Năm kịch bản về việc Nga xâm lược Ukraina

Chưa bao giờ kể từ sau cuộc chiến tranh ở Bosnia (1992-1995) và trước đó, kể từ cuộc khủng hoảng Berlin (1958-1963), với đỉnh điểm là việc xây dựng bức tường vào mùa hè năm 1961, mà một cuộc xung đột quân sự ở châu Âu lại đang cận kề đến như vậy. 

Ảnh minh họa.

Kể từ khi điện Kremlin điều 100.000 binh lính tới vùng biên giới chung với Ukraina, chúng ta đã thấy mối nguy hiểm ngày càng gia tăng. Một câu hỏi ám ảnh vào lúc các hoạt động ngoại giao diễn ra dồn dập trong mấy tuần qua : liệu chúng ta có đang tiến tới một cuộc chiến tranh hay không ?

Tomas Ries, người Thụy Điển, chuyên gia về Nga, đánh giá rằng "toàn bộ vấn đề nằm ở chỗ ánh hào quang của Vladimir Putin dựa trên sức mạnh. Và ông ấy không thể tỏ ra nhu nhược hoặc có ý định lùi bước". Trong bối cảnh chiến tranh càng lúc càng tới gần ở khu vực biên giới Nga-Ukraina, trang mạng tuần báo Pháp L'Express, ngày 25/01/2022, có bài phân tích các kịch bản khác nhau về việc Nga xâm lược Ukraina.

Kịch bản 1 – Đánh chiếm toàn bộ lãnh thổ Ukraina

Đối với các chuyên gia, kịch bản hung hăng nhất và có ít khả năng xẩy ra là một cuộc tổng tấn công nhằm giành quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Ukraina. Tomas Ries, giáo sư về an ninh và chiến lược tại Đại học Quốc phòng (Försvarhögsklan) Thụy Điển cho rằng "ngay cả khi tổng thống Putin đánh bại được quân đội Ukraina và chiếm đóng toàn bộ đất nước - chưa chắc Nga làm được việc này - nhưng ông sẽ phải đối mặt với sự kháng cự ngày càng gia tăng của người dân. Quân đội của ông có thể hứng chịu nhiều tổn thất và có nguy cơ sa lầy".

Một cuộc tấn công như vậy sẽ bao gồm việc huy động toàn bộ lực lượng của Nga để chiếm đóng các khu đô thị lớn, chẳng hạn như Kiev (thủ đô Ukraina với 3 triệu dân) và các thành phố khác như Kharkiv (1,5 triệu dân) hoặc Odessa (1 triệu dân), bởi vì tấn công Ukraina là một chuyện, nhưng chiếm đóng nước này lại là chuyện khác. Một nhà ngoại giao ở Kiev thẩm định, "để kiểm soát một thành phố như Kharkiv thì phải cần đến sự hiện diện của ít nhất 100.000 binh sĩ Nga".

Một cuộc chiếm đóng quân sự cũng đòi hỏi cung ứng hậu cần rất nặng nề. "Một sư đoàn thiết giáp của quân đội Mỹ lúc hoạt động sẽ tiêu thụ khoảng 2,4 triệu lít nhiên liệu mỗi ngày," chuyên gia người Mỹ George Friedman, người sáng lập tổ chức nghiên cứu tư vấn Geopolitical Futures có trụ sở tại Texas cho biết. Trong khi đó Nga đang triển khai nhiều sư đoàn, và theo sau sẽ là một đoàn xe tiếp tế nhiên liệu dài vô tận, có kết nối với các kho dự trữ nhiên liệu khổng lồ. Đây là một công việc phức tạp và tốn kém.

François Heisbourg, cố vấn đặc biệt của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) bổ sung: “Kịch bản này có vẻ khó xảy ra vì cái giá phải trả về chính trị và quân sự cho một chiến dịch như vậy sẽ cực kỳ cao đối với tổng thống Putin”.

Kịch bản này cũng sẽ đòi hỏi duy trì trên thực địa một lực lượng chiếm đóng, đủ để kiểm soát 41 triệu dân Ukraina và bảo vệ các đường biên giới mới, với các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).

