Nga đòi được thanh toán bằng đồng rúp : Đòn « rung cây dọa khỉ » ?

Hôm 31/03/2022 phát biểu trên đài truyền hình, tổng thống Nga phô trương sắc lệnh còn chưa ráo mực. Kremlin ra lệnh cho các nhà cung cấp không nhận euro hay đô la từ những khách hàng « bất thiện cảm » kể từ ngày 01/04/2022. Nhân vật quyền lực nhất nước Nga dọa thêm : Nếu không được thỏa mãn, Matxcơva toàn quyền « ngưng » các hợp đồng đang hiện hành.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, ký sắc lệnh về việc thanh toán khí đốt bằng rúp, Matxcơva, Nga, ngày 31/03/2022.  AP - Mikhail Klimentyev


Truyền thông quốc tế bình luận nhiều về những tác động kèm theo, mà đầu tiên hết là kịch bản Nga đơn phương « khóa vòi » cung cấp khí đốt cho Liên Âu, về « áp lực » gia tăng nếu như khách hàng lớn nhất của Nga là thị trường châu Âu, phải thanh toán bằng đồng rúp. Cũng đã có nhiều bài phân tích về những dụng ý của Matxcơva qua « tối hậu thư » nói trên. Phần lớn đều đưa ra những nhận định như sau : Dưới tác động các biện pháp trừng phạt của phương Tây, kinh tế Nga bị đẩy vào chân tường. Đồng rúp tuột giá không phanh so với đô la và không còn mấy ai muốn mua vào đơn vị tiền tệ của Nga. Một nửa dự trữ ngoại tệ của Ngân Hàng Trung Ương Nga bị đóng băng. Bản thân nước Nga cần euro và đô la để thanh toán hóa đơn cho khách hàng. Do vậy sắc lệnh hôm 31/03/2022 nhằm một công đôi ba việc.

Thứ nhất là để dằn mặt châu Âu vốn lệ thuộc đến 40 % vào khí đốt của Nga. Thứ hai là đưa Ngân Hàng Trung Ương Nga trở lại bàn cờ tài chính, tiền tệ quốc tế. Mục tiêu thứ ba nhằm giữ giá cho đồng rúp đang tuột dốc so với đô la. Sau cùng, hệ quả về lâu về dài là một khi quốc tế chấp nhận sử dụng những đơn vị tiền tệ khác (như nhân dân tệ của Trung Quốc hay rúp của Nga…) để thanh toán các khoản giao dịch ngoại thương, đồng đô la Mỹ không còn độc quyền là phương tiện thanh toán của thế giới.

Giới trong ngành nói đến tiến trình « phi đô la hóa », giải tỏa áp lực Mỹ lợi dụng nguyên tắc ngoài lãnh thổ -Extraterritorial Principle, để trừng phạt các quốc gia bị Washington đưa vào « danh sách đen » như phân tích của Nicolas Mazzucchi chuyên nghiên cứu về năng lượng tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp.  

Cũng không ít nhà quan sát cho rằng sau nhiều tuần lễ khởi động chiến tranh tại Ukraina, Vladimir Putin « Không được toại nguyện trên chiến trường nên liên tục tung đòn kinh tế » để chứng tỏ Nga làm chủ tình hình. Điện Kremlin huy động dầu hỏa, khí đốt và nhiều nguồn tài nguyên khác nữa để « phục vụ mục tiêu chiến tranh ».

Thùng rỗng kêu to ? 

Dù vậy, thuần túy về kinh tế thì tuyên bố của Nga đòi khách hàng mua khí đốt bằng đồng rúp nhằm « phô trương thanh tế » : Vladimir Putin cần chứng minh với công luận Nga ông là người làm chủ « cuộc chơi ». Về đối ngoại, đương nhiên sắc lệnh đòi đổi rúp lấy khí đốt là một « áp lực mới » chủ yếu nhắm vào châu Âu – bởi vì Hoa Kỳ không nhập khẩu khí đốt của Nga, nhưng không chắc Matxcơva đạt được tất cả những mục tiêu mong muốn

Trả lời đài RFI tiếng Việt, Thomas Grjebine, Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế của Pháp -CEPII trước hết giải thích cụ thể đòi được thanh toán bằng đồng rúp có làm thay đổi gì hay không trong quan hệ giữa các tập đoàn dầu khí Nga và khách hàng :  

