Cách chống Covid tại Sài Gòn để lộ sự hoảng loạn của chính quyền (Nhiều tác giả)

Tình trạng dịch covid 19 lan rộng và nhanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và trên toàn quốc vào đợt thứ 4 này, cộng với sự luống cuống lo sợ của chính quyền làm người dân thật sự hoảng sợ. Có lẽ đợt dịch thứ 4 này đã đến lúc đánh dấu chấm hết cho sự may mắn của chính phủ Việt Nam trong ba lần trước như tờ New York Times đã nói cuối tháng 6 vừa qua.


Dồn khó về dân

Hoài Nguyễn, VNTB, 10/07/2021  

Dịch giã không mới xảy ra và cũng không thể hết ngày mai hay mốt…

chong1

Thành phố Hồ Chí Minh sắp dừng hàng loạt ngành nghề mà bà con nghèo xa quê kiếm sống như bán vé số, chạy grab, lượm ve chai, buôn gánh bán bưng, hàng rong…

Tình trạng phức tạp đã tái diễn lần thứ tư suốt gần hai tháng nay rồi mà. Thế rồi đùng một cái, chính ngọ ngày 8/7, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đưa ra lệnh ‘lạnh tanh’ : kể từ 0 giờ ngày 9/7, dừng bán vé số. Tỉnh Bình Dương cũng học tập theo, cũng lệnh ‘dừng bán vé số’.

Đến đầu giờ chiều, ‘xì’ thêm một lệnh nữa là kể từ 0 giờ ngày 9/7, cấm luôn các hàng quán ăn uống việc "bán mang về". Vé số thì chưa ôm, nhưng các ông, bà chủ hàng quán thì phải trữ nguyên vật liệu trước, giờ coi như họ ‘ăn hết’, hoặc ‘hâm tới – hâm lui’ để dành ăn suốt 14 ngày ‘lockdown’.

Vậy cớ gì cứ phải lệnh bất ngờ sát giờ chót mà không báo trước 3 ngày, 5 hôm cho đỡ quá tải siêu thị, dịch vụ, kể cả lực lượng chức trách ? Đặc biệt là người dân khỏi phải cuống cuồng, khốn khổ tìm mua nhu yếu phẩm cho gia đình, đối diện nguy cơ lây lan dịch bệnh. Quán xá bán thức ăn mang đi cũng dừng nhập hàng để khỏi phải mếu máo ôm cả đống đồ không thể bán được.

Cho dân thời gian nhiều hơn để chuẩn bị điều kiện phòng chống dịch có phải tốt hơn không ?

Dự báo, tầm nhìn, kế hoạch ở đâu ?

Muốn thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch, thì hãy cố gắng an dân trong mọi khả năng còn có thể. Ví dụ như sẽ đúng đạo và hợp tình, thì lúc này các tỉnh nên để cho dân mình ở Thành phố Hồ Chí Minh về rồi cách ly, xét nghiệm xong cho họ sum họp gia đình.

Thành phố Hồ Chí Minh sắp dừng hàng loạt ngành nghề mà bà con nghèo xa quê kiếm sống như bán vé số, chạy grab, lượm ve chai, buôn gánh bán bưng, hàng rong… Giờ có nơi không muốn họ về quê, mà ở lại thành phố thì ngốn tiền như máy xay này họ sẽ xoay xở thế nào? Đành rằng tỉnh nào cũng sợ dịch nhưng chẳng lẽ để Sài Gòn đã "trọng thương" rồi lại phải gồng gánh nữa sao?

Ai muốn về nên đón họ về, vừa là trách nhiệm cũng cả nghĩa tình, san sẻ bớt cho Sài Gòn và thật ra bao năm đầu tắt mặt tối ở Sài Gòn họ cũng gửi ít nhiều về quê. Chứ chống dịch mà cứ đẩy khó hết cho tỉnh thành bạn, hay mặc kệ dân mình thì ai mà chẳng làm được.

Đừng thấy lúc bình an, sung túc thì coi người từ Sài Gòn về như khách quý còn hoạn nạn thế này lại đối xử thiếu cả tình lẫn lý. Người trong một nước còn thương nhau cùng huống hồ chung tỉnh thành?

Ở góc nhìn khác, đây có thể là bổn phận của ‘bề trên’.

Ý kiến tầm vĩ mô hơn đã cho rằng lẽ ra với tụng xưng về người được cho là ‘giỏi nhất’ là "tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng" ghi hẳn hòi ở Quy định khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải có chỉ đạo Quốc hội cần rốt ráo xây dựng dự luật về tình trạng khẩn cấp, một mặt để Nhà nước có quyền can thiệp, mặt khác bảo vệ quyền tự do và sinh mạng của dân.

Lẽ ra, nếu thực sự Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là chính khách "tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng", thì có nghĩa bộ máy chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng ghi ở Điều 4, Hiến pháp, sẽ được yêu cầu làm các việc tối thiểu sau đây trong thời dịch giã Covid kéo dài đã 2 năm : Giải thích cho dân hiểu về lợi ích tiêm chủng song song với việc mua vắc xin, tổ chức tiêm. Tiếp theo là bảo vệ quyền lợi của dân. Nhà nước phải làm hết sức chặt chẽ để chống vắc xin giả, hết hạn. Nếu quy trình y tế sai, không an toàn, xảy ra hậu quả bất lợi thì người dân có quyền đòi bồi thường.

Tiếc là tất cả những vấn đề pháp lý như vậy chưa từng được đặt ra ở quy mô 75 triệu người. Đây là ví dụ đặc biệt để thấy Việt Nam đáng ra phải có luật về tình trạng khẩn cấp, một mặt để cho Nhà nước có quyền can thiệp, nhưng mặt khác lại bảo vệ quyền tự do dân sự và sinh mạng của dân.

Tiêm phòng vắc xin sẽ không chỉ có Covid-19 mà còn những bệnh tiếp theo có thể xảy ra, nên đây là công việc thường trực, sứ mệnh của Nhà nước. Phải định nghĩa lại vai trò của Nhà nước theo nghĩa Nhà nước kiến tạo, khởi nghiệp ở chỗ nâng đỡ từ sáng tạo tư nhân, nhưng có những cam kết chặt chẽ.

Một chút luận bàn về "tình trạng khẩn cấp"

Trong điều kiện khẩn cấp, quyền lập pháp, tư pháp phải nhường cho hành pháp và các quyền con người bị hạn chế, nhưng bản thân hành pháp cũng phải theo một trình tự nhất định nhằm bảo vệ quyền con người trong tình huống khẩn cấp của phòng chống Covid-19.

