Nhà báo Pháp gốc Việt Đoan Bùi và hành trình tìm lại tiếng mẹ đẻ
Cũng như nhiều người Việt sống ở hải ngoại, nhà văn, nhà báo gốc Việt Đoan Bùi, vì mong muốn hòa nhập tại nước sở tại mà dần quên đi tiếng nói, văn hóa Việt Nam. Nhưng cô đã không chấp nhận để bị "hòa tan" và muốn chứng minh rằng, nếu muốn tìm lại tiếng mẹ đẻ, dù là sau bao nhiêu năm đánh mất nó, hay ở độ tuổi nào, thì vẫn hoàn toàn có thể học lại được.
Trước màn hình máy tính, với cuốn từ điển trong tay, nhà văn và nhà báo Pháp gốc Việt Đoan Bùi đã học tiếng Việt cách nay 4 tháng, nói đúng hơn là học lại tiếng Việt. Thứ âm thanh mà cô đã nghe từ thuở lọt lòng, theo năm tháng sống trong môi trường văn hoá khác, đã bị lãng quên. Mãi cho đến tận hôm nay, cô mới tìm lại được và có thể giao tiếp cơ bản. Mỗi thứ năm hàng tuần, bên chiếc bàn nhỏ trong phòng khách nhà mình, cô kết nối học trực tuyến với giáo viên dạy tiếng Việt từ thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây, cô cũng muốn đăng ký học tiếng Việt ngay tại Pháp, nhưng bộn bề công việc và gia đình, khó có thể tìm được thời gian phù hợp. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, việc học trực tuyến trở nên dễ dàng hơn và đó là lý do đầu tiên thôi thúc cô học lại tiếng mẹ đẻ :
Mình thấy thật là tốt vì mình có cơ hội học tiếng Việt, sống ở bên Sài Gòn. Nhưng mà bây giờ khá là đặc biệt, tại vì có nhiều học sinh khác sống ở bên Sài Gòn, nhưng mà mọi người gặp nhau trên mạng. Giáo viên của mình giúp đỡ mình phát âm, học từ mới. Và mình thấy thiệt là thú vị vì mình thấy có nhiều cơ hội tìm hiểu về Việt Nam, ví dụ về cách ly phòng Covid-19, tình hình Covid ở bên Việt Nam.
Ngoài việc là cây bút của tuần san l’Obs, Đoan Bùi còn được biết đến với cuốn tự truyện “Người cha im lặng” (Le silence de mon père) kể về hành trình phơi bày những bí mật được chôn sâu trong chính gia đình mình, sau khi bố của cô bị tai biến và mất đi khả năng nói chuyện. Đối với cô, hành trình quay trở lại với tiếng Việt là một sự tiếp nối của cuốn sách này. Cô mong muốn có thể nói chuyện lại với ba mẹ bằng tiếng mẹ đẻ của cả hai người, mà ngay cả họ cũng đang dần quên đi. Và cũng đã từ lâu, tiếng Việt không còn được sử dụng trong giao tiếp trong gia đình, mà thay bằng tiếng Pháp. Tuy nhiên, quyết định học lại tiếng Việt đôi khi lại gây mệt mỏi, không nhận được sự ủng hộ từ người thân của Đoan Bùi:
Nhưng mà gia đình mình không có vui mừng gì cả, tại vì họ thấy kỳ cục, vì mình nhắn tin bằng tiếng Việt trong nhóm gia đình trên (mạng xã hội ) Whatsapp, sau đó em gái mình nói ‘thôi đừng nói tiếng Việt trong nhóm này nữa, nói tiếng Pháp thôi'. Mẹ của mình la mình hoài, vì phát âm của mình không có tốt, mình nói sai, khi nói chuyện với nhau, má mình thật là nóng tính, má nói : trời ơi tại sao mày bày đặt nói tiếng Việt, nói xấu quá, nói kỳ cục quá.
Tại thành phố Mans, cách Paris khoảng hai giờ lái xe, nơi Đoan Bùi sinh ra và lớn lên, gia đình cô có lẽ là gia đình người Việt Nam duy nhất sinh sống. Thế nên ngay từ nhỏ, ngoài những giao tiếp trong gia đình, tiếng Việt rất ít khi được sử dụng, và rồi dần biến mất khỏi ngôn ngữ giao tiếp trong gia đình di dân. Ngoài việc sợ bị kỳ thì, phân biệt đối xử, theo Đoan Bùi còn có lý do khác.
Hồi đó, đây là ước mơ của bố, tại vì bố muốn mình nói tiếng Việt, nhưng hồi đó không biết tại sao mình không có muốn nói tiếng Việt. Mình nói tiếng Pháp hoài. Tại vì chắc là ở bên Pháp có ý tưởng, gọi là universalisme. Universalisme là một ý tưởng cũng đẹp, là Cộng hoà Pháp không muốn thấy sự khác biệt của người dân, không muốn thấy chủng tộc của người ta. Mình có áp lực muốn hoà nhập với xã hội của người Pháp, mình muốn trở thành người Pháp bình thường. Cho nên mình muốn chứng minh người khác là mình biết nói tiếng Pháp giỏi hơn người Pháp. Cái này là lý do mình tập trung với tiếng Pháp, đọc sách tiếng Pháp quá trời, mình học giỏi, mình muốn hoà nhập trong xã hội của người Pháp.
“Ta là ai trên cõi đời này, khi ta phải học ngay từ thuở thơ ấu rằng chẳng có gì là mãi mãi, rằng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để đánh mất mọi thứ ngay cả tiếng mẹ đẻ”, đó là những lời bộc bạch của nhà văn Pháp Colombe Schneck. Còn đối với nhà văn Đoan Bùi, việc quên đi tiếng mẹ đẻ, mà chị ví như tiếng nhạc của tuổi thơ, tiếng của bà ngoại, giống như việc mất đi một phần cơ thể. Nỗi mặc cảm tự ti xen lẫn với nỗi nhớ thương, để rồi quyết đình tìm lại tiếng nhạc đó ở tuổi tứ tuần.
