« Báo động đỏ » về thảm kịch khí hậu : Đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ Trái đất có thể tăng 2,7 độ C

Sáu tuần trước khi diễn ra Hội nghị khí hậu COP 26 tại Glasgov, Scotland, thuộc Vương Quốc Anh, Liên Hiệp Quốc ra báo cáo theo đó lượng carbon thải ra khí quyển vẫn sẽ tăng mạnh kể cả khi các nước cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính như cam kết, dẫn tới « thảm kịch » nhiệt độ Trái đất có thể tăng thêm 2,7 độ C so với thời tiền công nghiệp, thay vì chỉ tăng tối đa 1,5 - 2,0 độ C như mục tiêu đã đề ra tại COP21 Paris. 

Khói và hơi nước bốc lên từ một nhà máy than ở tỉnh Sơn Tây, miền trung Trung Quốc, ngày 28/11/2019.
Khói và hơi nước bốc lên từ một nhà máy than ở tỉnh Sơn Tây, miền trung Trung Quốc, ngày 28/11/2019. © AP/Olivia Zhang

Ngày 16/09/2021, Tổ chức Khí tượng Liên Hiệp Quốc (WMO) công bố báo cáo có tên gọi « United in Science 2021 ». Cùng tham gia thực hiện báo cáocòn cónhiều định chế quốc tế và các tổ chức khoa học thế giới, đặc biệt là nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu GIEC. Dựa trên những dữ liệu mới nhất về khí hậu, báo cáo cho thấy một tình trạng đáng báo động, thậm chí là một « thất bại » : Thế giới đang đi chệch rất xa so với mục tiêu cần hướng tới. Nỗ lực của chính quyền các nước vẫn chưa đủ, thậm chí còn rất nhiều nước chưa nỗ lực đối phó với khủng hoảng khí hậu.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guteress lưu ý nếu thế giới không có các biện pháp mạnh, thỏa thuận khí hậu Paris có nguy cơ « tan thành mây khói », cái giá phải trả chothất bại về mục tiêu đã đề ra tại COP 21 sẽ được phản ánh bằng những mạng sống bị cướp đi và những sinh kế bị tàn phá do biến đổi khí hậu.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh là ngay cả khi các nước thực hiện các cam kết đã có về cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính, đến năm 2030, lượng CO2 thải ra môi trường vẫn tăng 16% so với năm 2010. Theo bà Patricia Espinosa, thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (CCNUCC), đây là một mức tăng nghiêm trọng và đi ngược lại lời kêu gọi của giới khoa học về việc thế giới phải khẩn trương giảm trên quy mô rộng việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để tránh những hậu quả nặng nề về khí hậu.

Như để minh họa cho mối lo ngại của Liên Hiệp Quốc, ngày 25/09, chỉ hơn 1 tuần sau khi báo cáo được công bố, bất chấp việc Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước « khẩn cấp gia tăng nỗ lực », thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố Canberra từ chối việc thông qua lịch trình từ bỏ các loại năng lượng hóa thạch cho dù Úc là nước xuất khẩu than hàng đầu thế giới, nằm trong nhóm các nước phát nhiều khí thải nhất và cũng là một trong những quốc gia đang chịu tác hại nặng nề từ biến đổi khí hậu. Quả đúng như nhiều chuyên gia ví von : Thế giới đang bị mắc kẹt trong một cái hố ngày càng bị con người đào sâu thêm …

Hoạt động của con người : Tác động không thể phủ nhận

Thực ra, từ cách nay gần 2 tháng, GIEC đã có một báo cáo được coi là « gây chấn động », cảnh báo về nguy cơ xảy ra những thảm hoạ nghiêm trọng « chưa từng có ». Hôm 09/08/2021, nhà báo Marina Bertsch, chuyên trách mảng môi trường, khí hậu của đài France 24, giải thích :

« Báo cáo này rất được trông đợi bởi vì đây là báo cáo lớn nhất từng được thực hiện về tình trạng hâm nóng bầu khí quyển (…) Nói một cách đơn giản, báo cáo dài 40 trang ghi nhận tình trạng hành tinh của chúng ta và về cơ bản là để cho các nhà lãnh đạo chính trị, đó là dùng khoa học để thúc đẩy giới lãnh đạo hành động (…) muộn nhất là đến năm 2030 ngưỡng tăng nhiệt độ tối đa 1,5 độ C có thể sẽ bị vượt quá, tức là nhanh hơn 10 năm so với dự kiến ban đầu. Đó là những gì các nhà khoa học vừa cho chúng ta biết. Và chúng ta được biết rằng nhiệt độ ở các vùng đất liền tăng cao hơn so với các đại dương, nhiệt độ ở hai cực tăng nhanh hơn ở vùng chí tuyến.

