Michael Sandel và anh bạn Chồn Mập (Việt Dân)

Trong thời đại chia rẽ ngày nay - Nếu chúng ta hiểu phần nào những mâu thuẫn đã được tích lũy trong mấy thập niên gần đây, chính trị Mỹ ngày càng chia rẽ theo quan điểm độc hại, đảng phái, tôi càng hiểu sâu sắc rằng cần phải khôi phục lại một thứ tinh thần công dân mà chúng ta đã mất. Buổi tranh luận với Reagan dạy tôi rất nhiều về tầm quan trọng của sự lắng nghe, sự lắng nghe chân thành cũng quan trọng như tính chặt chẽ trong lập luận. Buổi tranh luận hôm đó dạy tôi rất nhiều về sự tương kính và bao dung trong không gian cộng đồng.


Phần 2.

Đó là một chiều thu ở Paris, Michael Sandel đang cùng với anh bạn Chồn Mập của tôi tản bộ trên con đường mòn lát đá men theo bờ hồ công viên. Tiết trời trong lành, dễ chịu, gió thổi mát dịu qua mặt hồ làm cho những ai bình tâm có thể cảm nhận được mùi của nước, mùi của cỏ cây, cũng như mùi ẩm mục của vỏ thân gỗ sồi còn đọng lại sau cơn mưa rào buổi sáng. Cạnh cây sồi to là một ghế băng có thể tìm thấy ở bất kì công viên nào. Những bóng nắng sớm xuyên qua từng tán sồi dày, rọi lên mặt ghế, lên mặt đường làm cho những người dạo chơi thích thú và là nơi cho họ nghỉ chân. Michael Sandel và Chồn Mập bước lại và ngả lưng vào băng ghế.

Michael Sandel ngồi bên trái, lòng bàn tay trái đặt úp lên bàn tay phải. Ông mặc một chiếc áo sơ-mi màu đen, quần kaki đen và đi đôi giày Oxford màu nâu được đánh bóng kĩ càng. Chồn Mập dựa vào lưng ghế, áo len mỏng cổ lọ dài tay màu xanh lá nhạt lộ lên cái bụng tròn nhưng vẫn toát lên sự rắn rỏi. Quần jean bạc màu, đeo giày sneaker Adidas màu đen, chân bắt chéo với nét mặt đầy hứng khởi. Chiếc mũ lưỡi trai màu trắng có in logo Chim Bồ Câu với dòng chữ Chung Một Giấc Mơ Việt Nam càng làm nổi bật lớp lông trắng bạc – đen trên đầu anh ta, và kéo theo sự tò mò của Michael Sandel.

chon-1

Chiếc mũ lưỡi trai màu trắng có in logo Chim Bồ Câu với dòng chữ Chung Một Giấc Mơ Việt Nam.

“Chiếc mũ của cậu đẹp lắm!” – Michael Sandel khen ngợi và Chồn Mập cười mỉm, tỏ thái độ tán thành.

“Nó gợi nhớ đến cái mũ bóng chày của tôi. Hồi tôi còn nhỏ, khoảng những năm 60, tôi sống ở bang Minnesota và là fan hâm mộ cuồng nhiệt của đội bóng chày Minnesota Twins và rất hay lui tới các sân bóng. Hồi đó, khán đài cũng được chia ra làm hai với những chỗ ngồi dạng hộp dành cho khán giả, với giá đắt hơn, và những chỗ ngồi phổ thông dạng ghế băng trên khán đài. Nhưng khi ấy, một ghế phổ thông có giá 1 đô, còn ghế tốt nhất ở sau vị trí gôn nhà thì có giá cũng chỉ 4 đô. Nhờ đó, mỗi lần đi xem bóng chày luôn là một trải nghiệm về sự hòa đồng giữa các giai tầng xã hội. Giám đốc ngồi xen lẫn với nhân viên hành chính. Mọi người đều phải ăn món bánh mỳ kẹp xúc xích nguội và cùng uống bia bình dân, rồi khi cơn mưa rơi xuống, tất thảy đều ướt nhẹp.” – Michael Sandel hồi tưởng.

“Anh vẫn còn thường đi xem bóng chày nữa chứ?” – Chồn Mập tò mò hỏi.