Thomas Grjebine : « Đây trước hết là một quyết định mang tính chính trị. Hậu quả về chính trị to lớn hơn nhiều so với những tác động kinh tế. Việc đòi được thanh toán bằng đồng rúp nghĩa là như thế nào ? Thông báo của Vladimir Putin hôm 31 tháng 3 về thực chất, cần 10 ngày để có thể được áp dụng. Cần nhắc lại là trước chiến tranh Ukraina, quốc tế mua năng lượng của Nga và thanh toán bằng đồng euro hay đô la. Nghĩa là họ chuyển cho Gazprom một số tiền bằng hai đơn vị tiền tệ này, rồi tập đoàn dầu khí Nga, chuyển khoản thu nhập đó vào tài khoản tại Ngân Hàng Trung Ương Nga. Một khi Matxcơva đưa quân xâm chiếm Ukraina, ông Putin đã đòi các hãng xuất khẩu của Nga hoán đổi đến 80 % khoản dự trữ bằng đô la hay euro họ nhận được sang đơn vị tiền tệ của Nga, là đồng rúp. Thế rồi hôm 31/03 Kremlin đi xa hơn nữa, nâng tỷ lệ từ 80 % này lên thành 100 % nhưng biện pháp đó, hiện nay chỉ giới hạn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu khí đốt. 

Các nước nhập khẩu phải mua khí của Nga bằng đồng rúp có nghĩa là phải giao dịch với Gazprom qua trung gian tài chính là ngân hàng Gazprobank, giao đô la hay euro cho Gazprobank để ngân hàng này mua vào đồng rúp. Điều đó có nghĩa là tất cả đô la hay euro sẽ được chuyển về Ngân Hàng Trung Ương Nga qua trung gian chi nhánh tài chính của Gazprom. Nói cách khác, thay đổi duy nhất đối với các khách hàng mua vào khí đốt Nga, họ cần đến một trung gian mới là Gazprobank. Thay đổi duy nhất ở đây là về phía Nga : 100 % hóa đơn khí đốt của các tập đoàn năng lượng Nga sẽ được hoán chuyển sang rúp. Như vậy, chừng nào mà Âu, Mỹ còn mua khí đốt của Nga, thì đô la và euro vẫn tiếp tục được rót vào Ngân Hàng Trung Ương Nga ».  

Ngày 24/02/2022 tổng thống Putin ra lệnh tấn công Ukraina, bốn ngày sau Kremlin chỉ thị cho các tập đoàn xuất khẩu chuyển 80 % thu nhập sang đơn vị tiền tệ quốc gia, tức đồng rúp. Riêng sắc lệnh hôm 31/03/2022 chỉ liên quan đến ngành xuất khẩu khí đốt sang các nước « bất thân thiện » với Nga. Cho dù Vladimir Putin nhấn mạnh sắc lệnh mới có hiệu lực từ ngày 01/04/2022 trên thực tế, như chuyên gia kinh tế Grjebine vừa nhắc lại, các nhà cung cấp của Nga cần thời hạn 10 ngày để thi hành lệnh của tổng thống. Thêm một điểm quan trọng nữa là một khi có hiệu lực, sắc lệnh mới liên quan đến những hợp đồng mà Gazprom chẳng hạn ký kết với khách hàng, kể từ tháng 4- tháng 5/2022 và đó là những hợp đồng « trong tương lai ». Thomas Grjebine nói rõ hơn : trung bình đó là những hợp đồng ký trước cho giai đoạn ba năm săp tới. Có nghĩa là nếu các bên tuân thủ sắc lệnh ngày 31/03/2022  thì kể từ tháng 4 hay tháng 5/2025 các nước « không thân thiện » với Nga mới bắt đầu phải thanh toán cho các nhà cung cấp khí đốt bằng đồng rúp.  Ai biết được thời cuộc từ nay đến đó đi về đâu !

Điều đó không che khuất một thực tế là Matxcơva tìm cách đưa Ngân Hàng Trung Ương Nga trở lại sân chơi, buộc phương Tây phải giao dịch trở lại dưới một hình thức nào đó với định chế mà chính họ đã đưa vào danh sách trừng phạt.

Thomas Grjebine : « Vladimir Putin gia tăng áp lực với châu Âu và chứng minh rằng Matxcơva vẫn có cách để lách lệnh trừng phạt. Như đã nói, đây trước hết là một biểu tượng về mặt chính trị, bởi vì qua đó Kremlin bắt phương Tây vẫn phải giao dịch với Ngân hàng Trung Ương của Nga vào lúc mà một nửa dự trữ ngoại tệ của định chế này bị Âu Mỹ phong tỏa. 

Mục tiêu bơm giá đồng rúp 

Thế còn về lập luận tổng thống Putin qua việc đòi khách hàng của Nga thanh toán bằng rúp nhằm « đẩy tỷ giá đơn vị tiền tệ » quốc gia lên cao so với đô la thì sao ? Chuyên gia kinh tế thuộc trung tâm CEPII của Pháp, Thomas Grjebine cho rằng đây là một màn « nặng phần trình diễn bề ngoài » bởi vì thực chất là ngày nào mà phương Tây còn phải mua vào năng lượng hay nông phẩm, khoáng sản … của Nga, thì vẫn phải dùng đô la hay euro để đổi lấy rúp.

