Đài Loan : Cục xương khó nuốt đối với Bắc Kinh ? (Nguyễn Quang Dy)

 Kẻ nhân nhượng cho cá sấu ăn với hy vọng nó sẽ ăn thịt mình cuối cùng

 An appeaser is someone who feeds a crocodile hoping it will eat him last

 Churchill

 


Gần đây, câu hỏi Trung Quốc có đánh chiếm Đài Loan không và nếu có thì bao giờ đã làm giới nghiên cứu đau đầu và dư luận lo ngại, nhưng vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, các giả thuyết vẫn chưa rõ ràng. Trong thế giới "hậu chiến tranh lạnh" (Mỹ – Xô) hay "chiến tranh lạnh kiểu mới" (Mỹ – Trung), yếu tố "bất định" và "khó lường" ngày càng tăng, làm cho điều chỉnh chiến lược thời Trump và thời Biden vẫn chưa hoàn chỉnh.

Tập Cận Bình đã chuẩn bị hậu trường để trở thành "Hoàng đế Trung Hoa" một khóa nữa (vào năm 2022), nên ông có thể muốn chinh phục Đài Loan làm viên ngọc cho "vương miện của mình". 

Trung Quốc muốn gì ? 

Cố tổng thống Nixon trước khi mất đã ví Trung Quốc như một "Frankenstein". Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ và quyết đoán không chỉ vì ý chí của chính họ, mà còn được Mỹ và đồng minh khuyến khích và nhân nhượng. Qua mấy đời tổng thống Mỹ, họ đã ngộ nhận về Trung Quốc và theo đuổi chủ trương "can dự" (engagement). Trong khi Obama "tránh rủi ro" (risk aversion) thì Biden "mập mờ chiến lược" (strategic ambiguity). 

Hai năm qua, Mỹ đã sa vào khủng hoảng y tế do đại dịch Covid-19 làm hơn sáu mươi vạn người chết, và khủng hoảng chính trị mà đỉnh điểm là vụ chiếm nhà Quốc hội (6/1/2021). Tập Cận Bình đã tranh thủ thời cơ củng cố quyền lực, mà đỉnh điểm là "nghị quyết lịch sử" được Hội nghị Trung ương 6 thông qua, không chỉ khẳng định quyền lực của Tập như "Hoàng đế Trung Hoa", mà còn tăng cường áp lực ở Biển Đông và eo biển Đài Loan để nắn gân Mỹ. 

Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa 19), với sự hỗ trợ của Chủ tịch Nhân đại (Quốc hội) Lật Chiến Thư, Tập Cận Bình đã áp đảo được tiếng nói phản kháng và kiểm soát được tình hình. Nhưng theo nhà bình luận chính trị Ngụy Kinh Sinh (24/11/2021), thì đó chỉ là tuyên truyền bên ngoài, còn bên trong tranh luận rất gay gắt. Vụ 500 ý kiến phản đối đã đẩy đấu tranh quyền lực bên trong "cái hộp đen" Trung Quốc lên cao trào mới. Nói cách khác, Tập Cận Bình muốn nâng một tảng đá nhưng tảng đá đó lại đập vào chân ông ta, nên tiến thoái lưỡng nan. 

Các chuyên gia cho rằng Tập Cận Bình đã chuẩn bị hậu trường để trở thành "Hoàng đế Trung Hoa" một khóa nữa (vào năm 2022), nên ông có thể muốn chinh phục Đài Loan làm viên ngọc cho "vương miện của mình". Nếu chiến tranh lạnh kiểu mới kèm theo "chiến tranh nóng" thì Đài Loan là nơi dễ xảy ra nhất. Tuy xung đột là rủi ro, nhưng Tập Cận Bình cho rằng lúc này là cơ hội tốt nhất, hơn là chờ mười năm nữa.

Trong một cuốn sách mới xuất bản, David Shambaugh (George Washington University) đánh giá lại năm lãnh đạo đã dẫn dắt Trung Quốc từ 1949 đến nay. Đó là Mao Trạch Đông (1949-1976), Đặng Tiểu Bình (1979-1989), Giang Trạch Dân (1989-2002), Hồ Cẩm Đào (2002-2012), và Tập Cận Bình (2012-đến nay). Tuy chặng đường dẫn Tập Cận Bình đến khóa thứ 3 có vẻ rộng mở, nhưng đằng sau hậu trường, những người chống đối suy nghĩ khác. 