“Tôi không còn thường xuyên lắm đâu. Các khán đài bây giờ khác xưa nhiều lắm. Tôi nhớ không nhầm thì bắt đầu từ những năm 1990-2000. Ngày càng nhiều sân vận động tạo ra các phòng cho khách VIP, cho giới doanh nhân, gọi là skybox, tức những người "có điều kiện". Họ có thể ngồi trong phòng điều hòa, tiện nghi ở trên cao để xem trận đấu, tách biệt hẳn khỏi khu vực ghế ngồi phổ thông bên dưới. Tôi từng đưa ra một khái niệm “skybox hóa” trong một quyển sách của mình đấy. Không còn chuyện mọi người cùng ăn một suất ăn, cùng xếp hàng dài để đợi đi vệ sinh, ngay cả chuyện cùng bị ướt khi trời mưa cũng không còn nữa.”

“Tôi rất thích nghe câu chuyện của anh. Cứ như những thước phim màu cũ năm nào vậy. Có phải sự nuối tiếc này liên hệ đến quyển sách “Sự ngự trị của chủ nghĩa khoa bảng” (The Tyrrany of the meritocracy) mà anh mới viết gần đây?” – Chồn Mập hỏi.

“Đúng vậy! Nếu xu thế này chỉ giới hạn ở các sân bóng chày thì chẳng có gì quan trọng lắm. Nhưng nó đang xảy ra trong toàn bộ đời sống xã hội và dân sự ở Mỹ hiện tại và cả ở quy mô toàn cầu, ở Châu Âu, ở Paris nữa, nơi tôi và anh đang ngồi đây! Và đó là điều khiến tôi rất lo ngại.”

“Để tôi nhớ xem nào, có phải là chủ nghĩa tự do phóng khoáng và sự ngạo mạn của chủ nghĩa khoa bảng mà anh diễn thuyết?” – Chồn Mập hỏi.

“Đúng vậy! Liberalism, hay còn gọi là chủ nghĩa tự do phóng khoáng đã trao quyền định đoạt vào tay thị trường. Người ta không còn những tranh luận về phải, trái, đúng, sai nữa. Các tranh luận về các giá trị đạo đức trong xã hội, sự liên đới, tinh thần công dân…vắng bóng và nhường chỗ cho cái gọi là “thẻ thông hành”(Lassiez-faire), tức là để thị trường quyết định, một cách tuyệt đối. Tôi đã cảnh báo điều này lâu rồi trong quyển sách “Kẻ bất mãn của nền Dân Chủ” (Democracy’s Discontent) những năm 90. Nhưng lý do tôi cảm thấy cần phải ra mắt quyển “Sự ngự trị của chủ nghĩa khoa bảng” là để cảnh báo một tâm lý đang tiếp tay làm cho xã hội hoen gỉ hơn. Không phải như nhiều ký giả từng so sánh thời gian của quyển sách như một sự trùng hợp với thời điểm Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ đâu! Với tôi, Donald Trump chỉ là một triệu chứng của một căn bệnh đã kéo dài quá lâu trong xã hội mà thôi!”

“Căn bệnh đó là gì, anh có thể nói rõ hơn được không?” – Chồn Mập tiếp lời Sandel.

“Đó chính là sự ngạo mạn của chủ nghĩa khoa bảng (meritocracy). Giải pháp của chủ nghĩa tự do phóng khoáng, của toàn cầu hóa và bất bình đẳng xã hội hiện tại, mà anh có thể dễ dàng nghe từ Hoa Kỳ hay Châu Âu, đó là những ai làm việc chăm chỉ, tuân thủ luật pháp đều có thể trở nên thành đạt. Cũng giống như một lối ví von rằng sự nỗ lực và tài năng sẽ chắp cánh cho họ vậy. Tôi có nhấn mạnh điều này trong quyển sách bằng cụm từ: “Lời hùng biện của sự thành đạt”. Nó dần trở thành tín điều, thành một trào lưu không cần xét lại. Những người ở đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ ở Mỹ dù họ có thể khác nhau trên quan điểm xã hội, nhưng họ đều đồng ý với nhau một điều là: “Hãy tạo ra một sân chơi bình đẳng, để tất cả mọi người có cơ hội công bằng như nhau. Và nếu chúng ta làm được, như chúng ta luôn cố gắng, thì tất cả những ai vươn lên được bằng sự chăm chỉ, nỗ lực, tài năng sẽ xứng đáng với vị trí của họ, sẽ đạt được điều mình muốn”

“Tôi có thể hình dung chia sẻ của anh thành một khẩu hiệu mất!” – Chồn Mập cười nhưng nét mặt vẫn thể hiện sự chăm chú đầy nghiêm túc với Sandel.