Chừng nào mình lớn lên, mình cũng thấy xấu hổ. Tại vì mình thấy tại sao mình mất văn hoá của mình ? Tại sao mình quên tiếng mẹ đẻ của mình ? Mỗi lần mình về Việt Nam, mình thấy mình (giống kẻ) phản bội. Tại vì mình quên, mình không biết nói tiếng Việt, cho nên là mình sợ hoài người ta sẽ phán xét, tại vì mình là di dân. Chắc cái này là lý do tại sao mình bị kẹt trong bế tắc không học lại tiếng Việt được. Mình học được tiếng Anh, mình biết nói tiếng Đức, nhưng mà tại sao mình không nói được tiếng Việt. Tiếng của cha mẹ mà mình không có biết nói. Mình thấy tình hình của mình giống như nhiều người di dân ở bên Pháp, nhiều người muốn hoà nhập trong xã hội của người Pháp. Tại vì mình cũng hoà nhập thì cũng hoà tan, sẽ quên tiếng của mình, ngôn ngữ của mình, văn hoá của mình, tại vì mình sống ở bên pháp, làm việc với người Pháp.
Việc quên đi tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ, của Đoan Bùi, hay của những người Việt sống ở hải ngoại không phải là trường hợp cá biệt mà là một hiện tượng phổ biến đối với những người sống trong một môi trường văn hoá xã hội khác và ít có cơ hội thực hành tiếng mẹ đẻ.
Tạp chí khoa học Science et Vie trích dẫn nhận định của tiến sĩ ngôn ngữ và tâm lý học Brigitte A. Eisenkolb, cho rằng tiếng mẹ đẻ là thứ tiếng ghi dấu ấn sâu đậm nhất vào trí nhớ của chúng ta, nhưng nó có thể bị suy tàn nếu không thực hành. Nhà nghiên cứu đưa ra hai khả năng dẫn đến việc này. Khả năng thứ nhất : thiếu sự thực hành ngôn ngữ mẹ đẻ khiến trí nhớ của đối tượng sẽ bị ảnh hưởng. Thứ hai, sự ảnh hưởng trực tiếp của ngôn ngữ mới sẽ dẫn đến sự tổ chức lại não bộ để thích ứng với ngôn ngữ mới này. Vậy liệu khả năng quên đi tiếng mẹ đẻ có thể là vĩnh viễn ? Theo BBC, đối với trẻ dưới 12 tuổi, điều này hoàn toàn có thể xảy ra vì ở độ tuổi này, bộ não linh hoạt và “dễ uốn”. Các kết nối giữa các tế bào thần kinh vẫn chưa ổn định khiến cho việc học hay quên đi một ngôn ngữ nhanh chóng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ em được nhận làm con nuôi ở một nước thứ ba trước 9 tuổi thường quên ngôn ngữ được nói ở “nước mẹ đẻ” của chúng.
Đối với người lớn, trường hợp này hiếm xảy ra hơn. Các trường hợp thường gặp nhất là những người gặp phải sang chấn tâm lý nặng. Ví dụ như về những người Do Thái Đức trốn khỏi Đức Quốc xã để định cư ở Hoa Kỳ hay Anh. Những người rời đi trước năm 1938 vẫn nói được tiếng mẹ đẻ của họ (tiếng Đức), còn những người ra đi sau giai đoạn này thì bị “chấn thương tâm lý” nặng hơn, không thể nói được ngôn ngữ của họ.
Gần một nửa ngôn ngữ thế giới bị đe dọa "biến mất"
Theo UNESCO, ngôn ngữ phản ánh một nền văn hoá, bao hàm bản sắc, hội nhập xã hội, ký ức tập thể, giáo dục…vv, có tầm quan trọng đối với sự phát triển đối với nhân loại. Quá trình toàn cầu hoá khiến các ngôn ngữ bị đe dọa và bị mất hoàn toàn. Hơn 43% trong số khoảng 6.700 ngôn ngữ được sử dụng trên thế giới đang bị đe dọa biến mất. Chỉ có vài trăm ngôn ngữ thực sự có giá trị trong hệ thống giáo dục và trong phạm vi công cộng, và chưa đến một trăm ngôn ngữ được sử dụng trong thế giới kỹ thuật số. Điều này có nghĩa là cứ sau hai tuần, một ngôn ngữ sẽ biến mất vĩnh viễn, mang theo cả một di sản văn hóa và tri thức. Để thúc đẩy sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa ngôn ngữ trong xã hội ngày nay, UNESCO ấn định ngày 21/02 hàng năm là Ngày Quốc tế Tiếng Mẹ Đẻ.
Quay trở lại với hành trình tìm lại tiếng mẹ đẻ của Đoan Bùi, trái với ý kiến cho rằng để có thể học tốt được một ngôn ngữ, cần phải học từ khi nhỏ tuổi, cô thấy rằng việc học lại thứ tiếng của cha mẹ mình không phải là nhiệm vụ bất khả thi: “Hành trình với tiếng Việt thật là dài, nhưng càng dài càng đẹp vì mình khám phá nhiều thứ về Việt Nam. Hiện giờ mình có thể đọc bản dịch cuốn sách của mình bằng tiếng Việt, mà hồi đó đấy là ước mơ của mình. Cho nên mình thấy rất hạnh phúc vì đã đi trong hành trình này.”
Nguồn tin RFI Tiếng Việt