Tương lai, Covid-19 sẽ không phải là đại dịch duy nhất mà còn có đại dịch, bệnh truyền nhiễm khác. Vì vậy, việc đầu tư vào chiến lược bài bản và dài hạn rất quan trọng. Luật về tình trạng khẩn cấp sẽ góp phần thúc đẩy về yêu cầu của chiến lược bài bản này để bảo vệ quyền tự do và sinh mạng của dân – bao gồm cả người dân đang chịu cảnh tù đày phải đối mặt với dịch Covid ở hiện tại.

Chiều ngày 8/7, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, ông Lữ Quang Ngời đã ký công điện khẩn số 3657 yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị tiếp nhận người về từ Thành phố Hồ Chí Minh và tăng cường biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu thực hiện nghiêm các giải pháp ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị tích cực. Đặc biệt lưu ý thực hiện các quy định về giãn cách, khoanh vùng ; tránh tình trạng khoanh rộng bên ngoài, lỏng lẻo bên trong; phải tổ chức tốt việc cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế, giãn cách xã hội.

Chính quyền địa phương sẽ theo dõi, vận động các trường hợp nêu trên thực hiện cách ly tập trung, nếu việc cách ly tại nhà không đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 10/07/2021

***********************

Thời gian vàng đã qua rồi…

Diệp Chi, VNTB, 10/07/2021

Thời gian vàng trong y tế đã bị bỏ lỡ, vậy liệu trong cuộc sống có hay không giờ vàng ?

chong2

Kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân. Không chỉ buôn bán, mưu sinh khó khăn mà ngay cả đi lại cũng khó.

Một người bạn đã từng nói với tôi rằng, về đột quỵ, có cái khái niệm gọi là thời gian vàng. Tìm tòi thêm trên phương tiện truyền thông đại chúng : "Giờ vàng đề cập đến khoảng thời gian sau chấn thương trong đó điều trị y tế và phẫu thuật kịp thời sẽ có khả năng cao nhất ngăn ngừa được tử vong. Mặc dù ban đầu được định nghĩa là một giờ, khoảng thời gian chính xác phụ thuộc vào bản chất của chấn thương và có thể nhiều hơn hoặc ít hơn 1 giờ".

Đó là giờ vàng trong y tế, vậy liệu trong cuộc sống có hay không giờ vàng ?

"Theo mình nghĩ thì có lẽ là có, những giây phút đó có thể bạn không nhận ra đâu, đến khi hậu quả không hay xảy ra, ngồi nghiệm lại, mới thấy đã quá muộn. Như trường hợp của mình, nhớ đến tận bây giờ, người thân mình trước đó vài tiếng đã có dấu hiệu bất thường, thế nhưng cứ nghĩ đơn thuần chỉ là nhức đầu hay là ho không thôi, nên cho dù thấy hơi kỳ kỳ cũng cho qua vì còn nhiều thứ phải làm.

Và cái kết quả phải nhận đó là gì ? Nhiều người hay nói không phải cái sai nào cũng có thể sửa. Hình như là đúng như vậy, người thân mình mất rồi, khi ngồi một mình ngẫm lại, mới thấy hối hận là đã quá muộn", một người bạn ngậm ngùi nhớ lại.

Liên hệ sâu xa hơn trước tình hình dịch bệnh đang căng thẳng không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều nơi khu vực miền Nam, phải chăng phần nào là do đã sơ suất bỏ qua giờ vàng ? Hoặc rằng, đã quá do dự trong quyết định, để giờ vàng trôi qua và giờ là hậu quả ?

Như những gì đã và đang xảy ra, Việt Nam có thể tận dụng "giờ vàng" để hạn chế rủi ro về tình hình dịch bệnh ở thời điểm lễ 30/4 – 1/5 cũng như ngày hội toàn dân đi bầu hôm 23/5. Cần hạn chế đi lại cũng như tránh tụ tập đông người, thời khắc đó cũng là quan trọng.

Tuy nhiên, không biết rằng do quá tự tin về "hình mẫu chống dịch" hay còn một lý do gì khác mà chần chừ để rồi vẫn để mọi thứ diễn ra bình thường vào những ngày ấy, bất chấp lo lắng của dân chúng.

"Đúng là thấy tình hình hiện tại là do hệ lụy của lễ, rồi sau đó là bầu cử. Theo mình thấy, thời điểm lễ, một số người dân họ cũng lo ngại tình hình dịch bệnh rồi. Một số bà con miền Tây đang mưu sinh ở Bình Dương này, họ biết thời điểm đó đang căng thẳng vì Campuchia bùng dịch, thế nhưng lễ nghỉ nhiều, mặc dù biết có nguy cơ, theo thói quen, họ vẫn về quê.

Đó là chưa kể đến một số người ra Bắc nữa. Nói chung, trở lại sau lễ để làm việc, thật sự là khoảng thời gian đáng lo. Sau đó là bầu cử, dù hạn chế rủi ro nhưng vẫn có khi là điểm tụ tập người.

Nhiều người nói là một thành phố lớn, sao không có biện pháp ngăn chặn ngay thời điểm đó. Nhưng thành phố lớn cũng đâu thể toàn quyền quyết định, chỉ có thể đưa ra ý kiến, góp ý. Còn nghe và làm như thế nào thì đó lại là của một cơ quan khác rồi còn gì ! Không rõ lý do tại sao nhưng chần chừ thời gian vàng đó, để rồi hậu quả như thế này. Cuối cùng ai cực nhất ? Cũng là chính quyền thành phố và người dân thành phố thôi", một người dân ý kiến.

Có thể nói, áp dụng chỉ thị 15 hay chỉ thị 16 hoặc bất kỳ một lệnh cách ly nào được ký từ Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nếu không có vaccine kịp thời, xem ra cũng là khó.

Còn nói theo lời của Phó Bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ trên một tờ báo điện tử : "Thành phố chúng ta sẽ thực hiện cách ly toàn xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 trên toàn thành phố trong vòng 15 ngày từ 0 giờ ngày 9/7/2021. Tôi muốn nói, bản thân Chỉ thị không phải là liều "thuốc tiên" đẩy lùi ngay Covid-19, mà chính sự hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt mới mang lại kết quả như mong muốn".

Để rồi sau tất cả, tuy Chính phủ cùng chính quyền địa phương nhức đầu không chỉ trong việc giải quyết vấn đề kiểm soát dịch bệnh Covid-19 mà còn một số vấn đề khác được "dọn ra" nhưng ảnh hưởng nhất vẫn là người dân. Không chỉ buôn bán, mưu sinh khó khăn mà ngay cả đi lại cũng khó.

Và giờ, người dân ở tỉnh, bị bệnh hay khám định kỳ, muốn đi khám theo đúng hẹn, một số người cũng sợ lắm cái lệnh… cách ly.