“Nguy cơ quốc tế hóa cuộc xung đột sẽ rất cao, phương Tây sẽ ồ ạt gửi thiết bị quân sự sang hỗ trợ Ukraina. Hơn nữa, tình hình sẽ rất thảm khốc với làn sóng người tị nạn Ukraina chạy sang các nước châu Âu”. Do đó, theo chuyên gia François Heisbourg, đây không phải là giả thuyết mà điện Kremlin ưu tiên.

Kịch bản 2 - Tái lập "Novorossia" thời kỳ đế quốc

Vùng Novorossia nằm ở phía đông lãnh thổ Ukraina hiện nay, vốn là một vùng đất mà đế chế Nga chiếm từ Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ 18. Thời Liên Xô, vùng này thuộc về Ukraina, một trong 15 nước cộng hòa. Sau khi Ukraina tuyên bố độc lập, Novorossia vẫn thuộc về Ukraina. Kể từ khủng hoảng 2014, chính quyền Nga chủ trương muốn sáp nhập vùng này trở lại giống như thời đế quốc trước đây. Kịch bản tái lập Novorossia và sáp nhập vào nước Nga đòi hỏi sự huy động lực lượng của Nga trên quy mô lớn, ngay cả khi mục tiêu hạn chế hơn. Theo mơ ước của Vladimir Putin, ông muốn tái tạo một phiên bản mở rộng của "Novorossia" của thời kỳ đế quốc. Điều này sẽ dẫn đến việc kiểm soát khu vực nói tiếng Nga ở miền đông và miền nam Ukraina và sẽ cho phép tiếp giáp đất liền giữa Nga và lãnh thổ Transnistria của phe ly khai Moldavia (thân Nga, không được cộng đồng quốc tế công nhận).

Tình hình này, trên thực tế, sẽ khiến cho Ukraina không tiếp cận được với biển Đen và biển Azov. "Kharkiv (thành phố công nghiệp ở phía đông bắc), nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Ukraina, cũng có thể sẽ bị chiếm đóng. Nga cần một cái cớ : họ sẽ nói rằng họ đang bảo vệ những người nói tiếng Nga", tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã tuyên bố như vậy khi trả lời phỏng vấn của báo Washington Post hôm 20/01/2022.

"Lãnh thổ cần xâm chiếm sẽ ít hơn trong kịch bản một cuộc xâm lược toàn diện, nhưng Nga vẫn sẽ buộc phải huy động một phần lớn lực lượng vũ trang của mình. Họ sẽ phải tấn công trên bộ ở quy mô lớn, ngoài ra họ sẽ phải sử dụng cả hải quân và không quân ”, Melinda Haring, phó giám đốc Trung tâm Á-Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết. Mặt khác, Nga sẽ phải kiểm soát được Odessa, thành phố lớn thứ ba của đất nước, để phát động một cuộc tấn công như vậy.

Nhà nghiên cứu cho biết thêm : “Một lần nữa, chúng ta có thể dự đoán rằng người dân sẽ phản kháng mạnh mẽ. Về mặt lý thuyết, Nga có khả năng chiếm giữ những vùng lãnh thổ này, nhưng họ khó có thể kiểm soát được chúng lâu dài.” Theo một cuộc thăm dò được Viện Xã hội học Quốc tế ở Kiev công bố vào tháng 12 năm 2021, 25,6% người dân sống ở miền đông Ukraina sẽ sẵn sàng cầm vũ khí trong trường hợp bị Nga xâm lược.

Kịch bản 3 - Lập đường bộ kết nối Crimée và Donbass

Trong kịch bản này, Nga sẽ gặm nhấm Ukraina thông qua việc sáp nhập hoàn toàn Donbass và tạo ra một "cây cầu trên bộ" nối khu vực này với Crimée. Mục tiêu ở đây là mở một tuyến đường mới tới bán đảo được sáp nhập vào năm 2014, hiện chỉ được kết nối với Nga bằng một cây cầu được xây dựng qua eo biển Kerch (cực đông của Crimée, ở hướng Krasnodar).