Và trong báo cáo mới ra này, có một câu thực sự có ý nghĩa then chốt mà chúng ta cần phải ghi nhớ, đó là tác động của các hoạt động của con người đối với tình trạng Trái đất nóng dần lên đã hoàn toàn rõ ràng, không có gì phải nghi ngờ hết. Tại sao điều này là quan trọng và tại sao lại có thể nói rằng đó là một điểm mới ? Đó là bởi vì trong các báo cáo trước, người ta nói rằng, đây « rất, rất có thể » là do con người gây ra, theo báo cáo hồi năm 2013. Và từ năm 2013 đến nay, thì nhận định này đã chuyển thành « hoàn toàn rõ ràng, không có gì phải nghi ngờ cả ».

40 trang tóm tắt, đó mới chỉ là phần 1 của báo cáo, sẽ còn có phần 2, phần 3 được công bố vào tháng 02 và tháng 03 năm 2022. Báo cáo này ngắn gọn, chỉ có 40 trang, nhưng nó gây chấn động rất mạnh, và rõ ràng đó là một đòn cảnh cáo đối với các nhà lãnh đạo thế giới, đó một lời cảnh báo thậm chí có thể nói là khắt khe nhất từng được đưa ra, như chủ tịch thượng đỉnh khí hậu COP 26 Alok Sharma nói. »

Báo cáo của GIEC được đưa ra trong bối cảnh lũ lụt, nắng nóng và hỏa hoạn gia tăng khắp nơi trên thế giới, từ Trung Quốc, vùng Viễn Đông Nga, Đức, các nước Nam Âu, sang đến tận Mỹ, Canada … Nhà báo Marina Bertsch cho biết thêm :

« Từ trước tới nay, các nhà khoa học vẫn khá ngần ngại, đắn đo (khi nói về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan). Trước đây, họ nói với chúng ta : Vâng, chúng ta có thể …, chúng ta biết rằng … Nhưng các mô hình khoa học mà họ đã phát triển cũng là những đóng góp, cống hiến lớn. Tính từ khi có báo cáo năm 2013 cho đến nay, các công cụ khoa học đã có rất nhiều tiến triển. Các nhà khoa học ngày càng bớt do dự khi thiết lập mối liên hệ (giữa biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan). Họ có những khẳng định mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn rất nhiều, theo đó đúng là sự hâm nóng Trái đất có liên quan chặt chẽ với các hiện tượng thời tiết cực đoan và làm cho các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng thêm nghiêm trọng ».

Thiếu cam kết từ những nước gây ô nhiễm nhiều nhất

Trong báo cáo hồi giữa tháng 09, Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (CCNUCC) cho biết trong số 191 bên đã phê chuẩn thỏa thuận khí hậu Paris COP21 (190 nước và Liên Hiệp Châu Âu), hiện mới chỉ có 113 bên đệ trình cam kết hoặc điều chỉnh cam kết mới về khí hậu được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, được gọi là NDC - các đóng góp do quốc gia xác định. Trên nguyên tắc, cứ sau 5 năm, các nước lại phải điều chỉnh NDC theo hướng đẩy mạnh mức giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhằm đạt mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI phải trung hòa lượng khí thải CO2.

Đáng lưu ý là một số nước gây ô nhiễm nhiều nhất lại chưa đệ trình cam kết NDC mới, đặc biệt là Trung Quốc, nước thải tới 25% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu, mặc dù chủ tịch Tập Cận Bình cách nay 1 năm từng hứa hẹn Trung Quốc sẽ đạt mức trung hòa lượng khí thải CO2 vào khoảng năm 2060. Khối G20 cũng bị chỉ trích, bởi hiện giờ mới chỉ có 1 số thành viên là Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Anh, Canada và Achentina là đặt ra được những mục tiêu tham vọng hơn về cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính.

Cũng theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, các nước có thu nhập cao cũng chưa hoàn thành chỉ tiêu đề ra hồi năm 2009 là đến năm 2020 đóng góp 100 tỉ đô la giúp các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OCDE cho biết đến năm 2019, con số trên mới ở mức 79,6 tỉ đô la.