Diệp Chi

Nguồn : VNTB, 10/07/2021

***********************

Thành phố Hồ Chí Minh mắc dịch và sự bất công cho người vô sản

Người Tân Định, VNTB, 09/07/2021

Sau hai ngày qua 3 lần họp bàn chuyện thay đổi các phương án dập dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và quan chức thành phố đã đi đến quyết định áp dụng Chỉ thị 16 trong 15 ngày kể từ 0h 9/7

chong3

Tại Việt Nam, người bị hắt hủi, thiệt thòi nhất là giai cấp vô sản chuyên chính, chỗ dựa" của Đảng cộng sản Việt Nam trong các đợt bùng phát Covid liên tục.

Chỉ thị 16 thể hiện sự quyết liệt nhất, vì đây là giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh, lan rộng nhanh và phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ thị này quy định: 

Cách ly toàn xã hội, mọi người dân phải ở nhà, không nhà này qua nhà kia, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Không tụ tập quá 2 người ngoài công sở, bệnh viện. Khoảng cách an toàn tối thiểu giữa 2 người 2m. Đình chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ, chỉ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được mở cửa. Dừng di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác. Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng 

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng, người dân không cần mua tích trữ, không tập trung đông người và "bình tĩnh, tin tưởng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố". Ông mong muốn " người dân ủng hộ, cảm thông khi thành phố áp dụng biện pháp giãn cách, cách ly trên diện rộng".

Biện pháp tương tự cũng đã từng được áp dụng trước đó tại một số địa phương trong thành phố 10 triệu dân này cho nên cũng không làm dân Sài Gòn phải bức xúc lắm, ngược lại nhiều người tỏ ra đồng tình, cảm thấy cần thiết để "Nếu tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt thì hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ được đẩy lùi" như ông chủ tịch thành phố nói.

Tuy nhiên điều lo lắng cho hàng triệu người dân nghèo của thành phố này là bữa cơm sống qua ngày. Cả hàng tháng qua bị dịch covid Vũ Hán, chính phủ khư khư ôm chặt túi tiền, không lo gì được cho những người cơm hàng cháo chợ, tay làm hàm nhai, lương công nhật chỉ đủ ăn từng bữa, người lang thang không cửa không nhà. Một số người trong họ may mắn được các nhóm thiện nguyện mời ăn ngày một bữa với tinh thần lá lành đùm lá rách, còn lại phải chịu đói. 

Ít nhất trong 15 ngày phong tỏa toàn thành phố, trách nhiệm của nhà nước là làm sao chu toàn bữa ăn cho 230 ngàn người sống dưới đáy xã hội. Cho đến nay chính phủ vẫn chưa đưa ra được kế hoạch nào cho họ yên tâm ngoài câu trấn an của ông chủ tịch thành phố khẳng định bảo đảm lượng hàng hóa cung ứng, người dân không cần mua tích trữ. Khổ nỗi người tích trữ được, người tranh giành thực phẩm, giấy vệ sinh trong siêu thị lại là những người tủ lạnh có thể lúc nào cũng đầy ắp.

Dân sống trên hè phố, gầm cầu, người bán hàng rong, buôn gánh bán bưng, lượm rác, phế liệu, đi bán lẻ vé số lấy đâu tù lạnh, tủ, kho, tiền mua hàng tích trữ. Gói cứu trợ 62 ngàn tỷ chính phủ hứa từ đầu trận dịch hơn một năm nay chưa thấy đâu, gói cứu trợ vài trăm tỷ cho người nghèo Thành phố Hồ Chí Minh nghe hứa sẽ trao tận tay dân trong tháng 7 liệu có hay không và liệu với thủ tục rườm rà quá mức, thói lười biếng, quan liêu tham nhũng của nhân viên chính phủ từ cấp cao đến anh thư ký liệu có đến tay ‘người thật’ và nếu có đến tay họ thì bao giờ. 

Điều kiện then chốt sở thương binh xã hội và lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho người nhận cứu trợ là người lao động tự do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 có nơi cư trú hợp pháp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (trường hợp tạm trú thì cần có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận). Những người thật sự vô sản ăn xin, sống dưới gầm cầu, trên vỉa hè, trong nhà lồng chợ không phải người có địa chỉ thường trú, tạm trú đã bị gạt bỏ ra ngoài danh sách.

Thu tiền xét nghiệm covid là chuyện vô cùng trái khoáy trong đất nước mà lúc nào các lãnh đạo đã được chích vaccine từ lâu, ngồi trong phòng lạnh kêu dân phải tích cực góp tay với nhà nước "chống dịch như chống giặc". Người dân nghèo chống nổi giặc không khi cần phải có ‘tấm hộ chiếu’ này để đi làm thuê, di chuyển kiếm sống, trở về quê phải bỏ ra hàng trăm ngàn cho một tờ chứng nhận chỉ có giá trị vài ngày, họ mất bao nhiêu bữa ăn, con họ mất bao nhiêu bữa sữa. Thu tiền xét nghiệm là lối làm tiền tệ hại nhất nhà nước Việt Nam cho phép các bệnh viện công nặn túi dân. 

Từ đầu dịch đến nay, chỉ chịu khó bỏ thời gian tìm thông tin trên báo chí người ta cũng có cái nhìn tương đối về thành phần các F0, F1, F2. Họ phần nhiều là người lao động chân tay. Nghị quyết 16/NQ-CP về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 quy định : Với người Việt Nam ở trong nước phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch. Trường hợp tự lựa chọn cách ly tại khách sạn, resort phải tự chi trả các chi phí quy định. Trường hợp cách ly tại cơ sở y tế, doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly tập trung chỉ phải tự chi trả tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày cho cơ sở cách ly y tế tập trung. Một người chịu cách ly 21 ngày trong doanh trại quân đội sẽ phải trả khoảng 1,6 triệu quả thật không dễ dàng. Người bỏ trốn khu cách ly, lẻ tẻ hay hàng loạt, để không phải trả nợ đã từng xảy ra.  

Một trong những điều người dân nghèo đem ra làm trò cười và chê trách, nghi ngờ chính phủ về việc họ  nói đủ tiền để mua thuốc chủng ngừa covid-19, nhưng lại luôn mang lòng yêu nước thương nòi ra chiêu dụ người dân góp tiền cho chính phủ mua thuốc. Đã có hàng ngàn tỷ được các đại gia, các công ty lớn trực thuộc nhà nước đóng góp, nhưng nhà nước vẫn muốn rút ruột người dân mà tuyệt đại đa số dân nghèo. Người dân, từ người buôn thúng bán bưng, anh xe ôm… nhận hàng chục tin nhắn xin tiền gửi qua điện thoại mỗi ngày. Cán bộ mặt trận tổ quốc, ban phụ nữ, thương binh xã hội lần lượt, bền bỉ gõ cửa từ nhà này sang nhà khác. Một người dân thuộc Phủ Diễn Châu, Nghệ An cho biết dân xã nghèo của chị đã phải đóng tới 400 triệu cho chương trình mua thuốc chích ngừa mới thoát sự quấy nhiễu xin xỏ của chính quyền và các ban bệ của xã.

