Nông dân trong mắt tôi (Thái Hạo)

Cái căn tính nông dân trong người trí thức Việt làm thành một hình ảnh rất kỳ dị: khôn khéo, tinh ranh mà ít trí tuệ; liều lĩnh mà ít lòng dũng khí, giữ lợi riêng mà im lặng trước các vấn đề xã hội, tranh luận thì nặng lời miệt thị. Tinh thần quý tộc là một cái gì rất xa lạ, ngay cả đối với tầng lớp nhiều chữ nhất trong xã hội Việt Nam. 


Tôi là một người nông dân cho đến tận năm 20 tuổi khi biết đến môi trường đại học và thành thị, nghĩa là tôi sinh ra ở nông thôn, sống giữa nông thôn và lớn lên thành nông dân. Sau gần 20 năm tạm thời không làm nông dân nữa thì bây giờ lại trở về làm anh nông dân. Tôi hiểu họ và thấy cần đính chính lại đôi điều.

Có những thứ đã thành tín điều mà người ta vô tư và mặc nhiên gieo vào đầu con trẻ để thành một niềm tin bất di bất dịch như sự sùng tín của tín đồ với tôn giáo của họ. Những thứ ấy nhiều vô kể, như “người nông dân hiền lành chất phác, người nông dân chịu thương chịu khó; anh em xa láng giềng gần v.v..” Có thật đúng thế không?

Tôi làm nhà rất nhiều lần, cả trong Nam ngoài Bắc (khoảng gần chục cái rồi, cả lớn nhỏ) và quan sát những người thợ xây. Họ đa phần là nông dân bỏ cuốc cầm bay. Đi muộn về sớm, làm việc cẩu thả, trốn việc như chớp, lãng phí vật liệu, câu giờ siêu hạng…Vì còn vữa nhưng sắp đến giờ nghỉ, họ nhìn quanh và đổ luôn xuống hố, phủi tay. Có người quen làm sơn nước, ngồi vô tư kể “vì nắng quá mà trưa rồi nên lén lút đổ luôn cả thùng sơn xuống bồn cầu để ra về cho kịp giờ. Họ đi đổ mố cầu, nếu không có giám sát ở bên thì thay vì trộn bê tông đúng mác thì họ sẽ đổ luôn cát đá vào mà không hề có xi măng. Họ rất lấy làm sung sướng vì thấy mình “khôn”. Những ai có xây dựng các công trình cho gia đình mà khoán công nhật cho thợ thì có thể sẽ phát điên vì cái cung cách làm ăn cẩu thả và lẩn việc của họ.

nd-1

Phần lớn những người trí thức Việt Nam bây giờ đều có một người nông dân ở trong mình. Ảnh: Chí Phèo và Thị Nở

Người nông dân Việt Nam có thật siêng năng không? Tôi không thấy thế. “Đói thì đầu gối phải bò”, nhưng vừa đỡ cơn đói thì họ ngồi trà vặt rượu nát ngay. Mỗi năm vài tháng mùa, thời gian còn lại gọi là “nông nhàn” nhưng đã suốt cả ngàn năm rồi, cơ bản họ không có sự cải tiến nào đáng kể trong lao động sản xuất; mọi thứ rất trì trệ, cũ kỹ (cho đến khi phương Tây mang kỹ thuật hiện đại vào). Hình ảnh người nông dân Việt Nam rất khác với nông dân ở nhiều nước trên thế giới, tất nhiên không phải không có những cá nhân đặc biệt, nhưng nó không làm thành một thứ “phẩm chất cộng đồng”.

Nhà tôi ngay sát cánh đồng, chưa bao giờ tôi nghe thấy người đi làm đồng hò hát gì như trong văn học nói cả, mà chủ yếu là nghe thấy tiếng chửi: chồng chửi vợ, mẹ chửi con, chung vè chửi nhau, thậm chí còn vác đòn gánh rượt nhau chạy khắp đồng. Rất ít người chung bờ ruộng mà không bất hòa, rất ít hàng xóm chung bờ rào mà không mâu thuẫn chửi gà mắng chó…

Người nông dân không “hiền lành” mà là giỏi nhịn nhục. Khi không có sức mạnh thì làm sao mà ác được! Vì thế, chỉ cần có kẻ nào yếu thế hơn thì họ lập tức sẽ bộc lộ, nhưng thường thì chủ yếu họ chỉ tìm thấy ở đó chính vợ con họ. Đánh con là thường, ngày nay đánh vợ đã ít hơn nhưng cái “bạo lực tinh thần” thì gần như vẫn còn duy trì khá nguyên vẹn.