Chuyên gia Tomas Ries, ở Stockholm, cho biết: “Bất chấp các lệnh trừng phạt nặng nề của quốc tế chống lại Nga, việc kết nối các vùng lãnh thổ khác nhau này dường như là một mục tiêu khả tín. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Matxcơva tiếp tế Crimée. "Ngoài việc không cho Ukraina tiếp cận với biển Azov, nước cờ này sẽ cho phép Nga kiểm soát kênh đào Bắc Crimée (nối Crimée với sông Dnepr ở Ukraina), nơi cung cấp gần 85% nước ngọt của bán đảo, trước khi bị Kiev phong tỏa vào năm 2014.

Một chiến dịch như vậy sẽ cần thiết đến một lực lượng quân sự lớn để đột phá các vị trí kiên cố dọc theo chiến tuyến Donbass, và chiếm thành phố Mariupol (450.000 dân). Nhưng chi phí của cuộc tấn công này sẽ thấp hơn rất nhiều so với hai kịch bản nói trên.

Kịch bản 4 – Lật đổ hoặc loại bỏ tổng thống Ukraina Zelensky

Trong kịch bản này, Nga sẽ lật đổ tổng thống Volodymyr Zelensky để thay thế bằng một nhà lãnh đạo thân Nga. Bộ Ngoại Giao Anh đã đề cập đến giả thuyết này hôm 22/01/2022. "Chúng tôi có thông tin về việc các cơ quan tình báo Nga duy trì các mối liên hệ với nhiều cựu chính trị gia Ukraina. Theo thông tin của chúng tôi, chính phủ Nga đang tìm cách đưa một nhà lãnh đạo thân Nga lên nắm quyền ở Kiev" và bộ Ngoại Giao Anh đặc biệt nhắc đến cựu nghị sĩ Ukraina Yevgeniy Murayev, như là một "ứng cử viên tiềm tàng". Sau những cáo buộc này, Ukraina hôm 23/01/2022 tuyên bố mong muốn "xóa bỏ" tất cả những nhóm thân Nga hiện diện trên lãnh thổ của mình.

Theo chuyên gia Tomas Ries, bản thân việc loại bỏ ông Zelensky không phải là một mục đích, nhưng hành động này có thể bổ sung cho một trong những kịch bản nêu trên. Tương tự, rất có thể xảy ra các vụ tin tặc tấn công ồ ạt nhằm gây mất ổn định đất nước, để bổ sung cho bất kỳ kịch bản nào. Ngày 16 tháng Giêng vừa qua, Ukraina đã khẳng định có những "bằng chứng" về việc Nga dính líu vào một cuộc tấn công tin tặc nhằm vào nhiều trang mạng của chính phủ Kiev.

Kịch bản 5 - Giải pháp ngoại giao

Kịch bản này vẫn đang được các bên liên quan xem xét. Sau cuộc hội đàm được mô tả là "thẳng thắn" hôm 21/01/2022 giữa ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken, hai nước đã có một cuộc gặp khác một tuần sau đó. Tuy nhiên, Kremlin cho rằng nếu phương Tây tiếp tục phớt lờ "những lo ngại chính đáng" của Nga về việc Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường sức mạnh ở Ukraina và Đông Âu, thì điều này sẽ gây ra "hậu quả hết sức nghiêm trọng".

Hiện tại, điện Kremlin đặt điều kiện để giảm căng thẳng là phải có các hiệp định bảo đảm NATO không đón nhận thêm thành viên, đặc biệt là Ukraina và NATO rút ra khỏi Đông Âu. Phương Tây cho rằng các đòi hỏi này là không thể chấp nhận được.

Mặc dù vậy, Tatiana Kastouéva-Jean, giám đốc Trung tâm Nga tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri) tin rằng vẫn còn nhiều mối quan tâm chung mà hai bên có thể thống nhất, chẳng hạn như về tên lửa tầm trung ở châu Âu hoặc tính minh bạch của các cuộc tập trận quân sự. Vẫn có thể tìm ra một giải pháp ngoại giao cho phép cả hai bên giữ được thể diện, đồng thời duy trì hòa bình tại châu Âu.

Nguồn tin: RFI Tiếng Việt