Chính phủ đã ấn định chia chích vaccine làm 3 cấp, một cấp ưu tiên không phải trả tiền, cấp thứ hai tình nguyện chích dịch vụ, có nghĩa là bỏ tiền với giá rất cao để được ưu tiên chích trước, nhóm thứ ba được chích miễn phí nhưng khuyến khích giúp tiền "tùy lòng hảo tâm".

Đã có vài nhóm tư nhân ‘đón lõng’ trước để thu lợi trong chương trình tiêm chủng trả tiền như trang web có tên tiemchungmorong.vn/vi bắt đầu ghi tên người xin chích ngừa trả tiền. Dịch vụ kiểu này nhanh chóng được nhiều cơ quan nhà nước nhiều nơi áp dụng tinh vi với đầy quyền lực hơn.

Người dân thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, Yên Bái phản ánh đến PV Báo Lao Động về việc tổ dân phố đi vận động các gia đình đăng ký danh sách tiêm vaccine Covid-19, ngoài danh sách đăng ký mỗi người muốn tiêm vaccine phải tự nộp kinh phí 650.000 đồng cho 2 mũi tiêm. Cụ thể, mũi 1 hết 350.000 đồng ; mũi 2 là 300.000 đồng. UBND thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội  ngày 3/6 đã ban hành công văn nội dung "kinh phí tiêm vaccine sẽ do người sử dụng tự chi trả".

Còn văn bản 1712/UBND-KT của Thành phố Hà Nội gửi Sở Tài chính và các địa phương, "khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn chủ động nguồn kinh phí để đảm bảo việc tiêm vắc xin cho cán bộ, công nhân, người lao động của doanh nghiệp, đơn vị" Hà Nội cho rằng điều này phù hợp với nghị quyết 21 của Chính phủ.

Ngày 7-8/7, hơn 2 triệu liều vaccine Moderna phòng Covid-19 của Mỹ tặng nhân dân sẽ tới Việt Nam. Sáng nay 7/7, hơn 97.000 liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer/BioNtech sẽ tới Việt Nam. Trước đó Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng gần 5 triệu liều vaccine, trong đó gần 2,5 triệu liều do Covax Facility hỗ trợ, hơn 400.000 liều đặt mua thông qua công ty VNVC, khoảng 2 triệu liều vaccine do Chính phủ các nước tư bản Hàn, Nhật, Úc  tặng. Trung quốc cũng tặng vài trăm ngàn liều nhưng yêu cầu chính phủ Việt Nam phải chích ngừa cho dân Tàu sống và làm việc tại Việt Nam trước. 

Nhờ trận đại dịch covid-19 Vũ Hán nhiều công ty dược trên thế giới đã làm giàu nhờ sản xuất vaccine. Việt Nam còn đang lúng túng chưa thể sản xuất được thuốc ngừa, nhưng chính phủ đã rất nhanh chóng moi móc được tiền từ trong dân. 

Trong lúc người dân nhiều nước được chính phủ lo cho miếng ăn dồi dào tới mức dư thừa và các gói cứu trợ hào phóng khiến không ít gia đình trở nên khá giả hơn thì tại Việt Nam, người bị hắt hủi, thiệt thòi nhất là giai cấp vô sản chuyên chính, chỗ dựa" của Đảng cộng sản Việt Nam. 

Người Tân Định

Nguồn : VNTB, 09/07/2021

*********************

Sài Gòn có đang ổn không ?

Dân Sài Gòn, RFA, 09/07/2021

Có, đang ổn.

Mặc dù đã trải qua 40 ngày hạn chế đi lại, giao thương, và giờ thì bắt đầu 15 ngày gần như phong tỏa.

chong4

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/7/2021, ngày đầu thực hiện lệnh phong tỏa do Covid-19 / AFP

Nói là gần như, vì ngôn ngữ văn bản hành chính của Thủ tướng và Chính phủ không dùng từ "phong tỏa". Mức cao nhất hiện tại chỉ là cho phép tụ tập tối đa hai người nơi công cộng. Nhưng với các biện pháp nghiêm khắc đang được thực hiện như phát phiếu đi chợ, lập chốt kiểm dịch xung quanh các khu có nguy cơ cao trong nội thành và phạt tiền khá nặng những người không có giấy tờ chứng minh mục đích ra đường (như đi mua thực phẩm, mua thuốc hoặc làm việc trong nhóm tổ chức được cho phép), thì đợt thực hiện chỉ thị 16 của năm nay nghiêm ngặt hơn hẳn so với cùng đợt thực hiện chỉ thị này trên toàn quốc, bắt đầu vào 01/4 năm ngoái.

Cách ly xã hội trong chỉ thị 16 là "nhà cách ly với nhà", "phường xã cách ly với phường xã", "quận huyện cách ly với quận huyện". Nói tóm lại, ai ở yên trong nhà người nấy.

Năm ngoái cả nước cùng cách ly, nên tuy là lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác cách ly nhưng người dân ai cũng sợ hãi và lo lắng như nhau. Năm nay, ngoại trừ nhiều tỉnh lốm đốm cách ly hoặc giãn cách thì chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh, toàn bộ thành phố phải trải qua thời gian giãn cách và cách ly dài nhất. Số ca bệnh nhiều nhất. Số ca nặng đang tăng. Đã có những người trẻ tuổi tử vong. Vậy là rất nhiều người lo lắng hỏi xem Sài Gòn có ổn không ?

Sài Gòn có ổn không ? Tại sao trong các cửa hàng hay siêu thị chỉ thấy các kệ hàng trống trơn sạch bách, không còn tí cá thịt hay rau củ nào ?

Sài Gòn có ổn không ? Tại sao nhiều người đi hai ba ngày không mua được vỉ trứng nào ? Tại sao thấy những tấm ảnh chụp miếng bông cải chưa đến 8 lạng, giá gần 300 ngàn đồng ? Cái bắp cải cũng 8 lạng, hơn 200 ngàn đồng ? Giá tăng gấp 10 lần như vậy làm sao người dân sống nổi ?

Dạ thưa xin quý dzị bình tĩnh. Hai tấm hình nổi tiếng đó đây :

chong5

Hình chụp rau bán ở siêu thị trong Thành phố Hồ Chí Minh trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. FB

Quý dzị hãy xem kỹ nguồn gốc của miếng bông cải 300 ngàn đồng. Trên bao bì của nó dán một tấm nhãn rõ to ghi rõ "Rau nhập khẩu".

Trên bao bì của miếng bắp cải cũng ghi rõ xuất xứ "bắp cải xoăn Úc".

Hóa ra, nó toàn là rau nhập khẩu, rau Organic, lúc nào giá cũng đã cao ngất so với rau nội địa rồi.
Hỏi các anh chị bên Mỹ đang ăn sầu riêng đông lạnh giá bao nhiêu một ký ? Các anh chị ở Nhật đang ăn vải thiều Thanh Hà bao nhiêu một quả ? Chuối bao nhiêu một nải ?

