Trở ngại của dân chủ là văn hóa nhân sĩ (Việt Hoàng)

Cuộc tranh đấu này không yêu cầu trí thức Việt Nam phải hy sinh thân mình, xông pha nơi hòm tên mũi đạn, vào tù ra tội hay bày tỏ sự dũng cảm trong các phiên tòa do chính quyền dàn dựng mà chỉ cần trí thức dũng cảm với...chính bản thân mình. Sự dũng cảm đó là tôn trọng sự thật, lẽ phải và can đảm xét lại những giá trị cũ đã lỗi thời như danh tiếng hay những hào quang phù phiếm, vô nghĩa để ủng hộ cho những gì đúng đắn, nhân bản và văn minh. Trí thức phải vượt lên chính mình và lịch sử để trở thành người tự do, tự kiến tạo tương lai cho mình và cho cả dân tộc.


Suốt dòng lịch sử của Việt Nam, các triều đại phong kiến bị thay thế đều do các đại thần phản nghịch, võ tướng hay anh hùng hảo hán chủ trương và lật đổ. Chưa bao giờ giới sĩ phu (trí thức) có vai trò chủ động hay khởi xướng các cuộc thay đổi đó. Lịch sử (do bên thắng cuộc) viết lại đều có nội dung giống nhau là triều đại bị phế truất rất xấu xa, tàn ác và đáng bị lật đổ để thay thế bởi một triều đại mới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên sự thật không phải hoàn toàn như vậy, triều đại mới cũng hành xử giống hệt như cũ và không có ai chính nghĩa hơn ai mà chỉ giản dị “thắng làm vua, thua làm giặc”.

Đảng cộng sản Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Sau khi tổ chức thành công cuộc nổi dậy giành chính quyền hồi tháng 8 năm 1945 thì họ cũng viết vào sách lịch sử và gọi sự kiện này là “cướp chính quyền”. Những gì xảy ra sau đó đến giờ đã cho chúng ta thấy rõ sự thật là Đảng cộng sản làm cuộc cách mạng đó là vì họ và cho họ chứ không phải cho người dân. Đảng cộng sản chỉ thay thế ách cai trị của thực dân Pháp bằng sự cai trị của họ, thậm chí còn dã man và hà khắc hơn. Đảng cộng sản xem họ như là một đội quân chiếm đóng người bản xứ chứ không xem mình là một thành phần của dân tộc Việt Nam. Khoảng 3 triệu đảng viên cộng sản còn đương chức nắm giữ toàn bộ quyền lực chính trị, kinh tế, văn hóa, tài nguyên của đất nước. Họ có suy nghĩ và lối sống hoàn toàn khác với 95 triệu người Việt Nam còn lại.

Việt Nam ngày nay dù có đủ mọi phương tiện hiện đại của thế giới như ô tô, điện thoại thông minh, mạng xã hội nhưng về chính trị thì đất nước ta vẫn đang ở thế kỷ 19. Các quyền tự do căn bản của công dân vẫn chưa có, mọi chỉ trích chính quyền đều bị trừng phạt với các bản án lên đến hàng chục năm tù. Câu hỏi chất vấn lương tâm của những người Việt Nam có hiểu biết là tại sao một chế độ phong kiến cải biên tồi dở, lạc hậu và kém cỏi như Đảng cộng sản vẫn còn tồn tại và kéo dài đến ngày hôm nay? Câu trả lời có nhiều, tùy theo mỗi người. Trong bài viết này tôi đưa ra câu trả lời là chúng ta vẫn chưa thoát ra được khỏi văn hóa tranh đấu nhân sĩ đã đeo bám chúng ta suốt chiều dài lịch sử.

vh-1

Người Việt Nam chúng ta vẫn chưa thoát khỏi văn hóa nhân sĩ đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Một trường học ở Hà Nam, Trung Quốc bắt học sinh quì bái Khổng tử.

