đến hai lãnh vực : khoa học kỹ thuật và dân chủ.

Dễ dàng và nhanh chóng, các sinh viên tiếp thu các tư tưởng mới. Đó là nhờ tinh thần uyển chuyển về mặt tri thức khá phát triển của họ và nhờ một hệ thống giáo dục tồn tại trong khoảng mười thế kỷ. Nhờ quá trình lịch sử ấy, hàng trăm thế hệ quan lại và trí thức cũng như nhiều nhà lãnh đạo mác xít đã được đào tạo.

Nguyễn Trọng Kha

Kỳ tới :

Lịch sử họ Nguyễn huyện Thanh Trì theo thứ tự niên đại