Bên xứ lạnh, táo trồng đầy vườn để chín rụng, chim không thèm ăn nhưng về xứ nóng, nó được cẩn thận nâng niu, bán giá bét nhất gần trăm ngàn 1 ký. Cherry về Việt Nam thành món đắt tiền giá 500 ngàn đồng/ký, mua nửa cân về ba mẹ nhường con, con nhường ông bà.

Để mục sở thị, trong buổi tối cuối cùng trước ngày phong tỏa, tôi cũng đi siêu thị xem sao.

Tôi đi siêu thị ở trên đường Cống Quỳnh quận 3. Siêu thị này ở trung tâm, ngày thường cũng đã rất đông. Hôm nay lối vào chuyển vào bãi xe phía sau, rất rộng. Khách được xếp thành bốn hàng dọc, ngăn cách bằng dây giăng. Có ghế nhưng không ai ngồi. Nay là đêm cuối, nên hầu hết xếp hàng vô siêu thị giờ muộn này là những người trẻ, nhiều người còn đeo ba lô, chắc từ chỗ làm về đi thẳng tới đây.

Xung quanh có nhiều bàn đặt rải rác để sẵn bút, xấp giấy khai báo y tế cùng mã QR code để khai báo điện tử. Đếm thử, mỗi hàng xếp khoảng 15-20 người, tổng cộng khoảng 100 người  cùng lúc. Khi có khách ra khỏi siêu thị thì bảo vệ mới cho đợt mới vào, mỗi lần tám người cho bốn hàng. Mọi người tự động xếp hàng rất trật tự, không ai tỏ vẻ nôn nóng hay lo lắng.

Khai báo điện tử xong độ vài phút, tôi vô xếp hàng.

Nhìn đồng hồ, 19g34.  Gần nửa tiếng sau, lúc 19g56 thì đến lượt tôi được vào.

Như rất nhiều người, tôi tiến thẳng đến quầy rau. Rau trên quầy hầu như đã hết sạch, chỉ còn bắp cải, cà chua, xà lách, khoai tây, su su, năm sáu loại rau thơm, hẹ, ớt. Mộ thanh niên cao lớn mặc đồng phục Grab xách giỏ vào, cầm điện thoại nghe loáng thoáng : "Hành lá… hết rồi em. Rau cải ngọt… hết rồi em". Đây là dịch vụ đi chợ giùm, các ứng dụng xe công nghệ này mới phát triển gần đây và rất được chuộng, vì nếu có mã giảm giá hay miễn ship thì rất tiện và rẻ.

Lượn qua lượn lại, tôi mua được đủ lượng rau ăn trong khoảng 1 tuần. Su su tươi xanh giá 22.000 đ/ký. Bí đỏ 16.000 đ/ký. Hẹ 45.000 đ/ký. Kẹt quá không đi mua rau được thì ngâm đậu xanh làm giá là có món giá hẹ xào ngon lành rồi.

Lúc tôi ra cân rau vào khoảng 20g15 thì nhân viên siêu thị vẫn đang tiếp tục chuyển cà chua và bắp cải tươi roi rói ra, bày kín cả quầy.

Bên quầy thịt tươi không còn miếng nào. Trứng càng không. Hôm qua ở tiệm tạp hóa gần nhà tôi người ta cũng lùng mua trứng nhưng hết sạch, cô bán hàng đều hẹn lại một ngày. "Dễ ăn, chiên xào kho hấp luộc gì cũng được nên người ta mua nhiều" - cô giải thích. Dĩ nhiên, bảo quản cũng dễ và rẻ.

Nhưng cá tươi, đậu hũ và các món chế biến sẵn vẫn đầy ắp : xúc xích, ba rọi xông khói, dồi tươi, nem chả các loại, mắm chưng... Trong các tủ đông, cá nội địa và nhập khẩu, tôm mực, nem chạo… chẳng thiếu thứ gì. Mì gói vơi đi vài khoảng bằng cái thúng. Nhìn vào giỏ hàng của những người trẻ trẻ, tôi thấy họ chọn yaourt và sữa tươi các loại là chủ yếu.

Trong suốt thời gian ở siêu thị, loa phóng thanh nhắc đi nhắc lại liên tục : "Từ ngày mai (tức 09/7) siêu thị mở cửa từ 6g sáng đến 24 giờ để phục vụ bà con…". Ngày thường siêu thị chỉ mở từ 7-8 giờ sáng đến 10 giờ đêm thôi.

Sáng nay 09/7, vừa lên mạng đã thấy bà con khoe hàng mới đi mua ở siêu thị về, cá thịt tươi đầy đủ, rau ngồn ngộn. Đương nhiên cũng có người khoe ảnh chụp quầy kệ trống trơn, không biết hết hàng từ sớm hay chưa nhập kịp.

chong6

Đường phố Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/7/2021, ngày đầu thực hiện phong tỏa do dịch bệnh. Hình AFP

Dân Sài Gòn vốn năng động, chớp thời cơ rất lẹ. Hai tuần qua gần nhà tôi đã có mấy điểm bán rau củ tự phát, bán đủ thứ. Tới chiều qua thì giá mắc hơn ngày thường như cải ngọt 35.000 đ/ký (ngày thường khoảng 25.000 đ/kg). Do tâm lý tích trữ và cả sự thiếu thông tin, cho rằng sẽ hoàn toàn không được ra đường nên chiều qua người ta ghé xe vô mua nhiều vượt bậc. Ai cũng mua đến cả chục ký rau các loại, chở túi lỉnh kỉnh. Người ít nhất cũng cỡ năm ký.

Các tiệm bánh mì ngày thường vốn bán lai rai, ít khi có cảnh vòng trong vòng ngoài, cũng bán vòng trong vòng ngoài. Người ta mua hàng túi khoảng 5, 10 chiếc bánh mì không nhân, loại lớn.

Các bà dì nhanh nhạy gói bánh tét, bánh ú tro và chả lụa bán la liệt, hết nhanh như cuồng phong. Phần vì ngày đầu tiên phong tỏa trúng vô ngày 30 âm lịch, dân mua bánh chay về cúng. Còn bánh tét chả lụa để dành.

Mấy đứa nhỏ trong công ty tôi thì rủ nhau qua chợ sỉ mua hoa, về chưng trong hai tuần cách ly cho đỡ buồn.

Cái không khí mua sắm hừng hực, đám đông người (đông hơn hẳn mấy ngày trước đó) chạy ngược chạy xuôi tíu tít, xe ba gác máy chở hàng phóng rầm rầm… làm Sài Gòn giống như không phải đang trải qua cơn đại dịch mà là đang… chuẩn bị ăn tết.