Người Việt “duy tình”? Tôi không thấy thế. Duy cảm chứ không phải duy tình, là cảm tính chứ không phải tình cảm. Người việt không phải là trọng tình mà là trọng lợi. Người ta đi lại với nhau vì “có đi có lại”. Nếu người ta mời mình một bữa cùng hai thì được, nhưng đến bữa thứ 3 thì coi chừng, bạn có thể trở thành người xấu trong mắt họ, “thằng ấy sống bẩn”, dù là họ chủ động mời mọc rủ rê. Họ móc ví rất nhanh nhưng về nhà thì ấm ức, “thằng đó chơi không đẹp”. người ta rất dễ mâu thuẫn với nhau bởi những thứ hơn thiệt vụn vặt, thậm chí có thể vung dao về phía nhau vì con trâu lỡ ăn mất vài cây lúa.

Lấn đường, lấn ruộng, lấn đất… Khúm núm trước kẻ mạnh và ức hiếp người yếu. Văn hóa làng xã nói rằng “cố kết/đoàn kết” chứ kỳ thực không phải. Người nông dân rất chia rẽ. Nếu có trai làng khác qua tán gái làng thì họ mới “đoàn kết”, “đi chợ bênh anh em họ, đi họ bênh anh em nhà”. Cứ hễ gia đình có hiếu hỉ tang ma thì thể nào cũng cãi cự, từ mặt. Suy nghĩ thiển cẩn và lấy những cái lợi vặt vãnh làm quán xuyến trong xử thế. Nếu gọi đúng phải là “duy lợi”, không phải ‘duy tình”, lại càng không có duy lý.

Cứ đọc Nam Cao chúng ta sẽ hiểu người nông dân Việt Nam. Và cứ theo thực tế cũng như những gì ông Nam Cao đã lột tả thì những cuốn về Bản sắc văn hóa Việt Nam phải bỏ đi gần hết..

Cái căn tính nông dân trong người trí thức Việt làm thành một hình ảnh rất kỳ dị: khôn khéo, tinh ranh mà ít trí tuệ; liều lĩnh mà ít lòng dũng khí, giữ lợi riêng mà im lặng trước các vấn đề xã hội, tranh luận thì nặng lời miệt thị. Tinh thần quý tộc là một cái gì rất xa lạ, ngay cả đối với tầng lớp nhiều chữ nhất trong xã hội Việt Nam.

Không thấy bản thân mình thì không thể sửa được, cái khốn khổ là người ta lại thường chỉ thấy cái xấu ở người chứ bản thân mình thì tốt trọn. Cái khốn nạn điêu linh hơn nằm ở chỗ, phần lớn những người trí thức Việt Nam bây giờ đều có một người nông dân ở trong mình. Trong mỗi người việt không phải chỉ có một ông quan như người Pháp đã soi thấy, mà còn có luôn một ông nông dân ngự ở đó.

Nông dân là ai?

Khi tôi viết về những tật xấu của nông dân, nhiều bạn được cho/tự nhận mình là trí thức cảm thấy rằng ông bà cha mẹ tổ tiên của họ bị xúc phạm. Họ khó chịu với điều ấy.

Nói thật, tôi nói quý vị (và tôi) đó. Mỗi người chúng ta đều có một ông nông dân to đùng đang ngự trong mình. Cái nông dân mà tôi nói không phải là cái thứ mang hình hài con người có thể sờ vào được, mà là "căn tính nông dân". Chúng ta, những người lắm chữ, cứ nghĩ rằng mình không phải nông dân, kỳ thực đa số lầm.

Chúng ta nói rằng, thay vì "chửi" nông dân thì sao không đi mà chửi bọn lãnh đạo sâu mọt hại dân hại nước? Chửi đi,chửi xem nó có vì thế mà thấy nhục nhã mà từ chức hay thay đổi cái đất nước này không! Chửi chúng riết rồi sợ rằng cái hình ảnh anh Chí sẽ hiện ra lù lù trước mặt: tự chửi tự nghe.

Xã hội chỉ có thể thay đổi khi chúng ta (nông dân chính tông) thay đổi. Đừng ỉ ôi ve vuốt nỉ non nữa, uống thuốc giảm đau thế đủ rồi, giờ để cứu mạng thì phải dùng thuốc đắng, phải giải phẫu, mổ tung nó ra, dù biết rằng đau lắm.

Thay đổi từ trên xuống không phải chưa từng có kịch bản trong lịch sử thế giới, nhưng nó hi hữu và mong manh, nó không hứa hẹn gì nhiều. Chúng ta cứ ở đây mà ôm nhau thút thít để chờ bên trên mở lượng hải hà ư? Tại sao lại không dùng thời gian ấy để tự mình rửa sạch mình rồi cùng nhau làm lấy một cuộc đời mới?

Quá nhiều nước mắt, quá nhiều tiếng ồn... Nhìn cái kiểu "thương xót" nhi nữ mãi mà không phát chán lên sao?

Trước khi phá dỡ ngôi nhà xã hội để xây lại, ta cần dũng khí để phá hủy chính mình trước đã. Nó đã đông cứng quá lâu rồi.

Cái chúng ta cần bây giờ không phải chỉ là khổ đau, mà là "Một sức khổ đau dũng cảm" - Nietszche.

Thái Hạo

(13/5/2021)

Nguồn: https://www.facebook.com/profile.php?id=100023975920044