Thomas Grjebine : « Tôi không nghĩ là biện pháp này làm thay đổi nhiều tỷ giá của đồng rúp, tức là cho phép đơn vị tiền tệ Nga tăng giá mạnh lên trở lại so với đô la hay euro. Bởi vì từ trước đến nay các nguồn nhập khẩu khí đốt của Nga vẫn được thanh toán bằng euro hay đô la, tức là dưới hình thức này hay hình thức khác, những khoản tiền đó vẫn phải đi qua Ngân Hàng Trung Ương Nga. Thay đổi ở đây là về phía các nhà cung cấp Nga. Vì chiến tranh Ukraina, các tập đoàn năng lượng Nga phải chuyển đổi 80 % và giờ đây là 100 %  ngoại tệ quốc tế sang đồng rúp ». 

Cho đến thời điểm 05/04/2022 châu Âu không tẩy chay khí đốt của Nga. Gazprom và chi nhánh ngân hàng của tập đoàn này là Gazprobank không nằm trong danh sách các thực thể bị trừng phạt. Gazprom vẫn được quyền nhận vào đô la hay euro, nhưng nếu bắt buộc phải chuyển 80 % hay 100 % thu nhập sang đồng rúp, Gazprom qua trung gian ngân hàng Gazprobank phải giao dịch với Ngân Hàng Trung Ương Nga mà định chế này nằm trong « danh sách trừng phạt » của Âu Mỹ. Vậy liệu rằng đại tập đoàn dầu khí của Nga này có vi phạm lệnh cấm vận quốc tế hay không ? Marc-Antoine Eyl Mazzega, thuộc Viện nghiên Cứu Quan hệ Quốc Tế Pháp cho rằng « Vladimir Putin đang tự bắn vào chân mình » : dầu hỏa và khí đốt bảo đảm đến 36 % ngân sách của liên bang Nga.

Gazprom, nạn nhân đầu tiên của Putin

Không lẽ sắc lệnh đòi được thanh toán 100 % bằng đồng rúp của chủ nhân điện Kremlin mà một hình thức « đánh » vào chính các tập đoàn Nga hay sao ?

Thomas Grjebine : « Vâng, đương nhiên. Quyết định của Vladimir Putin là một áp lực rất lớn đè nặng lên giới tài phiệt Nga, kể cả với Gazrpom. Trước khi nổ ra chiến tranh, Gazprom chuyển đổi một phần các khoản thu vào sang đồng rúp, phần còn lại vẫn là euro hay đô la. Các khoản ngoại tệ này, cho phép Gazprom đầu tư trực tiếp vào công ty của các đối tác ở nước ngoài, chẳng hạn như vào Đức hay Trung Quốc … Nếu như bây giờ phải hoán chuyển 100 % hóa đơn sang rúp, thì coi như là Gazprom phải nộp hết tất cả cho Nhà nước, thông qua Ngân Hàng Trung Ương. Vậy, đây là một hình thức để nhà nước Nga giành lại quyền kiểm soát các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp, can thiệp trực tiếp vào Gazprom, vào ngành xuất khẩu khí đốt của Nga. 

Nếu chỉ nhìn vào cái « được », cái « thua » thuần túy về kinh tế, Kremlin không có lợi gì khi cắt nguồn cung cấp dầu khí cho châu Âu, bởi với giá hiện tại hơn 110 đô la/thùng dầu và từ 5 đến 7 đô la/m3 khí đốt, mỗi ngày Liên Hiệp Châu Âu vẫn rót 750 triệu euro cho các nhà cung cấp Nga bất chấp danh sách trừng phạt càng lúc càng dài.

Nhưng tương tự như trong quyết định về quân sự, « không ai biết » Vladimir Putin tính toán những gì, ngoại trừ việc tổng thống Nga dường như đang huy động cả đồng rúp lẫn ngành dầu khí, năng lượng và có thể là nhiều lĩnh vực khác nước phục vụ « chiến tranh ».

Về phản ứng của phương Tây, thì cũng có nhiều mâu thuẫn, trong các quyết định trừng phạt Matxcơva xâm chiếm Ukraina và một trong những khúc mắc quan trọng nhất nằm trên hồ sơ năng lượng. Thế kẹt của châu Âu thể hiện qua việc Ngân Hàng Trung Ương Nga bị « trừng phạt » nhưng chi nhánh tài chính của Gazprom là Gazprobank thì mặc dù nhiều thành viên trong hội đồng quản trị Gazprobank là những người thân cận với tổng thống Vladimir Putin và có tên trong danh sách trừng phạt của Âu Mỹ.  

Nguồn tin RFI Tiếng Việt