Chính sách của Tập Cận Bình đang gây tranh cãi. Khi Đại hội 20 càng gần, thì căng thẳng về chính trị ngày càng cao. Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo Đảng đã thanh trừng lực lượng cảnh sát, an ninh, viện kiểm sát, và trấn áp những nhà tư bản lớn (như Jack Ma). Nhiều người coi "nghị quyết lịch sử" mới được thông qua là một bước cốt yếu để đưa Tập Cận Bình vào "ngôi đền của Đảng". Trong khi người Trung Quốc lo lắng về việc Tập Cận Bình tập trung quá nhiều quyền lực, thì các lãnh đạo trẻ hơn thất vọng vì thiếu chuyển giao quyền lực. 

Mỹ và đồng minh muốn gì ? 

Theo Elbridge Colby (nguyên phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng dưới thời Trump), Trung Quốc đã dành 25 năm qua để xây dựng quân đội hiện đại nhằm đánh chiếm Đài Loan, nên họ có thể hành động vào năm 2025. Để tránh xung đột, Mỹ phải hành động nhanh hơn và ưu tiên giúp Đài Loan tăng cường năng lực quốc phòng để răn đe Bắc Kinh. Mỹ cần thay thế chủ trương "mập mờ chiến lược" bằng cam kết mạnh hơn với Đài Loan. 

Đô đốc Philip Davidson (nguyên tư lệnh vùng Indo-Pacific) cho rằng Trung Quốc chưa sẵn sàng chiếm Đài Loan trước năm 2027, và không có bằng chứng nào cho thấy họ định "đánh úp". Trung Quốc hy vọng gây áp lực ngày càng mạnh về ngoại giao, kinh tế, và quân sự với Đài Loan sẽ giúp Quốc Dân Đảng (thân Bắc Kinh) giành thắng lợi trong bầu cử tổng thống vào năm 2024. Nhưng, nếu phó tổng thống Lại Thanh Đức (ủng hộ Đài Loan độc lập) thắng thì Trung Quốc có thể buộc phải chọn giải pháp quân sự. 

Sau cuộc gặp Mỹ-Trung đầy kịch tính ở Anchorage (19/3), hai bên đều muốn giảm nhiệt bằng một cuộc gặp cấp cao. Tiếp theo điện đàm giữa Biden và Tập (9/9), Jake Sullivan (cố vấn an ninh quốc gia) gặp Dương Khiết Trì (phụ trách đối ngoại) tại Thụy Sỹ (26/10) để thu xếp cuộc gặp cấp cao (15/11). Hội đàm kéo dài ba tiếng rưỡi, tuy trao đổi nhiều chủ đề khác như thương mại và nhân quyền, nhưng Đài Loan vẫn là chủ đề nóng nhất. 

Tuy trước mắt (bên ngoài) hai bên có vẻ hạ nhiệt vì Biden và Tập là "bạn cũ", nhưng về lâu dài (bên trong) mâu thuẫn vẫn còn nguyên. Trong khi Biden nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập "một số đảm bảo thông thường" để tránh hiểu lầm dẫn đến xung đột ngoài ý muốn, Tập Cận Bình không có một thỏa hiệp đáng kể nào. 

Gần đây, quan điểm về Trung Quốc của Úc đã thay đổi nhiều và phân hóa sâu sắc. Theo Peter Jennings (ASPI Executive Director), "bảo vệ Đài Loan là sống còn đối với an ninh của Úc", và "còn quá sớm để chịu đầu hàng Trung Quốc". Nhưng Huge White (Lowy Institute) lại cho rằng phải tránh chiến tranh vì cái giá của chiến tranh cao hơn nhiều so với phải sống dưới trật tự khu vực do Trung Quốc dẫn đầu. Đó là một quan điểm trái chiều. 

Paul Keating (cựu thủ tướng Úc) cũng cho rằng lập trường chính thức của Úc không nên giúp Đài Loan vì đó là "vấn đề nội bộ" của Trung Quốc. Keating không chỉ ngộ nhận về "nhân nhượng", mà còn bi quan về sự thay thế. Nhân nhượng được đề xuất nhằm tránh xung đột, tuy trong trường hợp Đài Loan không dễ xảy ra.

 Đài Loan và Biển Đông 

Trong bối cảnh đó, Đài Loan và Việt Nam vẫn lo ngại "lịch sử sẽ lặp lại" nếu Mỹ-Trung thỏa thuận riêng sau lưng họ. Đó có thể là lý do Việt Nam vẫn chưa vội nâng cấp quan hệ với Mỹ lên "đối tác chiến lược", nhưng là lý do để Nhật và Việt Nam nâng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng lên một "cấp độ mới". Tại cuộc gặp cấp cao ở Tokyo (23/11) giữa thủ tướng Nhật Fumio Kishida và thủ tướng Việt Nam Pham Minh Chính, hai bên đã ra tuyên bố chung "cực lực phản đối những ý đồ đơn phương thay đổi nguyên trạng tại khu vực".