Nếu theo cách lý luận thông thường thì các chế độ không hợp lòng dân, tham lam độc ác ắt bị đào thải bởi một lực lượng tiến bộ hơn. Vậy tại sao Đảng cộng sản chưa bị thay thế? Câu trả lời là thế giới đã thay đổi nhưng văn hóa tranh đấu của người Việt Nam vẫn không thay đổi. Thời kỳ của những minh quân hay anh hùng áo vải, phất ngọn cờ đào đứng lên kêu gọi khởi nghĩa đã đi qua. Phương pháp đấu tranh vũ trang cũng đã hết thời. Cuộc tranh đấu ngày hôm nay rất khác và rất mới, nó chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam. Cuộc tranh đấu này không nhằm lật đổ chế độ để giành chính quyền hay thay thế chế độ này bằng một chế độ khác cũng na ná như vậy. Cuộc đấu tranh này là để mở ra một trang sử mới cho dân tộc: Trang sử của dân chủ, tự do và nhân phẩm cho mọi người Việt Nam. Những người làm chính trị trong tương lai không còn là tầng lớp quan lại đè đầu cưỡi cổ người dân mà là những người phục vụ cho một lý tưởng đẹp và quảng đại, là những người có đạo đức và kiến thức được người dân bầu chọn để lãnh đạo và điều hành đất nước.

Chính vì sự khác biệt đó mà cuộc cách mạng này bắt buộc phải do trí thức lãnh đạo và hướng dẫn. Phong trào dân chủ Việt Nam đang bị tắc nghẽn ở điểm này. Trí thức Việt Nam trong suốt dòng lịch sử luôn luôn là công cụ của chính quyền. Các sĩ phu ngày trước chỉ cố gắng tự mình học hỏi rồi đi thi, được đỗ đạt làm quan và được phục vụ cho các ông vua bà chúa. Họ không có văn hóa đấu tranh thay đổi chính quyền để thay đổi xã hội, mục tiêu của họ chỉ là làm thế nào để có danh giá và có địa vị xã hội cao hơn người khác. Do đó họ không thấy sự cần thiết phải kết hợp với nhau thành tổ chức để có sức mạnh của tổ chức, điều kiện bắt buộc để có thể đương đầu với chính quyền và áp đặt sự thay đổi.

Lối đấu tranh hiện nay của trí thức Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi văn hóa tranh đấu cũ, đó là lối đấu tranh theo kiểu nhân sĩ. "Nhân sĩ" là một khái niệm của Nho giáo để chỉ những người "kẻ sĩ", nghĩa là những người có học, có chút tiếng tăm. Hoạt động chính trị kiểu nhân sĩ nghĩa là hoạt động với tư cách cá nhân, thỉnh thoảng ký tên vào một kiến nghị hay tham gia một hành động nhất thời chứ không dấn thân vào một tổ chức nào. Mục tiêu của các nhân sĩ là xây dựng uy tín cá nhân cho mình rồi chờ cơ hội để nắm hay tham gia vào chính quyền. Phương pháp hay văn hóa dấn thân của các nhân sĩ là “giải pháp cá nhân”. Họ chỉ lên tiếng trước những bất công của xã hội chứ không tìm cách giải quyết những bất công đó. Văn hóa nhân sĩ trái ngược với văn hóa tổ chức.

Ông Nguyễn Gia Kiểng từng nhận định, lối đấu tranh nhân sĩ để lại cho trí thức Việt Nam hai thương tật: Một là coi hoạt động chính trị là để làm quan, là tranh giành công danh cho riêng mình, bằng cố gắng cá nhân. Hai là tâm lý phục tùng chính quyền thay vì đấu tranh để thay đổi nó, ngay cả khi đó chỉ là một chính quyền tồi dở và thô bạo.

vh-2

Bổn phận của trí thức, ở đâu và thời nào cũng vậy đó là phải tranh đấu để thay đổi các chế độ bạo ngược và mang lại tự do dân chủ cho toàn dân.