“À, đã có người đăng ký bản quyền điều này rồi. Tony Blair, cựu thủ tướng của Anh, từng nhấn mạnh câu thần chú: “Giáo dục, giáo dục và giáo dục” (Education, education, education). Anh có thấy giống câu nói của anh chàng dân túy ở Philipines, Duterte: “Xây dựng, xây dựng, và xây dựng” (Build, build, build) không? Tôi còn nhớ trong một bài phát biểu vào năm 2013 của Obama trước toàn thể sinh viên: “Chúng ta sống trong thế kỷ 21, thời đại của toàn cầu hóa. Và trong nền kinh tế toàn cầu, các công việc có thể đi đến bất cứ nơi đâu. Các công ty, họ tìm kiếm những người có trình độ giáo dục tốt nhất ở bất cứ nơi nào. Nếu các bạn không có giáo dục tốt, sẽ rất khó để các bạn có thể tìm kiếm một công việc với thu nhập thoải mái cho cuộc sống này. Và cho những ai phấn đấu, đây là lời cam kết của tôi đến các bạn: Đất nước này sẽ luôn là nơi mà các bạn có thể thành đạt nếu bạn đủ nỗ lực”. Yes, we can! – Sandel nhấn mạnh chữ Yes, we can! theo một nghĩa hết sức mỉa mai (ironic).

“Chẳng phải đây là Giấc Mơ Mỹ (American Dream) mà chúng ta hay biết đến sao? – Chồn Mập hỏi Sandel.

“Anh nói đúng, nhưng giấc mơ Mỹ của ngày hôm nay, vào thời điểm chúng ta nói chuyện với nhau, chỉ là giấc mơ thành công cá nhân mà thôi. Xã hội Mỹ đã bị phân cực quá lâu rồi. Tôi không muốn làm anh đau đầu vì những con số trong tiết trời thu dễ chịu này đâu. Nhưng 1% người giàu ở Mỹ hiện tại có thu nhập cao hơn cả 50% người Mỹ ở dưới đáy. Giấc mơ Mỹ đang dần dần chỉ còn là một từ ngữ mà người ta muốn dùng để chấm dứt những cuộc tranh luận về cái gì đang xảy ra ở nước Mỹ hiện tại mà thôi!” – Sandel nói.

“Anh làm tôi nhớ đến khái niệm “quốc gia” của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Quốc gia phải được hiểu như một tình cảm, một không gian liên đới và là một dự án tương lai chung. Tôi không nắm bắt được ngôn ngữ của anh một cách đầy đủ nhưng tôi thấy danh từ “tổ quốc” có rất nhiều cụm từ như a nation, fatherland, homeland, motherland, america…phải chăng người Mỹ các anh đang không cùng hiểu giống nhau về American Dream nữa? – Chồn Mập hỏi.

“Anh hãy nói nốt ý của mình rồi tôi sẽ trả lời.” – Sandel nói.

“Nước Mỹ các anh được thành lập trên một đồng thuận về lý tưởng dân chủ, nhân quyền, tôn trọng quyền tự do cá nhân. Nhưng như anh nói, qua mấy thập niên đeo đuổi chủ nghĩa tự do phóng khoáng cũng như chủ nghĩa khoa bảng, tôi có cảm giác mọi người đang hiểu chủ nghĩa cá nhân thành chủ nghĩa vị kỷ rồi. Tôi từng xem những clip về những người nông dân Mỹ, những người công nhân, thợ thuyền mà các anh gọi là những người ủng hộ đảng Cộng Hòa gần đây đó. Họ thường dùng những cụm từ như Motherland, homeland, home country, thanksgiving…khi nói về nước Mỹ. Trong tiếng Việt có từ Tổ Quốc, nó như một tình cảm gạch nối từ quá khứ đến hiện tại. Chứng tỏ Giấc Mơ Mỹ của họ đã từng khác với Giấc Mơ Mỹ mà các ông tổng thống Bill Clinton, Bush, Obama, Trump…nói tới. Giấc mơ Mỹ trước đây là một giấc mơ chung vì nó vươn ra cộng đồng và cho cộng đồng. Nhưng giấc mơ Mỹ hiện tại chỉ là giấc mơ thành đạt của mỗi cá nhân riêng biệt mà thôi. Giấc mơ này không thể nào đại diện cho nước Mỹ được và nó đã dẫn tới cái gì của ngày hôm nay” – Chồn Mập trả lời.

Sandel rút điện thoại trong túi ra, ông tìm kiếm một hồi và đưa lên cho Chồn Mập xem một tấm hình. Một tấm hình của Sandel thời trẻ, đang ngồi bên cạnh một người mà Chồn Mập rất quen. À, đúng rồi, chính là Ronald Reagan.

chon-2

Michael Sandel (phải) và Ronald Reagan

“Anh có nhận ra tôi đang ngồi bên trái Reagan không? – Sandel vừa mỉm cười vừa hỏi.