 Theo một báo cáo của CNAS (26/10), Trung Quốc có thể chiếm đảo Ba Bình (Taiping hay Pratas) tại Biển Đông và biến nó thành một tiền đồn. Mỹ không chỉ cần bảo vệ Đài Loan, mà còn phải ngăn xung đột leo thang ra ngoài Biển Đông. Các nhà phân tích cho rằng Mỹ có thể chơi trò "chọi gà" (chicken game) với Trung Quốc tại Ba Bình, nhưng thiếu Nhật hỗ trợ thì Mỹ và Đài Loan yếu thế, làm Lầu Năm Góc khó xử. 

Trong cuốn sách "Hindsight, Insight, Foresight : Thinking about Security in the Indo-Pacific (do Alexander Vuving chủ biên và APCSS xuất bản (9/2020), Vuving lập luận rằng Biển Đông tuy có thể gặp nguy hiểm, nhưng khó rơi vào "bẫy Thucydides" như giáo sư Graham Allison cảnh báo, vì Biển Đông theo luật chơi "chọi gà" (chicken game) chứ không theo luật chơi "thế lưỡng nan của người tù" (prisoner’s dilemma). Nói cách khác, nếu Đài Loan cũng theo luật chơi "chọi gà" như ở Biển Đông thì cũng có thể tránh được "bẫy Thucydides". 

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đe dọa Đài Loan. Trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần trước (1995-1996), Mỹ đã triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực, buộc Trung Quốc phải xuống thang. Tổng thống Thái Anh Văn đã tuyên bố, "Đài Loan đứng trên tuyến đầu của cuộc tranh chấp toàn cầu giữa nền dân chủ và nền độc tài. Nếu Đài Loan thất bại, thì đó sẽ là một thảm họa cho hòa bình và dân chủ. 

Kurt Campbell (Asia-Pacific Coordinator) phát biểu tại Institute of Peace (19/11) đã nhấn mạnh, "Ấn Độ là một đối tác chủ chốt" (a key fulcrum player) trên trường quốc tế và "Việt Nam là một quốc gia thiết yếu" (a critical swing state) tại Indo-Pacific. Ấn Độ và Việt Nam đứng đầu danh sách các nước thiết yếu sẽ định hình tương lai Châu Á". Lãnh đạo Mỹ và Việt Nam cần làm quen, và chia sẻ tầm nhìn chiến lược thực sự". 

Theo Derek Grossman (RAND’s senior defense analyst), trong khi chính quyền Joe Biden có thể tiếp tục đà tích cực trong quan hệ song phương với Việt Nam, thì vẫn chưa rõ Hà Nội muốn điều gì cụ thể từ Washington để giúp họ đối phó với Bắc Kinh một cách hiệu quả. Trong khi cố gắng cân bằng giữa hai siêu cường, Việt Nam tuy muốn tăng cường quan hệ an ninh quốc phòng nhưng còn ngại "đối tác chiến lược" với Mỹ. 

Thay lời kết 

Tóm lại, Trung Quốc không bao giờ từ bỏ ý đồ thâu tóm Đài Loan vì "lợi ích cốt lõi", kể từ khủng hoảng Kim Môn, Mã Tổ (1958) đến khủng hoảng eo biển Đài Loan (1995-1996). Trong khi Trung Quốc trỗi dậy thành một siêu cường, thì Đài Loan cũng đã phát triển thành một cường quốc bậc trung hiện đại. Đài Loan là một cục xương khó nuốt hơn nhiều so với Hong Kong, không chỉ vì nó có tiềm lực kinh tế và quân sự đáng kể, mà còn được Mỹ, Nhật và các nước đồng minh khác bảo vệ, vì những lợi ích sống còn trong khu vực. 

Nếu Mỹ quyết tâm bảo vệ Đài Loan thì phải tăng cường khả năng "răn đe kết hợp" (integrated deterrence), và điều chỉnh chủ trương "mập mờ chiến lược" để giúp Đài Loan đối phó hiệu quả hơn với Trung Quốc. "Mập mờ chiến lược" không đem lại "ổn định chiến lược", mà chỉ duy trì "khoảng lặng trước một cơn bão". Washington đã điều chỉnh chiến lược dưới thời Trump, và nay tiếp tục điều chỉnh chiến lược dưới thời Biden. Nhưng quá trình điều chỉnh chiến lược của Washington để đối phó với Bắc Kinh đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh.

Nguyễn Quang Dy

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 28/11/2021