Cái giá mà nhân loại phải trả khi nhiệt độ tăng 2,7 độ C 

Theo giới chuyên gia, những hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ồ ạt như trong thời gian qua, cho dù là rất nghiêm trọng, nhưng viễn cảnh sẽ còn bi thảm hơn rất nhiều nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2,7 độ C so với thời tiền công nghiệp như dự báo hiện nay, do lớp băng vĩnh cửu tan chảy, quần xã sinh vật thay đổi, sự đa dạng sinh học suy giảm, cuộc sống của dân cư nhiều nơi bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, mực nước dâng cao ...

Nhiệt độ tăng thêm hơn 2 độ C sẽ khiến hệ sinh thái bị đảo lộn nghiêm trọng. Những sự thay đổi cực đoan nhất chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả tai hại đối với đa dạng sinh học, một số loài sẽ di cư, một số khác sẽ biến mất và cũng có những loài mới xuất hiện. Nhiệt độ tăng cao khiến độ PH của các đại dương thay đổi, làm gia tăng tác hại tới sự tồn tại, tăng trưởng, phát triển của nhiều giống loài, khả năng hấp thụ CO2 cũng giảm trong khi các đại dương là nơi hấp thụ nhiều carbon nhất hành tinh.

GIEC dự báo 35-47% diện tích lớp băng vĩnh cửu trên Trái đất sẽ tan chảy. Theo giải thích của nhà khoa học người Bỉ François Gemenne, thành viên nhóm GIEC, với tuần báo Pháp L’Express, hệ quả chính của sự tan chảy này là một lượng lớn khí méthane trong lòng đất sẽ được giải phóng, có thể hâm nóng bầu khí quyển nhiều gấp 30-40 lần so với khí CO2.

Dưới lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực hiện có thể có 1.500 tỉ tấn khí gây hiệu ứng nhà kính, nhiều gấp đôi so với lượng khí gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển. Nhiều nghiên cứu của GIEC chỉ ra rằng từ nay đến năm 2100, diện tích lớp băng này có thể sẽ giảm tới 70%, « một thảm họa sinh thái thực sự » đối với hệ thống khí hậu mà các hậu quả vẫn còn chưa được biết đến nhiều.

Ngoài ra, trong lòng đất, dưới lớp băng vĩnh cửu còn có nhiều loại virus và vi khuẩn. Chuyên gia François Gemenne của GIEC cảnh báo có nhiều loại virus và vi khuẩn con người vẫn chưa biết tới, lớp băng vĩnh cửu tan chảy có thể sẽ phát tán các loại virus, vi khuẩn có thể chứa mầm bệnh nguy hiểm chết người và ảnh hưởng đến dân cư toàn cầu. Trong khi đó, nhà virus học Jean-Claude Manuguerra, giám đốc nghiên cứu tại Viện Pasteur, giải thích trên trang Futura Sciences là một số vi khuẩn có khả năng chống chịu rất mạnh và khả năng gây bệnh vô cùng cao, cho cả người và động vật, chẳng hạn Bacillus anthracis, vi khuẩn gây bệnh than, ở dạng bào tử có khả năng chống chịu với điều kiện khắc nghiệt cả về nhiệt độ và độ ẩm.

Với mức tăng nhiệt độ 2,7 độ C, GIEC ước tính 13% các khu vực trên Trái đất có thể bị thay đổi quần xã sinh vật. Chuyên gia François Gemenne dự báo thảm thực vật và điều kiện khí hậu sẽ thay đổi, chẳng hạn rừng nhiệt đới sẽ biến thành vùng đất khô hạn, nhiều khu vực sẽ biến thành nơi không thể sinh sống được, vì quá nóng hoặc vì con người không thể hoạt động nông nghiệp, hoặc bị ngập nước không đúng thời vụ … Theo ông, các khu vực đầu tiên bị ảnh hưởng sẽ tập trung ở châu thổ sông Mê kông, sông Nil, sông Mississippi, thậm chí là vùng Amazon. Các vùng bờ biển thấp ở Nam Á và Đông Nam Á, cũng như các đảo quốc nhỏ ở Nam Thái Bình Dương cũng bị đe dọa.

(Theo trang tin Liên Hiệp Quốc, France 24, Le Point, L’Express)  

Nguồn tin RFI Tiếng Việt