Kẻ đại ác được chọn đóng vai chính

Đằng sau đôi mắt của Putin 

Theodore Dalrymple, Trần Quốc Việt dịch 

Khi tôi coi Vladimir Putin, người có đôi mắt mà người Nga tả rất rõ ràng là "mắt tin", biện minh cuộc xâm lăng Ukraine của ông, tôi nghĩ, giống như nhiều người khác nghĩ, ông có vẻ hơi điên điên. Phi Phát xít Đức hóa ư ! Phải chăng ông không nhận thức là Ukraine, vốn không được tiếng là thân Do Thái trong suốt lịch sử của họ, đã bầu một tổng thống người Do Thái, và qua đấy cũng không nhận thức, như với đại đa số, rằng điều ấy chứng tỏ sự thay đổi lớn về văn hóa ở trong nước ?

cainhin0

Putin có vẻ hơi bị phù ở mặt, và tôi tự hỏi không biết ông có có thể đang dùng steroid chăng.

Rồi tôi chợt nảy ra ý nghĩ là Putin có vẻ hơi bị phù ở mặt, và tôi tự hỏi không biết ông có có thể đang dùng steroid chăng. Những loại thuốc này có tiếng là có rất nhiều phản ứng phụ, đặc biệt là những thay đổi về tâm lý chẳng hạn như hoang tưởng và tính khí vui buồn thất thường. Rồi, tất nhiên, có câu hỏi là tại sao Putin lại dùng đến chúng. Có lẽ ung thư - ung thư bạch huyết ? Điều này gợi nhớ đến nhận xét hơi tàn nhẫn của Evelyn Waugh khi Randolph Churchill trải qua cuộc giải phẫu vì ung thư : chính đặc trưng của y khoa hiện đại là cắt bỏ phần duy nhất không ác tính của Randolph.

Nếu như Putin dùng steroid thì ta có thể giải thích nỗi lo sợ quá đáng và dường như kỳ lạ ở ông về bị nhiễm Covid-19. Chính bệnh ung thư và thuốc này sẽ khiến cho ông dễ lo sợ đến mức như thế, cho nên con người mà có lần thích ví mình là Dundee Cá sấu Nga, ngực trần đánh vật với gấu beo, đã trải qua quá trình biến đổi tâm lý hoàn toàn : thay vào sự bất khả hại là điều ngược lại, là hiểm nguy vô hình rình rập mọi lúc mọi nơi.

Tuy nhiên thật là nguy hiểm khi chúng ta gán cho những hành vi mà chúng ta không thích là điên rồ. Nguy hiểm vì hai lý do : trước tiên, chẩn đoán có thể sai - kẻ rõ ràng điên thực ra là tỉnh - và thứ hai, điên có thể có cái lý của điên. Thực vậy, những người điên có cá tính mạnh có thể lôi cuốn được nhiều người khác đi theo họ : họ có thể thuyết phục những người khác rằng thế giới quan hoang tưởng của họ là đúng đắn. Điều này đặc biệt đúng khi họ có ảnh hưởng quyền lực đối với những ai có cá tính yếu hơn họ.

Người ta có thể vừa điên lại vừa thực tế. Sự hoang tưởng của họ thường trở nên đúng như họ tưởng : nếu ta hành xử như thể người ta chống lại ta, người ta chẳng mấy chốc sẽ bắt đầu hành xử như thể họ chống lại ta. Những nguồn gốc của vấn đề ấy trở nên biến mất trong vòng lẩn quẩn của sự đổ lỗi lịch sử lẫn nhau. Nhưng, xét theo tiền đề hoang tưởng, người điên có thể hành động hợp lý. Nếu ta nghĩ thức ăn ta bị đầu độc, thì hoàn toàn hợp lý thử cho con mèo ăn trước.

Tuy nhiên quyền lực của kẻ hoang tưởng đối với những người theo họ mỏng manh như quyền lực của những kẻ cai trị chủ yếu bằng sợ hãi. Không tiếp xúc với thế giới quan của lãnh đạo của họ trong một thời gian ngắn, hay nếu sự kiểm soát bằng sợ hãi bất ngờ tan vỡ, thì quyền lực sụp đổ. Sự điên cuồng của kẻ điên bất ngờ được phơi bày; người sợ hãi bất ngờ nhận thức rằng cai trị bằng sợ hãi phải cần có hai người. Lúc ấy kẻ vĩ cuồng điên rồ hoặc khiến cho người người kinh sợ liền đánh trả quyết liệt - vì y biết rằng, giống như Nicolae Ceausescu đã mất, y hoặc là nắm quyền hay là chết.