“Ồ có chứ, mái tóc của anh khi trẻ rất bồng bềnh và kiểu tóc của Reagan cũng như bộ vest của ông thì rất giống với nhân vật James Bond kinh điển!” – Chồn Mập tán dương.

“Tôi khi ấy đang là chủ tịch hội học sinh trường Palisades ở California, cũng vào thời điểm Ronald Reagan là thị trưởng của thành phố, chung một thị trấn. Năm 1971 tôi có cơ hội tranh luận với ông ấy trước 2.400 bạn trẻ. Tất nhiên, chúng tôi là là những người cấp tiến và ủng hộ cho đảng Dân Chủ, còn Reagan là một người bảo thủ (conservative) thuộc đảng Cộng Hòa” – Sandel nói.

“Trong suốt buổi tranh luận tôi đã nói rất nhiều và dẫn chứng nhiều thứ với hy vọng sẽ được ông ấy cho vào đầu. Ronald Reagan phản hồi và lập luận rất điềm tĩnh, nhã nhặn, tương kính nhưng không kém phần sắc sảo...Tôi nhận ra mình thua ngay ở gần đoạn kết của cuộc tranh luận. Nhưng kết quả của ngày hôm đó càng làm tôi nghĩ nhiều về ý nghĩa của một cuộc tranh luận là như thế nào. 9 năm sau Reagan trở thành tổng thống Mỹ.”

“Còn anh thì vẫn đang cố gắng nói về đạo đức chính trị, tinh thần công dân, sự tương kính trong tranh luận với hy vọng chính trị Mỹ có thể thay đổi phải không?” – Chồn Mập hỏi trong sự động viên.

“Đúng vậy! Nếu anh biết rằng có 40% người Mỹ được khảo sát muốn nước Mỹ tan vỡ thì anh có thể sẽ bi quan lắm đấy! Nhưng tôi phải lạc quan trong cả sự bi quan!”

“Trong thời đại chia rẽ ngày nay - Nếu chúng ta hiểu phần nào những mâu thuẫn đã được tích lũy trong mấy thập niên gần đây, chính trị Mỹ ngày càng chia rẽ theo quan điểm độc hại, đảng phái, tôi càng hiểu sâu sắc rằng cần phải khôi phục lại một thứ tinh thần công dân mà chúng ta đã mất. Buổi tranh luận với Reagan dạy tôi rất nhiều về tầm quan trọng của sự lắng nghe, sự lắng nghe chân thành cũng quan trọng như tính chặt chẽ trong lập luận. Buổi tranh luận hôm đó dạy tôi rất nhiều về sự tương kính và bao dung trong không gian cộng đồng". – Sandel nói.

“Chia sẻ của anh rất thú vị. Nó làm tôi liên tưởng đến một bài viết. Để tôi cố nhớ lại xem! À, đó là sự lắng nghe. Người ta chỉ có thể lắng nghe trong trạng thái hạnh phúc mà thôi. Tôi có cảm giác người Mỹ hiện tại, mà phần nào cũng giống như dân tộc Việt Nam tôi, đều là những người mệt mỏi. Khi mệt mỏi thì người ta sẽ mất đi khả năng lắng nghe chân thành, sự bao dung và sự khiêm nhường tối đa để phân định cái đúng - cái sai. Nó cũng giống như hai anh hàng xóm ghét nhau, chỉ muốn bịt tai lại rồi hét vào mặt bên kia và rồi ai hét to hơn thì thắng.” – Chồn Mập tiếp lời.

“Rất hay!” – Sandel.

“Nhưng tôi e rằng anh sẽ không có nhiều thời gian đi tản bộ với tôi tiếp đâu! Quan niệm America First vẫn còn hiện diện mạnh ở nước Mỹ lắm, có thể ngay vào lúc này dưới nhiệm kỳ của Biden” – Chồn Mập nói.

chon-3

Chiều thu Paris và đàn ngỗng trời bên hồ nước...

Chồn Mập dứt lời thì nét mặt của Sandel cũng trở lên suy tư hơn, ông nhìn ra hồ nước và đàn ngỗng trời đang sà từng đàn xuống bãi cỏ, dường như để tìm một câu trả lời. Chồn Mập cũng nhìn sang Sandel, rồi nhìn ra hồ nước và mấp máy môi: "Quốc gia là một tình cảm, một không gian liên đới và là một dự án tương lai chung!".

Việt Dân

(27/9/2021)