Trên trang mạng Facebook, nhiều người chỉ nhau mua rau ở đâu cho rẻ, hay gộp nhóm gần nhà mua chung cho đỡ tiền ship. Có người than vãn giá trứng lên 100 ngàn đồng/chục, hay rau bán sa cạ giá 50 ngàn đồng/ký (ngày thường khoảng 20 ngàn-25 ngàn đồng), nhưng cũng rất nhiều người cho hay ở các quận ngoại thành như Hóc Môn, Bình Tân, Tân Phú, rau vẫn nhiều, xanh mướt chợ, giá không xê xích bao lăm.

Và không ít các quảng cáo bán rau như thế này:

chong7

Kể nhanh vài dòng cho bà con đang ở bên ngoài và lo lắng cho Sài Gòn bị đói, thiếu thực phẩm. Dạ, đang là đại dịch nên tất nhiên không có gì như bình thường cả. Người phải ở yên trong nhà, ra đường phải có giấy thông hành. Lơ mơ ăn phạt vài triệu.

Nhưng điện nước vẫn đầy đủ không bị cúp, gạo mắm rau củ quả thịt cá vẫn đầy nhóc. Giấy vệ sinh không thiếu cuộn nào. Các nhóm từ thiện vẫn phát phần ăn cho các khu phong tỏa, xóm lao động quá nghèo.

Người bệnh có bệnh viện dã chiến.

Sài Gòn vẫn ổn, vẫn bình tĩnh sống, như đã từng sống vững chãi qua nhiều cơn binh lửa trước đây. Bà con yên tâm.

Dân Sài Gòn

Nguồn : RFA, 09/07/2021

Tham khảo :

https://tuoitre.vn/emart-khang-dinh-khong-ban-bap-cai-viet-nam-gia-250000-dong-kg-20210709143808325.htm?fbclid=IwAR1MLRuesgBuH2ZmzgrE5IcCc1DQujQxMWBLdJe4IAf8svk0L9VLJyad_cQ

https://tuoitre.vn/tp-hcm-cua-hang-tap-hoa-ban-hang-thiet-yeu-duoc-hoat-dong-con-lai-ngung-20210708185734519.htm

https://www.phunuonline.com.vn/so-cong-thuong-giai-thich-vi-sao-tinh-hinh-cung-ung-hang-hoa-gap-kho-khan-a1439536.html

https://nongsan.congthuong.hochiminhcity.gov.vn/collections/sieu-thi-nhieu-mat-hang

https://www.facebook.com/groups/202228168295822

**********************

Dịch Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh làm lộ rõ điểm yếu trong hệ thống chống dịch của Việt Nam

Cao Nguyên, RFA, 08/07/2021

Trong đợt bùng phát dịch bệnh thứ tư ở Việt Nam từ ngày 27/4/2021 cho đến nay, chính quyền Việt Nam đã ban hành nhiều quy định, chính sách chống dịch gây tranh cãi, không những chưa khống chế được dịch mà còn làm tăng rủi ro lây lan nguồn lây bệnh. Một chuyên gia ngành Sinh học nói đợt dịch lần này cho thấy nhiều điểm yếu kém, lộn xộn, lúng túng trong công tác chống dịch của chính quyền Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

chong8

Dân phòng đứng canh tại một điểm cách ly ở Thành phố Hồ Chí Minh trong đợt dịch Covid-19 thứ tư - HCDC

Các chính sách bộc lộ sự lúng túng

Nhiều quy định, chính sách được ban hành một cách đột ngột, cứng nhắc mà không nghĩ đến hậu quả người dân phải chịu. Điển hình là quy định có giấy xét nghiệm âm tính mới được ra vào các tỉnh ; đóng hầu hết các chợ truyền thống, chỉ mở cửa siêu thị ; hay con nít thuộc diện F1 cũng phải đi cách ly một mình.

Một tiến sĩ chuyên ngành sinh học yêu cầu được giấu tên nói rằng chính sách chống dịch như trên thể hiện rõ sự rối rắm, yếu kém của hệ thống chống dịch Thành phố Hồ Chí Minh. Những phương pháp chống dịch này "chắc chỉ có ở Việt Nam" :

"Yêu cầu có giấy xét nghiệm để thông hành thì mình thấy rất buồn cười. Cứ nhìn hình ảnh người dân đổ xô đi xét nghiệm thì nguy cơ rất cao ở các khu xét nghiệm và cái chuyện xét nghiệm để được thông hành ở trong một nước là chuyện rất vô lý và hơn nữa là gây rất nhiều phiền hà.

Ngay cả ở Hàn Quốc có xét nghiệm diện rộng thì họ cũng chỉ xét nghiệm đối với những trường hợp có dấu hiệu, còn đây là bắt buộc xét nghiệm trước khi di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác thì chắc chỉ có mỗi ở Việt Nam thôi. Sao ai mà đưa ra chính sách vớ vẩn thế !"

Từ ngày 5/7, nhiều tỉnh thành như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre… yêu cầu người dân đến từ vùng dịch phải có giấy xét nghiệm âm tính dưới bảy ngày để được đi vào các tỉnh này. Quy định trên khiến cho hàng ngàn người có nhu cầu đi lại phải chen chúc nhau tại các trung tâm xét nghiệm nhanh để có được tấm "giấy thông hành".

chong9

Một khu cách ly y tế do dịch bệnh Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021. HCDC

Hiện nay, hầu hết các chợ truyền thống tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đóng cửa, ngừng hoạt động, mà theo lãnh đạo thành phố, là để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Vị tiến sĩ giấu tên nói đây là một chính sách hoàn toàn phản khoa học, vì người dân sẽ dồn vào các siêu thị để mua thực phẩm, càng làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng :

"Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu đóng cửa các chợ truyền thống mà lại mở cửa các siêu thị là đi ngược lại với các nguyên tắc của chống dịch. Bởi vì các chợ truyền thống ở ngoài trời có nghĩa là nguy cơ lây nhiễm thấp hơn rất nhiều so với ở siêu thị.

Con vi-rút này cần những điều kiện để lây nhiễm là khoảng cách tiếp xúc, thứ hai là trong phòng kín và thứ ba là nhiệt độ lạnh ít gió. Và trong siêu thị thì nó đầy đủ các yếu tố này. Mình đang làm ngược lại và phản khoa học.

Còn đối với các bạn nhỏ năm tuổi mà đi cách ly tập trung thì phải tính đến những ảnh hưởng về tâm lý. Mặc dù ở giai đoạn đầu tiên, em bé có thể thoải mái tự tin, nhưng mà trẻ em thì cảm xúc của nó không được ổn định như người lớn. Đến khi đối diện với 15 ngày ở trong bệnh viện thì không phải là chuyện dễ đối với tâm lý của trẻ con. Cho nên, cá nhân tôi phản đối những việc đấy".