Trong vở kịch rất hay của Ionesco, Vua Qua Đời, vị vua được đặt tên kỳ lạ Berenger, trị vì vương quốc suy tàn, biết rằng ông sắp chết (vì mãi đến lúc đó ông vẫn không bao giờ nghĩ ông sẽ chết), cho nên ông đọc bài diễn văn qua đấy ông yêu cầu sau khi ông chết thì  tất cả các sách lịch sử phải viết về ông, tất cả các tượng đài đều là tượng đài ông, tất cả các công sở mang tên ông. Đó là cách ông trả thù cái chết chung cuộc của con người, có lẽ giống như lời đe dọa của Putin về chiến tranh hạt nhân.

Có lẽ tôi cũng nên nói cho mọi người biết. Chính tôi cũng đang dùng steroid. Có lẽ vì thế cách nhìn của tôi không sáng suốt.

Theodore Dalrymple

Nguyên tác : "What’s Behind Putin’s Eyes ?", City Journal, 28/02/2022

Trần Quốc Việt dịch

************************

Cộng sản cộng nghiệp 

Trần Quốc Việt, 06/03/2022

Vào năm 1842 thi sĩ Đức Heinrich Heine cảnh báo rằng "Chủ nghĩa cộng sản, tuy bây giờ ít được bàn đến và đang lảng vảng trong những gác xép bị che khuất trên những ổ rơm tồi tàn, nhưng là kẻ đại ác được chọn đóng vai chính, dù có lẽ tạm thời, trong bi kịch hiện đại... thời đại man rợ, đen tối đang ầm ầm lao đến chúng ta... Tương lai có mùi da thuộc Nga, máu, vô thần, và rất nhiều roi vọt. Tôi khuyên cháu chắt tôi nên sinh ra đời với da lưng rất dày".

cainhin2

Riêng Việt Nam, chuyến tàu tử thần ấy vẫn đang lao về phía tương lai mà còn có thêm mùi nô lệ.

Nhưng da lưng dẫu có rất dày cũng không cứu được cả trăm triệu người trên thế giới chết dưới tay cộng sản. Đằng sau ống khói mù mịt đen kịt của chuyến tàu cộng sản ầm ầm lao qua các châu lục trong suốt thế kỷ hai mươi là sự hoang tàn đổ nát toàn diện bên cạnh trăm triệu nạn nhân tan thây dọc theo hai bên đường.

Riêng Việt Nam chuyến tàu tử thần ấy vẫn đang lao về phía tương lai mà còn có thêm mùi nô lệ.

Chúng ta ngồi trên chuyến tàu ấy dường như cảm thấy bất lực và tuyệt vọng đặc biệt khi biết sau lưng mình những chuyến tàu tương tự ở Nga, Đông Âu và nhiều nước khác đang nằm rỉ sét trong nghĩa trang lịch sử dưới lớp bụi mờ của thời gian và quên lãng sau khi hành khách đã bước xuống tàu từ lâu và đang đi trong nắng vàng tươi tắn và khí trời trong lành tự nhiên của tự do và dân chủ để sống cuộc đời bình an và bình thường như đại đa số dân chúng trên thế giới.

Còn chúng ta chỉ ngồi đấy nhìn nhau và chờ đợi trong hiện tại đen tối mà linh cảm rằng tương lai càng tối đen mờ mịt hơn. Chúng ta đã đi qua cuộc chiến tranh buồn nhất thế kỷ hai mươi với hàng triệu người chết, và những thế hệ chúng ta đang ngồi đấy và thấy hai bên đường là thảm sát, cải cách ruộng đất, tha hương, tài nguyên cạn kiệt, môi trường rỉ máu, ruộng đất nhà cửa không còn, gia đình tan tác, xấu hổ không còn, vô cảm lên ngôi, băng hoại tràn lan... Bi kịch nối tiếp không ngớt bi kịch, dù cá nhân hay tập thể, quá khứ hay hiện tại, nhưng vẫn đi theo những hành khách im lặng tiến vào tương lai này

Thỉnh thoảng có người đứng lên cổ vũ mọi người hãy đấu tranh thì họ bị đánh bằng những án tù nặng nề. Nhưng đại đa số hành khách thường không màng đến những lời cổ vũ lên tiếng giữa biển im lặng như tờ. Họ vẫn thờ ơ hay vẫn tìm vui trong hạnh phúc riêng bên son phấn, lời ca, hay men rượu. Con tàu trong lúc ấy vẫn lao nhanh về chân trời vô định mịt mùng. Đa số hành khách coi cộng sản là lưới định mệnh mà họ là những con cá nhỏ mắc lưới phải cam phận chấp nhận định mệnh rủi nhiều hơn may được ngày nào hay ngày đó. Cộng sản, họ nghĩ, nói theo nhà Phật là cộng nghiệp giáng xuống đầu một dân tộc mà mỉa mai thay thường hay tự hào là con rồng cháu tiên với hơn bốn ngàn năm văn hiến.

Con tàu định mệnh đang từ từ tiến vào ga Nô Lệ với những hành khách coi quê hương là quán trọ và còn sống nhưng đã gần như chết về tinh thần.

Trần Quốc Việt

(06/03/2022)