Bổn phận của trí thức, ở đâu và thời nào cũng vậy đó là phải tranh đấu thay đổi các chế độ bạo ngược để mang lại tự do nhân phẩm cho người dân. Muốn thế thì phải có sức mạnh của một lực lượng dân chủ có đội ngũ và tầm vóc. Đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân mà luôn luôn là đấu tranh có tổ chức. Các giải pháp cá nhân đều dẫn đến bế tắc và thất bại. Thà không đấu tranh còn hơn là đấu tranh kiểu nhân sĩ. Trí thức thực sự và dấn thân không thể ngụy biện rằng không làm gì được Đảng cộng sản đâu, ai làm được gì thì làm, ai lên tiếng được gì thì lên tiếng, như thế cũng là tốt rồi, không nên đòi hỏi này nọ...Những người tranh đấu mà có suy nghĩ như vậy có lẽ là vì lý tưởng dân chủ và lòng yêu nước không mạnh. Họ chỉ lên tiếng vì tức giận với chế độ cộng sản, hay tệ hơn nữa vì muốn có chút tiếng tăm cho bản thân. Việc trí thức Việt Nam cho rằng vì dân trí thấp nên chưa thể có dân chủ cũng là ngụy biện hoặc thiếu hiểu biết. Hầu hết các nước trên thế giới có dân chủ khi đa số người dân họ vẫn còn mù chữ. Họ thiết lập được dân chủ vì trí thức họ có kiến thức và quyết tâm.

Cuộc đấu tranh dân chủ hiện nay là rất mới vì nó khác hoàn toàn các cuộc thoán đoạt hay lật đổ trong lịch sử. Chính vì mới nên cuộc cách mạng này đòi hỏi một văn hóa tranh đấu mới đó là đấu tranh có tổ chức và trong khuôn khổ của tổ chức. Muốn kết hợp hoặc tham gia vào tổ chức thì phải có văn hóa tổ chức. Văn hóa tổ chức là những kiến thức, cách suy nghĩ và hành động khiến chúng ta, một mặt hiểu tầm quan trọng của tổ chức và cảm thấy có nhu cầu sinh hoạt trong tổ chức, và mặt khác suy nghĩ và hành xử một cách phù hợp để giữ gìn và phát triển tổ chức. Văn hóa tổ chức cũng là tiêu chuẩn để đánh giá mức độ văn minh và tiến hóa của một dân tộc.

Thay đổi một chính quyền tồi dở đã là khó, thay đổi văn hóa đã ăn sâu vào tâm hồn một dân tộc lại càng khó hơn. Cuộc cách mạng dân chủ mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đề nghị đồng thời cũng là một cuộc cách mạng văn hóa. Sỡ dĩ chúng ta chưa thành công là vì chưa thay đổi được văn hóa chính trị. Cuộc tranh đấu này không yêu cầu trí thức Việt Nam phải hy sinh thân mình, xông pha nơi hòm tên mũi đạn, vào tù ra tội hay bày tỏ sự dũng cảm trong các phiên tòa do chính quyền dàn dựng mà chỉ cần trí thức dũng cảm với...chính bản thân mình. Sự dũng cảm đó là tôn trọng sự thật, lẽ phải và can đảm xét lại những giá trị cũ đã lỗi thời như danh tiếng hay những hào quang phù phiếm, vô nghĩa để ủng hộ cho những gì đúng đắn, nhân bản và văn minh. Trí thức phải vượt lên chính mình và lịch sử để trở thành người tự do, tự kiến tạo tương lai cho mình và cho cả dân tộc.

Nếu thực sự muốn đấu tranh vì dân chủ và tương lai thì trí thức Việt Nam cần học hỏi, nghiên cứu, suy nghĩ để hiểu rằng nếu không có tổ chức thì không thể nào chiến thắng được Đảng cộng sản. Việc xây dựng một tổ chức dân chủ có tầm vóc là điều bắt buộc phải làm và vô cùng khó khăn vì thế tất cả mọi người cần phải đóng góp và ủng hộ một cách nhiệt tình và chủ động. Trí thức không thể kêu gọi đoàn kết khi bản thân mình không đoàn kết, không tham gia và không ủng hộ cho tổ chức nào. Nên đoạn tuyệt với lối đấu tranh nhân sĩ và văn hóa nhân sĩ. “Đối thủ chính của cuộc vận động dân chủ không còn là chủ nghĩa cộng sản nữa, nó đã chết rồi, mà là chủ nghĩa nhân sĩ”. (1)

Việt Hoàng

(10/5/2021)

(1)  https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/21372-nhin-l-i-cu-c-v-n-d-ng-dan-ch