Ông Mai Phan Lợi bị án tù 4 năm vì tội 'trốn thuế' (BBC Tiếng Việt)

Ông Mai Phan Lợi, một chuyên gia báo chí và truyền thông xã hội được nhiều người biết đến, vừa bị tòa Hà Nội tuyên án tù bốn năm với cáo buộc 'trốn thuế'.


Cùng ra trước tòa với ông là ông Bạch Hùng Dương, cộng sự, bị mức án 30 tháng tù với cùng tội danh.

Hai người này bị kết án liên quan tới hoạt động của Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC) mà ông Mai Phan Lợi là một trong những người sáng lập, thành lập hồi 2012.

Ông Lợi bị khởi tố, bắt tạm giam từ hồi 6/2021.

Tại thời điểm bị bắt, ông là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của MEC, còn ông Bạch Hùng Dương là Giám đốc.

Theo cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, trong thời gian từ 2012 đến 3/2021, MEC thu về khoảng hơn 19,6 tỷ đồng, trong đó đóng thuế thu nhập cá nhân hơn 377 triệu đồng cho bốn người và đóng thuế môn bài 8 triệu.

Ông Lợi được cho là đã chỉ đạo ông Dương ký các chứng từ rút tiền, chỉ đạo nhân viên không lập hóa đơn giá trị gia tăng đối với các dịch vụ cung cấp theo những hợp đồng đã ký.

Với mức thu và khai nộp thuế như trên, giới chức nói MEC đã 'trốn gần 2 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp', Vnexpress tường thuật.

Với khoản được cho là trốn thuế này, ông Lợi được yêu cầu phải nộp lại đầy đủ. Tòa ghi nhận trước phiên xử, gia đình ông Lợi đã nộp 800 triệu đồng để 'khắc phục hậu quả'.

Các khoản thu của MEC đến từ tiền tài trợ hoặc tiền thực hiện hợp đồng cho các tổ chức trong và ngoài nước.

Một số hoạt động đáng chú ý của ông Mai Phan Lợi

Trước đây, một số tổ chức quốc tế đã lên tiếng phản đối việc bắt giữ, xét xử ông Mai Phan Lợi, và cáo buộc giới chức Việt Nam đã ngụy tạo tội danh trốn thuế nhằm trừng phạt ông về những hoạt động khác.


 
Thông cáo của RSF kêu gọi trả tự do cho ông Mai Phan Lợi ngay sau khi có tin ông bị bắt và truy tố về tội trốn thuế

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) trong thông cáo báo chí hôm 8/7/2021 nói rằng: "Giới chức đã từ chối gia hạn thẻ nhà báo của ông Lợi hồi 5 năm về trước sau khi ông điều tra về những khó hiểu trong vụ chiếc CASA 8983 của không quân Việt Nam bị mất tích hồi 6/2016."

"Chúng tôi không bị lừa bởi cáo buộc trốn thuế mà cơ quan chức năng Việt Nam đưa ra đối với ông Mai Phan Lợi," ông Daniel Bastard, Trưởng Văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, nói. "Tất cả đều cho thấy đó chỉ là một cớ nhằm bịt miệng một nhà báo cố gắng thực thi công việc truyền tải thông tin đến cho các đồng bào của ông một cách đúng đắn."

Ông Lợi từng là phó tổng thư ký tòa soạn, trưởng văn phòng đại diện báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội, và là quản trị viên của một số nhóm hoạt động nghề báo trên mạng xã hội, gồm trang 'Góc nhìn Báo chí - Công dân' với hơn 120 ngàn thành viên trên Facebook, và nhóm 'Diễn đàn Nhà báo trẻ', gần 33 ngàn thành viên.

 


Hồi 2016, sau vụ chiến phi cơ quân sự CASA gặp sự cố khi đang đi tìm chiếc tiêm kích SU-30MK2 bị mất tích, ông Mai Phan Lợi đặt câu hỏi 'Vì sao CASA tan xác?' trên nhóm kín 'Diễn đàn Nhà báo trẻ'. Sau việc này, ông bị thu hồi thẻ nhà báo và rời khỏi nhóm.

Cũng trong năm đó, ông được mời dự cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Obama với các đại diện dân sự Việt Nam trong chuyến công du của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tới Hà Nội.

Trong quá trình hoạt động gần 10 năm, trung tâm MEC của ông Lợi từng ký hợp đồng để thực hiện các dự án 'Nâng cao năng lực truyền thông cộng đồng' cho Đại sứ quán Anh, 'Đào tạo năng lực truyền thông chính thống và trên mạng xã hội cho các cán bộ, các tổ chức xã hội' cho Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Ông thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận trực tuyến trên trang Facebook 'Góc nhìn Báo chí - Công dân' - nhóm đã tạm ngưng hoạt động từ 7/12/2021, trong đó ông mời các chuyên gia trong nước bàn về nhiều vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường.

Trong số những nhà hoạt động đã từng bị án 'trốn thuế' có luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân (30 tháng tù), blogger Điếu Cày (tức nhà hoạt động Nguyễn Văn Hải) (30 tháng tù).

Nguồn: BBC Tiếng Việt

                                                                                                                  (11/1/2022)