Chốt lại, bà nói, hiện giờ nhiều nước trên Thế giới đã bắt đầu ổn định trở lại. Trong khi đó, Việt Nam thì loạn hết lên, tình hình ngày càng trầm trọng vì những quy định chống dịch không hiệu quả :

"Chỉ có Việt Nam mình, bây giờ trong khi cả thế giới đã bước vào giai đoạn ổn định, thì mình lại bấn loạn lên. Như thế sẽ rất ảnh hưởng đến kinh tế".

Dân "lao đao" vì cách chống dịch rối mù

Trong đợt bùng phát dịch lần này, các khu dân cư bị phong toả, giăng dây, các chốt kiểm dịch mọc lên khắp nơi trong thành phố. Toàn dân được tuyên truyền rằng "Ở nhà là yêu nước". Không ra đường đồng nghĩa với chuyện những người lao động tự do, lao động tay chân coi như không có thu nhập.

Chính quyền liên tục ban hành nhiều quy định mới, bất ngờ mà không cần biết tới mức độ ảnh hưởng đến sức khoẻ, cuộc sống và công ăn việc làm và nhu cầu cần thiết của người dân như thế nào.

Mạng báo Tiền Phong dẫn lời một người tên Hùng nhà ở Đồng Nai nhưng hàng ngày làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ khi có quy định về phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, ông Hùng phải xếp hàng từ sáng sớm vài tiếng đồng hồ để được xét nghiệm, rồi đợi gần ba tiếng sau có kết quả. Như vậy, để có được tấm "giấy thông hành" vào Thành phố Hồ Chí Minh làm việc, ông phải mất gần một ngày làm việc. Chưa kể bảy ngày sau là giấy xét nghiệm hết giá trị, phải làm lại từ đầu. Mỗi lần như vậy tốn từ 200 đến 450 ngàn đồng.

chong10

Xét nhiệm Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh. HCDC

Với chính sách đóng cửa chợ truyền thống, ông H, một tiểu thương ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với đài RFA rằng chính quyền thông báo chợ ngưng hoạt động cách đây khoảng gần 10 ngày và áp dụng ngay. Cho đến nay vẫn chưa thấy thông báo sẽ được hỗ trợ gì cho những người bị mất việc làm :

"Chưa bao giờ khó khăn như bây giờ. Chợ không được bán mua, không được hỗ trợ gì mà còn bị xin thêm tiền. Tiền quỹ COVID, rồi tiền đóng góp cho Mặt trận Tổ quốc cho người nghèo. Nó tới gõ cửa từng nhà luôn đó !"

Chiều 7/7, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16, trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 9/7. Theo đó, người dân không được tụ tập quá hai người, chỉ được ra ngoài khi thật sự cần thiết, không được di chuyển qua các tỉnh thành khác…

Cũng trong chiều cùng ngày, Bộ Lao động, thương binh và xã hội tổ chức họp báo công bố quyết định của Thủ tướng về việc thực hiện giải ngân từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Lao động tự do sẽ được hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu/người/lần, hoặc 50.000 đồng/người/ngày theo số ngày thực tế tạm dừng hoạt động. Chậm nhất từ 7-10 ngày tới, người dân sẽ nhận được tiền.

Hồi năm ngoái, Chính phủ phê duyệt gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến cuối tháng 5/2021, báo Tiền Phong dẫn báo cáo từ Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết, gói này chỉ giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng, tương đương hơn 22% dự kiến ban đầu.

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 08/07/2021

*********************

Sài Gòn, đóng chợ và hoảng sợ

Người Tân Định, VNTB, 07/07/2021

Dịch covid-19 bắt đầu lan rộng từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương ra toàn quốc và Sài Gòn nay là điểm nóng nhất với số người bệnh cao nhất, nhiều người từng xem trận dịch này như sự đe dọa từ xa không dính gì đến họ, hoặc tin vào khả năng dập dịch nhanh chóng của nhà nước thì bây giờ thật sự hoảng sợ.

chong11

Có lẽ đợt dịch thứ 4 này đã đến lúc đánh dấu chấm hết cho sự may mắn của chính phủ Việt Nam trong ba lần trước…

Thông tin từ Ban quản lý chợ Tân Định (Q.1, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết chợ bắt đầu đóng cửa cách ly theo quy định trong vòng 14 ngày, bắt đầu từ ngày 4/7 do có người bán hàng tại chợ dương tính với Covid-19. Chợ đầu mối Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh) tiếp tục tạm dừng các hoạt động, đóng cửa thêm 11 ngày so với kế hoạch đóng cửa trước đó là từ ngày 28/6 đến 4/7.

Chợ Tân Định, quận Nhất Sài Gòn, nằm trên đường Hai bà Trưng là nơi quen thuộc với người viết bài này từ ngày biết theo mẹ đi chợ. Những hàng quán sạch sẽ trong chợ với lối đi rộng rãi dần dần biến mất, nhường vào đó là những lối chật hẹp có khi phải lách mình qua tránh đụng phải hàng hóa bạn hàng kê chật hai bên lối đi với rất nhiều thứ để bán chất đống cao, có khi phải bước qua người bán hàng nằm co ro trên sàn chợ vào buổi trưa vắng khách. Rất chật chội, bí hơi và nóng nực. Khách vào chợ sẽ cảm thấy ngột ngạt, đổ mồ hôi sau ít phút, vệ sinh nơi khu ẩm thực ăn uống trong và ngoài bìa chợ đều không bảo đảm. Tình trang của hầu hết các chợ khác cũng vậy.

Việc đóng cửa chợ cho đến ngày 18 tháng 7 ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng ngàn chủ tiểu thương trong chợ, và hoang mang cho cả vùng Tân Định, nhà chức trách đã lập danh sách hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trên toàn tuyến đường Mã Lộ, đường Nguyễn Văn Nghĩa và trong nhà lồng chợ Tân Định, những người có tiếp xúc, trao đổi mua bán với chủ sạp 145 bị dương tính bệnh dịch covid-19 và thông báo về nơi cư trú để xét nghiệm y tế và gửi kết quả xét nghiệm về ban quản lý chợ.

Theo cách truy tìm đến cùng các F0, F1 của Việt Nam, ngoài bạn hàng tại chợ Tân Định, những người buôn bán tại chợ Bình Điền nơi vợ chồng chủ sạp buôn cá và dân chúng ngụ tại ấp Tân Thạnh, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, nơi cư trú của hai người này, cũng phải xét nghiệm. Sáng 6 tháng 7 chợ Bình Điền nợi hoạt động buôn bán của khoảng 20 ngàn tiểu thương đã bị đóng cửa, Hàng hóa trong chợ phải chuyển ra chậm nhất là 8 giờ tối. Cùng ngày chợ Nhị Thiên Đường quận 8, chợ Xã Tây quận 5 cũng bị đóng cửa.

Không chỉ chợ Tân Định, Hóc Môn, hay những chợ kể trên, chợ búa Sài Gòn gần như bị đóng cửa hầu hết. Đi từ chợ Xóm Mới, Gò Vấp, Hạnh Thông Tây qua các chợ Thủ Đức, chợ Bến Thành. Chợ Dân Sinh 104 Yersin Q1, chợ Phạm Thế Hiển… đều thấy tứ bề bị căng dây, chận ngõ.

Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện việc đóng của chợ rất nhanh nhờ ban quản lý chợ, lực lượng dân phòng, công an phường. Khi phát hiện có người trong chợ bị dương tính covid-19, lệnh khẩn cấp ban ra, lập tức các ngõ ra, vào chợ bị chặn lại, hàng rào được dựng nên, mọi người hốt hoảng nhốn nháo. Trừ những sạp cố định trong chợ không thể di chuyển, tất cả những người buôn thúng, bán mẹt, bán hàng rong trên xe trong chợ vội vàng di tản sang lề các con đường trước chợ. Họ có thể bán tại đó cho đến khi bị chủ nhà hay dân phòng, công an đuổi. Trường hợp họ chẳng may bị lây nhiễm trong chợ thì không loại trừ họ có thể lây lan qua người khác, bạn bè, người quen, gia đình, người mua hàng và ngay cả người nhà họ đậu nhờ để bán hàng, cho đến khi họ bị phát hiện âm tính covid thì đã quá trễ cho những người từng tiếp xúc. Họ không thể xét nghiệm có mắc bệnh hay không vì chi phí rất cao.

Rất nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu xét nghiệm Covid-19 tự nguyện nhưng không biết đến đâu, chi phí bao nhiêu. Đại diện Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện nay bảo hiểm y tế chưa thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 tầm soát diện rộng ngoài cộng đồng, chỉ thanh toán cho những bệnh nhân nhập viện có chỉ định theo quy định của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đề nghị áp dụng mức giá của dịch vụ xét nghiệm Covid-19 đối với trường hợp xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR :  734.000 đồng/mẫu. Xét nghiệm test nhanh giá tối đa 238.000 đồng/mẫu. Tuy nhiên có bệnh viện lấy giá đắt hơn, như Bệnh viện Quân Y 175 cho biết bệnh viện này triển khai thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu, giá test nhanh 350.000 đồng/mẫu và xét nghiệm PCR có giá 734.000 đồng/mẫu. Với giá này khó lòng cho người lao động có thể tự đi xét nghiệm

Tổng hợp tin tức trên các tờ báo chính thức tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy nhiều bệnh viện tư triển khai xét nghiệm Covid-19 (test nhanh và PCR) tự nguyện cho người dân có giá từ 2 đến 4 triệu đồng/mẫu. Bệnh viện Quân dân y miền Đông test nhanh Covid-19 theo yêu cầu với giá 238.000 đồng, không xét nghiệm PCR và ưu tiên các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ sau khi sàng lọc tại bệnh viện. Tuy nhiên, do rất nhiều người đến bệnh viện test nhanh Covid-19 nên bệnh viện đã thông báo hạn chế tiếp nhận để tránh tình trạng tập trung đông người. Không ít bệnh viện, như bệnh viện Quân Y 175, bắt tất cả người bệnh cũng như thân nhân đến khám và điều trị nội trú tại đây phải test nhanh để ngăn Covid-19 lây vào bệnh viện.

Chỉ có 5 nhóm người được xét nghiệm Covid-19 miễn phí

Theo nội dung công văn số 5028/BYT-KHTC của Bộ Y tế về việc hướng dẫn nguồn kinh phí chi trả cho xét nghiệm virus SARS-CoV-2, đó là bệnh nhân nội trú ; người bệnh ngoại trú sau khi có quyết định chuyển vào điều trị nội trú ; cán bộ, nhân viên y tế, người lao động tại cơ sở khám, chữa bệnh ; người chăm sóc bệnh nhân được cơ sở y tế đồng ý cho ở lại ; người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã hoàn thành thời gian cách ly y tế theo quy định nhưng thuộc các nhóm nêu trên.

Chi phí xét nghiệm Covid-19 được chi trả dựa trên 2 nguồn là quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước. Quỹ bảo hiểm y tế chi trả với những người có thẻ bảo hiểm y tế. Một giám đốc bệnh viện công ở Saigon cho biết lúc này bệnh viện cũng khá lúng túng khi có nhiều đơn vị, cá nhân muốn được làm xét nghiệm PCR để có thể di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến vùng khác nhưng bệnh viện công chưa thực hiện được.

Facebooker Nguyễn Thị Thanh Hoa viết : Bộ rapid test nước ngoài họ bán đại trà, giá tầm 20K, để dân tự test.

Việt Nam thì không bán mà bắt dân vô cơ sở Y tế test với mức phí 300k/1 lần (có chỗ cao hơn gấp đôi, gấp rưỡi).

Mà ai cũng sợ đói nên chấp nhận mất phí. Nghiệt cái là cái giấy thông hành âm tính ấy chỉ có giá trị 3 ngày – 5 ngày thôi, tùy địa phương (thực tế chỉ có giá trị ngay thời điểm xét nghiệm thôi, vì nó là virus mà !).

Nghĩa là dân nghèo cứ phải xét nghiệm liên tục nếu ko muốn đứt bữa.

Nghĩa là những đồng tiền còm cõi cuối cùng của dân nghèo cứ tự động chảy vào túi của ai đó.

Lợi dụng vào sự bần cùng của dân nghèo là một sự tán tận lương tâm.

Thiếu nơi xét nghiệm, và tiền xét nghiệm quá cao, cho nên người dân không dám đi xét nghiệm khi cảm thấy chưa cần. Hình ảnh hàng trăm, hàng ngàn người sợ hãi, chen chúc chồng lấn lên nhau để lấy đơn xét nghiệm tại các địa điểm xét nghiệm khị họ được yêu cầu là chuyện thường thấy trên báo chí. Ngày 5 tháng 7 báo Sài Gòn Giải Phóng chạy video clip cho biết tại Long An, người dân chen chúc xin làm xét nghiệm đánh nhau khiến 2 người chết. Bản tin và video này đã bị gỡ xuống,

Tình trạng dịch covid 19 lan rộng và nhanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và trên toàn quốc vào đợt thứ 4 này, cộng với sự luống cuống lo sợ của chính quyền làm người dân thật sự hoảng sợ. Có lẽ đợt dịch thứ 4 này đã đến lúc đánh dấu chấm hết cho sự may mắn của chính phủ Việt Nam trong ba lần trước như tờ New York Times đã nói cuối tháng 6 vừa qua.

Được biết Việt Nam  với khoảng 2% dân số được tiêm ngừa covid-19 là nước có tỷ lệ tiêm phòng  thấp nhất khu vực Đông Nam Á.

Người Tân Định

Nguồn : VNTB, 07/07/2021